Bảo Giang - Câu chuyện nghe ra rất lạ, nhưng thật ra là không lạ một tý nào. Đặc biệt, khi sống ở trong các nước cộng sản, người ta sẽ hiểu việc “bán đất nhà người”, được các nhà nước cộng sản quy định và thực hiện sách lược chủ yếu này ra sao. Thường thì nhà nước bán những thứ mình không có bằng “cưỡng chế” “quy hoạch” để thu tóm tài sản, bổng lộc vào tay giai cấp thống trị. Về đối ngoại, khi đủ mạnh thì đi chiếm đoạt, chế ngự, tước đoạt chủ quyền của các nước cộng sản nhỏ láng giềng. Xem ra, sách lược này là bất di bất dịch, đời đời không bao giờ thay đổi. Trừ ra là cái chết của chế độ!
Thật vậy, thời cộng sản Sô Viết chưa sụp đổ, tất cả các nước láng giềng của Liên Sô như Ba Lan, Hungary, Romania…. Nói chung là khối Đông Âu, trên danh nghĩa là những quốc gia có chủ quyền riêng biệt, nhưng thực tế, họ lại không được hành sử cái quyền có chủ quyền quốc gia của mình. Trái lại, mọi sách lược, đưòng lối của các nước này phải tuyệt đối thi hành theo chủ trương của Liên Sô đề ra. Ba Lan, Hungary, Romania muốn ngắm nghé nhìn qua tây phương (dù là mua miếng bánh mỳ) là Liên Sô tự cho mình cái quyền trịch thượng. Đưa quân đội tràn qua chiếm đóng và lập lại cái thế cộng sản thuần thành theo ý của Liên Sô. Việc làm của Liên sô, một mặt là chà đạp chủ quyền của các nước cộng sản trong khối, mặt khác là nghênh ngang thách đố cái sức mạnh và lý lẽ nhân bản của tây phương. Ta đưa quân đi chiếm đóng Ba Lan, Rumani… đấy, ai làm gì đuợc ta nào? Trước cảnh hung hãn này của Liên Sô, Tây phương đứng nhìn cho vui, và các nước cộng sản khác thì như con chuột đã nằm trong vòng tay con mèo đói.
Tuy thế, trong suốt 80 năm “môi hở răng lạnh” của cộng sản, thế giới lại không được chứng kiến cảnh “cưỡng chế” hay “quy hoạch” được Liên Sô đem ra áp dụng với Trung cộng. Và dĩ nhiên, Mao sếng Sáng cũng .. ngại, không dám đoạt chủ quyền của Liên Sô. Lý do thật dể hiểu. Cả hai tên cộng sản này đều “tám lạng nửa cân”, không bên nào khả dĩ đấm gục đối phương, nên tự nhiên là phải cắn răng lại mà giữ lấy hòa khí! Nay Liên sô đã không còn, Việt cộng không còn cách đu giây giữa Liên Sô và Trung cộng. Theo đó, việc Việt cộng bị Trung cộng tước đoạt chủ quyền chỉ là chuyện trong sớm tối! Tôi sẽ trở lại chuyện này sau.
Đó là chuyện “đối ngoại” thuộc khối cộng sản quốc tế. Phần mỗi quốc gia bị cộng sản chiếm đóng thì tự hành xử ra sao?
Từng chi tiết, từng bước nhảy vọt lớn, nhỏ trong sách lược cưỡng chế, quy hoạch, tịch thu ruộng đất tài sản của nhân nhân thuộc các nước cộng sản thế nào, tôi không nắm rõ. Có biết là biết qua báo chí mà thôi. Nhưng ở Việt Nam, không phải chỉ minh tôi biết (biết đây là nhìn tận mắt, nghe tận tai, sờ tận tay chứ không phải bằng những bài viết trên báo chí của nhà nước). Nhưng là tất cả mọi người Việt Nam đều biết rõ việc đứng ra “bán đất nhà người”, nhà nước và cán cộng xứng đáng đứng vào hàng bậc thầy trên thế giới trong nghề kiếm ăn này.
Nhắc lại, Hiệp định Geneve ký vào ngày 20-7-1954. Như một nhát dao, hơn là một định mệnh buồn thảm đã phân chia nước Việt Nam ra làm hai phần đất riêng biệt. Từ đó, hai miền của Việt Nam đã tổ chức thành hai quốc gia có chủ quyền riêng và có nền hành chánh và chế độ tự trị hoàn toàn khác nhau, đó là:
a. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Phần lãnh thổ, lãnh hải và dân số của Việt Nam ở phía bắc, từ ải Nam Quan đến bờ bắc sông Bến Hải, nằm trên vĩ tuyến 17, do Hồ chí Minh tạm thời xử lý. Việt Minh (tên gọi cộng sản VN lúc bấy giờ) đã xây dựng cơ sở, đặt các hệ thống công quyền theo chế độ cộng sản trên phần đất này và được gọi là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
b. Nước Việt Nam Cộng Hòa
Nửa phần lãnh thổ, lãnh hải và dân số của Việt Nam nằm từ phía nam bờ sông Bến Hải đến mũi Cà Mâu, do Thủ Tướng Ngô đình Diệm lãnh đạo. Tại phía nam bờ sông Bến Hải này, thủ tướng Ngô đình Diệm và quân dân miền nam đã kiến nghiệp và xây đựng đất nước theo thể chế Tự Do. Trước hết, thu hồi toàn bộ chủ quyền của đất nước từ phần lãnh thổ, đất liền, hải đảo lại cho tổ quốc từ tay của thực dân Pháp, trong đó có chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nằm cách bờ đất liền ngoài 200 hải lý. Thứ hai, bãi bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến còn di truyền tại miền nam. Từ đó, miền nam Việt Nam trong trường Quốc Tế có tên gọi chính thức là nước Việt Nam Cộng Hòa.
Trong thời phân tranh này, cả hai nước đều có tên gốc chung là Việt Nam. Mỗi bên đều được một số quốc gia trên thế giới xác minh, công nhận là một quốc gia có chủ quyền, độc lập để họ giao thương với. Nhưng cả hai đều không phải là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc, dù cả hai đã xin tư cách thành viên nhiều lần.
Qua việc phân định lằn ranh tạm thời như thế, không cần phải nói thêm, mọi người đều biết, tất cả những gì thuộc về bờ phía bắc sông Bến Hải ra đến Ải Nam Quan là bờ cõi của Việt Nam mà tạm thời đảng Việt cộng đang trấn đóng. Dĩ nhiên, nhất thời họ cũng có trách nhiệm phải bảo vệ chủ quyền của tổ quốc và bảo vệ người dân Việt Nam trên phần đất này (nếu họ muốn). Hoặc gỉa, họ cũng có thể đem bán tống bán tháo phần đất ấy cho cộng sản quốc tế theo cái thuyết Tam vô mà họ đã theo đuổi. Ở trong trường hợp họ mang bán đi, chưa chắc gì người miền nam và toàn dân miền bắc làm gì được họ (thực tế đã chứng minh như thế). Bởi lẽ, cái bản hiệp định kia đã trao cho họ cái quyền quản lý trên phần đất ấy. Và họ đang có trong tay những con dao mã tấu hảo hạng.
Tuy nhiên, nếu chỉ mua bán những gì mình có trong tay, đúng theo gía trị căn bản về luật lệ, về xã hội, về nhân phẩm của con người, thì chắc chắn Việt Minh đã không thể tạo nên được cái đặc tính của cộng sản mà nó được định nghĩa là gian trá, là tạo ra gian dối như hôm nay. Nhưng, có thể nói, chính nhờ việc nhà nước Việt cộng rất trổi vượt tay nghề trong việc mua và bán những cái mà họ không có, đã tạo họ thành một tập đoàn lãnh đạo tồi tệ và gian ác chưa từng thấy trong lịch sử trên giải đất đã có hơn 4000 năm văn hiến gọi là Việt Nam này. Ở đó, nhờ việt cộng, thân phận con người, bao gồm cả các cán cộng và giai cấp lãnh đạo của nó chỉ là những hạng cấp nô lệ, được thụ hưởng quyền lợi khác nhau do chủ nghĩa duy vật biện chứng ban tặng. Riêng phần tinh thần, nhân bản của con người thì bị triệt tiêu, như mất hẳn dưới ngọn giáo của chủ nghĩa đa gian trá và hướng đi vô đạo của nó bởi chủ trương:
1. Bán đất nhà người.
Trước hết, sau khi nắm được công quyền, Hồ chí Minh, qua Phạm văn Đồng, đóng vai thủ tướng, rồi Ung gia Khiêm, thứ trưởng ngoại giao vai đi đêm, của cái gọi là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký giấy bán đỡ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam trực thuộc chủ quyền của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho Tàu cộng vào ngày 15-8-1958.
Người mua là Trung cộng đã tỏ ra cực kỳ thỏa mãn, dù biết rất rõ lý lịch của phần đất và biển trời này không thuộc chủ quyền và trách nhiệm quản lý của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Mặc, họ cũng không cần biết đến lý do như là trả nợ trước, mong được giúp đỡ hoặc là cả cuộc lừa dối của đối tác. Hoặc gỉa, Trung cộng còn biết rõ ý đồ cực kỳ đểu cáng của Hồ chí Minh và Phạm văn Đồng khi chúng ký giấy công nhận chủ quyền của Tàu cộng trên phần đất, hải đảo của Việt Nam do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là: “Tôi bán đất của người ta cho chú ba, chú có giỏi thì ra đấy mà lấy”. Hoặc gỉa, giúp tôi đánh úp nó rồi sau ra đấy mà nhận! Biết thế, Trung cộng vẫn mua. Mua bằng thách đố, hay bằng cưỡng chế như Liên Sô thực hiện tại Đông Âu!
Nhưng sau cuộc sụp đổ đồng bộ của cộng sản Đông Âu, trong đó có cả đế quốc Liên Sô, tập đoàn Việt cộng Hà Nội, không còn chỗ bám tựa. Không còn phương cách đu giây, nếu muốn giữ lại cái chế độ cộng sản gian trá ấy, họ không còn cách nào khác ngoài việc phải bám víu vào Trung cộng để mà sống còn. Kết qủa, sống còn đến hôm nay, nhưng không thể thoát ra khỏi cái cái quy hoạch, cái cưỡng chế, bị tước đoạt dần chủ quyền như các nước nằm ở trong khối cộng sản Đông Âu trước kia. Nghĩa là, việc Việt cộng bị tước đoạt chủ quyền, quyền lợi kinh tế và chính trị chỉ là trong sớm tối.
Có thể vì biết rõ việc này phải đến, không bán, chúng cũng dùng sức mạnh để chiếm lấy, nên tập đoàn cộng sản Hà Nội lại đem đất đai của tổ quốc Việt Nam, chứ không phải của Việt cộng, bán cho Tàu cộng để lấy quyền lợi, danh vọng chia nhau. Đó là kết qủa của những tờ Hiệp thương, Hiệp định biên giới do Đỗ Mười, Lê khả Phiêu, Lê đức Anh, Nguyễn mạnh Cầm, Phan văn Khải, Võ văn Kiệt… thực hiện với Tàu cộng vào các năm 1999 và năm 2000.
Nếu những kẻ đi trước “bán đất của người” được lợi nhuận cao, được hanh thông danh vọng, chẳng lẽ những người kế vị không có khả năng này? Đó là lý luận và cơ sở của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Hà Nội hôm nay để đưa đến kết qủa là những “khế ước” khai thác Bauxite Cao Nguyên, là những cưỡng chế, quy hoạch, là những khế ước cho thuê rừng đầu nguồn, cửa biển của Việt Nam do tập đoàn Dũng, Mạnh, Triết, Trọng và các quan cán cộng thi nhau thực hiện để lấy tiền vào túi riêng. Kết qủa, dưới sự lãnh đạo tài tình của nhà nước Việt cộng, đất đai, biển đảo của tổ quốc Việt Nam nay rơi dần vào tay ngoại bang, nhưng xem ra chưa có dấu ngừng lại. Trái lại, càng lúc càng trở nên như một phong trào thi đua trong đảng cộng. Họ đem bán đi những phần đất của non sông, những tài nguyên của đất nước chỉ vì một mục đích duy nhất, xin cho mình và phe cánh được làm những tên nô lệ cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ở ngay trên quê hương của mình. Ai làm gì được nào?
2. Mua những thứ mà người ta không muốn bán.
Bán những thứ mình không có, chưa lạ. Việt cộng còn có tay nghề mua những thứ mà người ta không bao giờ muốn bán với bất cứ gía nào bằng cái gía rất mạt. Việc “mua đứt” kiểu này lại cũng khởi đầu bằng cái tên Hồ chí Minh, sau đó là đến các cháu ngoan bước theo sau.
Việc mua những thứ mà người dân không muốn bán do Hồ chí Minh và Trường Chinh thực hiện trên toàn miền bắc vào những năm 1953-1956 theo lời Hồ chí Minh công bố là một chiến thắng long trời lở đất. Mà long trời lở đất thật. Bởi lẽ, sau chuyến “mua đứt” này là có hơn 172.000 ngàn ngưòi Việt Nam bị giết, và nhà nước Việt cộng “mua” được 810.000 ha ruộng, 106.448 trâu bò, 1.846.000 nông cụ, 148.565 ngôi nhà. (wikipedia. CCRĐ).
- Bấy nhiêu đất, bấy nhiêu nhân mạng, nông cụ thì lấy tiền đâu ra mà trả?
- Hồ chí Minh chỉ bỏ ra có một con dao mã tấu thôi!
Nếu dừng lại ở đây thì chưa thể hiểu hết cái nghĩa “long trời lở đất” mà Hồ chí Minh công bố và ám chỉ là như thế nào. Nhưng phải chờ đến khi Hồ chí Minh và tập đoàn Việt Minh “mua đứt” Tự Do, Công Lý. Nhân Quyền, Nhân Phẩm và “mua” luôn tự do tôn giáo của ngưòi dân Việt Nam, mà gía cũng chỉ bằng một con dao mã tấu thì mới thấy được toàn bộ cái nghĩa của cụm từ “long trời lở đất” ấy.
Thật vậy, sau chuyến Hồ chí Minh mua hàng trong mùa cải cách ruộng đất, toàn bộ Tự Do, Nhân Phẩm, Nhân Quyền, Công Lý, Luân Lý, Đạo Đức của xã hội. Những gía trị tinh thần đạo đức của tôn giáo. Tinh thần Nhân lễ Nghĩa Tri Tín của nền văn hóa dân tộc Việt Nam đều bị tập đoàn cộng sản “mua đứt” rồi đưa vào “quy hoạch” dưới cái ách cộng sản của nhà nước. Từ đó, nhà nước và tập đoàn cán cộng được tự do ra, vào hành nghề “mua, bán” một cách không lý lẽ, không luân lý. Thí dụ như, đất “mua” của các điền chủ thời đấu tố. Đem chia cho dân cày, mỗi hộ được 0.38 hec. Ngay sau đó, nhà nước phát loa “mua” lại bằng cách thúc dân cày đem ruộng đất vào hợp tác xã. Kế đến, nhà nước “mua” thêm lần nữa bằng cách quốc hữu hóa toàn diện qua bản Hiến pháp năm 1959, xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất tư nhân và thay vào đó là quyền sở hữu tập thể. Các thợ cày lại trắng tay!
Ai không muốn “bán” thì cũng phải sống như là đã bán. Tuyệt đối không thể tuyên bố rằng tôi không bán. Ngay trong vấn đề tự do tôn giáo cũng khó có ngoại lệ. Bởi lẽ, Cổng trời, Hỏa Lò, Đầm Đùn… những địa đanh, những cái cùm lim có đế sẵn sàng “ mua đứt” người về với nó trong thinh lặng.
- Tôi không bán!
Ôi, cực kỳ can đảm. Lòng dân vẫn thế và vẫn có những cá nhân lên tiếng cho mình và thay cho ngưòi. TGM Ngô Quang Kiệt, Hoà Thượng Thích Quảng Độ… là những điển hình. Hay những cá nhân hoạt động trong xã hội như LM Nguyễn văn Lý, Lê thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài, Cù huy hà Vũ, Trần Duy Thức…. đến những địa danh làm gợi nỗi đau của người dân như Tòa Khâm Xứ, Thái Hà, Loan Lý, Tam Tòa Cồn Dầu, Đồng Chiêm, Đầm Vươn, Văn Giang… và hẳn nhiên, còn hàng trịệu, triệu những tên tuổi và địa danh tiếp nối khác nữa. Hầu như tất cả đều không dễ dàng gì chấp nhận cái cơ chế “bán đất nhà người” và “mua” những thứ mà người ta không muốn bán bằng bạo lực của cộng sản. Một thứ “cơ chế” tạo ra bất ổn để nuôi sống chế độ, làm đảo lộn mọi trật tự và sự ổn định trong xã hội, làm đảo lộn luân thường đạo lý của con người. Nhưng tiếc rằng đến nay, cái cơ chế ấy vẫn đan chân kín kẽ, nắm giữ được bạo lực.
Liệu Việt Nam có phương cách nào để thoát ra khỏi cái “cơ chế” này của Việt cộng hay không? Hay càng ngày càng bị tước đoạt hết những giá trị từ tinh thần đến vật chất của mình để trở thành một thang cấp, một hạng mục nô lệ mới? Nhất là lúc này, lúc mà Trung cộng sau những ngày cúi đầu trong thời Thanh mạt và đấu tố, đã học hỏi được ít nhiều kỹ thuật tân tiến trong công kỹ nghệ của tây phương. Họ từ gĩa cách kiếm sống bằng gánh hàng rong, vung tay ra biển lớn và thách đố xã hội bằng cách gọi thầu, đấu giá khai thác tài nguyên trên phần đất mang tên Việt Nam?
Bạn trả lời đi!
Kỳ sau: Chuyện Tàu cộng rao bán, đấu thầu tài nguyên của An Nam!
© Bảo Giang
01-7-2012
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment