Nhà báo tự do Bùi Văn Phú Gửi cho BBC tiếng Việt từ San Jose
Hôm
Chủ nhật 12/10 hơn trăm người gồm nhiều thành phần xã hội tham gia biểu
tình tuần hành trước toà thị chính San Jose với cả Nghị viên Ash Kalra
đã có mặt ủng hộ.
Hôm sau Thị trưởng
Chuck Reed biểu tỏ đồng cảm với người biểu tình và kêu gọi chính quyền
của Tổng thống Obama quan tâm đến những đầu tư không minh bạch ở thị
trường chứng khoán mà thành phố San Jose đã là nạn nhân thua lỗ.
Trên
sân toà thị chính có dăm lều được dựng lên từ hai tuần nay. Cảnh sát đã
biên phạt vì phạm luật thành phố nhưng chưa đuổi đi.
Chiều
thứ Hai hơn 500 người tụ họp trước toà thị chính Oakland trong cơn mưa
lất phất. Cuộc biểu tình ở đây chính thức được nghiệp đoàn giáo chức và
nghiệp đoàn y tá ủng hộ vì thế người tham gia biểu tình là giáo chức,
nhân viên y tế, cũng có những luật sư, bác sĩ, bên cạnh thành phần trẻ
trông rất hippies.
Thị trưởng Jean Quan, Nghị viên Desley Brooks cũng như các Dân biểu Barbara Lee và Pete Stark bày tỏ sự ủng hộ phong trào.
Hơn
50 chiếc lều được căng lên trên bãi cỏ trước toà thị chính và nhiều
người ngủ đêm tại đó. Sáng ra họ cùng nhau tập thể dục, được những tiệm
ăn cung cấp cà phê, bánh ngọt ăn sáng.
Tuy nhiên
“Thành phố lều” ở Oakland ban ngày có phảng phất mùi cần sa, theo tin
ghi nhận được của một thành viên trong nhóm thảo luận của cựu sinh viên
Việt tại Đại học Berkeley.
Tại San Francisco những
người biểu tình tiếp tục cắm lều trước Ngân hàng Dự trữ Liên bang và
mỗi ngày kéo đến một nơi, thường là trụ sở ngân hàng để biểu tình tuần
hành. Nhiều người đã bị cảnh sát bắt giam vì cản trở không cho người
khác ra vào những cơ sở thương mại, tài chính.
Biểu tình tại Ockland thu hút các nhóm dân cư đa dạng
Khẩu hiệu 99%
Phong
trào Chiếm Phố Wall (Occupy Wall Street) sau mấy tuần phát động từ
trung tâm tài chính New York nay đã lan ra trên cả trăm thành phố và hơn
30 tiểu bang ở Mỹ.
Tại miền bắc California đã có
biểu tình ở San Francisco, San Jose, Oakland, Marin và Walnut Creek. Từ
danh xưng Chiếm phố Wall khi lan toả đến các điạ phương tên phong trào
biến thành Chiếm San Jose, Chiếm San Francisco hay Chiếm Oakland.
Mục
tiêu của phong trào là gì? Quan sát những khẩu hiệu, biển chữ giương
lên trong các cuộc biểu tình thì có nhiều đòi hỏi. Đòi đánh thuế người
giàu nhiều hơn nữa. Đòi chấm dứt việc ngân hàng tịch thu nhà vì chủ nhân
không còn khả năng trả nợ. Đòi rút quân Mỹ về, chuyển ngân sách chiến
tranh qua cho việc giáo dục. Chống tăng học phí đại học. Đòi việc làm.
Khẩu
hiệu của Phong trào là 99% hàm ý 99% dân là người nghèo hay chỉ
đủ ăn, trong khi đó 1% người cực giàu điều khiển guồng máy kinh tế tài
chính Mỹ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người.
Vậy những con số về khoảng cách giàu nghèo đó ra sao?
Theo
giáo sư Joseph Stiglitz, Đại học Columbia và cũng là khôi nguyên Nobel
kinh tế 2001 thì hiện nay 1% người giàu nhất nước Mỹ làm chủ 40% tài sản
của Hoa Kỳ. Trong khi 80% người dân ở mức thấp nhất làm chủ chỉ có 7%
tài sản nước Mỹ. Một phần tư thế kỉ trước 33% tài sản quốc gia do 1%
giới giàu làm chủ.
Về thu nhập, 1% người có mức
lương cao chiếm 24% tổng số thu nhập của toàn dân. Năm 1976 con số này
chỉ 9%. Như thế trong 35 năm qua, người giàu ngày càng giàu hơn.
Theo
số liệu của Institute of Policy Studies, trong thị trường đầu tư chứng
khoán 1% người có thu nhập cao nhất làm chủ đến 50% số cổ phiếu, công
khố phiếu và các qũy đầu tư khác. Trong khi 50% người có mức lương thấp
nhất chỉ làm chủ 0,5% tổng số cổ phiếu chứng khoán.
Những người phản đối nay trông hoàn toàn bình thường, không phải các nhóm
trông 'bụi đời' như mấy tuần đầu
Về
nợ cá nhân, nghiên cứu của giáo sư xã hội học William Domhoff từ Đại
học California, Santa Cruz cho thấy 1% người giàu nhất chiếm chỉ 5% tổng
số nợ của nước Mỹ, trong khi 90% người dân ở mức lương thấp phải gánh
tới 73% số nợ đó.
Nhiều người cho rằng cách biệt
giàu nghèo như thế là bất công xã hội và đã có những nhận định là phong
trào Chiếm phố Wall đang khởi xướng một cuộc chiến tranh giai cấp tại
Mỹ.
Bắt đầu chú ý
Lúc
đầu giới lãnh đạo cùng truyền thông coi thường phong trào, cho rằng
tham gia biểu tình là những người không có công việc và chẳng biết làm
gì hơn là xuống đường. Nhưng trong những tuần qua các cuộc biểu tình tại
nhiều nơi đã được chú ý.
Như vết dầu loang, phong
trào đã tổ chức được nhiều cuộc biểu tình ở nhiều nơi và gây chú ý
trong chính trường từ Tổng thống Obama đến những dân biểu trong Quốc
hội.
Đòi hỏi nổi bật nhất của Chiếm phố Wall là
tăng thuế nhà giàu và tạo công ăn việc làm. Đó cũng là những điều gây
tranh cãi tại quốc hội lâu nay. Nhưng những ai được coi là người giàu ở
Mỹ?
Người có mức thu nhập từ 250 nghìn đô-la một
năm trở lên, như chính quyền Obama dự định tăng thuế của họ, còn đảng
Cộng hoà không đồng ý?
Phong trào phản đối giới tài chính Wall Street nay đang buộc chính giới Mỹ phải chú ý
Tăng thuế hay không tăng thuế là vấn đề đang gây tranh luận trên chính trường Hoa Kỳ với nhiều bế tắc.
Trong những tuần đầu phong trào không được quan tâm vì những người tham gia trông như kẻ không nhà, bụi đời.
Nay
mục tiêu của phong trào đang dần được tỏ rõ và thu hút nhiều thành phần
dân chúng nhưng hình ảnh bất tuân luật pháp của người biểu tình ở một
số nơi, như chiếm đóng cầu ở New York, tràn vào bảo tàng ở Thủ đô
Washington là làm hại phong trào.
Nếu được như
cuộc biểu tình ở San Jose hôm Chủ nhật qua, trong tinh thần trật tự, tuy
có ồn ào và người tham gia được nhắc nhở cần tỏ ra ôn hoà, không dùng
ma túy cần sa và giữ gìn sạch sẽ chung quanh thì khẩu hiệu họ hô: “All
day, all night. Occupy San Jose” (Cả ngày, cả đêm. Chiếm San Jose) sẽ
có cơ hội được hưởng ứng.
Nhất là trong lúc kinh
tế đang khủng hoảng, mức thất nghiệp toàn quốc là 9,1%, tại địa phương
trên 10% và chỉ còn một năm nữa là đến ngày bầu lại Tổng thống và Quốc
hội thì tiếng nói sẽ được lắng nghe và ảnh hưởng của phong trào sẽ rộng
lớn.
B.V.P.
Nguồn: bbc.co.uk
No comments:
Post a Comment