Lê Quỳnh, BBC, Manila - Trước chuyến thăm Manila của Chủ tịch Việt
Nam Trương Tấn Sang, một chính trị gia lâu năm của Philippines kêu gọi
Việt Nam chọn thương lượng đa phương trong khuôn khổ Asean về Biển Đông,
chứ không đàm phán song phương với Trung Quốc.
Philippines là một trong trong sáu nước có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Tổng
thống Philippines Benigno Aquino III đã nói ông dự định nêu vấn đề Biển
Đông (mà nước ông gọi là Biển Tây Philippines) khi gặp ông Trương Tấn
Sang cuối tháng này ở Manila.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt ngữ tại Manila, Thượng nghị sĩ Edgardo J. Angara, từng là Chủ tịch Thượng viện (1993-1995), nhấn mạnh thế đàm phán của Manila và Hà Nội sẽ "mạnh hơn" nếu hai nước đàm phán với Bắc Kinh về Biển Đông trong khuôn khổ Asean và Luật biển Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Trong lúc đó, truyền thông Philippines đã bình luận về những tuyên bố từ Trung Quốc và Việt Nam sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Báo Philippine Daily Inquirer cho rằng thỏa thuận Việt - Trung loan báo tuần này là "sự thụt lùi khỏi tuyên bố hành xử Trung Quốc - Asean 2002".
Thượng nghị sĩ Edgardo J. Angara,
người đang phục vụ nhiệm kỳ thứ tư ở Thượng viện Philippines và từng là
chủ tịch sáng lập của Hiệp hội Luật Asean (1980), tỏ vẻ chia sẻ nhận
định này khi trả lời BBC.
Ông cũng cho biết suy nghĩ về đề xuất mới nhất của chính phủ Tổng thống Benigno Aquino III liên quan tranh chấp Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Edgardo J. Angara:
Theo tôi, đó [đề xuất của Chính phủ Philippines] mới chỉ là bước đầu
tiên. Chúng tôi vẫn chưa nghe phản ứng của Trung Quốc, nhưng đây là sự
khởi đầu hứa hẹn.
Theo tôi hiểu, theo đề xuất này,
chúng ta cần tách riêng những khu vực biển không có tranh chấp chủ
quyền. Với chúng tôi, đó là Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), chừng 80 hải lý
tính từ đảo Palawan, chắc chắn là một phần lãnh thổ của chúng tôi. Vì
Trung Quốc có vẻ đòi chủ quyền đối với vùng đó, chúng tôi nói 'Không,
hãy tách riêng những nơi rõ ràng thuộc về anh, và những nơi rõ ràng
thuộc về tôi, tách chúng ra khỏi những vùng đang tranh chấp.' Trong đó,
Trường Sa là đang tranh chấp, không chỉ giữa Philippines và Trung Quốc
mà còn nhiều nước khác như Việt Nam.
Một
khi đã tách những nơi không có tranh chấp, đó sẽ là chủ đề thảo luận
liệu chúng ta có khai thác chung, hay tiến hành hoạt động trên biển
chung hay không.
Philippines khẳng định mọi hoạt
động cần thực hiện theo tinh thần thỏa thuận Trung Quốc - Asean, tức là
trên nền tảng đa phương. Tôi nghĩ Trung Quốc và Việt Nam vừa có thỏa
thuận song phương [ám chỉ tuyên bố sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng]. Nó có vẻ đi ngược lại thỏa thuận Trung Quốc -
Asean là việc theo cả đội chứ không phải theo cá nhân, trong khi Trung
Quốc chỉ muốn các bên tranh chấp Trường Sa thương lượng song phương với
họ. Tôi nghĩ thương lượng song phương với Trung Quốc sẽ chỉ đem lại
thiệt thòi cho các nước trong Asean vì sức mạnh trên biển của Trung
Quốc.
BBC: Theo ông, có điều gì mà lẽ ra chính phủ Philippines cần đưa vào đề xuất của mình?
Philippines
lẽ ra cần nói rõ là các bên cần tìm cách giải quyết vấn đề theo Công
ước LHQ về luật biển (UNCLOS). Chúng ta không nên đi ra ngoài UNCLOS vì
khi đó, Philippines và các nước Asean có tranh chấp sẽ bị thiệt thòi với
Trung Quốc.
Là một nước nhỏ và không có sức mạnh quân sự, sự bảo vệ duy nhất của chúng tôi là luật quốc tế.
BBC: Ông có lo ngại là chính phủ Philippines sẽ phải có nhượng bộ đáng kể để có thể giải quyết bất đồng với Trung Quốc?
"Tôi
nghĩ thương lượng song phương với Trung Quốc sẽ chỉ đem lại thiệt thòi
cho các nước trong Asean vì sức mạnh trên biển của Trung Quốc."
Thượng nghị sĩ Edgardo J. Angara
Không.
Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu ban lãnh đạo chính trị của đất nước chia
rẽ, như chúng tôi đã chia rẽ trong tranh chấp đất Sabah [với Malaysia].
Vì thế đến nay tranh chấp này vẫn chưa thể giải quyết vì các lãnh đạo
nước tôi không thể làm việc với nhau. Nhưng với Trường Sa, có sự đoàn
kết chính trị giữa các lãnh đạo trong mọi khu vực trong chính trường
nước tôi.
BBC: Cuối tháng
này, Chủ tịch Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, sẽ thăm Philippines. Nếu
gặp Chủ tịch Việt Nam, ông sẽ nói gì về tranh chấp Biển Đông?
Tôi
muốn nói với ngài chủ tịch là đừng quên hành động trong nền tảng Asean.
Vì chúng ta chỉ mạnh khi cùng hành động. Vì thế mới có Asean. Điểm yếu
của một nước có thể được bổ trợ bằng sức mạnh của một nước khác.
BBC:
Có ý kiến nói là dù sao Trung Quốc và Việt Nam vẫn chia sẻ ý thức hệ
cộng sản. Thượng nghị sĩ có xem đây là trở ngại cho hợp tác bên trong
Asean?
Tôi không tin như thế. Cao hơn ý thức
hệ chính trị là quyền lợi chung của các dân tộc trong Asean. Trong 35
năm qua của Asean, đã có sự phát triển nhỏ nhưng chắc chắn để dẫn tới
đoàn kết và chung cục là sự hòa nhập của các dân tộc trong Asean. Sẽ
thật tiếc nếu đến bây giờ một quốc gia lại hành động khác với phần còn
lại.
BBC: Ông có lo ngại trong cuộc đời mình sẽ chứng kiến một cuộc chiến tranh vì Biển Đông?
Philippines
chúng tôi yếu về quân sự, nên chúng tôi sẽ không thể gây chiến với
Trung Quốc hay nước khổng lồ nào. Nhưng vấn đề có thể thu hút chú ý của
các siêu cường, trở thành vật cạnh tranh giữa các siêu cường - đó là
điều chúng tôi không muốn.
Chúng ta đã xây dựng
hợp tác bên trong và bên ngoài khu vực như Asean - Trung Quốc, Asean+3,
Apec để ngăn ngừa xung đột. Vì thế tôi hy vọng sẽ không có chiến tranh
trong đời tôi hay đời bạn. Với bước tiến công nghệ bây giờ, nhân loại
không thể chịu nổi một cuộc chiến tranh nữa.
L. Q.
Nguồn: bbc.co.uk
No comments:
Post a Comment