Hà Sĩ Phu - Bài “Mối quan hệ giữa Nhân quyền và sự ổn định chính trị” của tác giả Hạ Đình Nguyên đã gợi ra một vấn đề có tính hệ thống, vẫn tồn tại bấy lâu nay trong xã hội ta.
Tác giả nêu hai khẩu hiệu nhân ngày Quốc tế Nhân quyền được treo ở đường phố Sài Gòn: “Nhân quyền phải đảm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội” và “Nhân quyền là giá trị chung của các dân tộc”.
Sau những phân tích chặt chẽ và sáng tỏ, tác giả kết luận: Nói như câu khẩu hiệu số 1 là “nói ngược”, đáng lý phải hô: “Ổn định chính trị phải đảm bảo (thực thi) Nhân Quyền”! mới đúng. Bởi vì, vẫn lời tác giả,“Không thể thay đổi Nhân Quyền để ổn định Chính trị, mà thay đổi Chính trị để phù hợp Nhân Quyền”, bởi vì “Nhân quyền là giá trị CHUNG của các dân tộc”, như câu thứ hai đã nêu” (Hạ Đình Nguyên). Chính khẩu hiệu thứ hai như một chân lý chung đã vạch rõ cái sai lầm của khẩu hiệu thứ nhất (như một “chân lý” riêng ở Việt Nam).
Tôi thích cái ý này của tác giả Hạ Đình Nguyên: TRIẾT LÝ tự dưng cũng phải xuống đường (như một sự biểu tình) để phản biện lại cái VÔ LÝ đang sờ sờ ngự trên đường… phố! Triết học ở đây là phạm trù quan hệ giữa cái CHUNG và cái RIÊNG, giữa cái đơn lẻ đặc thù và cái phổ biến.
Cái RIÊNG (như chính sách nhất thời của một thể chế, của một quốc gia) dù có “đậm đà” muôn vàn màu sắc riêng thì cũng vẫn phải nằm trong cái chung, nghĩa là không thể phủ định những đặc tính căn bản của cái CHUNG, nếu phủ định hay “vô hiệu hóa” cái CHUNG thì nó không còn lý do gì để nằm trong cái CHUNG ấy nữa.
Các Chính phủ (tức là cái riêng) chỉ là Chính phủ khi nó được lập ra để đảm bảo cho sự thực thi những Nhân quyền tự nhiên và phổ quát (tức cái chung) mà nhân loại tiến bộ đã đồng thanh quyết nghị, trong đó có Việt Nam. Nếu chính sách của một chính phủ dẫn đến sự vô hiệu hóa những nguyên tắc phổ quát của Nhân quyền (mà Hạ Đình Nguyên đã nhắc lại trong bài của ông) thì tự chính phủ đã làm mất tính chính thống của mình trước nhân loại. Khi một cái RIÊNG nào đó xuất hiện mà đối kháng với cái CHUNG thì phải dùng cái CHUNG làm chuẩn để điều chỉnh, để “xét lại”, để “gọt” cái RIÊNG chứ không thể làm điều ngược lại.
Thế mà đã bao lâu nay, xã hội ta đã quen làm những điều ngược lại với chân lý đương nhiên ấy: Luật CON thì vô hiệu hóa luật MẸ (Hiến pháp), MẸ Hiến pháp đã long trọng ban bố mọi quyền tự do như tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do cư trú, … nhưng những đứa CON (tức các điều luật) thậm chí những đứa CHÁU (các nghị định, chỉ thị, nghị quyết) chỉ cần vin vào cái đuôi “các quyền ấy phải được thực hiện trong khuôn khổ quy định của Luật pháp” là thỏa sức đặt ra những quy định làm cho những lời của MẸ Hiến pháp chẳng còn một gam trọng lượng nào. Các CON được đẻ ra đáng lẽ để biến lời MẸ thành hiện thực thì lại gây khó, lại biến MẸ thành bù nhìn, thành vật trang sức, thành lá chắn…, con cháu như vậy thật là lăng loàn!
Quan hệ giữa Dân tộc và “chủ nghĩa Xã hội”, giữa Đảng với Tổ quốc và Nhân dân cũng vậy. Chủ nghĩa là để phục vụ Nhân dân, không thể ngang hàng với Nhân dân. Độc lập Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội cũng không phải là cặp đôi ngang hàng, Độc lập Dân tộc là yếu tố vững bền tiền định, bất khả nhượng, trong những điều kiện lịch sử cụ thể nếu thấy việc thực hiện “Chủ nghĩa” có phương hại đến Độc lập dân tộc thì Dân có quyền điều chỉnh và xét lại. Trên thực tế, vì yếu tố “Dân tộc, Tổ quốc, Nhân dân” bị “lép vế” nên những người biểu tình chống xâm lược mới dễ dàng bị lực lượng chỉ biết “còn Đảng còn mình” coi là phản nghịch. Vế thuộc về “CON” đã lấn át vế thuộc về “MẸ”.
Đảng là con sinh ra từ Mẹ Tổ quốc phải nằm trong và đứng dưới Tổ quốc và Nhân dân. Nếu “Con” đứng ngang mặt Mẹ như hai lá cờ đã là khó coi, huống chi lấy tiêu chuẩn của “Con” để áp dụng sự phân loại, xét duyệt, sàng lọc, đào thải đối với “cha mẹ” như quan điểm trong bài của một đại tá tiến sĩ trên báo QĐND mới đây, thì gia đình như vậy thật không hổ danh là một gia đình…vô phúc!
Dùng CON vô hiệu hóa MẸ, lấy RIÊNG qua mặt CHUNG, lấy NGỌN phủ định GỐC thì chữ “mất gốc hoàn toàn” của ông Dương Trung Quốc xem ra quả không ngoa.
20-12-2011
H. S. P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment