Wednesday, August 31, 2011

Vài chia sẻ về quyền đi biểu tình

LS Huỳnh Văn Đông - Gửi các bạn Công dân yêu nước,

Theo quy định tại điều 76 Hiến Pháp công dân phải trung thành với tổ quốc; phản bội tổ quốc là tội nặng nhất.

Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Nhận thức rõ hai điều này bạn đang thực hiền quyền Công dân và hãy mạnh dạn thực hiện quyền của bạn.

Trong hơn hai tháng qua, tôi thực sự xúc động và ngưỡng mộ trước hành động vì Tổ quốc của bạn. Vì điều kiện khách quan và vì các lý do khác tôi mới chỉ được tham gia cùng bạn một lần ngoài Hà Nội trong tháng 7.

Rõ ràng việc đi biểu tình chỉ nhằm thể hiện thái độ phản đối trước sự xâm lăng của Trung Quốc đối với đất nước mà tổ tiên chúng ta đã gầy dựng và là nghĩa vụ của mọi công dân. Chống lại việc làm thiêng liêng và cao cả đối với bổn phận của người kế thừa gia sản của tổ tiên để lại là hành vi phản bội tổ quốc. Vì vậy, các cá nhân, cơ quan, tổ chức viện dẫn các lý do mơ hồ lẫn chủ quan để đàn áp, bắt giam những công dân yêu nước đều là kẻ phản bội tổ quốc.

Các thế lực thù địch, phản động kích động, dụ dỗ như thông báo của chính quyền Hà Nội chỉ là lối ngụy biện của những kẻ đã và đang vì quyền lợi của bản thân mà cam chịu làm tay sai cho phương bắc, và đã chà đạp một cách thô bạo vào tinh thần dân tộc ngàn đời của Dân ta. Và “cú đạp lịch sử” là minh chứng hùng hồn cho việc cam chịu làm tay sai để làm vui lòng ngọai bang. Bọn phản động, thế lực thù địch có xúi dục chúng ta làm việc này đi chăng nữa, thì trong trường hợp này bọn họ đang là người tốt.

Bạn yêu mến!

Dù đến nay, Quốc hội vẫn chưa ban hành luật để cụ thể hóa quyền biểu tình theo Hiến pháp. Nhưng vì Hiến pháp là luật mẹ – luật trên tất cả các luật, nên những việc bạn đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện không hề trái luật.

Nghị Định 38/2005

Tấm bùa hữu hiệu hiện tại mà kẻ phản bội tổ quốc đang dùng là Nghị Định 38/2005. Nghị định nhằm cản trở quyền tự do dân chủ hơn là bảo vệ trật tự công cộng và bảo đảm việc thực thi dân chủ như mục đích mà nghị định hô hào và nó cũng là công cụ mà người ta dùng nó để lu loa với thiên hạ rằng các bạn đã vi phạm pháp luật.

Theo nghị định này, biểu tình phải được “xin phép” trước bảy ngày kèm theo đó là danh sách thành phần tham gia cũng như địa điểm tập trung, lộ trình đoàn biểu tình đi qua…

Nhưng đi một mình thì Nghị Định không đề cập đến, nên bạn cứ đi biểu tình…một mình. Và mục đích ra đời của nghị định nhằm bảo vệ trật tự công cộng nên bạn phải luôn luôn ý thức rằng mình đi biểu tình thể hiện tinh thần yêu nước chứ không hề nhằm gây rối trật tự công cộng, chính những kẻ cản trở và bắt, khiêng, lôi, kéo… các bạn tạo nên sự hỗn lọan thì đó mới là những kẻ gây rối.

Tôi biết bạn biểu tình một cách ôn hòa và rất trật tự nên không thể nói là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh họat bình thường của cơ quan, tổ chức, nhân dân khu vực. Điều gây cản trở và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh họat bình thuờng là do các rào chắn, loa phóng thanh của cơ quan nhà nước, lực lượng công an, cơ động, dân phòng… tràn ngập ra các con đường, hè phố đó mới chính là lực lượng gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, giao thông, môi trường…

Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các công an không phải của nhân dân chỉ biết tuân lệnh bắt, hốt, chụp bạn rồi đưa về trụ sở “làm việc” mà đa phần chả biết làm việc gì.

Những điều cần biết khi bị tạm giữ

Theo quy định tại điều 44 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính “mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản”;

Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm, trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài nhưng không quá 24 giờ.

Và bạn có quyền yêu cầu được thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của bạn biết. Nếu bạn chưa đủ 18 tuổi, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ được biết nếu việc tạm giữ vào ban đêm hoặc tạm giữ trên 6 giờ. Luật cũng nghiêm cấm việc giữ bạn trong buồng tạm giữ, tạm giam hình sự hoặc những nơi không đảm bảo vệ sinh, an toàn cho bạn.

Trong quá trình bị tạm giữ thì điều kiện sinh họat của bạn tại đây như thế nào?

Theo thông tư số 42/2010 /TT-BCA ngày 4/11/2010 của bộ công an, người bị tạm giữ hoặc gia đình tự chịu trách nhiệm mọi chi phí ăn, uống, sinh họat, mai táng (hic)… nên việc yêu cầu người ra quyết định tạm giữ thông báo cho người thân của mình là điều cần thiết để tránh bị đói, khát, thậm chí chết trong đó. Điều kiện nơi bị giữ phải thóang, có ánh sáng, hợp vệ sinh nếu bị giữ qua đêm phải có giường hoặc sàn tối thiểu 2m2 và phải có chiếu, chăn, màn.

Đó là những quy định cơ bản theo pháp luật hiện hành áp dụng trong các trường hợp bị bắt tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Tôi không hy vọng các đòi hỏi của những người yêu nước như bạn khi bị bắt sẽ được cơ quan thừa hành áp dụng, nhưng đây là quy định và chúng ta có quyền đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải tôn trọng.

Thực tế đã xảy ra các trường hợp như cầu nguyện tại Thái Hà – Hà Nội hay đưa tang một cụ bà qua đời tại Cồn Dầu -Đà Nẵng , hàng trăm người đã bị bắt xử phạt hành chính và một số chịu cảnh tù đày vì bị vu cáo cho là gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Vì vậy, bạn phải sẳn sàng tâm lý trong việc đối mặt với một tội danh nào đó. Thông thường thì với một hoặc cả hai tội danh trên nhưng cá biệt, như trường hợp của anh Điếu Cày cũng thể hiện tinh thần yêu nước chống trung quốc mà phải ở tù vì tội… trốn thuế, hiện vẫn còn bị giam sau khi thi hành xong bản án “trốn thuế” để công an điều tra vụ “tuyên truyền chống nhà nước”. Chúng ta chờ xem, trong thời gian ngồi tù, anh Điếu Cày đã tuyên truyền như thế nào?

Đất nước chúng ta có quá nhiều chuyện lạ quá phải không bạn?! Nhưng chúng ta sẳn sàng đón nhận những “chuyện lạ” đó đến với đời mình như là định mệnh, bởi nhịp tim chúng ta vẫn còn đập cùng Quê hương, Dân tộc.

Đắk Lắk, ngày 27/8/2011

LS Huỳnh Văn Đông


vietthuc.org

No comments:

Post a Comment