Huỳnh Ngọc Chênh - Thời Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ xem Hawaii với cảng quân sự chiến lược Trân Châu như một hàng không mẫu hạm khổng lồ không bao giờ bị đánh chìm. Mẫu hạm khổng lồ đó, ngự giữa Thái Bình Dương, được tin tưởng là tường thành vững chắc, đảm bảo an ninh cho mặt trận phía Tây của nước Mỹ.
Một điệp viên Nhật, với sự trợ giúp của một Nhật kiều tại Hawaii, bằng cách lái xe chạy lang thang bên ngoài các căn cứ quân sự của Mỹ, trong vòng chưa đầy chín tháng đã thu thập hầu như toàn bộ những thông tin quan trọng về lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng như: số lượng tàu chiến, số lượng máy bay, lịch trình ra vào tàu chiến, địa điểm các trận địa phòng không... Nhờ vào những thông tin chính xác đó mà Nhật đã bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng và thu được thắng lợi hầu như tuyệt đối. Hàng không mẫu hạm khổng lồ không bao giờ bị đánh chìm đã bị quân Nhật nhấn chìm.
Từ năm 1988, sau trận Trung cộng bất ngờ tấn công chiếm một phần Trường Sa của ta, tình hình trên Biển Đông càng ngày càng trở nên căng thẳng. Rồi tình hình càng lúc càng gay go hơn khi Trung cộng tuyên bố áp đặt chủ quyền vô lối trên toàn bộ Biển Đông. Tàu chiến, tàu hải giám, tàu giám ngư, tàu cá, của họ kéo ùn ùn vào Biển Đông, thường xuyên áp sát vào vùng biển đặc quyền của ta để hiếp đáp ngư dân ta, đe nẹt các tàu thăm dò và hù dọa các công ty dầu khí nước ngoài muốn hợp tác với Việt Nam. Với những hành động ngang ngược ấy, Trung cộng đặt đất nước ta vào tình thế bị uy hiếp quân sự vô cùng nghiêm trọng.
Theo các chiến lược gia quân sự, trong trận chiến với Trung Cộng trên Biển Đông, Việt Nam dựa vào lợi thế của mình là đất liền, cả nước là một hàng không mẫu hạm. Việt Nam sẽ đánh trả hải quân Trung Cộng từ những trận địa bí mật bố trí ven biển và đặc biệt ở các cảng biển chiến lược. Việt Nam có bảo vệ được Trường Sa hay không là phụ thuộc phần lớn vào cửa ngỏ ra vào Cam Ranh.
Lợi thế chiến lược đó dĩ nhiên Trung Cộng phải biết.
Thế là từ ba, bốn năm nay, và có thể còn lâu hơn nữa, có rất nhiều công dân Trung Cộng đến làm bè nuôi cá trái phép ngay trong quân cảng chiến lược cực kỳ quan trọng của Việt Nam là Cam Ranh. Họ còn công khai nuôi cá ở cảng Vũng Rô cách đó về phía Bắc hơn trăm cây số. Và liệu có còn công dân Trung Cộng nào khác nằm vùng ở những vùng ven biển nào của VN nữa không? Chưa biết được.
Một điệp viên Nhật chỉ cần chưa đến 9 tháng đã thu lượm hầu như toàn bộ bí mật quân sự của Mỹ ở Hawaii. Còn bây giờ có đến vài chục người Tàu ăn dầm, nằm dề trên các cảng biển VN suốt trong mấy năm trời thì thử hỏi cái gì của ta họ không biết? Chưa nói là hàng sư đoàn quân của họ dưới lót lao động phổ thông đang ngang nhiên có mặt khắp mọi miền đất nước.
Tại sao dân Trung Cộng ngang nhiên kéo vào nằm vùng rồi khi cần lại rút ra một cách thoải mái, xem đất nước ta như chỗ không người như thế nầy? Tại sao, trong tình hình đất nước rất hiểm nguy, lại có sự mất cảnh giác một cách khó hiểu như thế này?
Lực lượng an ninh đông đúc, hùng hậu của ta đi đâu hết rồi nhỉ?
Hay là họ đang bận rộn theo dõi những "thế lực thù địch" đang càng ngày càng đông đúc trong nhân dân?
Một bè nuôi cá trái phép của người Trung Quốc ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KỲ NAM /NLĐ
Lao động Trung cộng trái phép tại nhà máy điện Nghi Sơn Thanh Hóa (ảnh VNN)
H. N. C.
Nguồn: huynhngocchenh.blogspot.com
No comments:
Post a Comment