Friday, April 27, 2012

Hạt Nhân Đi Dễ Khó Về



Phạm Nguyên Quý - Việt Nam đang bắt đầu triển khai những bước đầu tiên trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Đây là một quyết định nguy hiểm về nhiều mặt, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong tương lai vài chục năm tới. Xin phân tích nhiều khía cạnh liên quan và kính mong những người có trách nhiệm xem xét.

1. Về cách suy nghĩ: thiệt hại LỚN với xác suất NHỎ
“Xác suất xảy ra sự cố rất nhỏ” là thứ luôn được phía đối tác quảng cáo khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, nếu nghĩ đến “độ lớn của thiệt hại khi có sự cố”, thì đó không hề là một chuyện để có thể bỏ qua.
Sự cố Fukushima đã làm cả nước Nhật điêu đứng. Trước hết, rau quả, sữa bò và thậm chí cả gạo từ những vùng cách nhà máy điện đến hàng trăm km bị cấm bán đi, hoặc bán rẻ mạt mà không ai mua cho vì tâm lý sợ nhiễm phóng xạ. Người ta ồ ạt mua áo chống phóng xạ, ở suốt trong nhà với không khí u ám vì chẳng dám mở cả cửa sổ. Những cách làm giảm hấp thu i-ốt phóng xạ (radioactive iodine) trở thành đề tài nóng hổi, thậm chí có người còn uống cả betadine (thuốc sát trùng có i-ốt) trong cơn hoảng loạn!
Cả thế giới cũng chao đảo vì Fukushima. Hơn 530 nghìn người nước ngoài đã ồ ạt tháo chạy khỏi Nhật Bản (1). Lượng du khách đến Nhật giảm hơn 60% so với năm trước đó (2). Ở Trung Quốc, người ta tranh nhau mua và trữ sữa bột từ Nhật (3, 4); những lô cuối cùng được xuất ra khỏi đất nước đã bị dán mác “nhiễm xạ”. Ở Việt Nam, người ta kháo nhau về đám mây phóng xạ sắp đến…(5, 6)
Không chỉ làm ô nhiễm thực phẩm và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sự cố nhà máy điện nguyên tử còn dẫn đến nhiều hậu quả khác về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao… Hơn nữa, không rõ những tác hại của phóng xạ sẽ còn kéo dài đến bao giờ!
Vì vậy, đừng xem thường một thiệt hại LỚN dù với xác suất NHỎ!
2. Về mặt quản lý: thải chất phóng xạ nguy hiểm hằng ngày
Ở nhà máy điện nguyên tử, việc thải đi chất phóng xạ được quản lý bằng NỒNG ĐỘ (như ở Đức là 3 kBq/m³) (7, 8). Vì thế người ta dễ đồng tình với việc “pha loãng thì cho trôi đi được”, dẫn đến khả năng một LƯỢNG lớn chất phóng xạ thoát ra môi trường.
Thật lạc quan khi tin rằng đại dương có thể làm vô hiệu hóa LƯỢNG chất thải khổng lồ hằng ngày đó. Chất phóng xạ sẽ lan đi, tích lũy trong cơ thể sinh vật, kể cả con người, và gây nên nhiều tác hại nghiêm trọng kéo dài như rối loạn di truyền, ung thư, dị tật bẩm sinh, …(9-12)
Ở Việt Nam chúng ta quản lý môi trường như thế nào? Vô số công ty dệt, bột ngọt, hóa chất… và cả công ty xử lý nước thải (!) đã lén lút xả thải hủy hoại môi trường (13-21). Chúng đã bị xử lý như thế nào? Và chúng ta biết gì về hậu quả thực sự mà bọn chúng gây ra? Phóng xạ không nhìn thấy được và nguy hiểm gấp nhiều lần những thứ đó!
3. Về mặt kỹ thuật: khó khăn trong việc xử lý chất thải phóng xạ
“Vì việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ tạo ra khí CO2 làm biến đổi khí hậu, hãy sử dụng năng lượng hạt nhân!” là khẩu hiệu thường được sử dụng để tuyên truyền cho năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, qua quá trình phân rã nguyên liệu hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân cũng sẽ sinh ra chất thải độc hại là hạt nhân phóng xạ! (9, 10, 22)
Những chất thải này vẫn còn tính phóng xạ cao đến mức công nhân trong nhà máy điện hạt nhân có thể chết vì đứng gần trong vài phút đến vài giờ (23-25). Nếu không được xử lý triệt để, chất thải này sẽ làm nhiễm xạ cả những nguồn tài nguyên tự nhiên quan trọng khác như đất, nước…
Việc xử lý chất thải từ nhà máy điện hạt nhân không hề đơn giản. Chất phóng xạ thường có chu kỳ bán rã (thời gian để lượng chất đó giảm đi một nửa) rất dài. Nhiều chất thải phóng xạ vẫn rất nguy hiểm sau vài triệu năm. Hiện nay chưa có nước nào có khả năng xử lý triệt để chất thải phóng xạ ngoài việc chôn chúng sâu xuống đất (hơn 300 m) và giữ ở đó từ 50 đến 300 năm (25-30). Có gì đảm bảo là chất thải hạt nhân sẽ không bị rò rỉ suốt thời gian đó?
Một vấn đề nữa là không phải chúng ta mà là con cái, cháu chắt của chúng ta sẽ làm người canh gác, chịu trách nhiệm và chịu RỦI RO liên quan tới cái “đống rác” đấy. “Nhiệm vụ canh rác” của con rồng cháu tiên không kết thúc vào năm 2320 mà sẽ kéo dài thêm ít nhất là 300 năm nữa kể từ ngày chúng ta dừng xả rác.
Hãy cho tương lai của Việt Nam một lựa chọn khác!
4. Về mặt xã hội: lo lắng bất an và một loại phân biệt đối xử mới
Sau sự cố hạt nhân, chất phóng xạ làm ô nhiễm đất, nước và cả cỏ cây. Nó lẫn vào không khí, theo gió lan đi xa, theo mưa rơi xuống đất và tiếp tục hòa vào các mạch nước ngầm. Con người sẽ uống phóng xạ trong nước, tắm phóng xạ phát ra từ đất và cây cỏ xung quanh. Trẻ em ở gần Fukushima đã không được tự do ra ngoài chơi, nhất là không được lại gần những vũng nước và bãi cỏ. Trên đường đến trường có bao nhiêu cạm bẫy phóng xạ! Lo lắng hơn, đó là những cạm bẫy vô hình mà hậu quả chỉ biết được sau vài chục năm! (31-33)
Đã có những cố gắng để tẩy rửa chất phóng xạ trên mái nhà, ngoài công viên,…(33-36) Đồng nghĩa với việc đã có rất nhiều người phải hi sinh hứng chịu lượng phóng xạ được cô đặc qua các khâu xử lý. Tiền của và sức lực đâu ra để đi rửa từng tí đất cát như vậy? Phải nói thêm rằng, những cố gắng ấy cũng chỉ giảm được vài phần sự bất an triền miên mà thôi. Nhiều người Nhật nói rằng họ không muốn người Việt Nam phải lo lắng như vậy.
Nỗi sợ không có biên giới. Nước Nhật đã chứng kiến một đợt “bỏ chạy” của người nước ngoài với quy mô lớn chưa từng có vì sự cố Fukushima (1). Ngay trong nước Nhật, nhiều người Tokyo cũng đã di chuyển về phía nam. Ai dám chắc rằng tình huống tương tự sẽ không xảy ra tại Việt Nam? Và chúng ta có tin tưởng tuyệt đối vào nhà thầu để thoải mái sống chung với nỗi lo sợ đó?
Hơn nữa, chúng ta có vui vẻ và an tâm để con cái mình kết hôn với một người đã làm việc trong hay sống gần nhà máy điện nguyên tử không? Không ai muốn con cháu mình phải mang dị tật suốt đời, với bất cứ xác suất nào. Chuyện từ hôn và những phân biệt đối xử liên quan đến người làm điện nguyên tử không hiếm ở Nhật Bản (37, 38). Chúng ta CẦN công nhân trong nhà máy điện nguyên tử nhưng chúng ta KHÔNG BAO GIỜ công bằng!
Có thể sự phân biệt này chẳng làm mấy ai bận tâm, khi đang còn quá nhiều loại phân biệt đáng sợ khác ở Việt Nam. Nhưng để không sinh thêm một loại phân biệt đối xử mới, cách tốt nhất là đừng dùng điện nguyên tử.
5. Về mặt kinh tế: hiệu quả hay không?
Hậu quả nghiêm trọng từ những sự cố nhà máy điện nguyên tử như Chernobyl (Ukraine), Three Miles Islands (Mỹ) và Fukushima (Nhật) đã cho chúng ta thấy cái giá quá đắt phải trả vì điện hạt nhân. Điện hạt nhân có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng trong một thời gian, nhưng cũng có thể biến cả một vùng rộng lớn thành đất chết vĩnh viễn. Nó sẽ làm một đất nước khánh kiệt nếu có sự cố.
Hiệu quả kinh tế cũng không hề tốt khi không có sự cố (39-41). Qua câu chuyện điện nguyên tử ở Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy “điện nguyên tử rẻ nhất” là một phát ngôn lừa đảo. Các nhà thầu (và cả chính phủ Nhật Bản) đã đưa ra dự toán cho chi phí phát điện, theo đó, để làm ra 1 kWh điện cần 5.7-10.7 yên cho nhiệt điện, 11.9 yên cho thủy điện và chỉ cần 5.3 yên cho điện nguyên tử! Tuy nhiên, những nhà kinh tế đã vạch ra sự láu cá trong phép tính này (40-43).
Thứ nhất, dự toán này dựa trên giả thuyết là các nhà máy này sẽ chạy tốt như lúc mới hoàn thành trong suốt 40 năm, với hiệu suất của nhà máy điện nguyên tử luôn ở mức 80%. Đây là chuyện viễn tưởng vì không có nhà máy nào hoạt động được như vậy! Bao giờ cũng có sự hao mòn máy móc và thời gian phục vụ của một nhà máy điện nguyên tử được pháp luật Nhật Bản quy định là 16 năm (dựa vào thời điểm hết khấu hao). Sau thời gian đó, một nhà máy sẽ phải vượt qua kỳ sát hạch để được gia hạn sử dụng thêm. Cho dù nhà máy điện nguyên tử có tuổi thọ tầm 30-40 năm, việc được gia hạn phục vụ không đồng nghĩa với việc nó sẽ chạy tốt và an toàn. Có thể thấy rõ điều này qua sự cố Fukushima, vì nhà máy số I vừa được gia hạn sử dụng thêm 10 năm vào tháng 2 năm 2011, tức chỉ 1 tháng trước khi xảy ra thảm họa! (44) Thêm vào đó, số liệu thực tế cho thấy hiệu suất của một nhà máy chưa bao giờ đạt đến 80%. Với những thông tin cụ thể về hiệu suất và khấu hao máy móc của các loại nhà máy điện, giá thành trên thực tế của 1 kWh điện là 9.80 yên với nhiệt điện, 7.08 yên với thủy điện và 8.64 yên với điện nguyên tử! (40-43)
Thứ hai, đáng chú ý hơn là chi phí “back-end”, bao gồm chi phí tái sử dụng nhiên liệu, chi phí xử lý rác phóng xạ và chi phí tháo dỡ lò phản ứng sau khi hết sử dụng, đã KHÔNG được tính vào dự toán. Nhà máy điện nguyên tử Tokai (công suất 16.6 vạn kW) khi giải thể đã tốn 35 tỉ yên (433.35 triệu USD) để tháo dỡ máy móc, 58 tỉ yên (718.10 triệu USD) để xử lý chất thải. Có nghĩa là phải tốn một tổng chi phí là 93 tỉ yên (1.15 tỉ USD) để xóa sổ 1 nhà máy điện nguyên tử! (45) Càng dùng điện nguyên tử, tiền xử lý rác càng tăng. Đó cũng là lý do các công ty điện lực Nhật luôn kèm thêm một loại phụ phí vào hóa đơn hằng tháng gửi đến các hộ gia đình (41, 43, 45). Nhà máy chúng ta sắp xây ở Ninh Thuận có công suất là 100 vạn kW, thử tính xem chúng ta cần bao nhiêu tiền để tháo dỡ sau này và ai trả nổi số tiền đó! Và đừng nghĩ rằng điện sẽ rẻ hơn!
Phải nói thêm một sự thật là Nhật Bản vẫn đang phải gửi rác phóng xạ đi nhờ Anh và Pháp xử lý giúp. Với 54 nhà máy điện hạt nhân (tổng công suất 48 triệu kW), Nhật Bản phải chi ra 18800 tỉ yên (232.76 tỉ USD) chỉ để xử lý rác thải phóng xạ! (40, 41, 45)
Việt Nam ta có được xử lý rác với giá rẻ hay miễn phí mãi không?
Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, việc nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng lên trong vòng 10 năm tới là điều khó tránh khỏi. Chúng ta cần điện nhưng điện nguyên tử có phải là giải pháp duy nhất và tốt nhất? Điện từ gió, điện từ sóng biển, điện từ ánh sáng mặt trời và từ các dạng năng lượng tái tạo, sạch sẽ khác đang được phát triển và áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới (46, 47). Chúng ta biết gì về các lựa chọn mới này mà đã vội vàng xây nhà máy điện nguyên tử với chi phí lắp đặt, vận hành (front-end) không hề rẻ; với chi phí “back-end” khiếp đảm như trên?
Nếu không dùng điện nguyên tử thì có lựa chọn nào tốt hơn?
Có thể kỹ thuật hiện tại chưa khai thác năng lượng tái tạo đủ lớn như năng lượng hủy diệt từ hạt nhân nguyên tử, nhưng nó có thể đáp ứng một phần lớn nhu cầu năng lượng quốc gia nếu biết điều tiết cung và cầu khéo léo. Việc khai thác năng lượng từ nắng, gió, và sóng biển (3 thứ Việt Nam được ưu đãi) cũng sẽ giúp đất nước phát triển BỀN VỮNG và TỰ CHỦ hơn.
Hơn nữa, nếu không bỏ “điện nguyên tử” ra khỏi đầu óc cứng nhắc, và nếu trút hết tiền vào “vũng lầy” điện nguyên tử thì những dạng năng lượng sạch nêu trên làm gì còn cơ hội được quan tâm? Khi biết chấp nhận rằng điện nguyên tử là nguy hiểm và đã lỗi thời, chúng ta sẽ hào hứng đầu tư phát triển những dạng năng lượng thay thế khác.
Nước Đức đã dũng cảm bỏ đi nhà máy điện nguyên tử dù đã hoàn thành (48 ).
Việt Nam ta có đủ dũng khí để bỏ đi nhà máy điện nguyên tử đang còn trong trứng nước không?
Hãy xem đây là một cơ hội để Việt Nam đi tắt đón đầu về năng lượng tái tạo và nói “CÓ”!
Tokyo, ngày 11 tháng 3 năm 2012
Phạm Nguyên Quý, BS
nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Y Nha Khoa Tokyo
Tài liệu tham khảo
43.「脱原発の経済学」, 熊本 一規 (“Kinh tế học của việc loại bỏ điện hạt nhân”, Kumamoto Kazuki)

No comments:

Post a Comment