Thursday, July 12, 2012

Đối với Trung Quốc, Mỹ là nỗi ám ảnh duy nhất



Michael AuslinThe Diplomat, July 6, 2012 Trần Ngọc Cư dịch
 Chỉ sau một hồi vào chuyện, một ý nghĩ thầm kín thường lén vào trong các cuộc đối thoại với các đồng nhiệm Trung Quốc (TQ) về các vấn đề khu vực và toàn cầu. Dù đó là một cuộc họp với các quan chức Bộ Ngoại giao, các học giả hay những nhà phân tích chính sách, bất cứ một người Mỹ nào cũng sớm nhận ra rằng có một điều gì thiếu sót trong cuộc đối thoại.

Điều thiếu sót đó không phải là những thông tin có sẵn về các giá trị xã hội, về cơ hội, hay lợi ích chung, nhưng nói đúng ra, chúng ta nhận thấy TQ không có được một chuỗi quan hệ hữu nghị rộng lớn. Rốt cuộc, như một nhà ngoại giao châu Âu đã diễn tả với tôi, trong chính sách đối ngoại của TQ, Hoa Kỳ đã trở thành mối bận tâm chủ yếu. Sự tập trung vào một đối tượng duy nhất này (monofocus) giúp chúng ta hiểu rất nhiều về thế giới quan của TQ, nhưng đồng thời cũng cho chúng ta thấy mức độ hạn chế của Washington trong việc tạo ra một quan hệ hữu hiệu hơn với Bắc Kinh.
clip_image001
Khác với Hoa Kỳ, là quốc gia luôn luôn có một chuỗi liên minh mặc dù phức tạp nhưng vững mạnh và các quan hệ đối tác không chính thức tại châu Á kể từ những năm 1950, TQ chưa thiết lập được những quan hệ sâu sắc với bất cứ quốc gia châu Á nào. Không có một cái gì trong chính sách đối ngoại của TQ có thể sánh với quan hệ hữu nghị của Mỹ đối với Nhật Bản hay những nỗ lực của Mỹ đối với Singapore. Mặc dù người nước ngoài luôn luôn ngờ vực những ý định đích thực của Washington đối với các quốc gia đối tác tại châu Á, và đành phải chấp nhận một tương quan quyền lực bất bình đẳng nội tại giữa Mỹ và bất cứ đồng minh nào nhỏ bé hơn, nhưng người ta cũng phải nhìn nhận rằng Hoa Kỳ thường tìm kiếm một loại quan hệ dựa vào nguyên tắc hai bên đều có lợi. Mặc dù là một siêu cường (hay vì uy tín của một siêu cường), các nhà ngoại giao Mỹ có một thiên hướng cơ bản nhắm tới sự bình đẳng trong các cuộc đàm phán và các thoả ước của họ. Về phần mình, quân đội Hoa Kỳ đã trải qua nhiều thập kỷ trợ giúp huấn luyện các quân đội nước ngoài, cấp viện trợ nhân đạo, và dĩ nhiên đóng vai trò tối hậu là đảm bảo ổn định khu vực, ít ra trên mặt lý thuyết.
Chính sách đối ngoại của TQ, ít ra cho đến nay, là khác xa với Mỹ. Có một thời, TQ có lẽ đã tự coi mình là một đồng lãnh đạo (co-leader) của khối cộng sản toàn cầu, hoặc [trước đó] là trung tâm của nhóm các nước chịu ảnh hưởng Hán mãi cho đến thế kỷ 19. Hiện nay, cái nhìn đối ngoại của TQ đặt ngay trung tâm của quan hệ Mỹ-Hoa. Mọi thứ khác đều bị khúc xạ qua lăng kính ấy. Các mối quan hệ quốc tế khác đều được cân nhắc theo lợi ích của chúng với những mục tiêu của Bắc Kinh trong việc bành trướng ảnh hưởng TQ và chống lại địa vị của Mỹ, tại Đông Á lẫn các khu vực khác. Chính điều này đã ảnh hưởng lên các cuộc đối thoại với người TQ, tạo một cảm giác mất thăng bằng tri thức (intellectual vertigo) cho bất cứ một cuộc họp nào. Người ta đi đến chỗ phải nghĩ rằng TQ tự thấy mình sinh hoạt trong một khoảng không quốc tế (international vacuum), nhưng cái bình chứa bao bọc khoảng không ấy là nước Mỹ. Đánh vỡ cái bình chứa ấy tức là giải thoát TQ khỏi vòng cương tỏa nhân tạo, và sẽ cho phép nó tự động bành trướng vào các nước chung quanh, như một chất khí lan rộng khi được tháo ra tự một cái lọ.
Tất nhiên, quan điểm này không hề phủ nhận rằng Trung Quốc có những mối quan hệ hữu hiệu với một số quốc gia. Như bất cứ một nước lớn nào, TQ tùy thuộc vào các nước khác để có thị trường và coi chúng như là một nguồn nguyên liệu thô. Thương mại chiếm một vị trí rất quan trọng cho nhu cầu phát triển kinh tế liên tục của TQ, và sức mạnh kinh tế lại tạo ảnh hưởng quốc tế cho TQ.
Tuy nhiên, dù coi các đối tác thương mại là một nhu cầu, nhưng khi cần phải vẽ ra một bức tranh môi trường toàn cầu của TQ, các nhà tư tưởng và các nhà làm chính sách TQ gần như tự động coi những mối quan hệ này phụ thuộc vào cuộc cạnh tranh chính trị với Hoa Kỳ. Chúng ta có thể mường tượng những quan hệ đối ngoại này chủ yếu rơi vào ba loại, được phân biệt nhờ vai trò của chúng trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Hoa để giành ảnh hưởng khu vực hay toàn cầu. Loại thứ nhất là các quốc gia lệ thuộc (client states), chủ yếu là Bắc Hàn, nhưng cũng có thể là Sudan hoặc cho mãi gần đây, Miến Điện. Đây là những nước lệ thuộc vào TQ về viện trợ và hậu thuẫn cần thiết, nhưng cũng còn là những quốc gia trực tiếp chống lại các lợi ích của Mỹ. Như vậy theo công thức này, những quốc gia lệ thuộc đứng ở “tuyến đầu” trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Hoa, và được sử dụng để lấy mất nhiều quan tâm và năng lượng hoạch định chính sách của Mỹ. Mặc dù có thể không kiểm soát được các khách hàng Bắc Hàn của mình, nhưng Bắc Kinh ghi nhận công dụng của việc chống đỡ chế độ Kim, như trong trường hợp cung cấp vũ khí cho nhóm lãnh đạo Sudan. Một hệ phái của loại quốc gia thứ nhất này là những quốc gia không lệ thuộc vào TQ, nhưng việc chống đối các chính sách Mỹ của chúng làm chúng trở thành một mục tiêu hấp dẫn cho sự hậu thuẫn của TQ. Iran (nước cung cấp năng lượng rất cần thiết cho TQ) có lẽ đóng vai trò này phù hợp nhất, vì sự từ chối thường xuyên của Bắc Kinh trong việc hậu thuẫn những biện pháp trừng phạt quan trọng chống lại Teheran đã giúp kéo dài cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân của Iran qua nhiều năm.
Một loại quốc gia thứ hai, nằm ở một vị trí xa hơn đối với các lợi ích trực tiếp của Mỹ, là những nước mà TQ đang phát triển những quan hệ mậu dịch đặc biệt mật thiết. Rõ ràng là, những quan tâm kinh tế là động lực chính ở đây, nhưng cũng có một yếu tố của sự cạnh tranh với Hoa Kỳ xâm nhập vào trong những quan hệ kinh tế này. Ở một cấp độ, việc TQ theo đuổi những hiệp định thương mại thiếu phẩm chất (nghĩa là gạt bỏ các chuẩn mực cao về quyền công nhân, những biện pháp bảo vệ chất lượng sản phẩm cho giới tiêu thụ, quyền sở hữu trí tuệ, v.v.) được coi như là một viễn kiến về cấu trúc mậu dịch thay thế cho những quan điểm mậu dịch mà Hoa Kỳ theo đuổi. Những hiệp định thương mại với các nước châu Phi cũng được thiết kế để giành ảnh hưởng to lớn cho Bắc Kinh trên lục địa ấy, cũng như hiệp định mà TQ ký kết với ASEAN và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2010. Có một yếu tố chiến lược đối với các quan hệ mậu dịch của TQ, những quan hệ không những mang lại cho Bắc Kinh những thị trường quan trọng về kinh tế, mà cả những thành quả chính trị nữa.
Những nỗ lực đa phương có định hướng chính trị tạo nên phạm trù thứ ba của các quan hệ đối ngoại của TQ. Vì tự bản chất những quan hệ này thiếu tập trung và ít chịu loại ảnh hưởng trực tiếp mà TQ có thể áp đặt trong những quan hệ mậu dịch song phương hay thậm chí đa phương, chúng nằm ở vị trí “xa nhất” trong cuộc cạnh tranh của Bắc Kinh với Washington, nhưng những quan hệ này ngày càng có ý nghĩa. Bắc Kinh đang chơi một trò chơi dài hơi trên những diễn đàn mà nó không kiểm soát được, như Thượng đỉnh Đông Á hay Diễn đàn khu vực ASEAN. Mặc dù Bắc Kinh gặp phải sự chống đối đáng kể năm 2010 vì những lập trường quyết đoán của mình, chính phủ TQ vẫn tiếp tục nỗ lực đóng một vai trò lãnh đạo có thể ảnh hưởng lên sự phát triển của những nhóm quốc gia này và ngăn cản chúng nêu lên những vấn đề tự do, cởi mở. Mặt khác, TQ tiếp tục cam kết tôn trọng các cơ cấu thay thế của những quốc gia gần gũi về ý thức hệ (alternate mechanisms of more like-minded states), chẳng hạn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức gần như chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nhằm tạo ra cái ảo tưởng về một lực đối trọng với khối tự do không chính thức của Mỹ tại châu Á.
Dù vậy, trong cả ba loại quan hệ nói trên, không một nơi nào TQ tạo được những quan hệ hợp tác hữu hiệu đặt cơ sở trên sự tin cậy lẫn nhau hay trên ý thức cùng thực tâm chia sẻ những giá trị chung. Sự thể chỉ vì mỗi một nước (với sự dè dặt về các quan hệ kinh tế) được TQ tiếp cận từ một góc nhìn thực dụng về vai trò của nước đó trong việc củng cố thế đứng của TQ đối với Mỹ. Cái lăng kính được dùng để nhìn nước Mỹ đóng một vai trò nổi bật trong việc hình thành chiến lược đối ngoại và hoạch định chính sách của TQ. Các nước nhỏ phải được sử dụng như những con tốt trong một ván cờ to lớn hơn, nếu không chúng sẽ bị coi như vô dụng, như không quan yếu (irrelevant). Không có một ý thức nào về quan hệ bình đẳng hay thực tình chia sẻ lợi ích chung (ngoài lợi ích thương mại) có vẻ diễn ra trong chính sách đối ngoại TQ.
Điều này không có nghĩa là TQ không có những lợi ích quốc gia chính đáng hay chịu những ảnh hưởng nội bộ lên chính sách đối ngoại của mình. Nó cũng không đánh giá thấp nhu cầu tăng trưởng kinh tế và các quan hệ mậu dịch giúp phát triển kinh tế TQ. Nhưng sự biểu hiện những lợi ích và những ảnh hưởng này đã trở nên méo mó chỉ vì TQ tập trung duy nhất vào một mình Hoa Kỳ. Chắc chắn đó là cách người TQ trình bày quan điểm của mình ở những cuộc họp riêng tư hay công cộng.
Điều này hiện làm phức tạp quan hệ Mỹ-Hoa trong những cách thế không ai ngờ tới. Một là, nó ngụ ý rằng Bắc Kinh sẽ giải thích bất cứ chính sách nào của Mỹ ở trong khu vực là có mục đích nhắm vào TQ, trong ánh sáng của một tấm gương phản chiếu quan điểm của Bắc Kinh. Không một tuyên bố long trọng nào của Mỹ về những mục tiêu rộng lớn trong khu vực, về những mục đích nhân đạo hay phát triển, hay về những lợi ích an ninh chung có khả năng thuyết phục được các người đồng nhiệm TQ. Hai là, quyết tâm của Bắc Kinh trong việc sử dụng những con tốt trong ván cờ với Washington ngụ ý rằng TQ sẽ thường xuyên ném những vật cản vào an ninh khu vực hay toàn cầu. Chẳng hạn, một ban lãnh đạo ngang ngược [của một nước nhỏ thân TQ] có thể toàn toàn chặn đứng những nỗ lực của Mỹ trong việc cổ vũ dân chủ hay tập trung vào phát triển kinh tế. Sau hết, việc tập trung quan tâm của TQ vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là lý do để Bắc Kinh dồn mọi nỗ lực vào việc hiện đại hoá quân đội, nhằm đạt được mục tiêu nhiên hậu là tự do hành động, không chịu một sức ép nào từ phía Hoa Kỳ.
Tất cả những điều này dẫn đến kết luận là, những người tìm cách phát triển một quan hệ hợp tác hữu hiệu và chín chắn giữa TQ và Mỹ, một quan hệ xây dựng trên sự tin cậy lẫn nhau, có thể sẽ thất vọng. TQ sẽ tiếp tục chờ đợi thời cơ và có đủ khôn ngoan để tránh gây thù hận với các nước láng giềng. TQ có thể chỉ hợp tác với Hoa Kỳ trên những ưu tiên thấp hơn như vấn đề cướp biển, thay đổi khí hậu, và các vấn đề tương tự. Tuy nhiên, mãi cho đến lúc TQ không còn nhìn thế giới qua nỗi ám ảnh về nước Mỹ, TQ không có khả năng chấp nhận một thái độ thực sự hợp tác, một thái độ báo hiệu sự ra đời của một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Hoa.
Tiến sĩ Michael Auslin là một nhà nghiên cứu các vấn đề châu Á và an ninh tại Viện nghiên cứu chính sách American Enterprise Institute tại Washington.
M. A.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

No comments:

Post a Comment