Người Buôn Gió
Giới thiệu ngắn - Chú Hiếu Buôn Gió rất giỏi triết học!
Chú đã áp dụng một quy tắc triết học rất thú vị: biết đặt câu hỏi tức là đã biết câu trả lời. Người biết nêu vấn đề tức cũng là người đã biết giao việc cho cuộc sống sớm muộn gì cũng giải quyết dần dần và trọn vẹn vấn đề đặt ra.
Chỉ có điều, Lịch sử thì dài, cuộc sống thực thì trải dài triền miên, trong khi cuộc sống cá nhân nhà triết học và những cá nhân bị đưa ra nêu thành câu hỏi thì lại ngắn.
Chính vì biết được mặt hữu hạn của cuộc sống cá nhân riêng tư, nên nhà triết học bao giờ cũng kiên nhẫn và kiên cường ngày ngày nêu câu hỏi cho Đời.
Câu hỏi của Hiếu Buôn Gió lần này quan trọng ở chỗ vạch mặt được kẻ đứng ở Thủ đô Thăng Long vái lạy sang phương Bắc. Tài năng trong câu hỏi của Gió là đi guốc vào bụng đối phương. Cái đó mới khó, chứ những chuyện thường ngày chỉ xoay quanh một chủ đề này thôi cũng đã đủ để Phế Thải kẻ vô lễ đó từ lâu rồi: viên thị trưởng một thành phố mất nhiều nắp cống nhất hành tinh.
Xin cám ơn Hiếu nhiều lần.
Phạm Toàn
Hội nghị ASEAN đã xong, bà H. Clinton đã xách cặp trở về nước, thì màn trình diễn nhân quyền cũng phải... khép lại chứ. Tiếng nói của ông Chủ tịch HN không phải do ông ấy tự nói đâu. Có sắp xếp cả đấy! Những anh đạp mặt người biểu tình đang khấp khởi có cơ hội lên lương lên chức sau “lời hiệu triệu” từ cái loa của ông Chủ tịch.
Bauxite Việt Nam
Trong bài trước trên blog này có nói đến thị trường ảm đạm của những nhà đầu tư phản đối biểu tình chống Trung Quốc. Thực tế sau hai cuộc biểu tình liên tiếp của hai ngày Chủ nhật, phía báo chí chưa thấy phản đối như mọi lần.
Nguyên nhân phân tích đã nói, sự ngang ngược của Trung Quốc đã khiến những kẻ trong nước muốn chỉ trích biểu tình phải nín thinh chờ cơ hội. Mặc dù cơ hội chỉ trích người biểu tình được lợi nhuận rất cao. Nhưng ở thời điểm này, khối kẻ cơ hội đã phải nén lòng tham vì thấy bỏ vốn là không phải lúc, dù có thu được lợi nhuận nhưng cũng bị lộ bản chất thân Tàu.
Nhưng một nhà chính khách có tầm cỡ, lão luyện như Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội đã rất tinh tế, chọn thời điểm để bộc lộ quan điểm của mình. Trong cuộc đối thoại với Hội đồng nhân dân, mặc dù trọng tâm chính là bàn thảo về kinh tế, là sự thu hút chính của các đại biểu nhân dân Hà Nội; thêm nữa là những vấn đề như ùn tắc giao thông, xây dựng, quy hoạch, môi trường là ưu tiên của các đại biểu chất vấn Ủy ban; song Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã tranh thủ lời phát biểu về các vấn đề mà các đại biểu quan tâm để trình bày cái quan tâm của riêng ông. Đó là vấn đề dân biểu tình, khiếu kiện trên địa bàn Hà Nội.
Theo như bài báo này và tin tức trên truyền hình, thì thấy trọng tâm của các đại biểu là về kinh tế, quy hoạch, giao thông. Còn trọng tâm của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo là phê phán, chỉ trích biểu tình. Bởi vậy trong bài báo này, phần trả lời về tất cả chất vấn của đại biểu chiếm diện tích bằng hoặc ít hơn lời phát biểu của Nguyễn Thế Thảo về biểu tình, khiếu kiện
.
Ở bên kia biên giới chắc chắn có những cái gật gù hài lòng vì một quan chức lớn nhất Thủ đô Việt Nam đã bày tỏ thái độ mở màn như vậy, sau một tuần im ắng của ngôn luận Việt Nam với các cuộc biểu tình. Lý do bởi loạt gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông và trên bàn hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á.
Nguyễn Thế Thảo phân tích rằng những người biểu tình, khiếu kiện là bị thế lực thù địch, cơ hội chính trị xúi giục.
Thế nhưng vị Chủ tịch này không nói đến nguyên nhân vì đâu mà dân chúng đi biểu tình, khiếu kiện. Nếu không có những nguyên nhân ấy, liệu người dân lấy động cơ nào để đi biểu tình, khiếu kiện. Đáng ra nếu đổ cho người dân đi khiếu kiện là do thế lực thù địch xúi giục như quan điểm suy diễn của ông Thảo, thì công bằng phải nói những kẻ tạo ra nguyên nhân khiến dân chúng đi biểu tình, khiếu kiện là thế lực đại thù địch.
Dù sao ông Thảo cũng rất tinh tế khi né tránh chỉ trích thẳng vào những người biểu tình chống Trung Quốc. Ông chỉ cho rằng trong số những người biểu tình chống Trung Quốc cũng có đa số người khiếu kiện đất đai. Nhưng chỉ riêng nội dung về vấn đề này chiếm nửa bài báo, át hết những phần quan tâm khác của các đại biểu. Đủ hiểu Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giữ yên cương vị hai nhiệm kỳ không phải bởi tài năng chuyên môn là hoạch định, kiến trúc mà thôi. Trái lại Nguyễn Thế Thảo còn là nhà chính trị, đầu tư rất khôn ngoan là đằng khác.
Nếu như ở thời kỳ Bắc thuộc như trước đây, có lẽ Nguyễn Thế Thảo còn có chức tước cao hơn bây giờ rất nhiều. Sinh không gặp thời như vậy, mà vẫn giữ được chức cao nhất Thủ đô thì phải nói anh hùng trong thiên hạ mấy ai được như Nguyễn Thế Thảo.
N.B.G.
Bổ sung bài đã đăng hầu bạn đọc:
Thị trường chống biểu tình năm 2012 suy thoaí trầm trọng so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù những bài viết, thái độ phản ứng biểu tình được thu lợi nhuận rất cao. Đại úy quân đội Nguyễn Văn Minh sau những bài viết chỉ trích những người biểu tình năm 2011 nay đã được phong hàm thiếu tá. Nếu tính thời gian thăng cấp như vậy, thì viết bài chống biểu tình được đánh giá cao để cân nhắc lên cấp bậc. Nếu bình thường một quân nhân chạy chọt lên chức mà quy ra tiền ở vụ này, thì rõ ràng lợi nhuận của việc phản đối, chỉ trích biểu tình là siêu lợi nhuận.
Một dân phòng thuộc quận H.K. than thở. Năm ngoái tầm này đi tăng cường ngoài hồ, được 150 nghìn của quận và thêm chút nữa bồi dưỡng của phường. Nhưng năm nay chưa thấy lệnh gọi tăng cường dù lời kêu gọi biểu tình đã xuất hiện trên mạng trước ngày 1/7 rất lâu.
Sau cuộc biểu tình vào ngày 1/7 chống sự ngang ngược khi mời thầu khai thác dầu khí trên vùng lãnh hải của Việt Nam của Trung Quốc, báo chí, đài truyền hình Hà Nội dường như không hề đả động đến việc biểu tình như năm ngoái. Chưa thấy bác hưu trí, cô công nhân vệ sinh môi trường, bà lão tập thể dục, ông già dạo Hồ Gươm... tổ trưởng dân phố... những diễn viên quần chúng năm ngoái xuất hiện trên màn hình ti vi để lên án những người biểu tình chống Trung Quốc ở Hồ Gươm.
Sở dĩ ảm đạm như vậy vì những nhà đầu tư chống biểu tình trên truyền thông không dám bỏ vốn đầu tư để viết bài, dàn dựng chống biểu tình vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện hữu trên biển Đông bằng những hành động gây hấn có ý đồ rõ ràng nhằm thôn tính biển Đông một cách nhanh chóng, thì việc phản đối tinh thần chống hành động đó đương nhiên là bị phá sản hoàn toàn. Các nhà đầu tư phản đối biểu tình chống Trung Quốc quá khôn ngoan để hiểu rằng mình chỉ có lợi, có được cân nhắc chức vụ, cấp bậc khi viết bài chỉ trích biểu tình chống TQ, mà TQ rập rình tạm dừng lại ý định thôn tính biển Đông. Lúc đó họ có cớ mà dâng công rằng đó, chỉ giữ tinh thần hữu nghị 16 chữ vàng, kiên quyết không manh động làm sứt mẻ là TQ sẽ nhân nhượng.
Nhưng việc gia tăng tàu chiến, tên lửa của TQ tại biển Đông hàng ngày là một thực tế hiển nhiên.
Đó là nguyên nhân chính khiến cho những nhà đầu tư truyền thông chống biểu tình yêu nước đã ngại ngần đắn đo chưa quyết định đầu tư. Đành đứng nhòm ngó thời cuộc, mặc dù nhiều cây bút, đạo diễn chương trình, diễn viên quần chúng đang nóng ruột chờ đợi quyết định của cấp trên.
Đến nay chỉ duy nhất một cán bộ thành đoàn TNCSHCM lấy nickname là Vuanguyen đã nóng ruột quyết định đột phá đi trước để lập công bằng bài viết có nhan đề '' Khi lợi dụng lòng yêu nước''. Cán bộ đoàn này tên là Nguyễn Hoàng Nguyên.
Một điều hiển nhiên ai cũng có thể thấy, là nhiều kẻ lợi dụng nhân danh lòng yêu nước để phán xét chủ quan về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã trục lợi rất nhiều, được cân nhắc, thăng chức. Nguyễn Hoàng Nguyên phải chăng cũng toan tính nước cờ cơ hội phê phán những cuộc biểu tình chống TQ để mong được cân nhắc như Thiếu tá Nguyễn Văn Minh. Vậy ai là kẻ lợi dụng lòng yêu nước trục lợi thì đã quá rõ ràng.
Những người biểu tình yêu nước chỉ được trại Thanh Hà, trại Lộc Hà, các trại giam ở phường, quận, đồn thăng cấp bằng số giờ giam và ngày giam. Có lẽ việc trục lợi của họ là lâu dài vì nguồn lợi nhuận của họ ở tít tận ngoài biển Đông đến đời con cháu sau này mới hưởng lợi nhuận đó, nếu việc đầu tư chống TQ đòi lại HS-TS thành công.
Mặc dù việc chống phá biểu tình yêu nước thu được siêu lợi nhuận ngay tức khắc, đến nay nhiều nhà đầu tư vẫn chỉ đứng ngoài ngắm nghía.
No comments:
Post a Comment