Friday, December 9, 2011

Doanh nghiệp Nhà nước lỗ vì là "công cụ chống lạm phát"?


Nguyễn Quang A - Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhiều lần được người ta coi là các công cụ để thực hiện chính sách của mình. Đấy là cách dễ, nhưng có thể không khôn ngoan.
Nếu hiểu từ “công cụ”, theo nghĩa rộng, như là các tác nhân kinh tế thực hiện công việc kinh doanh của riêng mình với sự chú ý đến các khuyến khích mà chính sách của nhà nước tạo ra và như thế các chính sách của chính phủ được thực hiện, thì tất cả mọi người, mọi tổ chức, kể cả các doanh nghiệp bất luận là DNNN, doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài, đều là các “công cụ chính sách” cả. Chính sách của chính phủ phải tạo ra các khuyến kích kinh tế (thưởng hoặc phạt) rõ ràng để hướng các thành phần trong xã hội vẫn hoạt động theo mục đích của riêng mình, nhưng có thể tự điều chỉnh hoạt động với sự lưu ý đến các khuyến khích ấy của chính sách sao cho có lợi cho mình và qua đó chính sách của chính phủ được thực hiện mà không cần đến sự can thiệp hành chính vào bất cứ tổ chức cụ thể nào.
Nhưng không ai hiểu từ “công cụ” như vậy cả. Người ta hiểu từ công cụ theo nghĩa đen của từ, tức là có thể sử dụng chúng một cách trực tiếp để thực hiện các chính sách, như chính sách xã hội chẳng hạn.
Phải tách chính sách xã hội ra khỏi việc kinh doanh. Ngân sách cho chính sách xã hội phải lấy từ ngân sách nhà nước. Hoặc để thực hiện các dịch vụ công, như cung cấp điện, nhiên liệu, làm và duy tu đường sá, dịch vụ điện thoại, bảo vệ môi trường … ở các vùng sâu vùng xa, thì có thể buộc những người sử dụng trong cả nước phải trả khoản thuế được đánh dấu (earmarked tax) cho riêng các dịch vụ ấy và dùng khoản thuế được đánh dấu ấy để hỗ trợ trên cơ sở đấu thầu cạnh tranh cho hoạt động tại các vùng đó của các doanh nghiệp trúng thầu. Thí dụ, mỗi phút điện thoại di động phải thu thêm 5 đồng “thuế được đánh dấu cho tiếp cận phổ quát” và khoản thuế này được để riêng chỉ để dùng hỗ trợ cho việc lắp đặt cơ sở hạ tầng điện thoại di động ở vùng sâu vùng xa và có thể một phần cho hoạt động thường xuyên ở vùng đó cho bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào đã thắng thầu (trên cơ sở cạnh tranh, minh bạch). Xét cho cùng cũng là chi từ ngân sách nhưng chỉ cho một mục đích khuyến khích các doanh nghiệp làm công tác “xã hội” hiệu quả trên cơ sở thị trường.
Các chính sách kinh tế càng phải tách bạch và không thể bắt bất cứ doanh nghiệp nào làm công cụ chính sách cho nhà nước cả.
Làm như thế, thì DNNN khỏi còn cớ nói phải thực hiện chính sách xã hội nên bị lỗ. Càng chẳng có lý do gì để nói chúng lỗ vì phải là công cụ chống lạm phát!
Thay cho dùng các DNNN làm công cụ chính sách, hãy giải phóng các DNNN khỏi trách nhiệm này và hãy đưa ra các chính sách đúng đắn hơn.
Nguyễn Quang A

No comments:

Post a Comment