Tuesday, February 14, 2012

Con đường Việt Nam: Cách để mỗi người giầu có



Kính gửi: Ban Điều Hành Đàn Chim Việt
Tôi là Trần Văn Huỳnh. Hôm nay tôi xin được gửi tiếp đến Ban Điều Hành Đàn Chim Việt phần Lời tựa của quyển sách Con đường Việt Nam của Trần Huỳnh Duy Thức viết, cùng với Lê Công Định và Lê Thăng Long.

Tên đầy đủ của quyển sách này là CON ĐƯỜNG VIỆT NAM – Cách Để Mỗi Người Giàu Có. Phần lời tựa này được viết vào tháng 12/2008, ngay sau khi Thức công bố bài Khủng hoảng – Cơ hội cuối trên blog Trần Đông Chấn vào cuối tháng 11/2008 để cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Vào cuối tháng 1 năm 2010, đang viết đơn kháng án trong trại giam B34, Thức vẫn tiếp tục cảnh báo bằng lá đơn này về nguy cơ đó và khẳng định nó sẽ xảy ra mà không thể tránh được nữa. Thức đã viết rằng: “Nếu không nhanh chóng thay đổi chiến lược phát triển kinh tế trong vòng vài ba năm tới thì đất nước ta sẽ rơi vào tình trạng lệ thuộc”, và: “trả lại sự trong sáng cho tôi để tôi có thể tiếp tục những công việc mà tôi thấy cần thiết và cấp bách cho đất nước”.
Trong lá đơn này Thức còn yêu cầu hệ thống an ninh quốc gia phải hướng đến bảo vệ đối tượng chính là người dân. Và: “Bảo vệ người dân chính là bảo vệ những gì mà luật pháp trao cho họ và bảo vệ họ trước những gì vi phạm pháp luật để xâm hại đến họ”. Thức đã viết như vậy trong đơn kháng án.
Những vấn đề trên đã được phân tích rõ trong phần Lời tựa này. Phần này cũng đề cập đến nhiều vấn đề rất thiết thực đối với mỗi người dân trong tình hình đất nước hiện nay.
Do vậy mong Ban Điều Hành Đàn Chim Việt giúp phổ biến.
Xin cảm ơn và kính chào.
Trần Văn Huỳnh
————————————————–
THDT đang trao chứng nhận cho đối tác của OCI tại buổi Lễ khai trương dịch vụ One-Connection toàn cầu tại Singapore năm 2003

CON ĐƯỜNG VIỆT NAM- Cách Để Mỗi Người Giàu Có

Ghi nhận
Dâng tặng Mẹ Việt Nam tất cả tri thức Mẹ đã ban cho đứa con Lạc Hồng này.
Thương tặng Má, người chưa từng dạy con một tiếng yêu nước nhưng cách Má chăm sóc cọng cỏ, ngọn cây, con gà, con chó và lòng thương người của Má dành cho những người nghèo khổ đã truyền cho con tình yêu quê hương chẳng biết tự bao giờ.
Kính tặng Ba, người đã truyền cho con lời dạy: “Phải học để trở thành người tốt”.
Thân tặng gia đình yêu thương và những người đã dành tình yêu và sự ủng hộ cho tôi.
TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc tinh Chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao
Trần Đông Chấn
Giao thừa Bính Tuất 2006
LỜI TỰA
Nếu chúng ta cùng suy tưởng về một tương lai như trên, về một thời kỳ khai sáng sẽ đưa dân tộc ta đến dân chủ, thịnh vượng, văn minh và được cả thế giới tôn trọng thì thời đại của ý tưởng đó sẽ đến. Và khi đó thì “Sẽ không có một sức mạnh gì trên quả đất này có thể ngăn nổi một ý tưởng khi thời đại của nó đã đến.”(*)
Nhân hòa tạo thiên thời
Đó chính là thiên thời – là thời điểm mà lòng người hòa hợp cùng suy tưởng về một tiền đồ tốt đẹp của một đất nước Việt Nam trong đạo nghĩa, hưng thịnh và thái bình. Đó cũng là sự hội tụ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để tạo ra sự chuyển đổi lịch sử.
Nhưng thiên thời không phải là cái mà chúng ta được ban phát từ trên trời hay từ đâu đó mang lại. Mà thời vận đó sẽ đến khi lòng người cùng hướng về nó. Do vậy người xưa thường chọn những vùng đất mà người dân ở đó đang mong muốn sự thay đổi để khởi đầu cho những biến chuyển lịch sử. Đó chính là địa lợi nhờ vào nhân hòa.
Kinh tế tạo địa lợi
Nhưng trong một môi trường toàn cầu hóa hiện nay, cùng với tác động rút ngắn thời gian và thu hẹp không gian của Internet, đã làm thay đổi rất nhiều và có phần làm nhẹ đi vai trò địa chính trị của các vùng địa lý. Hiểu rõ điều này sẽ giúp chúng ta xác định được địa lợi cho sự chuyển mình mang tính lịch sử của dân tộc chính là “vùng đất” kinh tế chứ không phải là một mảnh đất địa linh nhân kiệt nào đó.
Chính sự thay đổi chế độ kinh tế vào giữa thập niên 1980 đã cứu chế độ tránh được một sự sụp đổ và dẫn đến những thành tích không thể chối cãi, đưa hàng chục triệu người Việt Nam thoát khỏi đói nghèo. Nhưng cũng chính thành tích kinh tế đó đã làm cho người dân chấp nhận thiếu thốn rất nhiều quyền con người của mình về dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, và làm cho chính quyền chủ quan cho rằng mình làm đúng. Chính cái sai lỗi đó của cả người dân và chính quyền đang dẫn đến một sự thất bại kinh tế nặng nề.
Sự thất bại này hiện nay đang không được nhìn nhận đúng mà còn bị che lấp mất căn nguyên của nó vì những mục tiêu và lợi ích ngắn hạn, đánh mất hết những cơ hội cuối cùng để có thể tránh được một sự sụp đổ do khủng hoảng kinh tế tạo ra. Một cuộc khủng hoảng như vậy là không còn có thể tránh được nữa khi mà Chính phủ và Quốc hội đã lựa chọn “Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2009″ đang được triển khai như hiện nay bất chấp những cảnh báo và phản biện có trách nhiệm.
Khủng hoảng chuyển lòng người
Cho dù những triệu chứng bệnh nặng của nền kinh tế sẽ bị đè nén trong năm này nhưng chúng sẽ bùng phát mà không có gì có thể ngăn chặn được trong vài ba năm sau đó ở mức độ nặng nề hơn gấp bội, làm cạn kiệt các nguồn lực của quốc gia, cả trong dân lẫn nhà nước. Nhưng sẽ còn tai hại hơn nữa khi các mệnh lệnh hành chính được ban hành do sự hoảng sợ của những người ra quyết định để tiếp tục che giấu những biểu hiện thật của căn bệnh trầm trọng. Và chính cách thức này sẽ xói mòn những niềm tin cuối cùng của người dân vào chính quyền. Mà niềm tin là nguồn lực quan trọng nhất của cỗ máy kinh tế.
Hàng triệu người chúng ta sẽ phải lao đao khốn khổ. Trên một “mảnh đất” kinh tế như vậy lòng dân chắc chắn sẽ thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Nhưng sự thay đổi đó sẽ tạo ra những động lực tàn phá hay xây dựng là một vấn đề cần hết sức quan tâm. Dù là chính quyền phải chịu trách nhiệm đầu tiên và trên hết cho tình trạng tệ hại như vậy, nhưng người dân chúng ta phải thấy là mình đã góp phần đáng kể tạo ra hậu quả đó vì chúng ta đã quá dễ dàng chấp nhận những sai trái của chính quyền. Vì vậy mà chúng ta lệ thuộc.
Và chính sự lệ thuộc đó là nguyên nhân gốc của căn bệnh kinh tế này, dẫn theo hàng loạt các vấn nạn chính trị và xã hội như cường quyền, tham nhũng, đạo đức xuống cấp, vô cảm, v.v… đang ngày càng trầm kha. Nếu chúng ta không nhìn nhận đúng như vậy thì mọi sự thay đổi sắp tới đều sẽ là “bình mới, rượu cũ”, tệ hơn nữa có thể sẽ là những sự đập phá vì hận thù. Sẽ không thể có một quốc gia độc lập nếu những người chủ của nó – chính là người dân chúng ta – hầu hết là những kẻ lệ thuộc.
Cái đáy của khủng hoảng
Chỉ khi nào chúng ta ý thức được vai trò và trách nhiệm làm chủ của mình thì mỗi người chúng ta mới hết bị lệ thuộc kinh tế. Và cũng hãy hiểu rằng: cuộc khủng hoảng này sẽ chỉ chạm đáy khi nào người dân đã ý thức được như thế. Ngược lại hậu quả của nó sẽ ngày càng trầm trọng mà không có điểm dừng, tác hại nặng nề lên hàng chục triệu người cho tới khi chúng ta gục ngã hẳn. Nhưng chính quyền cũng sẽ không tránh được những hậu quả còn nghiêm trọng hơn nếu không hiểu rõ và thành thật dựa vào dân để vượt qua khủng hoảng.
Tuy nhiên, lựa chọn của chính phủ lâu nay là trấn an người dân bằng cách che giấu sự thật và nói nhiều về những cơ hội của viễn cảnh tốt đẹp. Nhưng cơ hội chỉ đến khi vượt qua được thách thức. Mà những thách thức của đất nước hiện nay không chỉ là của nhà nước mà quan trọng hơn là của toàn dân. Nếu người dân không được tôn trọng và chia sẻ thực trạng kinh tế và những thách thức đó của đất nước thì không có cách gì để vượt qua được chúng. Sự lựa chọn như vậy thường dẫn đến một kết cục là chính phủ sẽ thiếu trung thực về tình hình nhằm huy động nguồn lực trong dân, nhưng chỉ để đem chữa cháy. Đó sẽ là tai họa khủng khiếp.
Khủng hoảng – Cơ hội vàng
Nếu một cuộc khủng hoảng như vậy là không thể tránh khỏi thì hãy tìm thấy cơ hội từ nó. Và đó lại là một cơ hội vàng để chúng ta thay đổi căn bản nhận thức của mình một cách đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan. Cần hiểu rằng những sai lầm cốt tử mà chúng ta đã mắc phải chính là sự thiếu hiểu biết của người dân về những quy luật như vậy và sự áp đặt ý muốn chủ quan của chính quyền thay cho các quy luật đó của vũ trụ – tức của tự nhiên của trời đất. Khi chúng ta hiểu biết những quy luật này thì điều kỳ diệu sẽ đến, chúng ta sẽ chứng kiến một sự phát triển thần kỳ như phép màu trong sấm Trạng Trình:
Bảo giang thiên tử xuất
Bất chiến tự nhiên thành
Có người đang cố tìm xem vùng đất địa linh nhân kiệt – nơi “thiên tử” sẽ xuất hiện, nơi có một con sông được gọi là Bảo giang – ở đâu. Nhưng thiên tử thực sự ngay trước chúng ta, địa linh nhân kiệt ngay tại nơi ta ở. Thiên tử hay con trời chính là những sản phẩm của vũ trụ, là những quy luật tự nhiên của trời đất tồn tại một cách khách quan với ý muốn chủ quan của con người. Con người chỉ có thể phát hiện, hiểu rõ những quy luật đó để áp dụng nhằm có được những giải pháp tốt nhất cho ý muốn của mình chứ không thể thay đổi hoặc làm ra những quy luật như vậy theo mong muốn của con người. Do vậy, những quy luật tự nhiên khách quan còn được gọi là Vũ trụ quan hay người xưa gọi là Đạo Trời, tức là cách thức của Trời với ngụ ý là những cách thức đó vượt lên trên mong muốn chủ quan của con người.
Cách cai trị phong kiến
Nhưng vua chúa phong kiến ngày xưa vì quyền lợi hẹp hòi của mình đã lợi dụng những từ ngữ đúng đắn trên của các nhà hiền triết để huyễn hoặc dân chúng và tự thần thánh hóa mình thành những “Con Trời” mang mệnh “thiên tử” được lựa chọn một cách độc tôn và không thể thay thế để “đại diện Trời” cai trị dân chúng. Từ đó nên những lời họ ban ra được áp đặt thành “đạo Trời” bất chấp chúng đi ngược lại những quy luật khách quan của trời đất, và cưỡng bức dân chúng chấp nhận ý muốn của họ như một “tất yếu khách quan” do “thiên định”. Để bảo vệ sự thống trị của mình, họ càng làm cho người dân mù quáng, mê muội và giáo điều tin vào những chủ thuyết “trời ơi” của họ nhưng lại được cổ súy bởi những kẻ ngu trung có học và tiền hô hậu ủng bởi các quan lại tham nhũng. Và họ dùng “vương pháp” để bảo vệ trước tiên và trên hết các chủ thuyết này nhằm trừng phạt bất kỳ ai, bất kỳ tiếng nói khách quan nào đe dọa sự thống trị của họ.
Nhưng bất chấp những sự trừng phạt và trả thù có hà khắc đến đâu đi nữa thì những chế độ như thế đều không tránh được những sự sụp đổ nhục nhã và thường rất đẫm máu một khi lòng dân đã thay đổi, không còn tin vào chúng nữa. Tuy nhiên lịch sử đã cho thấy rằng những cuộc thay đổi đó hầu hết là bình mới rượu cũ, thay sự thống trị này bằng một sự thống trị khác, người dân vẫn là những kẻ bị trị và lệ thuộc. Họ chỉ được thở chút không khí thoải mái hơn ở thời kỳ đầu khi các chế độ mới nắm quyền muốn lấy lòng dân chúng nhằm củng cố địa vị ban đầu của mình. Sự mị dân như vậy không kéo dài, mọi thứ mau chóng trở về đúng thực chất của nó. Sự xuất hiện những minh quân trong các chế độ như vậy là rất hiếm hoi thường là do may mắn. Dân chúng không thể làm gì khác ngoài việc ước ao và cầu nguyện cho những minh quân như thế xuất hiện để cai trị mình – một sự trông đợi thụ động để được ban phát.
Tự do và Quy luật
Lịch sử các cuộc cách mạng và thay đổi triều đại ở phương Đông hầu hết đều như thế, trừ Minh Trị Duy tân ở Nhật giữa thế kỷ 19. Đó là nguyên nhân gốc của sự chậm tiến và bị thuộc địa hóa của lục địa này so với phương Tây. Chủ nghĩa phong kiến thần quyền thống trị Châu Âu đã cản trở sự phát triển của lục địa này không khác gì ở phương Đông cho đến cuối thế kỷ 16. Nhưng các Phong trào Phục hưng và cuộc Cách mạng khoa học kỹ thuật đã biến đổi sâu sắc và thực chất xã hội và con người ở đó, đưa nó vượt lên dẫn đầu thế giới tới ngày nay. Nếu cuộc Cách mạng Khoa học kỹ thuật giúp con người hiểu rõ được các quy luật tự nhiên khách quan trong thế giới vật chất thì Phong trào Phục hưng đã giải phóng tư tưởng con người khỏi sự giáo điều và áp đặt của các chủ thuyết phong kiến, làm cho họ tự do nghiên cứu tìm tòi các quy luật đó và kiến tạo dần nên các trào lưu dân chủ như ngày nay.
Dù Giordano Bruno đã phải hy sinh trên giàn hỏa để bảo vệ sự thật “trái đất quay quanh mặt trời” hay Galileo Galilei phải cúi đầu giả nhận tội để giữ mạng sống(+) nhằm có thể tiếp tục nghiên cứu chứng minh cho khoa học, cho chân lý Nhật tâm này thì các nhà nước phong kiến thần quyền Châu Âu vẫn không thể bảo vệ nổi cái “quy luật” sai trái “mặt trời quay quanh trái đất” của họ. Cuối cùng họ vẫn phải “cúi đầu” thừa nhận lặng lẽ quy luật Vạn vật hấp dẫn mà Newton đã dựa vào đó để chứng minh trái đất quay quanh mặt trời một cách không thể bác bỏ.
Bí quyết của phép màu
Đó chính là giá trị của tự do con người và của sự hiểu biết về các quy luật tự nhiên trong trời đất mà khi có được thì loài người sẽ giàu có và phát triển thần kỳ. Đó cũng chính là nguyên nhân của phép màu Nhật Bản – trong vòng chỉ 30 năm từ cuộc Duy Tân của vua Minh Trị vào 1868 nước Nhật đã trở thành một cường quốc được cả thế giới kính nể từ một nước nghèo nàn lạc hậu. Cuộc canh tân này đặt trên một nguyên lý chủ đạo: “Độc lập dân tộc nhờ độc lập cá nhân” do nhà tư tưởng khai sáng vĩ đại Fukuzawa Yukichi đề xướng. Không có độc lập cá nhân thì sẽ không thể có độc lập dân tộc, dẫn đến quốc gia lệ thuộc rồi bị biến thành nô lệ – ông đã viết và dành cả đời mình để truyền giảng như vậy.
Việt nam hoàn toàn có thể có được phép màu đó, thậm chí còn thần kỳ và nhanh chóng hơn do tác động rút ngắn thời gian của Internet, nếu mỗi người dân chúng ta là một con người độc lập thực sự để có thể hiểu được quy luật tự nhiên của trời đất. Nước ta đã tuyên bố độc lập và dùng thuật ngữ Cộng hòa để đặt tên nước đã hơn 63 năm, nhưng những tư tưởng và cách hành xử phong kiến như trên vẫn còn ăn sâu trong cả người dân lẫn chính quyền một cách vô tình lẫn cố ý, vô thức lẫn có ý thức. Chính sự xơ cứng trong suy nghĩ như vậy bao đời nay đã đẩy dân tộc ta thụt lùi lại rất xa trong tất cả các bước tiến hóa quan trọng của nhân loại cho đến tận ngày nay. Mỗi lần như vậy đất nước đều bị biến thành thuộc địa mà phải mất đến hàng triệu xương máu để giành lại độc lập. Nhưng cũng chỉ là sự thay đổi hình thức trên danh nghĩa, người dân chúng ta chưa bao giờ có sự thay đổi thực chất trong suy tưởng của mình để hướng đến tự do độc lập cho mình thực sự. Chính vì vậy mà hơn một ngàn năm nay dân tộc ta chưa bao giờ có được một nền độc lập đầy đủ và thực chất.
Nếu không có những trào lưu suy tưởng tích cực để làm mỗi người chúng ta vượt thoát được lối suy nghĩ và hành xử xơ cứng như trên thì đất nước ta chẳng những không thể đạt được “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà còn sẽ ngày càng bị lệ thuộc, đến mức sẽ trở thành nô lệ, thuộc địa kiểu mới. Đây không còn là nguy cơ nữa mà là thực tế đang xâm thực vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống đất nước, đe dọa chủ quyền quốc gia. Hơn lúc nào hết, thay vì vận động học tập và làm theo, chúng ta cần tiếp tục tinh thần “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” của các Phong trào Đông Du và Duy Tân để tạo ra một trào lưu suy tưởng rộng rãi trong nhân dân, tự do khám phá tìm hiểu các quy luật khách quan của thế giới xung quanh ta, tự do phản biện và cả phủ định những giáo điều và sai trái. Để từ đó rút tỉa được những giá trị phù hợp từ truyền thống và tư tưởng do lịch sử dân tộc để lại nhằm phát huy thành những sức mạnh và lợi thế cho mỗi người Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa. Nhờ vậy mà chúng ta giàu có. Đất nước nhờ có những người dân như vậy mà phát triển tốt đẹp. Suy tưởng như vậy sẽ là một quá trình sáng tạo, trong khi làm theo sẽ chỉ làm cho sự xơ cứng tư duy thêm trầm trọng.
Sự suy tưởng sáng tạo như vậy tự nhiên sẽ hội tụ lòng dân đến cùng một ý tưởng về một thời kỳ khai sáng cho dân tộc với khát vọng cho đất nước vươn lên để mỗi người Việt Nam sẽ được giàu có, hạnh phúc và được nể trọng trên toàn thế giới. Khi đó thời đại của ý tưởng này sẽ đến mà không có gì ngăn cản nổi. Khi đó điều kỳ diệu sẽ xảy ra cho mỗi người và đất nước chúng ta. Khi đó sẽ là lúc thực hiện lời nhắn gửi thiêng liêng của tiền nhân: “Bảo giang thiên tử xuất, Bất chiến tự nhiên thành” – tức là hiểu rõ các quy luật của trời đất là cách để bảo vệ giang sơn đất nước mà không cần dùng đến vũ khí và tránh được chiến tranh.
Có nhiều quy luật mà quyển sách Con đường Việt Nam này sẽ trình bày. Nhưng đối với đa số người dân, chúng ta chỉ cần hiểu rõ và thực hành đầy đủ một điều quan trọng nhất, thiêng liêng nhất và lại là nền tảng cho tất cả các quy luật khác: Quyền con người. Những phần sau của quyển sách sẽ cho thấy vì sao đó là quy luật của trời đất và vì sao quy luật này có tầm quan trọng như vậy. Nhưng không có gì là phức tạp, chúng ta chỉ cần hiểu rằng thuộc tính nào của vạn vật do trời đất tạo ra thì không có sức mạnh nào của con người có thể thay đổi được, và chính thuộc tính đó tạo ra quy luật. Người ta có thể đắp chặn ngăn nước chảy xuống vùng thấp nhưng không cách gì để thay đổi thuộc tính của nước là luôn đổ về chỗ trũng, và như vậy nước chảy về trũng là một quy luật. Tương tự như thế, những kẻ cường quyền có thể tước đoạt tự do và quyền con người nhưng không thể nào thay đổi được thuộc tính người là luôn luôn mong muốn có đủ tự do và các quyền đó. Chắc có lẽ chỉ những ai bị đánh rơi trong rừng từ lúc nhỏ thì mới không có mong muốn đó mà thôi. Do vậy Quyền Con người cũng là một quy luật mà khi được tôn trọng và sử dụng đầy đủ thì chúng ta sẽ có được sức mạnh tựa phép màu như đại hồng thủy.
Thiên tử là chúng ta
Ở nơi nào con người tự tin thực hiện các quyền này thì ở đó “thiên tử” xuất hiện, tức là Quyền con người tồn tại thực tế trong cuộc sống ở nơi ấy. Và vùng đất ở đó chính là địa linh nhân kiệt vì sẽ có rất nhiều anh hùng hào kiệt – những người tự tin, tự do và độc lập để khám phá nhiều quy luật khác của trời đất, từ đó tạo ra sức mạnh nhằm mang lại sự giàu có và những điều tốt đẹp cho cuộc sống chúng ta, bảo vệ dân tộc ta, thịnh cường đất nước ta. Đó là cách chúng ta chủ động kiến tạo nguyên khí, lựa chọn nhân tài để phát triển quốc gia, phục vụ cho chúng ta chứ không phải thụ động trông chờ và cầu may minh quân xuất hiện và ban phát tài năng của họ.
Sự may mắn này nếu xảy ra thì cũng không bao giờ tạo nên những “minh quân” thực thụ vì những người này nếu lập nên được những công trạng to lớn nào đó thì tất nảy sinh thói tự phụ, tự cho mình có quyền đứng trên dân chúng vì đã ban cho dân chúng những lợi ích lớn lao nào đó. Tư duy và cách hành xử phong kiến như vậy tất sẽ dẫn đến những vấn nạn khác cho người dân. Đặng Tiểu Bình là một lãnh đạo xuất chúng đã đưa Trung Quốc phát triển vượt bậc giúp hàng trăm triệu người thoát đói nghèo, nhưng cũng chính ông là người phải chịu trách nhiệm về sự kiện đẫm máu Thiên An Môn 20 năm trước, đánh mất cơ hội vĩ đại có thể đưa Trung Quốc thành một nước dân chủ thịnh vượng cho hàng tỷ người.
Sức mạnh thực sự của một quốc gia nằm ở sự hiểu biết của cả dân tộc ở đó chứ không phải bởi trí tuệ riêng của bất kỳ một con người hay đảng phái nào. Trên tinh thần như vậy, quyển sách Con đường Việt Nam – Cách Để Mỗi Người Giàu Có này sẽ trình bày những nghiên cứu của nó về các quy luật kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là sự tương tác của chúng ở một môi trường toàn cầu hóa; áp dụng các quy luật này trong bối cảnh địa chính trị và văn hóa của Việt Nam nhằm đề xướng những giải pháp chiến lược cho sự phát triển dân chủ và thịnh vượng cho người dân và đất nước chúng ta một cách nhanh chóng và bền vững.
Con đường Việt Nam (tên gọi tắt của quyển sách) cũng đưa ra những đề nghị đối với nhà nước về cách thức quản lý đất nước sao cho phù hợp với quy luật khách quan, mà quan trọng nhất là yêu cầu phải bảo vệ người dân chúng ta thực hiện đầy đủ Quyền con người của mình theo đúng Hiến pháp. Những quyền này là vốn có tự nhiên, là của chúng ta mà không một ai hay tổ chức nào có quyền cho phép hay ban phát cả. Bất kỳ nhà nước nào thất bại trong việc bảo vệ cho người dân của nó thực hiện Quyền con người của mình thì nó không còn hợp pháp nữa và không thể được gọi là nhà nước pháp quyền. Con đường Việt Nam sẽ làm rõ khẳng định này trong những phần sau của quyển sách.
Vì ra đời trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sẽ rất trầm trọng nên quyển sách này cũng dành một phần đáng kể để phân tích và đưa ra những khuyến nghị cho người dân và nhà nước nhanh chóng vượt qua được khủng hoảng một cách tối ưu mà sự nghiên cứu của Con đường Việt Nam thấy là tốt nhất để tránh được sự hỗn loạn.
(Viết vào tháng 12 năm 2008)
__________________
(*) Lời của Victor Huygo – đại văn hào Pháp (1802-1865)
(+) Galileo Galilei bị quản chế đến cuối đời.

No comments:

Post a Comment