Tuesday, February 7, 2012

Nếu Việt Nam có 63 “Đoàn Văn Vươn” nữa thì sao?



LTS (GDVN): Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên là Tư lệnh Quân khu IV, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Nguyên đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI đã có những ý kiến sắc sảo trong buổi GLTT ngày 06/2. Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc những phân tích, những lý giải và tổng hợp của Tướng Thước về vụ việc này.

———————————-
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh GDVN
Kính thưa trung tướng Nguyễn Quốc Thước, là người tâm huyết với dân với nước, ông có cho rằng vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn chỉ là một trong số rất nhiều sự việc liên quan đến đất đai mà người dân đang phải gánh chịu? Và nếu giải quyết được một vụ Đoàn Văn Vươn này đi nữa thì vẫn còn rất nhiều vụ “Đoàn Văn Vươn” khác nữa. Theo trung tướng, cái mà chúng ta cần làm cụ thể để không xảy ra thêm một vụ nào như thế nữa là gì? Và, có một cách nào đó để những người dân khác (không được học hành, ít kiến thức như ông Vươn) dám đứng lên tố cáo những sai trái của chính quyền?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Vụ việc Tiên Lãng không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ lợi ích hợp pháp cho ông Vươn. Vụ việc này nếu giải quyết 1 cách triệt để tận gốc là 1 bài học đắt giá để giải quyết những mâu thuẫn về đất đai trên cả nước mà nguồn gốc mà chính quyền nơi đó vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm gây ra. Cũng qua những vụ việc này chúng ta sẽ làm trong sạch thêm 1 bước chính quyền các cấp theo nghị quyết trung ương IV khóa XI.
Xin hỏi tướng Thước, ông từng nói vụ việc này gây tổn hại to lớn về chính trị, vậy mong ông nêu lên các việc cần làm ngay để tránh tổn hại thêm, sửa chữa sai lầm và ngày càng khẳng định lòng tin của nhân dân vào chính quyền.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi nghĩ vụ việc này không dừng lại ở việc giải quyết mấy chục ha đất mà từ việc xử sự của chính quyền địa phương đã đẩy 1 vụ việc về kinh tế thành 1 vụ việc về chính trị, việc cần làm ngay là xử lí 1 cách kiên quyết triệt để những sai phạm của chính quyền đã gây ra không chỉ để lại lòng tin cho người dân mà còn là một sự đột phá để xây dựng chính quyền cơ sở tại địa phương hợp với lòng dân của cả nước như nghị quyết Trung ương IV gần đây về những vấn đề cần làm ngay để làm trong sạch Đảng và chính quyền cơ sở. Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của dân.
Thưa các vị khách mời, các ông có kỳ vọng vào sự vào cuộc kiên quyết của thủ tướng, vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi xin chuyển câu trả lời này cho Thủ tướng trực tiếp trả lời với dân.
Thưa tướng Thước, ông có nghĩ nếu ông Vươn không nổ súng thì liệu vụ việc có nổi lên như bây giờ và một số vấn đề về đất đai mới được đề cập đến? Liệu đó có phải là “nước bài cuối cùng” của ông Vươn?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Vì ai nên nỗi mà ông Vươn, 1 cựu chiến binh, 1 người nông dân chân chất đã hi sinh cả tài sản và sức lực của mình để tạo ra 1 tài sản Quốc gia từ 1 vùng bãi bồi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước mà đến mức độ phẫn uất không chịu nổi sự bất công đến cao độ nên đã mất phương hướng để xảy ra tai họa này. Việc này phải để chính quyền địa phương trả lời trước công luận, vì một con người như vậy, nếu chính quyền địa phương xử sự một cách có tình có lí thì chắc không xảy ra.
Ông Vươn, ông Quý bị bắt và vợ con các ông ấy đang phải tá túc trong túp lều. Chính quyền Tiên Lãng nên làm gì và phải làm gì đối với vợ con ông Vươn, ông Quý trong thời điểm khó khăn này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nếu là 1 nạn nhân vì thiên tai thì chính quyền địa phương cũng đã phải nhanh chóng giúp đỡ khắc phục hậu quả huống gì đây là 1 vụ không đáng để chính quyền gây ra mức độ như thế này thì không có cách nào khác phải nhanh chóng giải quyết hậu quả để trả lại cuộc sống bình thường cho gia đình, không chờ đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cấp trên kết luận sự việc. Nếu không như thế, đây thực sự là 1 sự vô cảm không còn là một cấp chính quyền của dân nữa.
Theo các vị khách mời, đâu là những lý do quan trọng nhất khiến vụ việc một người nông dân như ông Vươn chống trả lực lượng cưỡng chế, lại gây nên một cơn bão dư luận lớn đến như vậy?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đây không phải chỉ là việc của mấy chục ha đất mà đây là sự việc đã đụng chạm đến cốt lõi, bản chất của chế độ ta, một chế độ “của dân, do dân và vì dân” đã bị xúc phạm 1 cách quá nghiêm trọng của các nhà chức trách. Người ta cảm nhận là một cấp chính quyền cường quyền đối với 1 sự việc không quá phức tạp nhưng nhà chức trách đã vi phạm đến các quan điểm của Đảng, vượt quá quyền hạn, chức trách mang tính cách cường hào nên đã gây phẫn uất trong nhân cả nước cần phải được xử lí một cách nghiêm túc.
Ông Đỗ Hữu Ca, GĐ CA Hải Phòng trả lời truyền hình rằng: Nhà ông Vươn chỉ là cái chòi trông cá và cái chính là xây dựng trái phép, chính vì vậy việc phá hay không phá không quan trọng. Các vị khách mời nghĩ thế nào về tuyên bố này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Theo hình ảnh trên báo chí thì đây là một căn nhà khá kiên cố (có hình ảnh, bên cạnh lại có máy xúc). Một “cái chòi” như vậy thì việc gì phải huy động cả 1 chiếc xe xúc như vậy? Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn thuộc về bản chất như Bác Hồ đã dạy: “Không được đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân”, thế thì nếu chỉ là một “cái chòi” thì cũng là vi phạm đến bản chất của quân đội, công an. Tôi không hiểu đồng chí GĐ CA trả lời như vậy đúng hay sai? Xin để công luận và ngành công an trả lời.
Thưa Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, ông có nghĩ, chính phủ đã vào cuộc muộn trong vụ việc này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi hoan nghênh Thủ tướng Chính Phủ đã nghe ý kiến của dân, phản ánh của báo chí, nhiều kiến nghị của các cán bộ lão thành, của các giới trên cả nước là một quyết định đúng đắn. Nhưng sự việc này lại hết sức nghiêm trọng không chỉ trong lĩnh vực đất đai mà nếu không giải quyết tốt thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị chung của đất nước.
Bởi lẽ, trên 70% vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai, sự việc nấu không giải quyết tới tận gốc mà theo tôi trước hết là sai phạm của chính quyền địa phương gây ra hậu quả nghiêm trọng trên các mặt. Giải quyết tốt sẽ gây lại niềm tin của nhân dân và ngược lại mong rằng Thủ tướng sẽ lắng nghe một cách toàn diện trên các khía cạnh, các ý kiến phản biện để có 1 quyết định chính xác được toàn dân hoan nghênh.
Thưa tướng Thước, ông đánh giá như thế nào về sự khác nhau “chan chát” trong những phát biểu của chủ tịch Xã, UBND huyện Tiên Lãng và lãnh đạo TP. Hải Phòng?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi đọc thông tin trên mạng không hiểu các cán bộ xã, huyện và TP lại trả lời một cách bất nhất như thế này. Thậm chí có những ý kiến còn “mạt sát” việc làm của những con người lao động đã vượt bao khó khăn để tạo ra của cải cho mình và cho đất nước không khác gì người thường gọi là “ăn cháo đái bát”. Việc làm sai rành rành lại đổ lỗi cho dân, không thấy được sai phạm nghiêm trọng của mình lại phê phán cả giới báo chí khi phản ảnh tình hình một cách vô trách nhiệm, thiếu trung thực.
Rõ ràng, ở đây có một sự ngụy biện để tránh né trách nhiệm của mình, Tôi nghĩ rằng, những người dân chân chính tại địa phương sẽ giúp chúng ta làm rõ sự việc một cách khách quan và ai sai phạm cần phải nghiêm trị để giữ vững kỉ cương, phép nước, đồng thời lấy lại lòng tin của nhân dân.
Bộ đội Việt Nam trong lòng người dân luôn là hình ảnh đẹp của “ảnh bộ đội cụ Hồ”. Ông có nghĩ: sự xuất hiện của bộ đội trong lực lượng cưỡng chế đã vô tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp kia?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chức năng của Quân đội được Đảng, Nhà nước giao là để đáp trả bất cứ một kẻ thù nào để bảo vệ tổ quốc và nhân dân, đâu có phải đưa bộ đội ra để làm hại đến lợi ích của nhân dân. Việc Tiên Lãng đưa hàng chục bộ đội và công an, nói là để cưỡng chế nhưng với vẻn vẹn chỉ có mấy người dân thì đây rõ ràng là một vụ trấn áp không thể chấp nhận được. Người đưa bộ đội ra trong trường hợp này để gây hậu quả cho dân là phi pháp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ trong mắt người dân.
Thưa Trung tướng Thước, ông từng nhiều năm giữ cương vị Tư lệnh quân khu, đã khi nào ông phải huy động quân đội tham gia cưỡng chế hoặc trấn áp các hành vi bạo động, vi phạm pháp luật? Biện pháp trấn áp của ông là gì? (Hải Phong, Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trong những năm đầu của thập kỉ 90, lúc tôi là Tư lệnh quân khu IV cũng đã xảy ra nhiều việc tranh chấp đất đai có vụ việc cấp ủy với chính quyền hai xã đã tổ chức lực lượng dân quân dàn thành thế trận, xây dựng trận địa, hầm hào, chướng ngại để tranh chấp 1 vùng đất mà hai bên đều nói là của địa phương mình. Sự việc xảy ra kéo dài nhưng chính quyền cấp trên không cương quyết xử lí nên từ tranh chấp đã biến thành cuộc đấu súng giữa hai bên gây ách tắc đường Quốc lộ 1.
Trung ương chỉ thỉ cho tỉnh phải nhanh chóng giải tỏa để thông suốt đường giao thông Bắc-Nam và không để xảy ra tình trạng nổ súng gây mất trật tự tình hình. Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Quân khu cho lực lượng thiết giáp ra để đẹp loạn. Tôi hỏi: Đưa quân đội ra để đánh ai? Nếu là địch thì không cần thiết giáp, chỉ 15 phút sau tôi có thể giải quyết xong, nhưng đây lại là dân và dân quân, thế thì Tư lệnh quân khu ra lệnh “Quân ta đánh quân mình” hay sao?
Đồng chí Bí thư tỉnh ủy hỏi: Thế thì nên giải quyết thế nào? Tôi trả lời: Phải tìm cách làm hạ nhiệt 2 bên, không được đổ thêm dầu vào lửa. Nếu không sẽ không còn là vấn đề tranh chấp đất đai nữa mà sẽ trở thành vấn đề chính trị hết sức phức tạp. Lúc này không phải là lúc đưa quân đội vào để giải quyết. Tôi liền chỉ thị cho đồng chí Đại tá, Tham mưu trưởng quân khu và hai đồng chí bảo vệ và 1 chiếc loa cầm tay không mang theo vũ khí vào tiếp cận hai trận địa để giải thích rõ và tổ chức giải giáp. Vì việc này trước đó nhiều đoàn công tác của tỉnh và huyện một số vào thì bị giữ lại, một số lại không tiếp cận được. Đồng chí tham mưu trưởng vốn là một đồng chí đã từng chiến đầu dày dặn trên chiến trường nhưng trước tình hình đó vẫn băn khoăn hỏi tôi: Nếu tôi vào mà họ bắt thì thế nào?
Tôi trả lời: Nếu là địch bắt thì tôi phải suy nghĩ lại nhưng đây là đồng chí vào với dân việc gì phải sợ. Nếu họ có bắt thì tôi cũng chả lo. Thậm chí họ còn cho đồng chí ăn no nữa nếu đồng chí giải quyết có tình có lí. Vì vậy đồng chí đó mới yên tâm vào tiếp cận trận địa, lúc đầu một số hùng hổ ra đòi bắt, đồng chí trả lời: Tôi theo lệnh Tư lệnh quân khu vào kiểm tra tình hình vì sao lại có việc hai bên bắn nhau để tìm cách giải quyết để không xảy ra đổ máu.
Lúc vào kiểm tra, nhiều chiến sĩ dân quân đã nhận ra đồng chí là người chỉ huy trước đây của mình. Đồng chí liền hỏi: Tôi dạy các anh để đi đánh giặc, sao bây giờ các anh lại đi đánh nhau? Chiến sĩ nhận ra cười trừ và nói: Bên kia bắn chúng tôi thì chúng tôi bắn lại. Đồng chí liền nói: Tất cả thu súng trở về nhà. Anh em còn thắc mắc: Bên kia còn bắn thì chúng tôi xử lý thế nào?
Đồng chí liền trả lời: Tôi sẽ thu súng cả hai phía sau đó chính quyền sẽ xử lý ai đã để xảy ra sự việc này. Sau khi tháo xong ngòi nổ, chính quyền vào điều tra, kết luận thấy rõ, cấp ủy và chính quyền hai bên vì mục đích lợi dụng cá nhân đã kích động nhân dân gây ra vụ việc này. Những cán bộ lãnh đạo và chính quyền vi phạm đều phải xử lí, có người phải đưa ra pháp luật. Số đầu sỏ chống đối cũng bị xử lý và từ đó chính quyền cơ sở được củng cố, tình hình trở lại bình thường. Hiện nay vùng đó đã trở thành một điểm sáng trên địa bàn quân khu.
Từ vụ việc nghiêm trọng này nếu hành xử như Tiên Lãng thì chắc tôi không còn ngồi ở đây để trả lời báo chí nữa.
Trong quá khứ, ông có thấy vụ việc nào cưỡng chế đất đai của người dân, lấy lý do làm công trình nhà nước, sau đó chuyển sang mục đích khác của tư nhân không? Nếu có xin ông cho thí dụ cụ thể và ông có bình luận gì về những vụ việc như vậy?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Những vụ việc mà có một số cấp chính quyền đã lợi dụng nhân danh thu hồi đất của dân để làm việc công nhưng sau đó lại chia chác với nhau đã gây phẫn uất cho nhân dân ở nhiều địa phương. Lúc tôi là Đại biểu Quốc hội Khóa IX, vụ việc một gia đình cựu chiến binh tại Bình Định bị chính quyền cấp huyện thu hồi đất nói là phục vụ công trình công cộng nhưng sau đó thì các vị đó lại chia chác với nhau xây dựng nhà riêng. Gia đình cựu chiến binh đó đấu tranh nhưng ở cấp huyện và tỉnh không giải quyết nên đã mang đơn đi khiếu kiện tại Trung ương, tại 12 kì họp của Quốc hội, tôi là người nhận được đơn thấy sự việc hoàn toàn bất công nên đã kiên quyết lên tiếng yêu cầu Quốc hội phải bảo vệ quyền lợi của người dân.
Trước bức xúc của người dân và Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ đã quyết định tỉnh Bình Định phải trả lại quyền lợi cho người dân. Quyết định rồi nhưng chính quyền địa phương vẫn chần chừ không chấp hành. Mãi đến khóa X, lúc Chính phủ tổ chức thanh tra chính quyền mới trả lại quyền lợi cho gia đình đó.
Qua việc này mới thấy rằng, một số cấp chính quyền cơ sở vừa xâm phạm đến lợi ích của nhân dân lại vừa không nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của cấp trên. Tình trạng đó nếu không cương quyết xử lý cũng như vụ Tiên Lãng hiện nay thì lòng dân sẽ không yên. Lòng tin của dân đối với Nhà nước sẽ bị xúc phạm và đó là mầm mống của những việc mất ổn định.
Vụ việc cưỡng chế đất đai với Đoàn Văn Vươn xảy ra, cho tới nay, có một số quan điểm cho rằng, nếu chính quyền hành xử vừa không đúng luật lại vừa không có tình, khi đập nát nhà người dân ngay trước dịp Tết. Ông bình luận gì? (phamhoangnam@…com)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Có thể nói rằng vụ Tiên Lãng không chỉ riêng tôi, mà còn hàng triệu người dân đều quan tấm đến vụ này vì một lẽ, cấp ủy chính quyền vừa vi phạm luật đất đai, hành động đó vừa vi phạm đến quan điểm đường lối của Đảng, cấp chính quyền mang tính cường quyền, áp đặt đối với dân. Cho nên có thể nói rằng việc này đã gây bức xúc căm phẫn trong nhân dân, khi xâm phạm đến quyền lợi của nhân dân, đập phá nhà của người ta.
Tôi thực sự kì lạ là đã trên 20 năm đổi mới của Đảng mà vẫn có một chính quyền cấp huyện hành động như vậy thì không thể chấp nhận được. Nếu cả nước mà nhiều vụ như thế này thì tình hình chính trị đất nước sẽ như thể nào, lòng dân sẽ ra sao? Và kẻ địch sẽ lợi dụng để xuyên tạc bản chất của chế độ ta. Mong các cấp chính quyền hãy ra tay giải quyết một cách triệt để, lấy lại lòng tin của nhân nhân.
Nguồn: Báo GDVN

No comments:

Post a Comment