Thursday, August 18, 2011

Từ chuyện GDP… Ðánh tan nỗi sợ hãi!

Phan Kiến Quốc - Tháng 9/2005 vừa qua, trong một buổi hội thảo với các nhà khoa học, thủ tướng Phan Văn Khải đã tuyên bố: “Việt Nam sẽ (chỉ) bắt kịp Thái Lan về GDP trong vòng 15 năm nữa, đây là một điều không thể chấp nhận được”. Và dĩ nhiên sau đó ông thúc đẩy các nhà khoa học phải cố gắng hơn nữa để rút ngắn khoảng thời gian này.
Ðối với cá nhân tôi, người viết bài này, khoảng thời gian 15 năm này không thể là không chấp nhận được mà là không tưởng tượng được, nhưng phải hiểu theo nghĩa ngược lại.

Bài toán tăng trưởng này vốn là một thí dụ khá “kinh điển” cho các sinh viên học toán hoặc kinh tế. Cá nhân tôi cũng theo dõi sát nhưng thú thật tôi không tài nào hiểu được cách tính của ông thủ tướng nhà mình. Chúng ta thử cùng nhau làm lại bài tính này với các dữ liệu vẫn được loan tải trên các phương tiện truyền thông.

GDP theo đầu người của Việt Nam hiện nay là 530, mức tăng trưởng hàng năm là 8%, vậy vào năm thứ n, GDP của chúng ta sẽ là 530 (1+0,08) n.

Tương tự GDP hiện nay của Thái Lan là 2600, mức tăng trưởng hàng năm là 5%, vậy vào năm thứ n, GDP của Thái Lan sẽ là 2600 (1+0,05) n.

Hai biểu thức trên bằng nhau khi n = 56,45. Có nghĩa là phải 56 năm nữa chúng ta mới bằng Thái Lan. Vậy thì con số 15 năm kia ở đâu ra?

Bây giờ ta phải hạ mức tăng trưởng của Thái Lan xuống, nhưng cho dù xuống 3% thì theo cách lý luận này chúng ta cũng phải mất hơn 33 năm mới bắt kịp họ. Vậy thì phải vừa hạ họ vừa phải nâng ta lên. Và cuối cùng thì đáp số là: chúng ta sẽ bằng Thái Lan trong 15 năm nữa nếu ngày hôm nay (2005) GDP của Việt Nam là 630, mức tăng trưởng là 11% liên tục…

Nhưng (cái nhưng này rất quan trọng), đó là chúng ta bắt kịp họ là bắt kịp GDP của họ…ngày hôm nay! hoặc nói khác đi nếu trong vòng 15 năm nữa Thái Lan không hề tăng trưởng. Nói tóm lại bắt kịp Thái Lan trong những điều kiện của ngày hôm nay là điều không thể có, cực kỳ phi lý!

Tuy nhiên, đây mới là khởi điểm của sự phi lý. Chúng ta đã biết rằng con số GDP chỉ nói lên được một phần của sự tăng trưởng. Một trong những chỉ số phụ thuộc khác là chỉ số ICOR (đây là số chi tiêu phải bỏ ra để có được 1 điểm tăng trưởng. Chỉ số này càng thấp, sự phát triển càng hiệu quả). Theo các nhà kinh tế Việt Nam thì liên tục trong 5 năm trở lại đây, ICOR của cả nước đang từ 3.8 đã vọt lên trên 5.0. Song song, trong hai năm 2003 và 2004 trên thang điểm về năng lực cạnh tranh của Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) thì Việt Nam đã bị tụt hơn 20 hạng.

Nếu cứ giả sử những phi lý này có thể xảy ra, chúng ta cũng đừng nên quên rằng một trong những yếu tố đang làm Việt Nam nghèo đi so với Thái Lan là mức độ sinh sản. Theo thống kê chính thức thì số gia đình có trên 2 con càng lúc càng tăng. Mức gia tăng dân số của Việt Nam là 1,38 và của Thái Lan là 0,88. Dân càng đông thì rõ ràng GDP theo đầu người phải giảm. Tóm lại, nếu cứ “phát triển” theo chiều hướng này thì bắt kịp Thái Lan trong vòng 15 năm là điều không thể có.

Lạm bàn về GDP, nhiều nhà kinh tế đã cho rằng căn cứ vào con số này làm thước đo cho nền kinh tế là nguy hiểm, vì GDP chỉ quan tâm đến những hoạt động nào tính bằng tiền và bất chấp hậu quả của hoạt động đó. Thí dụ một cánh rừng bị phá, gỗ đem sản xuất hoặc xuất khẩu là GDP tăng trong khi ảnh hưởng đến môi sinh là không nhỏ. Và nếu đề cập đến phá rừng sản xuất thì có lẽ nước ta vô địch hoặc chí ít cũng là một trong những nước vô địch. Cứ nhìn vào chương trình 1 triệu tấn đường và hậu quả của những trận lũ quét năm 99, năm 2005 là rõ.

Sau cùng, nếu đem so sánh với Thái Lan, thiết nghĩ cũng nên ghé mắt sang nước người quan sát. Vào tháng 9/04, Ngân Hàng Thế Giới đã xếp Thái Lan trong nhóm 20 quốc gia có điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất thế giới. Lọt vào bảng này, Thái Lan không chỉ chứng tỏ mình đi đầu trong việc mang tới những điều kiện tốt nhất cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân. Kể từ nay, Thái Lan được xem ngang hàng với các con hổ như Singapore, Hồng Kông và được xếp vào chiếu trên với các đại gia như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản… Ngược lại, báo cáo này lại xếp Việt Nam vào nhóm có môi trường kinh doanh kém thuận lợi nhất cùng với Lào, Campuchia và Indonesia. Một hình ảnh tương phản gần đây nhất là việc Thái Lan cho khánh thành phi trường lớn nhất châu Á Suvarnabhumi, việc này đồng nghĩa với việc xếp phi trường Don Muang 43 cửa vào hạng phi trường hạng hai, trong khi đó Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn và Nội Bài ở Hà Nội còn lâu lắm mới có tầm vóc của Don Muang.

Lý luận tới, lý luận lui mãi cũng không thấy có cửa nào 15 năm nữa bắt kịp Thái Lan (của ngày hôm nay), vậy mà tại sao một người đứng đầu chính phủ với bao cố vấn vây quanh lại có thể tuyên bố một câu trật chìa như thế? Câu trả lời chẳng qua là để tạo một sự lạc quan hão. Nhưng nói như thế trước một cử tọa toàn những trí thức hàng đầu thì không sợ họ cười cho à? Câu trả lời đơn thuần là: không! Trong một nước mà báo chí và tất cả phương tiện thông tin đều bị kiểm soát, trong một nước mà quân đội và công an đều tâm nguyện “trung với Ðảng, hiếu với dân” thì có quái gì phải sợ!

… Sang chuyện thi.

Cuối tháng 8/2005, kết thúc cuộc thi “Tìm hiểu về nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam”, Ban Tổ Chức công bố đã nhận được 11.576.000 bài dự thi, trong đó có những bài “cực kỳ giá trị”, dày như một cuốn từ điển. Tôi thực sự thắc mắc: làm thế nào mà có được một số lượng khủng khiếp như thế?! Dân Việt Nam có 83 triệu, trừ đi 8% không biết chữ, trừ đi 20% là con nít và người già thì còn khoảng 60 triệu người có khả năng viết (nhưng chưa chắc đã biết lý luận). Vậy thì cứ 6 người là có 1 bài dự thi?! Một con số ngày nay chỉ tìm thấy ở Cuba và Bắc Hàn. Chưa hết, nếu tính đổ đồng mỗi bài 5 tờ A4, thì phải mất 200 xe cam nhông hạng nặng mới chở hết, vậy mà trên truyền hình không bao giờ thấy hình ảnh của khối giấy này. Và sau cùng, khâu chấm điểm. Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, trung bình một trường đại học có khoảng 20000 thí sinh, vậy mà gần 40 giám khảo phải chấm cật lực mới xong trong 3 tuần, vậy thì làm thế nào có thể chấm hết 11 triệu rưỡi bài trong khi từ ngày khóa sổ đến ngày công bố kết quả chỉ hơn 1 tuần?

Có thể ban giám khảo chấm ròng rã từ lúc nhận bài, có thể vì các câu hỏi tương đối ngắn nhưng 6 người là có 1 bài dự thi là một con số quá lớn. Áp dụng các nguyên tắc thống kê tôi đi điều tra trong cơ quan và trong khu phố thì chưa hề có người nào tham gia cuộc thi. Khi mang chuyện này hỏi một cán bộ đảng trong cơ quan thì vị này cũng rất ngạc nhiên làm như chưa hề nghe nói đến con số 11,5 triệu này (và vị này dĩ nhiên cũng không tham gia) nhưng đã cho biết tất cả những cuộc thi gọi là “quần chúng” đều rất hình thức và vô nghĩa: một bài mẫu được làm sẵn, đánh máy nhưng chừa ngày và chỗ ký tên sau đó được phổ biến đến cho mọi đơn vị. Ký tên (mà thường là phải nài nỉ) vào là kể như đã tham gia. Thậm chí có nhiều đơn vị chẳng cần phải nộp bài (mẫu) chỉ cần báo cáo lên trên số người là đủ. Tiện lợi và rẻ, vì khỏi mất công chấm (mà đã gọi là bài mẫu thì còn gì để chấm).

Ngày 2/9/05, đồng chí Ðào Duy Quát trịnh trọng tuyên bố cuộc thi là một “sinh hoạt chính trị sâu rộng trong quảng đại quần chúng”. Kinh khiếp thật.

* * *

Qua hai câu chuyện trên chúng ta nhận thấy rõ được một vấn đề là việc độc tôn ngự trị trong lãnh vực truyền thông quả là tai hại cho đất nước. Nó cho con người ta một cảm giác lạc quan ảo và dĩ nhiên hậu quả trong tương lai thật khó lường. Ví dụ như một người bị bệnh nan y nhưng không được cho hay để kéo dài cuộc sống. Trong xã hội Việt Nam ngày nay những thí dụ như thế không hề thiếu.

Cứ sau mỗi lần kết thúc khóa họp các nhà tài trợ là báo chí khoe um với nhau là được quốc tế tài trợ hai, ba tỷ USD mỗi năm và còn nói thêm rằng nhờ sử dụng tốt nên người ta mới tài trợ tiếp. Gọi là tài trợ cho nó văn minh chứ thực ra đây là cho vay, mà có vay ắt có trả. Tổng số nợ của Việt Nam cho đến năm 2004 là 15 tỉ USD, vị chi mỗi người Việt Nam phải trả 180 USD. Nghe thấy mà buồn. Chúng ta có nên kiêu hãnh khi các định chế tài chánh như WB (Ngân hàng Thế giới), JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản), ABD (Ngân hàng Phát Triển Châu Á) nức nở khen 84 triệu người Việt Nam là “những con nợ tốt” nên họ sẵn sàng ưu đãi chăng? Cứ cho rằng đây là các nguồn vốn ODA phải được sử dụng hiệu quả mới được tiếp tục vay, nhưng nếu đất nước không tham nhũng, không thất thoát hàng tỉ USD mỗi năm thì đâu nhất thiết phải đi vay cho dù là vay ưu đãi. Nhà băng vốn hiện hữu được là nhờ cho vay nên các định chế trên chỉ cần miễn sao tiền vay sử dụng tốt, khả năng chi trả tốt là họ xì tiền cho vay ngay ngoài ra họ chẳng hề quan tâm đến những vấn nạn tham nhũng, vi phạm nhân quyền. Xã hội ổn định, chính trị ổn định để rồi chúng ta và con cháu còng lưng ra trả nợ. Ðiều này chẳng thấy báo chí nào nhắc đến!

Cũng nhân nói về “lời khen” của các định chế tài chánh, ta phải đề cập đến thành tích xóa nghèo mà theo nhà nước thì đó là một “mẫu mực cho cả thế giới”. Chỉ trong vòng 2 năm (đầu 2001) đã giảm từ 23% hộ nghèo xuống còn 17% (cuối 2002), tổng cộng là 115 ngàn hộ thoát nghèo. Nhưng định nghĩa thế nào là nghèo lại là một vấn đề phức tạp. Theo chuẩn mới nhất của năm 2005: được gọi là nghèo khi thu nhập dưới 4,6 triệu /năm /hộ hay 380 ngàn đồng /tháng /hộ hay 13000 đồng/ ngày/ hộ. Thú thật tôi không thể hiểu được làm thế nào một gia đình (cứ cho trung bình 4 người) có thể sống được với 13000 ngàn/ngày trong khi một đĩa cơm bình dân cũng đã 5000 đồng. Mức nghèo này quả thực quá thấp. Một em bé bán vé số có thể bán được 100 vé lời được 20000 ngàn/ngày đã không được xếp vào hàng nghèo (trên 13000). Thậm chí nếu 4 người trong gia đình cùng đi bán thì một tháng cũng kiếm xấp xỉ 3 triệu, và có thể được xếp vào loại trung lưu không chừng?!
Vậy thì Việt Nam ít người nghèo là quá đúng, và thành tích xóa nghèo là quá “đạt”?! Tôi không biết trên thế giới có nước nào tặc lưỡi khen cái thành tích này không chứ tôi thấy khó có thể hãnh diện được, nhất là khi tỷ lệ tái nghèo được tính bình quân vào khoảng 70%!

Tạo ra hào quang để đánh lừa dư luận vốn là ngón sở trường của chế độ và quả thực nó đã phát huy hết tác dụng của nó khi kết hợp với việc kiểm soát chặt chẽ thông tin và các luồng dư luận đối lập. Có bao nhiêu người biết được câu “Vì lợi ích một năm trồng lúa, mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” là của Quản Di Ngô thời Ðông Chu (200 năm trước Công Nguyên) chứ không phải của Bác Hồ. Rồi bao nhiêu người biết được tiêu chí Ðộc lập – Tự do – Hạnh phúc có trên tất cả văn thư (cho dù đó chỉ là tờ giấy của một học sinh lớp ba xin nghỉ ốm) là của Tôn Văn; bao nhiêu người biết câu “chính quyền của dân, do dân và vì dân” mà nhà nước ta nhai đi nhai lại đã do vị tổng thống thứ 16 của Mỹ là A. Lincoln đọc lần đầu tiên mãi từ năm 1863…

Ðại đa số chúng ta vẫn nghĩ những câu nói đấy xuất phát từ những bộ não “kiệt xuất” của đất nước và từ đó chuyển từ sợ hãi sang kính sợ (hãi). Riêng nhà nước, trừ câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” là được “quốc hữu hóa” còn hai câu kia họ vẫn lấp lửng. Không nhận mà cũng không chối. Ðấy cũng chính là thái độ khi ông Nông Ðức Mạnh được báo chí nước ngoài phỏng vấn về “liên hệ gia đình” với ông Hồ Chí Minh.

* * *

Cộng sản thống trị trên toàn cõi đất nước chính là nhờ hai cái mánh khoé ấy: gian dối và lấp lửng. Tôi còn nhớ vào những ngày vừa chiếm được Sài Gòn, họ “mời” nhiều công chức chế độ cũ lên Ủy ban phường để “làm việc”. Khi lên đến nơi đúng ngày đúng giờ và vào đúng bàn giấy thì cán bộ trách nhiệm cứ giả vờ như không biết. Nhiều người đánh bạo lên tiếng thì được trả lời:”Ai hỏi gì anh mà nói!”, mỏi chân quá ngồi xuống ghế thì “Tôi có mới anh ngồi đâu?”, mà bỏ về thì chắc chắn là không dám. Cái thái độ lấp lửng ấy hoàn toàn có chủ đích: nó khủng bố tinh thần con người còn hơn cả quát tháo nạt nộ hoặc thậm chí hành hung. Chính vì thế đến ngày hôm nay khi Liên Hiệp Quốc chuẩn bị đưa xét xử Khmer Ðỏ thì nạn nhân nhao nhao lên tố cáo, còn ở Việt Nam “hoàn toàn không có tắm máu” nhưng chỉ cần phê bình nhà nước một câu người ta cũng phải xuống giọng thầm thì. Cái sợ quả đã thấm sâu vào máu làm cho con người trở nên tê liệt và cùn lụt hết mọi ý chí. Nói một cách khác, trụ đồng Mã Viện đang hiện diện trong mỗi con người Việt Nam.

“Phá tan sự sợ hãi”. Ðây chính là thông điệp của Cố Giáo Hoàng Jean Paul đệ Nhị và cũng là lời kêu gọi gần đây của linh mục Tađêo Nguyễn Văn Lý gởi đến đồng bào sau 4 năm trong lao tù. Ngày nào chúng ta biết trấn áp nỗi sợ, ngày đó cộng sản sẽ không còn đất dung thân. Riêng đối với đồng bào hải ngoại sống trong tự do, các bạn có thể hỗ trợ bằng cách:

- Khi về thăm quê hương, hãy trình bày những giá trị của tự do dân chủ, trình bày công cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân các nước Ðông Âu cho bà con trong gia đình, trong họ hàng. Không có lời nói nào thừa thãi cả, và đừng tưởng ai cũng biết. Kinh nghiệm cá nhân cho thấy hình ảnh kéo đổ tượng Lê-Nin ngay trong lòng đất nước của KGB, GRU; hình ảnh xét xử Ceaucescu và Securitas, hạ bệ Honecker… làm người trong nước rất ngạc nhiên và phấn khởi.

- Hiện nay nhà cầm quyền Hà Nội đang ra sức củng cố bức tường lửa trên mạng Internet gọi là để ngăn chặn các website đồi trụy nhưng chính là để ngăn cản bà con trong nước truy cập đến với các nguồn tin mà chúng gọi là “phản động”. Người ta vẫn nói bức tường này không hiệu nghiệm, nhưng đó là đối với dân hacker hoặc các chuyên gia mạng, còn đối với đại đa số người dân nó vẫn có một tác dụng nhất định. Các bạn hãy tìm cách phá cho được đám mây mù này. Ðó là một phương thức hữu hiệu để đập tan nỗi sợ hãi vẫn còn đang ám ảnh trong tim óc mọi người.

Ðừng nản chí khi phải bắt đầu bằng những phương cách thô sơ. Ðừng quên rằng trong suốt 10 năm đầu, Solidarnosc hoàn toàn bị khống chế không ngóc đầu lên được, vậy mà sau 20 năm họ đã tìm lại được tự do; trong khi Cuba có hàng trăm ngàn kiều dân sống tại Mỹ cộng với hàng trăm nhà đối lập trong nước cũng chưa lật đổ được Fidel Castro; đó cũng là trường hợp của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi.
Ðánh tan nỗi sợ, cộng sản sẽ không còn đất dung thân.
Sài Gòn, đầu tháng 10 năm 2005

Phan Kiến Quốc


http://baotoquoc.com/2011/08/17/t%E1%BB%AB-chuy%E1%BB%87n-gdp-danh-tan-n%E1%BB%97i-s%E1%BB%A3-hai/#more-32219

1 comment:

  1. "Lạm bàn về GDP, nhiều nhà kinh tế đã cho rằng căn cứ vào con số này làm thước đo cho nền kinh tế là nguy hiểm, vì GDP chỉ quan tâm đến những hoạt động nào tính bằng tiền và bất chấp hậu quả của hoạt động đó."

    (hết trích)
    ***
    Nhận xét trên hoàn toàn đúng. GDP không đo được sự tăng tưởng của một nền kinh tế. Và nó càng không đúng với những nền kinh tế chuyên đi vay mượn. Cho ví dụ, nền kinh tế HK hiện nay, có GDP khoảng 2% - 3%, nhưng nếu có sự tăng trưởng như vậy thì tại sao lại cứ phải lún sâu vô nợ thêm nữa !? Sở dỉ có tình trạng này là vì GDP đại khái là tổng số tiền chi tiêu (chỉ chi ra thôi nha) ra trong một nước. Nó không có ghi nhận những số tiền đã vay mượn vào. Cho nên, GDP là một con số hầu như vô nghĩa.

    Kinh tế học của phương Tây không khác gì nghệ thuật xào bài ba lá của giới cờ bạc ! Người phương Đông học nó để đối phó trong sự toàn cầu hóa thì hay hơn là áp dụng nó cho đất nước mình. Vì làm theo họ là mình bị sụp bẩy của họ rồi.

    Còn chuyện VN có thể theo kịp Thái Lan hay không thì không phải là không thể. Nếu VC chết hết ngay hôm nay, để cho người dân có cơ hội xây dựng lại một thể chế dân chủ thì đó là một giấc mơ nằm trong tầm tay chứ không xa vời lắm đâu.

    ReplyDelete