TS. Phạm Cao Dương - Tạp Chí Hán Nôm do Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia Việt Nam xuất bản, số 1 (18), ấn hành năm 1994, có đăng bài “Trung Quốc Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam” của Nguyễn văn Hồng. Trong bài này tác giả đã tường thuật lại chuyến đi Trung Quốc vào giữa năm 1993 của ông nhằm “tham quan trao đổi và giảng dạy lích sử ở 4 trường: Đại Học Bắc Kinh, Đại Học Nam Khai, Đại Học Sơn Đông và Đại Học Tinh Châu”. Nhưng trọng tâm của bài báo, đúng như nhan đề tác giả đã lựa chọn là công cuộc nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở nước Tàu.
Bình thường việc người Tàu nghiên cứu hay viết về Việt nam là một việc làm bình thường, không có gì đáng chú ý vì nước Tàu và nước ta là hai nước kế cận nhau, Việt Nam bị Tàu đô hộ cả ngàn năm và đã hấp thụ văn hóa Tàu một cách sâu đậm, Việt Nam lại nằm án ngữ ngay trên con đường Nam tiến của người Tàu…, nhưng thời điểm mà người Tàu đẩy mạnh công tác nghiên cứu về Việt Nam nhằm những mục đính riêng của họ là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Thời điểm đó là năm 1978. Tác giả viết như sau:
“Công việc này (tập hợp, biên soạn và chú giải, hiệu đính) mới trở lại từ năm 1978 khi nhu cầu nghiên cứu khu vực và kinh nghiệm phát triển đặt thành vấn đề thời sự quan trọng nhất trong chính sách của Trung Quốc.”
Năm 1978 là năm bang giao giữa hai nước đã vô cùng căng thẳng để đến đầu năm sau chiến tranh đã bùng nổ. Sự đẩy mạnh công tác nghiên cứu như vậy không phải là do nhu cầu phát triển văn hóa thuần túy mà là chánh trị. Đó là một nhu cầu tự nhiên do tình thế đòi hỏi. Nhưng vì nó được thực hiện bởi những người làm công tác văn hóa nên ảnh hưởng về văn hóa nói chung và về sự hiểu biết có tính cách khoa học nói riêng của các nhà nghiên cứu và của quần chúng chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. Lý do rất đơn giản: vì nhu cầu chính trị, người ta có thể làm đủ thứ từ ra lệnh bắt các nhà văn hóa phải làm theo ý của nhà cầm quyền đến việc ngụy tạo các chứng từ, tài liệu hay nhẹ nhàng hơn là dùng quyền lợi để mua chuộc. Điều người ta hy vọng là chuyện này đã và sẽ không xảy ra cũng như những gì người Tàu đã làm ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với hàng trăm học giả và những con số về các đồ cổ tìm được.
Trong bản tường trình, Nguyễn Văn Hồng có đề cập tới năm phạm vi hoạt động của các học giả Trung Quốc. Năm phạm vi đó là nghiên cứu, tập hợp, biên soạn và chú giải, hiệu đính tài liệu, phiên dịch các công trình của các học giả Việt Nam sang chữ Hán, nghiên cứu và sưu tập các tài liệu về lịch sử cận đại và hiện đại, và cuối cùng là phát triển đội ngũ nghiên cứu Việt Nam. Trong phạm vi sau này, ông cho biết “đội ngũ nghiên cứu Việt Nam đông đến hàng trăm. Chỉ riêng Hà Nam cũng có khoảng 100. Quảng Tây, Quảng Đông chắc chắn đông hơn” và kết luận rằng “Trung Quốc đang bước vào giai đoạn nghiên cứu Việt nam một cách cơ bản, sâu rộng và tự tin. Họ thường nhắc đến những ưu thế ngôn ngữ, tư liệu nghiên cứu và mượn lời học giả Mỹ và Âu Châu nói: ‘Nếu các học giả Việt Nam không chuẩn bị đầy đủ trình độ chữ Hán để nghiên cứu cổ sử Việt Nam một cách bảo đảm thì vài năm sau chúng tôi sẽ đến Trung Quốc, Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam’. Đó là một lời khuyên, một lời cảnh tỉnh đối với các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam.”
Tất nhiên là về tài liệu và sự hiểu biết về văn tự liên hệ tới cổ sử Việt nam, ở một giới hạn nào đó, người Tàu có thể có nhiều ưu thế hơn người Việt. Họ có nhân sự dồi dào, lại được hưởng thanh bình ít ra là từ năm 1949 và được sự hỗ trợ của một lực lượng người Tàu ở Hải ngoại đã từ lâu bám rễ ở các nước có truyền thống nghiên cứu khoa học, trong đó có Hoa Kỳ. Những thành quả của các công trình nghiên cứu của họ chắc chắn phải được các học giả Việt nam lưu tâm theo dõi. Tuy nhiên, nếu chúng ta thiếu tự tin để đến chỗ bị choáng ngộp vì tư thế một nước lớn là nước Tàu thì đó là một điều cần được xét lại, kể cả những gì liên hệ đến chữ Hán, văn tự của chính người Tàu.
Trong phần nói tới phạm vi tập hợp, biên soạn và chú giải, hiệu đính, tác giả viết: “Về sách chữ Hán của Việt Nam như An Nam Chí Lược, Lĩnh Nam Chích Quái, Gia Định Thông Chí, Mạc Thị Gia Phả, học giả Trung Quốc đã chú giải rất kỹ, in lại rất chuẩn, đính chính các lỗi in và cả kiến thức sai. Họ phát hiện và nói với chúng tôi sách Việt Nam in sai và dịch sai khá nhiều, nhất là sách của Saigon cũ.” Ngưởi đọc hy vọng đây chỉ là một sự tường trình sơ khởi và tác giả chưa đọc kỹ những tài liệu này. Lý do là vì đây là một vấn đề vô cùng phức tạp dẫn xuất từ sự khác biệt trong sinh hoạt văn hoá, từ đó văn tự, của ngưòi Việt và người Tàu, không chỉ riêng từ khi Việt Nam tách rời khỏi Trung Quốc, trở thành một nước độc lập mà có thể ngay từ thời nước ta còn lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong thời gian còn lệ thuộc đó, vì núi sông cách trở, đường xá xa xôi, tiếng nói bất đồng, sự tiếp xúc giữa người bản xứ và người Tàu hời hợt, những gì được ghi trong sách của người Việt không thể luôn luôn có cùng nghĩa với những gì được ghi trong sách của người Trung Quốc.
Cũng vậy, trong cách sử dụng chữ Hán của người Việt, trong cách ngắt câu chẳng hạn. Điều này rất dễ chứng minh nếu người ta để ý tới sự khác biệt trong cách sử dụng chính tiếng của người Tàu giữa người Tàu ở Đài Loan và người Tàu ở Hoa Lục. Cùng dùng tiếng phổ thổng (phổ thông thoại ở Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc và quốc ngữ ở Đài Loan) mà từ vựng ở hai nơi đã khác biệt nhiều do những liên hệ xã hội không giống nhau gây ra, đồng thời về văn phạm người ta cũng ghi nhận hàng trăm điểm bất đồng. Tình trạng cũng giống như ở Việt Nam giữa hai miền Bắc và Nam thời trưuớc năm 1975 và giữa người Việt ở Hải Ngoại và người Việt ở trong nước hiện tại. Cũng vậy, với lối văn cổ và bạch thoại, với tiếng Bắc Kinh và tiếng phổ thông dùng bởi người Bắc Kinh và bởi người nói các thổ ngữ khác ỏ Trung Hoa.
Một vấn đề khác cũng cần phải được đặt ra là ai là những người chuyên môn về tiếng Việt trong đội ngũ nghiên cứu về Việt Nam của người Tàu? Họ đã được đào tạo ở đâu và đào tạo như thế nào? Đây cũng là vấn đề then chốt vì ở một đoạn trên đó tác giả bài tường trình có viết về lợi thế của Trung Quốc là “cũng biết sử dụng nguồn trí thức Hoa Kiều ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.” Điều này chúng ta cũng cần phải xét lại. Có hai lý do: thứ nhất là người Tàu ở Việt Nam ít chú trọng tới văn hóa, giáo dục của người bản xứ. Họ lưu tâm tới kinh tế, thương mại nhiều hơn. Những người Tàu được sử dụng vào việc nghiên cứu, dịch thuật, chú giải kể trên thuộc thành phần nào? Họ có được huấn luyện kỹ càng về ngôn ngữ, văn hoá và lịch sử Việt Nam hay không? ở cấp bậc nào? và ở đâu? Chưa hết. Ngay trong phạm vi chữ Hán, chữ của chính người Tàu, người Tàu cũng khó có thể nói là thông thạo. Họ có thể hiểu được, đọc được nhưng đó là thứ bạch thoại được dạy ở các trường ngày nay, dùng trong đời sống hàng ngày, trong hành chánh nhát là trong thương mại…Đối với các sách cổ trong đó cách hành văn, cách sử dụng ngôn từ hoàn toàn khác. Những người Tàu trước kia ở Việt Nam nói được tiếng Việt, nói được tiếng Trung Hoa phổ thông có chắc hiểu thấu đáo, từ đó ngắt câu chính xác và hiệu đính được các bản văn cổ hay không? Đó lại là một chuyện khác.
Trong các tác phẩm dịch từ chữ Hán của người Việt “ở Saigon cũ”, tác giả có nói tới An Nam Chí Lược. Bản dịch của bộ sử này là do Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam của Viện Đại Học Huế thực hiện với sự góp phần của Giáo Sư Trần Kinh Hòa của Đại Học Hồng Kông. Hy vọng “những lỗi in và cả kiến thức sai và dịch sai” không được thấy trong tài liệu này. Cũng vậy với các bản dịch các sách cổ khác của người Việt mà dịch giả là các cử nhân, tiến sĩ Hán học thời xưa như Cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác, các Cụ Cử Thẩm Quỳnh, Bùi Tấn Niên, Ngô Mạnh Nghinh, Nguyễn Văn Bình hay những chuyên viên có uy tín như Bửu Cầm, Tạ Quang Phát… Điều nên biết là các “sách của Saigon cũ”, người viết muốn nói tới các bản dịch, đều được thực hiện và ấn hành một cách nghiêm túc và với tinh thần trách nhiệm của người dịch. Người ta đã không chỉ in phần dịch nghĩa không thôi mà luôn cả nguyên bản chữ Hán và phiên âm tiếng Việt để độc giả có thể đối chiếu mỗi khi có điều nghi ngờ hay góp phần điều chỉnh.
Bài tường trình của Nguyễn Văn Hồng trên Tạp Chí Hán Nôm dù muốn hay không mới chỉ là một bài tường trình, tác giả viết để trình bày lại với độc giả những gì ông được nhìn thấy và nghe thấy những chưa được phối kiểm. Nhưng dù muốn, dù không nó vẫn có thể làm thay đổi cái nhìn của mọi người, trong đó có chính người Việt vế quá khứ của Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Từ sau khi bị mất nước về tay người Pháp, chúng ta đã hoảng hốt bỏ rơi cái học đã tồn tại từ cả ngàn năm của dân tộc và Hán tự, từ đó đã đã tự cắt đứt chúng ta với quá khứ của chính chúng ta và với các dân tộc láng giềng cùng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và cùng dùng Hán tự là chữ viết trong quá khứ như chúng ta. Trong những chục năm trước đây, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, những gì liên hệ tới văn hóa cổ, tới văn tự cổ là do một số người thuộc thế hệ trước còn sót lại bảo tồn, diễn dịch và truyền lại. Trong hoàn cảnh mới, với những thế hệ mới, công việc này ai sẽ làm? Và ai làm nổi? là những câu hỏi cần được đặt ra và đặt ra cho cả người Việt ở Hải Ngoại lẫn ngưòi Việt ỏ trong nước.
TS. Phạm Cao Dương
No comments:
Post a Comment