Đoàn Viết Hoạt - Chuyển
hoá là một khái niệm khác với thay đổi, hay đúng hơn, là một sự thay
đổi đặc biệt, được dùng để chỉ những chuyển biến tại các nước độc tài,
nhất là độc tài cộng sản. Thay đổi chỉ nói lên sự biến chuyển khách
quan, thông thường mà xã hội nào cũng có, không nhất thiết bao hàm một ý
nghĩa chuyển đổi bản chất hay chế độ chính trị.
Chuyển hóa mang một ý
nghĩa giá trị, chuyển biến từ thấp lên cao, từ xấu sang tốt, từ độc tài
sang dân chủ. Vì thế chuyển hóa thường đi liền với dân chủ, chuyển hóa
dân chủ (democratic transformation). Đó là tiến trình thay đổi đưa một
quốc gia từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ, từ độc quyền sang phân
quyền chính trị, từ một xã hội nhất nguyên, khép kín, độc đoán, sang một
xã hội đa nguyên, cởi mở, tự do – chuyển hóa cả trên mặt tầng chính
quyền và trong đáy tầng xã hội, cả trong giới cầm quyền và ngoài quần
chúng. Nó cũng hoàn toàn khác về bản chất với chủ trương “đổi mới” mà
đảng CS đang vận dụng như một bước “quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, một
chủ trương vừa lạc hậu vừa siêu thực. Bài trước chúng ta đã bàn về
chuyển hóa trong ban lãnh đạo CSVN (“tự chuyển hóa”). Bài này sẽ bàn về
chuyển hóa ngoài xã hội, trong quần chúng.
Chuyển
hóa xã hội tại Việt Nam đã xẩy ra song song với chuyển hóa trong giới
cầm quyền, hay nói cho sát thực tế hơn, đã xẩy ra trước chuyển hóa trong
giới cầm quyền. Vì xã hội là do con người, do người dân thành lập, kể
cả các cơ cấu chính quyền, các chế độ, cho nên một trong những qui luật
tiến hóa khách quan của xã hội loài người là người dân thường chủ động
đi trước giới cầm quyền trong những biến chuyển xã hội. Nói như Lý Đông A
thì công việc của Thánh với Vương là đều do “bố cu mẹ đĩ” làm nên tất
cả (*). Hay nói như người dân Việt bây giờ “dân đi trước, nhà nước theo
sau”. Cuộc Nam tiến tại Việt Nam, hay Tây tiến tại Hoa Kỳ, đều do người
thường dân, nghèo khổ, kể cả tội đồ, thực hiện trước, rồi chính quyền
mới theo sau. Nhà nước độc tài, nhất là độc tài cộng sản, luôn sợ mất
quyền, nên luôn trì trệ, bảo thủ. Chỉ khi vì áp lực của tình thế hay vì
người dân tự động thay đổi mà không đàn áp được, thì chính quyền độc tài
mới buộc phải thay đổi.
Kế hoạch Chuyển hoá: Một thay đổi từ đáy lòng
Nhìn lại
những gì đã và đang xẩy ra tại Việt Nam chúng ta thấy điều này thể hiện
khá rõ, gần như là một qui luật, trong mọi lãnh vực họat động xã hội.
Cái mà đảng và nhà nước cộng sản gọi là chính sách “đổi mới” kể từ 1985
đến nay, trong thực chất chỉ là (1) hợp pháp hóa những gì do người dân
chủ động thực hiện, mà ngay trước đó, còn bị cấm và người dân phải “làm
chui”; và (2) phục hồi trở lại những gì đã có tại miền Bắc trước 1954,
và tại miền Nam trước 1975, nhưng bị chế độ mới tiêu diệt, và nay thêm
vào cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho có vẻ “đổi mới”.
Ngay
khi còn chế độ tem phiếu với chính sách kinh tế độc quyền quốc doanh,
người dân – bao gồm cả đảng viên, cán bộ thuộc lọai “thấp cổ bé miệng”
như người dân – đều đem tem phiếu trao đổi “chui” với nhau, người cần gì
thì đổi với người khác những gì mình không cần (mà vẫn được phát “đồng
đều” như nhau). Hệ thống phân phối xã hội “chui” (nhưng hợp tình, hợp
lý) đó sau “đổi mới” kinh tế trở thành hệ thống thương mại tự do, công
khai, hợp pháp. Hệ thống hợp tác xã nông nghiệp cũng được hủy bỏ khi cả
nước thiếu gạo ăn, gần chết đói, và nông dân nhiều nơi tại miền Nam
không chịu gia nhập, còn tại miền Bắc, tự động tách ra làm ăn riêng. Và
chỉ vài năm sau đó cả nước không những đủ gạo ăn mà còn dư để xuất khẩu,
dù đời sống nông dân vẫn còn nhiều cơ cực vì không có chính sách hỗ trợ
hữu hiệu.
Sang lãnh vực xã hội và
văn hóa, chúng ta cũng đã và đang thấy những hiện tượng tương tự. Nông
dân biểu tình khiếu kiện đất đai, công nhân đình công chống lại sự ngược
đãi của giới chủ tư bản mới, người dân tại nhiều địa phương tấn công,
vây hãm nhân viên chính quyền hà lạm, bất chính… Đó đều là những hiện
tượng không thể có được trước khi “đổi mới”, mặc dù cũng không thực sự
được giới cầm quyền chính thức cho phép, chưa kể là còn bị trấn áp khốc
liệt. Trong lãnh vực thông tin báo chí và xuất bản, ngày càng xuất hiện
nhiều hiện tượng “ngoài luồng”. Viết “lách” trong giới cầm bút “lề phải”
đã trở thành một nghệ thuật, dù đôi khi cũng bị phát hiện và trừng
phạt. Một hệ thống thông tin, báo chí, và cả xuất bản, “lề trái”, đã
xuất hiện và ngày càng phát huy ảnh hưởng. Cộng đồng mạng đang trở thành
một thứ “xã hội dân sự” tự phát và xuất hiện “trên trời”, khi chưa được
phép hình thành dưới đất. Cư dân mạng sử dụng khung trời tương đối tự
do để trao đổi thông tin, kiến thức, bày tỏ ý kiến, tình cảm, nhận thức
của mình về nhiều vấn đề con người, xã hội, đất nước. Từ những “bức xúc”
xã hội, những “chuyện hàng ngày ở huyện”, nhiều bloggers ngày càng tỏ
ra mạnh bạo hơn, đụng chạm đến những lãnh vực văn hóa-chính trị nhậy cảm
đối với giới cầm quyền.
Gần đây nhất
là những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, quốc gia thân thiết nhất với
Việt Nam hiện nay vì cùng chế độ chính trị, “vừa là đồng chí vừa là anh
em”. Hành động bành trướng ngang nhiên của Bắc kinh đã tạo dịp xuất hiện
công khai những tiếng nói yêu nước, dù tự phát, nhưng chân thật, trong
sáng, của giới thanh niên, sinh viên, trí thức và nhân sĩ thành thị.
Tiếng nói yêu nước, độc lập với giới cầm quyền, trước hết xuất hiện trên
mạng, trong các blog cá nhân. Và trong vòng hơn hai tháng qua, nương
vào sự “nới tay” có chủ ý của giới cầm quyền, tầng lớp thanh niên trí
thức thành thị đã “xuống đường”, không cần chờ “cho phép” chính thức. Sự
xuất hiện của các cuộc biểu tình tự phát này đang đưa tiến trình chuyển
hóa dân chủ tại Việt Nam bước sang một khúc quanh mới, đụng chạm trực
tiếp đến mảnh đất độc quyền cuối cùng của chế độ: độc quyền yêu nước và
độc quyền cai trị. Khi giới cầm quyền “bị kẹt” trong gọng kìm do chính
họ tạo ra, và không còn có thể yêu nước như họ vẫn từng “tự hào”, khi
quyền lực và lợi ích bè nhóm đang tước đi của họ cái “chính nghĩa” cứu
nước, thì cũng là lúc quyền lực thực sự phải trở về với nhân dân cùng
với lòng yêu nước trong sáng và chân thực của họ. Các cuộc xuống đường
vừa qua là “đỉnh cao” của chuyển hóa tư tưởng trong tiến trình chuyển
hóa toàn diện của đất nước. Chuyển hóa xã hội đã vượt qua ngưỡng cửa của
chuyển hóa kinh tế và văn hóa để bước sang phạm trù chính trị.
Những
năm tới đây là giai đọan chuyển hóa cuối cùng của tiến trình chuyển hóa
dân chủ tại Việt Nam. Cuộc chuyển hóa chính trị đã bắt đầu, vừa gặt hái
thành quả của chuyển hóa kinh tế, xã hội và văn hóa thông tin trước nó,
vừa trực diện đặt ra với giới cầm quyền các vấn đề then chốt của chế
độ. Những câu hỏi đã được rải rác nêu ra đâu đó trong những thập niên
qua, từ nay sẽ dần dần trở thành những tiêu điểm tập trung trong cuộc
vận động chuyển hóa đất nước của giới trí thức, nhân sĩ, thanh niên
thành thị, thành phần nồng cốt cho mọi cuộc biến đổi chính trị tại mọi
quốc gia trong thời đại hiện nay. Những câu hỏi đáng lẽ phải được công
khai đặt ra từ lâu, từ ngay sau ngày đất nước đã hết chiến tranh, nhân
dân lẽ ra đã phải được thực sự làm chủ đất nước và cuộc sống của mình,
đã phải được tự do tập trung sinh lực vào việc kiến tạo một đời sống ấm
no, hạnh phúc, và có nhân phẩm. Những câu hỏi về nguồn gốc và tính pháp
lý của quyền lực chính trị, những câu hỏi về tính chính thống, về cơ sở
pháp lý của việc đảng CS và thiểu số cầm quyền tự phong cho họ độc quyền
lãnh đạo đất nước. Nói theo ngôn ngữ “đời thường” thì những câu hỏi đó
giản dị là: ai cho họ cái quyền được độc quyền lãnh đạo đất nước, được
quyết định mọi việc hệ trọng của đất nước mà không cần thông qua toàn
dân, không cần được toàn dân chấp thuận? Những câu hỏi nền tảng đó, của
bất cứ chế độ chính trị dân chủ nào, đã được đặt ra ngay từ giai đọan
đầu của “đổi mới” nhưng đã bị trấn áp khốc liệt. Những câu hỏi đó đã
tiếp tục được đặt ra bởi chính một số những cán bộ CS tiến bộ và cũng đã
bị trấn áp. Những câu hỏi này sẽ tiếp tục được đặt ra và đòi được giải
quyết trong những năm tới, lần này bởi giới trí thức trẻ, trung lưu
thành thị, thành phần cốt lõi của xã hội. Thành phần này đã nhận ra được
vai trò và khả năng của mình trong công cuộc chuyển hóa đất nước.
Có
hai cơ sở lý luận mà ban lãnh đạo CS thường dựa trên đó để củng cố độc
quyền chính trị, ngăn chặn và thậm chí còn tiêu diệt mọi mầm mống thách
thức quyền lực của họ. Một là “thành tích” kháng chiến chống ngọai xâm
dành độc lập cho đất nước, và hai là lời hứa hẹn tiêu diệt giai cấp tư
sản bóc lột, đem lại công bằng xã hội cho giai cấp lao động vô sản. Cả
hai cơ sở đó đã hoàn toàn sụp đổ, sụp đổ trước khi “đổi mới” dù còn che
đậy được, và sụp đổ không còn biện minh được kể từ khi “đổi mới”. Giai
cấp tư sản “bóc lột” được khuyến khích làm ăn, nhất là tư bản ngọai
quốc, và người chủ tư sản lớn nhất, được hưởng mọi ưu tiên của chính
quyền, chính là các ông chủ quốc doanh trong chế độ tư bản nhà nước
“hoang dã”. Giai cấp lao động cùng khổ đã bị đảng hy sinh cho sự ‘phát
triển kinh tế” của các ông chủ ngọai quốc và của ông tư bản nhà nước
mới. Những tương nhượng cho người “anh em” Trung Quốc, đất đai, vùng
biển, và quyền khai thác tài nguyên quí hiếm tại những địa điểm chiến
lược trọng yếu của đất nước – tất cả đã làm sụp đổ huyền thoại “cứu nước
và giữ nước” của đảng CS. Các cuộc biểu tình vừa qua vừa chớm đụng đến
những cơ sở nền tảng đó của chế độ, và cũng vì thế đã nhận lãnh số phận
như các cuộc phản kháng chính trị ôn hòa bất bạo động khác.
Nhưng
lần này cuộc phản kháng đang đến từ một tập thể mới, trẻ trung hơn, trí
thức hơn, sung sức hơn, với các khí cụ và động lực đấu tranh mới. Trong
khi đó các cơ sở nền tảng của chế độ, mà tập thể này đụng tới, trong
thực chất đã mục rữa từ trong ruột rồi, chỉ còn duy trì được bằng sức
mạnh của bạo lực công an và nhà tù, cái sức mạnh cuối cùng của mọi chế
độ chính trị trước khi sụp đổ.
Vấn đề
còn lại chỉ là: nó sẽ sụp đổ như thế nào, êm thắm hay bạo loạn. Cục
diện sẽ ngày càng rõ ra trong thời gian tới, và yếu tố quyết định nằm
trong tương quan giữa “tự chuyển biến” và chuyển biến xã hội, trong đó
tốc độ và tính chất của nhân tố “tự chuyển biến” sẽ cho thấy đột biến
chính trị xẩy ra một cách êm thắm hay bạo lọan, và nhanh hay chậm. Tự
chuyển biến chậm thì “cơn đau đẻ” dân chủ sẽ xẩy ra chậm, với nhiều bạo
loạn, một điều chắc chắn không mấy tốt đẹp cho đất nước. Tự chuyển biến
nhanh thì một nước Việt mới sẽ “chào đời” nhanh hơn, êm thắm hơn, đem
lại thành quả tốt đẹp cho mọi người Việt và cho tương lai dân tộc.
(25.8.2011)
© Đoàn Viết Hoạt
Nguồn: changevietnam.wordpress.com
http://www.danchimviet.info/archives/41472
No comments:
Post a Comment