TS. Mai Thanh Truyết – Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn – Ban Khoa học
Lời người viết: Ngay
sau khi chiếm đóng miền Nam ngày 30/4/1975, Cộng sản Bắc Việt thực thi
ngay tức khắc chính sách quân quản và tiếp theo đó, dần dần cho cán bộ
dân sự từ miền Bắc vào để quản lý các cơ sở đã chiếm được.
Phạm vi bài
viết sau nầy trình bày hai giai đoạn trên trong trường Đại học Sư phạm
Sài Gòn. Phần sự kiện do người viết đã sống trorg giai đoạn đó và ghi
lại qua trí nhớ. Do đó, có thể có sai sót; mong các bạn đồng nghiệp giúp
điều chỉnh cho. Một điều chắc chắn là người viết hoàn toàn ghi lại và
không thêm bớt một hình ảnh hay giai thoại nào, đúng với lương tâm là
nói lên Sự Thật, dù có phũ phàng.
Những ngày đầu tiên
Ngay từ ngày đầu tiên ngày 1/5/75, Bắc
Việt đã thiết lập một hệ thống kiểm soát mới tại trường bằng cách tạm
thời thu dụng một số nhân viên, giáo sư của trường vì không đủ nhân sự.
Tuy không cần kể tên ra đây, nhưng chúng ta cũng nhận diện rõ được là
bên Ban Khoa học do TS Lý Công Cẩn, Phó Khoa trưởng đảm nhiệm, gồm Ban
Toán, Lý, Hóa và Vạn Vật đều có “đại diện” tham gia vào “đạo quân 30/4”.
Hầu hết đạo quân nầy thuộc thành phần giảng huấn nằm trong ngạch Giảng
nghiệm viên. Tuy nhiên có hai Giảng nghiệm trưởng, một ở ban Lý và một
ban Hóa, và hai Giảng sư ban Hóa và Toán là thành phần nồng cốt bên Ban
Khoa học. Hai Giảng sư nầy được nâng lên làm Tổ trưởng học tập trong
những ngày sau đó.
Còn Ban Văn Chương do TS Lê Văn phụ
trách, cũng có một số Giảng nghiệm viên và hai Giảng sư tham gia vào
“cách mạng”, trong đó có một Giảng sư nổi tiếng sau nầy, được cân nhắc
làm Bí thư riêng cho Thủ tướng cs Phạm Văn Đồng, rồi Đại sứ tại Liên
hiệp quôc, rồi Dân biểu quốc hội, và nhiều chức vụ khác. Để rồi, ngày
hôm nay (9/2011)…trở về nhiệm vụ “phó thường dân” giống như hầu hết
những người kháng chiến cũ gặm nhấm “một mối căm hờn trong cũi sắt”…vì
bị vắt chanh bỏ vỏ! Còn một Giảng sư thứ hai, cố gắng đặt một bản
nhạc…mừng “giải phóng” và “bắt” hầu hết các “học tập viên” của trường
phải tập hát để mừng “phỏng giái”, giống như bài hát suy tôn Ngô tổng
thống mà ông ta đã “lập sớ dâng công” năm 1953 khi còn giảng dạy ở Đại
học Huế.
Còn một số nòng cốt “hạng hai” được giao
phó làm Tổ Phó, có nhiệm vụ canh chừng và theo dõi các tổ viên, từng là
dồng nghiệp hoặc “xếp” của mình chỉ một ngày trước đó.
Về phía sinh viên của trường, chỉ nói
riêng bên ban Khoa học gồm một Trưởng lớp LH2, một Trưởng ban sinh viên
Khoa học cũng đã tích cực tham gia vào đội quân “cai trị” thành phần
giáo chức, nhân viên, và sinh viên cũ của trường. Cho đến hôm nay, một
Trưởng ban trên được giữ chức vụ Chánh sở Giáo dục tại một miền duyên
hải cạnh Sài Gòn, và một, vượt biên cùng thời với người viết đầu năm
1983 tại Sungai Busi (Mã Lai). Anh nầy đến gặp người viết, lúc đó làm
Trưởng trại nơi đây, và xin được “bỏ qua” nhưng hành động cũ vì sợ người
viết tố cáo lên Cao ủy LHQ. Trò có thể hại Thầy, Chứ Thầy làm sao nhẫn
tâm hại Trò được! Anh nầy hiện đang định cư ở Canada.
Về thành phần sinh viên của trường đã
“chạy vào bưng” một vài năm trước đó…vì học kém, hay vì theo tiếng gọi
của “ma vương” (?) đã trở lại trường ngày 1/5. Cần phải kể đến Mai Hồng
Thu và Ngô Phàn ban Lý Hóa, là hai thành viên “sắt máu” nhứt trong việc
kiểm soát sinh viên và ban giảng huấn bên ban Khoa học và toàn trường.
Chính Ngô Phàn đã chạm mặt với người viết trước của văn phòng Phó Khoa
trưởng và hỏi một cách hách dịch rằng: “Anh có biết ông Cẩn ở đâu
không?” sau khi phám phá một khẩu súng lục nhỏ trong ngăn kéo của ông.
(Xin gửi lời cám ơn một đồng nghiệp đã đính chánh dùm cho tác giả vì đã
nhớ và viết lầm tên Mai Hồng Thu trong bài viết Bài học đầu tiên trước
đó).
Cũng cần nói thêm một trường hợp đặc biệt
nữa là “sinh viên” Phạm Trúc Lang, học lớp Lý Hóa 1 Ban Đệ nhứt cấp
(hai năm). Anh sinh viên nầy đích thực là Thiếu tá cảnh sát đặc biệt và
học lớp nầy suốt ba năm liền cho đến khi bị Bắc Việt chiếm đóng. Chính
“anh sinh viên đặc biệt” nầy đòi bắt anh Trưởng lớp LH2 trong đêm Tất
niên của trường đầu năm 1975 sau bản đồng ca “Dậy mà đi” do lớp nầy
trình bày. Và thêm một lần nữa, người viết đã can thiệp và bảo lãnh cho
sinh viên trên; vì vậy mà anh ta khỏi bị bắt. Anh “sinh viên” nầy đã
biến mất ngay sau đó.
Về thành phần “cách mạng”, hoàn toàn
không thấy bóng dáng một bộ đội hay một cán bộ dân sự nào từ miền Bắc
vào, ngoài vài ba chị nhà quê như chị Năm, chị Bảy vắt khăn rằn trên
cổ…đi tới đi lui chỉ chỏ, ra lệnh. Tuy chỉ có thế mà đội quân 30/4 của
trường răm rắp tuân theo tuyệt đối. Thật là một phỉ nhổ cho thành phần
giảng huấn của Trường lúc bấy giờ.
Viết đến đây, bạn đọc sẽ thắc mắc là thành phần nầy hiện giờ ở đâu? được đãi ngộ như thế nào? Và đang làm gì?
Xin thưa rằng:
Một tổ trưởng ban Hóa, sau một thời gian
phấn đấu, vỡ mộng và xin qua Pháp vì có quốc tịch Pháp. Hiện Bà ta đang
dạy tiếng Việt ở Rennes (Pháp).
Một tổ trưởng ban Toán, hiện đang làm Giám đốc Ban Ngoại ngữ của trường và đã về hưu (?).
Một tổ phó ban Hóa, mặc dù chỉ có Cử nhân mà sau đó vẫn được cân nhắc làm Trưởng ban Hóa, “quản lý” trên 30 “cán bộ giảng dạy” của trường.
Phần còn lại của đội quân 30/4 hiện tại đang sống lây lất ở Pháp, Canada, Úc, và Hoa kỳ…
Thời kỳ quân quản
Chỉ một thời gian ngắn độ một tuần lễ sau
đó, hình ảnh các “anh” bộ đội” với quân phục và quân hàm cùng với cái
túi vải đeo trên lưng hiện diện cùng khắp và chiếm cứ tất cả văn phòng
của trường. Thêm vào đó, độ 10 cán bộ “giảng dạy” xuất phát từ Đại học
Sư phạm Vinh vào và bắt đầu chính sách quân quản và quản lý trường ốc.
Dẫn đầu là “đồng chí” Trần Thanh Đạm, một “cháu ngoan Bác Hồ”, mà sau
nầy được cân nhắc lên làm Hiệu trưởng Trường Sư Phạm trong suốt 20 năm
sau đó. (sẽ có một bài viết riêng về nhân vật nầy trong thời gian tới).
Còn các cán bộ giảng dạy và nhân viên các phòng ốc lần lượt được điền
khuyết và bổ túc như chị Yến, chị Hội của ban Hóa, là những Phó tiến sĩ
từ Liên Sô (nhưng trình độ chuyên môn cần phải xét lại sau hơn một năm
“trao đổi” trong thời gian người viết đang “còn bị treo giò” ở Sư Phạm.
Giai đoạn quân quản kéo dài khoảng nửa
năm sau đó, cho đến khi thành phần các bộ giảng dạy và nhân viên từ Bắc
vào đông đủ, cũng như sự phân công, chia chác quyền hành trong các ban
bệ chấm dứt. Trong giai đoạn nầy, quân đội và công an chỉ tập trung vào
việc kiểm kê, phân loại thành phần, truy tìm phản động, và các thành
phần có thể tạo ra nguy hiễm cho chế độ.
Thời kỳ quản lý ban đầu
Đa số cán bộ giảng dạy chuyển về trường
Sư phạm từ Đại học Sư phạm Vinh, do đó, thành phần người Thanh Nghệ Tỉnh
chiếm đa số. Tuy nhiên, cũng có vài cán bộ gốc miền Nam đi tập kết về.
Cũng cần phải nói cho rạch ròi là, các cán bộ miền Nam tập kết không
được nắm giữ một vai trò chính yếu nào trong các ban học tập, nếu có chỉ
là …Phó ban mà thôi, mặc dù điều kiện bằng cấp đôi khi cao hơn vị
Trưởng ban. Điều nầy cũng đã soi rọi rõ ràng là người miền Nam khó có
thể chen chân vào “hệ thống” cs Bắc Việt.
Ban lãnh đạo của trường Đại học Sư Phạm
Sài Gòn (xin lỗi tôi không thể nào viết được chữ HCM ở đây được) bây giờ
là: Hiệu trưởng Trần Thanh Đạm, Hai Hiệu phó là Nguyễn Văn Châu và Cao
MInh Thì, Tổ chức cán bộ, Nguyễn Được (bên công an, tên Được có thể tôi
nhớ sai, xin các bạn chỉ giáo). Tiếp theo đó là hệ thống quản lý nhân
viên hành chánh và nặng nề nhứt là Ban phân phối nhu yếu phẩm…
Sau khi nắm vững lý lịch các giáo sư của
“chế độ cũ” do tự khai báo hay do “điềm chỉ viên” của đội quân 30/4, Ban
giám hiệu bắt đầu cho niêm yết danh sách cán bộ giảng dạy “lưu dung”
(xin thưa đây là “lưu dung” chứ không phải “lưu dụng”, nghĩa là Đảng và
Nhà nước “dung thứ” cho giảng dạy lại chứ không phải được giảng dạy lại
vì chuyên môn hay đã là giao chức cũ!)
Đó là vào giữa năm 1976
Trong danh sách niêm yết, hầu hết nhân sự
cũ đều được lưu (dung lại)…có lẽ vì Ban Gíam hiệu mới không đủ nhân sự
chuyên môn cũng như chưa nắm rõ lề lối giảng dạy trong Nam. Giáo sư Trần
Văn Tấn, Quyền Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, Khoa trưởng Sư Phạm
Sài Gòn và GS Nguyễn Văn Trường, chấp chánh hai lần Bộ trưởng Giáo dục
của VNCH (nếu kể luôn chánh phủ cuối cùng, ông đã đảm nhiệm chức vụ nầy
lần thứ ba) vẫn được giữ lại và dạy cho ban Toán. GS Lý Công Cẩn, một
hung thần đối với các sinh viên thân Cộng cũng được phân công phụ trách
phòng thí nghiệm Vật lý.
Riêng người viết bài nầy, chỉ giữ chức vụ
Trưởng ban Hóa chưa đầy 2 năm của trường, không có tên được “lưu dung”
trong danh sách. Và lý do đã được chính Trần Thanh Đạm giải thích như
sau:”Vì lý do cách mạng, chúng tôi tạm ngưng công tác giảng dạy của anh
trong thời gian quá độ nầy”. Điều nầy sau đó, qua sự “rò rỉ” của đám
30/4, được biết lý do rõ ràng là tôi đã nhiều lần hướng dẫn sinh viên
tham dự thể thao cấp toàn quốc dành cho sinh viên, hội họp sinh viên Đại
học tư lập ờ An Giang, Hòa Hảo, sinh hoạt phối hợp sinh viên Sư phạm và
Cao Đài, cùng ủy lạo học sinh bị Việt Cộng pháo kích ở Cao Lậy và Tân
Phú. Tại trường, văn phòng tôi luôn rộng mở và tiếp sinh viên bất cứ giờ
phút nào. Vì vậy, theo báo cáo ngầm…là tôi có tính “quần chúng”. Và
tính quần chúng chỉ dành độc quyền của Đảng cs mà thôi. Do đó, tôi cần
phải bị triệt hạ. Ngày hôm nay, còn sống để viết lên những điều nầy, quả
thật là một may mắn lớn, vì chuyên chính vô sản không thể từ chối một
hành động sắt máu nào để tẩy trừ tôi trong trường hợp tranh tối tranh
sáng của giai đoạn “tiền thời kỳ quá độ” nầy.
Thời kỳ quản lý ban đầu có thể được tạm
ngưng cho đến ngày chuẩn bị thi tuyển (chế độ “ta” gọi là tuyển sinh)
vào trường. Đó là gần cuối năm 1976. Sẽ tiếp theo về vấn đề “tuyển sinh”
nầy trong bài viết sau.
Thay lời kết
Qua các sự kiện và phân tích vừa nêu trên
và nếu đem so sánh với hiện tình Đất và Nước ngày hôm nay, quả thật
chúng ta có thể kết luận ngắn gọn rằng chính sách cai trị và quản lý cùa
cs Bắc Việt có tính xuyên suốt từ ngày đầu tiên 1/5/1975 cho đến ngày
2/9/2011 nầy. “Tính xuyên suốt” đó gồm tính “chuyên chính vô sản” và “ba
giòng thác cách mạng”. Và trong suốt 36 năm qua, chính sách và thành
quả của việc xây dựng xã hội chủ nghĩa vẫn là “Vũ Nhu Cẩn” (*) giống như
vừa xảy ra trong năm 1975, 1976…
Ngày hôm nay, sau hơn một năm “học tập
tại chỗ” áp dụng cho giáo chức đại học ngay từ đầu, cá nhân tôi, khi
viết những dòng chữ nầy cũng vẫn không chiêm nghiệm được…giai đoạn “quá
độ” tiến lên chủ nghĩa xã hội hiện nay đang ở giai đoạn nào của ba giòng
thác cách mạng? Mà nếu có cắc cớ hỏi 14 ủy viên Bộ chính trị của Đảng
CS, tôi tin chắc và khẳng quyết rằng chẳng có Ông(?) nào có khả năng
giải thích được “khâu” nầy.
Tuy nhiên, về chuyên chính vô sản, chắc
chắn tôi đã thuôc lòng và hiểu được là chính sách nầy đã, đang, và sẽ
được Đảng CS Bắc Việt áp dụng triệt cho đến ngày cáo chung của Đảng mà
thôi!
Đó là: Giết! Giết! Giết!
Đó là: Thà Giết Lầm Hơn Tha Lầm!
Ngay ngày đầu tiên khi tiếp thu Hà Nội,
trước quảng trường Ba Đình ngày 3/9/1945, Hồ Chí MInh đã công bố:” Từ
giờ phút nầy, các em đón nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một
nền giáo dục của một nước độc lập.” Thế mà, 66 năm qua, trên con đường
tiến lên xã hội chủ nghĩa, giáo dục hiện tại mang lại cho Việt Nam một
xã hội hoàn toàn bị băng hoại, trong đó, Thầy hiếp trò, Cô ngủ với nam
sinh…qua những cuộc buôn bán bằng điểm thi, bằng bằng cấp…Học sinh lớp
10 vẫn có đủ khả năng và điềm tĩnh để…giết người, hãm hiếp hay cướp của!
Trẻ em lớp một, trước khi vào trường phải qua một màn thi tuyển và quà cáp hối lộ!
Hàng năm, học sinh từ mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học phải đóng biết bao nhiêu lệ phí hàng tháng….
Những điều trên, lại “hoàn toàn” đi ngược
với những Điều lệ ghi trong Hiến pháp Việt Nam là giáo dục cưỡng bách
và hoàn toàn miễn phí!
Mùa nầy là mùa nhập học. Kể từ năm 2000,
hàng năm dân số Việt Nam tăng từ 1 triệu đến 1,4 triệu. Theo thống kê
Liên hiệp quốc, dân số Việt Nam năm 2000 là 77,6 triệu, và thống kê ngày
11/7/2011 là 87 triệu.
Mà từ năm 2000 trở đi, sĩ số học sinh,
sinh viên vẫn giữ con số trên dưới 22 triệu (Phó thủ tướng cs Nguyễn
Thiện Nhân vừa công bố nhân ngày nhập học niên khóa 2011-2012 là dưới 22
triệu). Những con số trên là một kết quả hùng hồn để chứng minh sự phá
sản của hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa.
Một công thần của chế độ trong giai đoạn
quân quản, tướng cs Trần Văn Trà, sau khi bị “vắt chanh bỏ vỏ” đã viết
một cuốn sách tựa đề “Kết thúc cuộc chiến 30 năm” chê Trung ương “thiếu
hiểu biết thực tế sau khi chiếm miền Nam”. Cuốn sách đã bị cấm xuất bản.
Sau đó, năm 1982, Ông và Nguyễn Hộ cùng đứng ra thành lập Câu lạc bộ
những người kháng chiến cũ…Nhưng Câu lạc bộ nầy đã bị giải tán năm 1989.
Tuy nhiên, Câu lạc bộ vẫn còn hoạt động bí mật và “nghe đâu” trụ sở đã
di chuyển về Long Xuyên, quy tụ thêm nhiều “cựu” kháng chiến cũ khác nữa
cùng nhiều thành phần trẻ, trong sạch và còn ưu tư với vận mệnh của đất
nước.
Hy vọng những đóm lửa …tàn hơi trên có
thể khơi động được làn gió cách mạng Tunisia, Egypt, Libya…và thổi về
những cánh sen Đồng Tháp Mười, rải rác trên 700 ngàn mẫu đất, sớt chia
sáu tỉnh miền Nam, trung tâm của công cuộc kháng chiến vào những năm
1945.
Mong lắm thay!
TS. Mai Thanh Truyết
Viết trong niềm HY VỌNG
9/2011
(*) nói lái của chữ “vẫn như cũ”
http://www.vietthuc.org/2011/09/08/chinh-sach-%E2%80%9Ccai-tr%E1%BB%8B%E2%80%9D-va-qu%E1%BA%A3n-ly-xa-h%E1%BB%99i-ch%E1%BB%A7-nghia/
No comments:
Post a Comment