Mai Anh (theo Thời báo Hoàn cầu) Trong bối
cảnh biển Đông vẫn chưa lặng sóng, ông Zhu ChengHu, Giáo sư ĐH Quốc
phòng, một trong những học giả có tiếng của Trung Quốc lại “đổ thêm dầu
vào lửa” với chiêu hiến kế giúp Bắc Kinh độc chiếm biển Đông trên Thời báo Hoàn cầu.
Theo ông Zhu, truyền thông và học giả nước ngoài đang có thành kiến
với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, khiến "rồng Trung Quốc" lâm vào thế
bị động trước dư luận quốc tế.
Nghiên cứu, hoạch định chiến lược biển
Giáo sư Zhu khẳng định, để bảo vệ chủ quyền quốc gia tại biển Đông,
trước hết Chính phủ cần tập trung nghiên cứu và hoạch định chiến lược
biển nói chung và biển Đông nói riêng.
Ông Zhu nhấn mạnh, kỹ thuật chế tạo tàu và sức mạnh hàng hải của
Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới. Triều đại nhà Nguyên có công đầu
trong việc mở ra tuyến thương mại hàng hải nối liền Đông – Tây. Đây là
một ví dụ điển hình cho sức mạnh siêu cường biển của Trung Quốc qua
nhiều thế kỷ.
Sau cuộc cách mạng công nghiệp, các nước phương Tây bắt đầu ý thức
được vai trò quan trọng của biển đảo và nhanh chóng triển khai sức mạnh
trên biển. Trong khi đó, triều đại nhà Minh lại ban bố lệnh “đóng cửa
biển”, khiến sức mạnh hàng hải của Trung Quốc bị suy giảm trong bối
cảnh mục nát của chế độ thực dân nửa phong kiến. Từ đó về sau, chiến
lược biển gần như không có vị trí quan trọng và xứng đáng trong chiến
lược phát triển quốc gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Do vậy
các quốc gia ven biển đều ra sức khai thác và tận dụng nguồn tài
nguyên biển, đặc biệt là tại các vùng lãnh hải tranh chấp chủ quyền. Vì
vậy, Bắc Kinh cần nỗ lực hoạch định chiến lược biển nói chung và biển
Đông nói riêng.
Theo ông Zhu, việc nghiên cứu và hoạch định chiến lược này phải do
Trung tâm nghiên cứu chiến lược phát triển hải dương, trực thuộc Cục
Hải dương Trung Quốc chịu trách nhiệm thực hiện. Bộ Quốc Phòng, Bộ
Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông,
Cục Hải quan, chính quyền địa phương các tỉnh thành ven biển và những
đơn vị có liên quan đều phải tham gia hoạch định chiến lược này.
Hoàn thiện hệ thống chính sách an ninh quốc gia
Không chỉ chú trọng hoạch định chiến lược biển, Trung Quốc cần nhanh
chóng hoàn thiện hệ thống chính sách an ninh quốc gia. Giải quyết
những vấn đề liên quan tới biển đảo như: tranh chấp lãnh thổ, hoạch
định đường biên trên biển, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trên
biển… đều là những nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, Giáo sư Zhu khẳng định, một số vấn đề liên quan tới an
ninh quốc gia, trong đó có biển đảo thường do Chính phủ chỉ định một Bộ
ngành nhất định giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, Bộ
ngành chịu trách nhiệm thường xuất phát từ nhu cầu và đặc thù công tác
của mình, thậm chí đặt lợi ích của đơn vị lên lợi ích của quốc gia và
không chịu tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ ngành khác. Những thói
quan liêu, cửa quyền này sẽ gây tổn hại nặng nề tới an ninh quốc gia.
Tăng cường lợi ích kinh tế biển
Kế sách thứ ba theo ông Zhu là cần tăng cường lợi ích kinh tế trên
biển Đông. Các nước tranh chấp chủ quyền đang ráo riết tận dụng mọi
biện pháp để củng cố, tăng cường lợi ích căn bản tại biển Đông. Trong
đó, có bên ngang nhiên chiếm hữu một số đảo, tuyên bố chủ quyền và phát
triển du lịch quốc tế; có bên khai thác trái phép dầu mỏ và khí đốt
thiên nhiên trong vùng lãnh hải hợp pháp của Trung Quốc.
Trong khi đó, dù có chủ quyền không thể tranh cãi tại vùng biển này,
Trung Quốc vẫn bền bỉ chịu đựng. Những nhún nhường thời gian qua đã
khiến các bên lầm tưởng có thể dễ dàng "nắn gân" và bắt nạt chúng ta.
Do vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là duy trì và tăng cường lợi ích
kinh tế tại biển Đông.
Để giải quyết được vấn đề này, trước hết, Chính phủ nên kêu gọi các
công ty dầu khí nhanh chóng tiến hành các hoạt động thăm dò và khai
thác độc lập tài nguyên biển, cổ vũ những công ty này liên kết với các
công ty, tập đoàn dầu khí lớn thuộc các nước phát triển, thậm chí là
móc nối với các công ty của chính những nước đang tranh chấp chủ quyền
biển Đông để cùng phối hợp khai thác.
Ngoài ra, các Bộ ngành cần khai thông tư tưởng, cổ vũ các công ty du
lịch lập đoàn khảo sát tại Hoàng Sa và Trường Sa, khuyến khích các
doanh nghiệp tư nhân đầu tư khai thác du lịch tại đây và xây dựng một
vài thiên đường “Maldives” để du khách trong nước và bạn bè quốc tế tới
thưởng ngoạn.
Mặt khác, cần tăng cường thăm dò, khảo sát tài nguyên biển vì biển
Đông ngoài nguồn tài nguyên thủy sản, thủy triều, sức gió, dầu mỏ, khí
đốt thiên nhiên vô cùng phong phú, còn rất nhiều khoáng sản giá trị
khác chưa khám phá.
Tận dụng quyền ngôn luận
Một nội dung quan trọng cuối cùng được học giả này đưa ra là cần tận
dụng quyền ngôn luận để bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc. Theo ông Zhu,
các Bộ ngành chức năng cần xây dựng cơ chế thông tin kịp thời, định kỳ
và sâu rộng những sự kiện thời sự trong ngoài nước tới giới học thuật,
giúp các chuyên gia có thêm dữ liệu chính thống để tham gia hội đàm,
phát biểu đầy sức thuyết phục tại các hội nghị quốc tế, khiến những
quan điểm của Trung Quốc ngày càng được quan tâm và đón nhận.
Muốn tận dụng quyền ngôn luận, cần hoàn thiện cơ chế giao lưu đối
ngoại, xây dựng đội ngũ học giả, nhân tài có trình độ ngoại ngữ tốt,
thậm chí thông qua các đại sứ quán Trung Quốc tại nước ngoài để lựa
chọn các học giả gốc Hoa đủ năng lực.
Đồng thời, các Bộ ngành cần lên dự toán cụ thể, hỗ trợ các chuyên
gia tham gia những hội thảo học thuật quốc tế. Đây là một phương pháp
hiệu quả góp phần tuyên truyền chủ trương chính sách và hình ảnh chân
thực nhất của Trung Quốc tới cộng đồng quốc tế.
Mai Anh (theo Thời báo Hoàn cầu)
No comments:
Post a Comment