Việt-Long ( RFA) -
Hai dân biểu liên bang Hoa Kỳ Chris Smith và Ed Royce đã đính kèm tu
chính án nhân quyền và điều khoản đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách
CPC vào Dự luật chuẩn chi cho Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Dân
biểu Edward Randall Royce, đại diện 600 ngàn dân của đơn vị tuyển cử
liên bang 44, ở gần Little Saigon của California, trả lời Việt-Long về
việc này.
Việt-Long:
Được biết ông đã giữ được điều khoản đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh
sách CPC, trong dự luật chuẩn chi cho bộ ngoại giao để Hạ viện biểu
quyết. Như vậy là đã có chuyện muốn bỏ điều khoản đó ra. Vì sao như vậy?
Dân biểu Ed Royce:
Không phải dân biểu Mỹ nào cũng thấy rõ thực trạng nơi chính quyền Hà
Nội. Có người không hiểu Việt Nam là một quốc gia Cộng Sản độc đảng, vẫn
thường xâm phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Đây là một vấn đề rất
quan trọng vì nước Mỹ đứng trên nền tảng quyền tự do của từng cá nhân,
do đó Hoa Kỳ được coi là có nhiệm vụ lên tiếng với quốc tế một khi có sự xâm phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo trên thế giới.
Việt-Long phỏng vấn dân biểu Ed Royce- RFA photo
Vì
thế việc đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần được quan tâm
về vấn đề tự do tôn giáo là điều rất quan trọng. Cho nên tôi đã đứng ra
tranh luận về việc đó, và dựa vào một đa số áp đảo mà tu chính án Ed
Royce đã được Ủy ban ngoại giao thông qua để đưa vào Dự luật chuẩn chi
cho bộ ngoại giao, hầu chỉ thị cho bộ này đưa Việt Nam trở lại danh sách
CPC.
Tuy
nhiên đây mới là thành tựu giai đoạn đầu, vì dự luật còn phải qua
Thượng Viện, nơi đó nghị sĩ John Kerry là chủ tịch Ủy ban ngoại giao. Sẽ
có tranh đấu tiếp ở Thượng Viện vì nội dung dự luật của Ủy ban này
không có tu chính án nhân quyền như tại Hạ viện. Hai Ủy ban ngoại giao
hai viện sẽ phải họp để đi đến một kết quả chung.
Việt-Long:
Việc giữ điều khoản đề nghị này trong dự luật chuẩn chi đó có ý nghĩa
thế nào đối với Việt Nam, trong bối cảnh mối quan hệ với Hoa kỳ?
Dân biểu Ed Royce:
Đó là một thông điệp rất mạnh mẽ với Việt Nam. Chính quyền Việt Nam rất
nhạy cảm đối với những lời chỉ trích của quốc tế. Vì thế chúng tôi cần
sử dụng những đòn bẩy đang có. Việt Nam không muốn có tên trong danh
sách CPC, là danh sách những nước độc tài có chế độ đàn áp người dân.
Houston biểu tình trước lãnh sự quán Việt Nam đòi trả tự do cho cha Lý- RFA photo
Chúng
tôi còn có thể thúc đấy Việt Nam xét lại điều 88 của bộ luật hình sự,
đòi họ trả tự do cho những người tù chính trị... Đó là những điều cần
làm ngay.
Việt-Long:
Là người chú ý đến lĩnh vực nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam, ông
cũng biết linh mục Nguyễn Văn Lý vừa bị bắt giam trở lại. Ông đã có hành
động ra sao trước sự kiện đó?
Dân biểu Ed Royce:
Tôi đã viết thư cho chính phủ Việt Nam kêu gọi họ trả tự do cho vị linh
mục, và tôi cũng có dịp cổ động dư luận quốc tế về vấn đề này. Trong
cuộc điều trần của Ủy ban ngoại giao Hạ viện tôi đã trưng ra cho các
đồng viện thấy bức ảnh lớn của cha Lý trong phiên tòa sai trái khi ông
phát biểu và bị bịt miệng, cho mọi người thấy một phiên tòa Kangaroo là
một màn kịch mà thôi.
Tôi
cũng mang bức ảnh ấy dơ cao lên trong cuộc phản đối của cộng đồng Việt
Nam trước tòa Bạch ốc. Chúng tôi đã nỗ lực và lôi cuốn được sự chú ý khá
nhiều của công luận quốc tế. Và như đã nói, Hà Nội rất nhạy cảm trước
những sự chỉ trích, với một bức hình bằng cả ngàn lời nói.
Chúng
tôi cũng sẽ tiếp tục và sẽ nói chuyện với Đại sứ Việt Nam tại
Washington, nhấn mạnh rằng cha Lý là một người già 64 tuổi, đang bệnh
nặng, tại sao lại đem giam tù ông trở lại?
Việt-Long: Nếu có dịp nói với nhà cầm quyền Việt Nam về đề tài bang giao Việt Mỹ, ông sẽ khuyên họ điều gì để tăng tiến mối quan hệ ấy?
Tấm ảnh "nói hơn ngàn lời", nổi tiếng trên thế giới- AFP photooto
Dân biểu Ed Royce:
Việc đầu tiên là hãy phóng thích các tù nhân vì tự do tôn giáo , phóng
thích các bloggers là những người chỉ làm công việc soi rọi cho mọi
người thấy những dữ kiện thực tế. Việt Nam hãy phóng thích những người
bị giam giữ chỉ vì muốn bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên, nơi công ty
Trung Quốc khai thác khoáng sản.
Hãy
trả tự do cho những người trẻ lên tiếng vì quyền tự do chính trị. Và
tất nhiên, hãy thả những người biểu tình vì họ có quyền biểu tình.
Tôi
muốn nhấn mạnh thêm đến những tín đồ Phật giáo, Công giáo, Tin Lành,
Cao đài, Hòa hảo.. những người khó thích hợp với chính quyền Mác xít
chỉ vì họ muốn bảo tồn tín ngưỡng của riêng mình.
Họ
đứng trước nguy cơ bị tước đoạt cơ sở tôn giáo, bị côn đồ gây gián
đoạn những buổi lễ tôn giáo. Tóm lại Việt Nam muốn tăng tiến quan hệ với
Mỹ thì chỉ cần phóng thích tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị, hủy bỏ
điều 88 luật hình sự, và để cho nền chính trị được tiến hóa.
Việt-Long: Cám ơn dân biểu Edward Ramdall Royce đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment