Monday, December 19, 2011

SINGAPORE: Một Con Rồng của Châu Á



Phạm Văn Tuấn - 1. Địa dư của Singapore
Singapore là một hòn đảo thấp, diện tích 646 cây số vuông, nằm cách Xích Đạo 137 cây số về phía bắc. Ngoài hòn đảo chính dài 42 cây số, rộng 23 cây số với bờ biển dài 138 cây số, Singapore còn có 58 hòn đảo nhỏ. Singapore nối với bán đảo Mã lai bằng một đường nối (causeway) dài 1 cây số. Điểm cao nhất của đảo Singapore là ngọn đồi Bukit Timah (đồi Thiếc), cao 162 mét.

Hòn đảo Singapore nằm trên con đường sinh tử nối vùng Trung Đông với Á Đông. Eo biển chiến lược Malacca ở phía bắc hướng về biển Ấn Độ, còn về phía đông là biển Nam Trung Hoa trải dài tới Đông Dương, Phi Luật Tân và còn đi xa hơn nữa. Chính nhờ vào vị trí rất quan trọng này mà Singapore đã từ một làng đánh cá, trở nên một cảng thuốc phiện trong thế kỷ 19 để rồi ngày nay lại là một trung tâm tài chính và kỹ thuật rất lớn của châu Á.
Singapore là một hải cảng rất bận rộn, mỗi năm đón nhận trên 36,000 tầu biển với 5 cửa cảng (port terminals), mỗi cửa tiếp nhận một loại hàng riêng. Singapore có 15 cây số bến tầu (wharf) với đầy đủ nhà kho với các phương tiện tồn trữ dầu thô và sản phẩm dầu, và một đội tầu viễn duyên lớn thứ 15 trên thế giới. Vào năm 1987, 128 triệu tấn hàng và nguyên vật liệu đã được hải cảng này vận chuyển với tốc độ mỗi giây có 4 tấn hàng được câu lên bờ hay thả xuống tầu, và mỗi 15 phút có một tầu biển đã chất hàng xong.
Singapore là một trong các nơi lớn nhất trên thế giới về lọc dầu thô và sản xuất ra các sản phẩm dầu lửa. Thứ “vàng đen” này đã được chế biến với tốc độ 72 triệu tấn vào năm 1987.
Singapore có 2 phi trường chính là Changi dùng cho đường bay quốc tế và Paya Lebar dùng cho các đường bay bao thuê và huấn luyện, và còn có 3 phi trường nhỏ khác. Trên đảo có hệ thống đường lộ trải nhựa với 5 xa lộ dài 141 cây số. Ngoài ra còn có hệ thống đường xe lửa MRT (Mass Rapid Transit = chuyển vận khối lượng nhanh) chính thức hoạt động từ ngày 12/8/1988 với 75 cây số đường rầy và 48 trạm, với các đặc tính sạch sẽ, thuận tiện và giá rẻ, được coi như đứng thứ hai trên thế giới.
2. Thời tiết tại Singapore
Singapore là xứ nhiệt đới, trời nóng và ẩm quanh năm. Nhiệt độ tại cảng này ít khi hạ xuống dưới 20 độ C (68 độ F) ngay cả về ban đêm, và về ban ngày trời nóng tới 30 độ C (86 độ F) hay cao hơn. Độ ẩm thường là 90 phần trăm. Lúc mưa, các trận mưa rào thường lớn và ngắn, có tháng ngày nào cũng mưa nhưng không bao giờ mưa suốt ngày. Singapore có độ ẩm cao nhất vào tháng 11 tới tháng Giêng. Singapore gặp hai đợt gió mùa, gió mùa đông bắc từ tháng 12 tới tháng 3 và gió mùa tây nam từ tháng 6 tới tháng 9.
3. Dân số Singapore
Vào năm 1824, Singapore chỉ có 10,500 người nhưng ngày nay, đây là một quốc gia có 3.04 triệu dân gồm 77.3 % gốc Trung Hoa, 14.1 % gốc Mã Lai, 7.3 % gốc Ấn Độ và 1.3 % thuộc các nguồn gốc khác. Theo thống kê về tôn giáo, dân Singapore có 28 % theo đạo Phật, 18.7 % theo đạo Thiên Chúa, 17.6 % không có tôn giáo rõ ràng, 16 % đạo Hồi, 13.4 % đạo Lão (Daoist), 4.9 % Ấn giáo và 1.1 % các tôn giáo khác. Đạo Thiên Chúa hiện nay phát triển cao nhất so với các tôn giáo khác.
Mật độ của dân chúng tại Singapore rất cao nhưng chính phủ đã cổ động phong trào hạn chế sinh đẻ từ năm 1970 khiến cho tỉ lệ sinh sản giảm hẳn đi, ngay cả tại các cộng đồng người Hoa và chính phủ cũng đặt ra các phần thưởng, có khi lên tới 5,000 mỹ kim, cho những người tình nguyện triệt sản (sterilization). Mặt khác, tiền thuế lại được giảm bớt cho các bà mẹ có bằng cấp đại học, bớt thuế cho các cặp vợ chồng có đứa con thứ ba hay thứ tư và lại có chương trình của chính quyền dạy cho những công dân quá chăm làm kỹ thuật tán tỉnh người khác phái.
Singapore cũng nới rộng luật di dân, đã cho phép nhập cư mỗi năm 25,000 người Hoa Hồng Kông và thân quyến. Sự nhân nhượng đối với dân Hồng Kông này đã bị chỉ trích là để làm tăng dân số gốc Hoa.
Đặc tính của nước Singapore là sự muôn vẻ của nhiều sắc dân, với các tập quán và phong tục của người Ấn Độ, của người Mã Lai tại các khu Geyland và Katong và đặc biệt của người Trung Hoa tại “thị trấn người Hoa” (Chinatown).
Singapore đã bị ảnh hưởng nặng nề về Văn Hóa Tây Phương và đây là điều quan tâm của chính quyền. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính của ngành Giáo Dục và sự trù phú đang vươn lên đã khiến cho người dân trong xứ bị ảnh hưởng phương Tây, làm hại tới các giá trị cổ truyền, nhất là tinh thần làm việc chăm chỉ của người Trung Hoa vì chính đức tính này đã xây dựng nên xứ sở Singapore. Để cố gắng duy trì các đức tính cổ truyền, chính quyền đã tổ chức các phong trào quần chúng, làm phát triển các giá trị văn hóa truyền thống bao gồm cả các triển lãm, học hỏi đạo đức tại học đường hay qua các giáo huấn tôn giáo. Chính phủ Singapore đã dùng triết lý đạo Khổng, đề cao các đức tính hiếu hạnh đối với cha mẹ, trung thành với bạn bè, tôn trọng nền giáo dục, công lý và chính quyền tốt. Tự do cá nhân không được đề cao, gia đình có trách nhiệm về an sinh xã hội. Chính quyền cũng chủ trương lý thuyết “chia xẻ giá trị” (shared values) theo đó “quốc gia ở trên cộng đồng, xã hội trên cá nhân, cá nhân được tôn trọng và có cộng đồng trợ giúp, mọi người cùng đồng lòng mà không đối kháng nhau và sự hòa hợp chủng tộc và tôn giáo”.
Chính quyền Singapore cố gắng làm phát triển đất nước thành một quốc gia đa văn hóa (multicultural) trong đó ba sắc dân chính bình đẳng và hài hòa với nhau, đồng thời vẫn giữ được sắc thái của các văn hóa gốc. Chính quyền cũng tìm cách đoàn kết người dân, đề cao sự công bằng mặc dù vẫn có các bất bình đẳng về tài sản giữa các sắc dân. Chính sách thực tế của chính phủ Singapore vẫn là sự hòa hợp mọi giống dân trong xứ sở, một việc làm không phải dễ dàng.
4. Người dân gốc Hoa
Người Trung Hoa đã tới định cư tại Nam Dương (Indonesia) từ thế kỷ 14 rồi sang thế kỷ 19 và 20, các làn sóng người Trung Hoa di dân đã đổ về Singapore để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, họ đã trở nên sức lao động chính của các thuộc địa Mã Lai và Singapore. Các người di dân này thường từ miền Nam Trung Hoa là các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, với các thổ ngữ khác nhau và chính vì thổ ngữ mà họ lập ra các cộng đồng nhỏ khác nhau để sống quây quần, bảo vệ lẫn nhau. Sự phân chia này được căn cứ vào nhóm (clan), thổ ngữ và nghề nghiệp. Những người di dân mới tới một địa phương xa lạliền được cộng đồng nhỏ của mình chăm sóc, giúp nơi ở và công việc làm ăn. Vào thế kỷ 19, trong cộng đồng người Hoa đã có các hội kín, phần lớn có tính cách băng đảng phạm pháp song lại có thế lực hơn là chính quyền thuộc địa trong sinh hoạt của người Hoa.
Ngày nay phần lớn người Trung Hoa sống tại Singapore đều sinh ra tại nơi này. Họ thuộc thế hệ thứ ba hay thứ tư, và do rất tự hào về các tiến bộ kinh tế và xã hội mà họ tự coi là “người Singapore” chứ không phải là người Hakka, người Phúc Kiến, người Quảng Đông như cha ông của họ.
Chính quyền địa phương Singapore ngày nay có chương trình cổ động mọi người Hoa học và dùng tiếng Quan Thoại (Mandarin) là ngôn ngữ chung cho tất cả các sắc dân gốc Hoa, nhưng tiếng Anh lại được coi là thứ để đoàn kết lại toàn thể mọi sắc dân trong nước. Từ nhiều thế kỷ, tư tưởng của người Trung Hoa là thứ pha trộn vừa triết lý sống, vừa tôn giáo. Đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão đã hòa hợp với nhau và đi vào cuộc sống hàng ngày và điển hình là tại các ngôi chùa, ngôi đền, sự thờ cúng đã cho thấy rõ các sinh hoạt tôn giáo của người dân gốc Hoa. Trẻ em trong gia đình người Hoa từ lúc còn nhỏ đã được dạy dỗ phải kính trọng và giúp đỡ cha mẹ, khi cha mẹ chết thì phải cúng tế cùng với tổ tiên tức là các thế hệ đã qua. Tại Singapore, lễ an táng của người dân gốc Hoa là một sự kiện to lớn, với các lễ nghi, kèn trống, cờ xí và các đồ mã bao gồm nhà, xe, tivi và ngay cả người hầu hạ làm bằng giấy, đốt đi để cho người chết có thể an hưởng những tiện nghi tại cõi âm.
Tại Singapore, người Trung Hoa còn tin tưởng rất nhiều vào môn địa lý (phong thủy) và chính ông Lý Quang Diệu cũng vẫn thường hỏi ý kiến cố vấn của các thầy địa lý, tử vi. Người Trung Hoa còn tin tưởng vào tướng số, chỉ tay và Kinh Dịch.
5. Người dân gốc Mã
Người Mã Lai là người cư ngụ chính thức tại miền đất trải dài từ bán đảo Mã Lai, qua Singapore sang Nam Dương và Phi Luật Tân. Người dân gốc Mã đã di cư tới Singapore từ bán đảo Mã Lai và từ Nam Dương. Người dân gốc Mã theo đạo Hồi, là tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống hàng ngày và là căn nguyên tập hợp các phần tử trong xã hội Mã. Trong năm Hồi giáo, tháng Ramadan là quan trọng nhất, người Hồi đã kiêng ăn từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn và cuối thời kỳ kiêng ăn là lễ quan trọng nhất. Đạo Hồi do người Ả Rập và các thương nhân người Ấn Độ truyền qua miền này và được người dân địa phương theo học vào thế kỷ 15 nhưng cũng có một số người gốc Mã theo Ấn giáo và thờ súc vật.
Tại xã hội Mã, sự hài hòa (harmony) là nguyên tắc hướng dẫn cuộc sống và bổn phận cá nhân là duy trì hòa bình và sự hài hòa này. Mỗi người Mã phải cư xử lịch sự, tránh tranh chấp và xã hội được hưởng lợi nếu mỗi cá nhân đề cao sự tốt lành của các người khác.
Người gốc Mã có ý tưởng rất cao về tinh thần cộng đồng và hiếu khách, và làng (kampong) là trung tâm của đời sống thời trước. Tại nơi này, quyền lợi và nhu cầu của cư dân được chăm sóc, các người cao tuổi có thể được mời đến để hướng dẫn về đạo đức lẫn tinh thần và phân xử các tranh chấp trong cộng đồng.
Tại Singapore, tiếng Mã vẫn là một thứ ngôn ngữ chính nhưng văn hóa cổ truyền của người Mã không thấy thể hiện rõ ngoài xã hội. Người Mã thường sống tại các nơi có các tòa nhà cao tầng như tại khu Geyland.
6. Người dân gốc Ấn
Người Ấn Độ di cư qua Singapore phần lớn vào thế kỷ 19 khi người Anh tuyển mộ nhân công để làm việc trong các đồn điền tại Mã Lai. Họ thường tới Singapore rồi sau đó định cư tại Mã lai. Tại Singapore, 60 % người Ấn có gốc Tamil, 20 % từ tiểu bang Kerada, Ấn Độ, số còn lại là những người từ các bang Bengal, Punjab và Kashmir. Người gốc Ấn theo Ấn giáo, Hồi giáo nhưng cũng có một số theo đạo Sikh, Parsee, Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Người dân gốc Ấn vẫn kết hợp chặt chẽ với cộng đồng của họ và văn hóa Ấn Độ có tính nổi rõ nhất.
7. Ngôn ngữ tại Singapore
Singapore có 4 ngôn ngữ chính: tiếng Anh, Hoa, Mã Lai và Tamil. Tiếng Anh là ngôn ngữ của thương mại và hành chính, được coi là ngôn ngữ kết hợp các sắc dân khác nhau và được dùng tại khắp nơi, ngoại trừ các người cao tuổi trước kia không được học tiếng Anh tại trường.
Tiếng Hoa gồm nhiều thổ ngữ, phổ thông nhất là tiếng Hakka, Phúc Kiến, Triều Châu và Quảng Đông. Các người cao tuổi thường vẫn dùng các thổ ngữ gốc của họ nhưng giới trẻ ngày nay được khuyến khích nói tiếng Quan Thoại (Mandarin).
Tiếng Mã Lai (Bahasa Malysia) là quốc ngữ (national language) được chấp nhận để tỏ thiện chí với các cư dân gốc của Singapore và cũng là một biểu hiện hòa dịu với Mã Lai.
Tiếng Tamil là thổ ngữ Ân Độ chính nhưng còn có các thổ ngữ khác là Malayalam và Hindi.
Sau khi giành được độc lập, chính phủ Singapore đã chủ trương nền giáo dục song ngữ trong đó tiếng Anh bị giảm nhẹ, trái với đường lối giáo dục Anh Quốc khi trước là đề cao tiếng Anh và hạ bớt sự quan trọng của tiếng Hoa. Kể từ năm 1987, tiếng Anh được chính thức công nhận là ngôn ngữ giảng dạy tại các trường học. Trẻ em cũng được học thêm một ngôn ngữ thứ hai và đối với học sinh gốc Hoa thì phải học tiếng Quan Thoại. Đây là cách đoàn kết các nhóm người Hoa khác nhau và để cho họ không mất liên hệ với các truyền thống của cha ông. Dù thế, học sinh gốc Hoa vẫn thích học tiếng Anh hơn, còn dân gốc Mã lại ham thích học tiếng Mã Lai. Mặt khác, cộng đồng dân gốc Ấn Độ muốn tập trung vào tiếng Anh và giới hạn việc xử dụng các thổ ngữ Ấn Độ.
8. Nền Kinh Tế của Singapore
Singapore là một trong bốn con rồng kinh tế của châu Á cùng với Nam Triều Tiên, Đài Loan và Hồng Kông. Trong 20 năm liền, mức tăng trưởng kinh tế của Singapore trung bình là 8% và 11% vào năm 1988. Nền kinh tế của Singapore đặt căn bản vào thương mại, vận tải biển, ngân hàng và du lịch, và cũng có một kế hoạch kỹ nghệ hóa nhẹ. Singapore cũng có kỹ nghệ hóa dầu và ngành lọc dầu cho miền Đông Nam Á, ngoài ra lại có nhiều xưởng đóng tầu biển, bảo trì và sửa chữa tầu biển và các xưởng điện tử. Tại Jurong có 3,400 nhà máy sản xuất mọi thứ, từ sợi dây giầy nhỏ bé tới chiếc tầu biển khổng lồ. Cảng Singapore là hải cảng bận rộn hạng 4 của thế giới. . Singapore thường buôn bán nhiều nhất với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Mã Lai và Cộng Đồng Châu Âu. Kỹ nghệ du lịch tại Singapore cũng phát triển mạnh với trên 4 triệu du khách hàng năm, tới từ Hoa Kỳ, Úc châu, Âu châu và Nhật Bản, họ cư ngụ trong các khách sạn quốc tế cao tầng.
Hối suất tiền Singapore vào năm 1998 là l Mỹ kim = 1.64 đồng Singapore. Vào năm 1995, Singapore xuất cảng 118 tỉ Mỹ kim, nhập cảng 125 tỉ Mỹ kim, phần lớn hàng xuất cảng gồm máy móc, dụng cụ chuyên chở và sản phẩm dầu.  Sản lượng nội địa GDP (Gross Domestic Product) vào năm 1996 của Singapore là 94 tỉ Mỹ kim.
Singapore không có nạn thất nghiệp, lạm phát rất thấp. Vào năm 1996, lực lượng lao động của Singapore gồm có 1.5 triệu người. Phụ nữ chiếm 38% giới lao động, 64% lực lượng này dùng trong các dịch vụ như ngân hàng, tài chánh, bán lẻ và du lịch; chế tạo và xây dựng dùng 36% trong khi nông nghiệp và ngư nghiệp chỉ chiếm 0.4% tổng số lực lượng lao động.
Singapore được nhiều người coi là một nơi có nền kinh tế thị trường tự do (free market economy) nhưng trên thực tế, nền kinh tế của xứ sở này lại được điều hành theo khuôn mẫu của Nhật Bản. Để làm phát triển, chính phủ Singapore chỉ hướng cho các kỹ nghệ có mục tiêu (targeting industries) cũng như điều khiển thị trường lao động và các nghiệp đoàn. Cũng có các luật lệ cứng dắn ngăn cản các cuộc đình công.
Mặc dù đề cao tự do mậu dịch (free trade) nhưng chính phủ luôn luôn dành quyền can thiệp vào các hoạt động kinh tế của các công ty, chẳng hạn như thị trường chứng khoán của Singapore đã bị đóng cửa trong 3 ngày vào năm 1985 lúc công ty Pan Electric Industries bị kiểm soát tài sản. Cơ quan “Thẩm Quyền Tài Chính MAS” (the Monetary Authority of Singapore) hành động như một ngân hàng trung ương, một cơ quan rất mạnh, điều hành tài chính để duy trì sự tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của các khu vực tài chính. Thị trường tài chính Singapore được coi là một trong các thị trường lớn nhất tại châu Á, đã cung cấp cho xứ sở này 25 % lợi tức, lý do là vì sự ổn định đầu tư mà cơ quan MAS đã cung cấp.
Singapore ngày nay là một trung tâm tài chính rất quan trọng của châu Á, gồm nhiều ngân hàng, các công ty bảo hiểm và đầu tư, nhưng các nhà đầu tư khác vẫn còn e ngại bởi vì xã hội giới hạn của xứ sở này. Singapore không phải là một xứ cho trợ cấp xã hội (welfare) nhưng những người nghèo được cung cấp bảo hiểm y tế, nhà rẻ tiền, giúp đỡ giáo dục. Cũng tại nơi đây không có trợ cấp thất nghiệp vì tỉ lệ thất nghiệp không đáng kể và chính phủ cũng nhấn mạnh rằng những ai cần việc làm đều có công việc cả. Đúng vậy, Singapore đã phải mướn thêm nhân công của các quốc gia ở gần, đặc biệt để làm các công việc nặng nhọc hay dơ bẩn mà người Singapore không nhận. Tất cả công nhân cũng như chủ nhân đều phải đóng tiền vào Quỹ Tiết Kiệm Trung Ương (the Central Provident Fund = CPF) để sau này người công nhân có thể rút ra tiền hưu bổng hay dùng số tiền này để mua nhà rẻ tiền do chính phủ xây cất. Hiện nay hơn 85 % dân chúng sống trong các tòa nhà cao từ 10 tới 20 tầng, xây dựng với tốc độ rất nhanh.
Singapore là xứ sở không có tài nguyên thiên nhiên, toàn thể đất nước sống nhờ vào các nước láng giềng về cả thực phẩm lẫn nước uống, nhưng lợi tức tính theo đầu người là 30,900 Mỹ kim/ năm (1996) và đây là một trong các lợi tức cá nhân cao nhất trên thế giới.
Singapore là một nước cộng hòa với Quốc Hội một Viện gồm 81 nhân viên làm ra luật pháp. Dân chúng Singapore bầu ra các đại biểu Quốc Hội mỗi 5 năm. Người đứng đầu đảng chiếm đa số ghế trong Quốc Hội giữ chức vụ Thủ Tướng. Thủ Tướng và Nội Các điều hành chính quyền. Từ năm 1968 tới năm 1981, đảng Nhân Dân Hành Động PAP (the People’s Action Party) là đảng chính trị lớn nhất, đã giữ tất cả các ghế của Quốc Hội.
Dân chúng Singapore cũng bầu ra Tổng Thống nhiệm kỳ 6 năm. Tổng Thống là người đứng đầu quốc gia, đã bổ nhiệm Chánh Án và các Thẩm Phán của Tòa Án Tối Cao theo lời cố vấn của Thủ Tướng. Singapore có 55,000 người phục vụ trong Lục Quân, Hải Quân và Không Quân. Thanh niên tới 18 tuổi phải phục vụ quân đội trong 2 năm.
Tại Singapore, chính quyền luôn luôn đưa ra các phong trào, bắt dân chúng phải theo, chẳng hạn như phong trào “Hãy giữ cho Singapore sạch sẽ”, hay “Luôn luôn tỏ ra lịch sự”. Việc biến đổi Singapore từ một vùng đất rất nghèo nàn, chậm tiến, trở thành một hải đảo trù phú là công lao của đảng Nhân Dân Hành Động, đứng đầu bởi Thủ Tướng Lý Quang Diệu (Lee kuan Yew), nắm quyền từ năm 1959 tới năm 1989. Chính sách liên tục của đảng này nhắm vào các điểm chính là làm phát triển kinh tế, điều khiển kinh tế và xã hội, dùng một chính quyền cứng dắn, không chấp nhận bất đồng chính kiến.
Thủ tướng đầu tiên của Singapore
[Lý Quang Diệu/Lee Kuan Yew]
Vào tháng 8 năm 1990, Singapore đã cử hành năm thứ 25 độc lập và 3 tháng sau đó, vào ngày 28 tháng 11 năm 1990, ông Goh Chok Tong đã tuyên thệ nhậm chức Thủ Tướng thứ hai, thay thế ông Lý Quang Diệu. Vào buổi lễ này, Bộ Trưởng Ngoại Giao Singapore là ông Sinnathamby Rajaratnam đã nói rằng không cần phải xây dựng một đài kỷ niệm để tôn vinh ông Lý Quang Diệu bởi vì chính Singapore đã là “Đài Kỷ Niệm của ông Lý”.
Phạm Văn Tuấn
www.vietthuc.org

No comments:

Post a Comment