TS Nguyễn Hưng Quốc - Việt
Nam hiện nay đang thiếu nhiều thứ. Thiếu tiền. Thiếu kỹ thuật. Thiếu cơ
sở hạ tầng. Thiếu công nhân có tay nghề cao. Thiếu trí thức độc lập và
có khả năng sáng tạo. Thiếu sự đoàn kết. Thiếu chiến lược. Thiếu đồng
minh. Vân vân. Nhưng cái thiếu quan trọng nhất, theo tôi, chính là
thiếu lãnh đạo.
Trong tiếng Việt, chữ “lãnh đạo” có thể được hiểu theo cả hai nghĩa: người lãnh đạo (leader) và sự lãnh đạo (leadership). Dù hiểu theo nghĩa nào thì Việt Nam cũng thiếu.
Trên
nguyên tắc, Việt Nam được sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản
có trên ba triệu đảng viên. Ba triệu đảng viên ấy được sự lãnh đạo của
hai trăm ủy viên Trung ương. Hai trăm ủy viên ấy lại được sự lãnh đạo
của 14 ủy viên Bộ chính trị. Trong 14 ủy viên Bộ chính trị, bốn người có
quyền lực nhất là Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch
Quốc Hội (không kể Thường trực Ban bí thư vốn thường ở phía sau hậu
trường). Trong số bốn người đó, hầu như không ai nổi bật hẳn lên về tài
lãnh đạo. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
thì chỉ nổi tiếng là “lú”; từ lúc lên làm Tổng bí thư đến nay, chưa nói
được một câu nào có vẻ có viễn kiến. Nói theo Trương Duy Nhất, một nhà
báo trong nước: “để ý mãi thấy ông Trọng cũng chẳng có ấn tượng gì. Hết ở
trường đảng (học viện Hồ Chí Minh), đến Bí thư Hà Nội, Chủ tịch Quốc
hội rồi Tổng Bí thư, ông Trọng vẫn nhàn nhạt, tròn trịa và… nhu mì như
một ông giáo làng.” Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng thì chỉ nổi tiếng
là hay nói bậy. Nói bậy nhiều đến nỗi có người làm cả một bộ sưu tập:
“Những câu nói bất hủ của ngài Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (Xem ở đây).
Ông Nguyễn Tấn Dũng thì thỉnh thoảng được báo chí lề phải ở trong nước
khen về tài quản lý. Nhưng nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của ông thì lại đầy
sai lầm khiến số công ty quốc doanh bị phá sản, vật giá và lạm phát
cũng như nợ nần quốc gia đều tăng vọt. Chỉ có Trương Tấn Sang, chủ tịch
nhà nước, có những phát ngôn nghe được. Về tệ nạn tham nhũng. Về chủ
quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Về việc khai thác bauxite và
số công nhân Trung Quốc làm việc phi pháp ở Việt Nam. Nhưng với cương
vị chủ tịch nước, một hư vị, không ai tin tưởng là ông có thể làm được
việc gì.
Vấn
đề nghiêm trọng nhất ở giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay, như nhiều nhà
báo đã nêu lên, là dường như ai cũng… khiêm tốn một cách quá đáng.
“Khiêm tốn” đến độ không dám nghĩ đến “dấu ấn cá nhân”. Bộ trưởng không
dám nghĩ đến “dấu ấn cá nhân”. Tổng bí thư cũng không dám nghĩ đến “dấu
ấn cá nhân”. Mỗi người, dù mang danh nghĩa là lãnh đạo, vẫn khiêm tốn
đóng vai những cán bộ vô hình trong một guồng máy vô cảm. Chính họ, chứ
không phải ai khác, từ chối vai trò lãnh đạo của họ.
Đó chính là một bất hạnh lớn nhất cho dân tộc Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Có
thể nói, hiếm khi nào Việt Nam lại cần lãnh đạo như bây giờ. Bởi những
thử thách lớn và nghiêm trọng nhất của Việt Nam hiện nay không phải là
vấn đề kinh tế hay xã hội, ở đó, người ta chỉ cần tài năng quản lý. Việt
Nam còn bị thử thách cả về chính trị, trong đó có vấn đề nghiêm trọng
và khẩn cấp nhất là vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Nói
đến lãnh đạo, người ta nghĩ ngay đến chính sách. Một nhà lãnh đạo giỏi
không phải là người giỏi xử lý các công việc cụ thể. Mà phải là người có
những chính sách sáng suốt và hiệu quả. Đặc điểm nổi bật của chính sách
là tầm chiến lược để, thứ nhất, nó có giá trị trong dài hạn; và thứ
hai, có thể định hướng mọi hoạt động của chính phủ. Ở Việt Nam hiện nay,
những cái gọi là chính sách nếu không phải là những câu khẩu hiệu cũ kỹ
và rỗng tuếch thì cũng chỉ là những vấn đề vụn vặt. Chính vì thế, lắng
nghe diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà
báo Huy Đức, từ trong nước, mới than phiền là ông Nguyễn Tấn Dũng
“làm Thủ tướng tới nhiệm kỳ thứ hai mà cũng không kiếm được người viết
diễn văn biết cách phân biệt sự khác nhau trong ngôn ngữ của một chuyên
viên cấp vụ với ngôn ngữ của một chính trị gia ở hàng nguyên thủ.”
Chính
sách quan trọng, nhưng trong vấn đề lãnh đạo, có một khía cạnh khác còn
quan trọng hơn cả chính sách: niềm tin. Nền tảng của các chính sách
lớn, có tầm chiến lược, liên quan không phải đến hiện tại mà còn tương
lai một nước, không phải là vấn đề lý lẽ. Mà còn là ở niềm tin. Niềm tin
được bộc lộ chủ yếu là ở các tự sự (narrative) mà nhà lãnh đạo dựng lên
để tập hợp và để thuyết phục dân chúng.
Xin
nói ngay, khái niệm “tự sự” gần đây rất phổ biến không phải chỉ trong
lãnh vực nghiên cứu văn học mà còn cả trong nhiều lãnh vực khác, kể cả
chính trị. Tự sự được hiểu theo nghĩa thông thường là một câu chuyện kể
trong đó các sự kiện được nối kết với nhau một cách chặt chẽ. Trước,
người ta có thói quen cho việc tạo dựng các tự sự là công việc của giới
cầm bút, chủ yếu là các nhà viết tiểu thuyết. Sau, người ta mới phát
hiện không có nhà chính trị nào có thể thoát khỏi sự tự. Tự sự có tác
dụng làm cụ thể hóa các niềm tin của người lãnh đạo, qua đó, tạc khắc
bức chân dung của nhà lãnh đạo ấy trong trí tưởng tượng và ký ức của
quần chúng.
Gần
đây, xuất hiện trên báo chí tiếng Anh, ở Mỹ cũng như ở Úc, nhiều người
chê Tổng thống Barack Obama là thiếu khả năng, trong đó, khiếm khuyết
quan trọng nhất là khả năng xây dựng các tự sự để bày tỏ và cụ thể hóa
các niềm tin của ông. Ai cũng công nhận là Obama thông minh, uyên bác và
có khiếu hùng biện. Ông viết hay. Ông nói cũng hay. Nhưng cái hay ấy
thiên về lý chứ không phải là tự sự. Làm Tổng thống Mỹ đã hơn hai năm
rưỡi, nhưng phần lớn dân chúng Mỹ vẫn không biết ông thực sự tin gì và,
quan trọng hơn, muốn nước Mỹ trở thành một nước như thế nào trên thế
giới.
Những
lời phê phán kiểu như vậy cũng đã từng xuất hiện khá nhiều ở Úc trước
đây và hiện nay. Trước đây, người ta chê Thủ tướng Kevin Rudd là nói quá
nhiều mà lại cung cấp quá ít tự sự, biện bác quá nhiều mà lại không cho
thấy niềm tin chính của ông đối với tương lai nước Úc. Thủ tướng Úc
trước đó, John Howard, ngược lại, tuy bị nhiều người, đặc biệt giới trí
thức, ghét, nhưng, với đa số quần chúng, lại được tin cậy, do đó, trở
thành một trong những chính trị gia thành công nhất trong lịch sử nước
Úc: làm Thủ tướng đến 11 năm. Tại sao? Câu trả lời được nghe nhiều nhất:
Người ta có thể không đồng ý với ông, nhưng biết rõ là ông tin và muốn
những điều gì cho đất nước.
Đó
cũng chính là những điều mà giới lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay thiếu
nhất. Nếu không muốn nói: hoàn toàn thiếu. Với Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn,
chúng ta biết họ nghĩ gì và tin tưởng điều gì. Với giới lãnh đạo sau
này, đặc biệt hiện nay, thì không. Hoàn toàn không.
Trừ một chuyện: Tiền bạc. Nói như nhà báo Huy Đức,
cụ thể hơn, nỗi bận tâm về “nhận bao thơ” và chia “phần trăm” cũng như
về “lượng đất đai, cổ phiếu mà các thành viên trong gia đình nắm được”.
TS Nguyễn Hưng Quốc
vietthuc.org
No comments:
Post a Comment