Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa [RFA]
Trong những ngày tới đây, người ta e ngại rằng kinh tế Hoa Kỳ chưa phục hoạt, kinh tế Âu Châu có thể bị suy trầm và viễn ảnh gọi là đụng đáy lần thứ hai có thể lại xảy ra ở hai bờ Đại Tây Dương hai năm sau khi thế giới bị tổng suy trầm.
Đồng
thời, kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc cũng có nhiều mối nguy tiềm ẩn ở
bên trong: Nhật chưa ra khỏi nạn suy thoái sau khi bong bóng đầu tư bị
vỡ hai chục năm trước và Trung Quốc có thể bị vỡ bóng đầu tư trong một
vài năm tới. Sau khi các nước tân hưng bùng lên rất mạnh, từ nhiều năm
nay, người ta nói đến ngã rẽ của hai khối kinh tế đã phát triển” và
“đang phát triển” mà thực tế có khi lại không như vậy và số phận kinh tế
của các nước thật ra vẫn giàng vào nhau trong một thế liên lập. Diễn
đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về hiện tượng đó qua phần trao đổi cùng
nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Cuộc họp thường niên về kinh tế thế giới năm 2011. AFP photo
Thế giới liên lập
Vũ Hoàng:
Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, khi theo dõi tin tức
kinh tế toàn cầu, quả là chúng ta chạy theo ánh mặt trời nhưng bằng
phương tiện thông tin điện tử xuất hiện gần như tức thời. Mở đầu cho một
ngày mới là tin tức thị trường Á Châu, trước tiên từ bên Úc. Sau đấy là
các thị trường Âu Châu, mở cửa đầu tiên tại London, và sáu bảy tiếng
sau thì đến thị trường Hoa Kỳ, trước tiên tại New York. Rồi khi New York
bước vào buổi tối thì lại đến phiên Á Châu mở hàng, nhiều khi thị
trường cổ phiếu nơi này bị chấn động vì tin tức của đêm hôm trước ở Bắc
Mỹ hay Âu Châu và lại gây hiệu ứng cho các khối kinh tế kia. Vì vậy,
nhiều khi mình khó phân biệt được cái gì là nhân và cái gì là quả, biến
cố nào là nguyên do và hậu quả của nó là gì với thế giới còn lại trong
một chu kỳ liên tục xoay tròn. Ông có cảm nghĩ như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Thưa rằng rất đúng như vậy và đấy là một điều rất khó cho truyền thông
về kinh tế khi theo dõi và tường thuật hoặc diễn giải về những chuyển
động trên các thị trường thế giới. Rất nhiều khi cái nhân tại Âu Châu,
thí dụ như vụ khủng hoảng sắp tới của khối Euro và số phận rất bấp bênh
của các ngân hàng Âu Châu, sẽ là cái quả cho một vụ sụt giá cổ phiếu tại
Hoa Kỳ khi dân Âu Châu đóng của đi ngủ! Rồi bất ổn tại Mỹ lại khiến thị
trường chứng khoán Á Châu rơi rụng vào ngày hôm sau.
Tìm
ra tương quan nhân quả liên tục ấy đã là một điều khó. Nhưng nếu cố
nhìn xa hơn những biến động nhất thời để thấy ra – tôi xin lấy một thí
dụ dễ cảm nhận – cả một con nước lớn bên dưới những làn sóng nhỏ, thì
mình có hy vọng hiểu được những chuyển động lớn và hậu quả lâu dài của
chúng. Đấy là phần vụ của việc phân tích, nó có khác với việc tường
thuật những gì vừa xảy ra trong ngày. Và chương trình chuyên đề của
chúng ta cố gắng hoàn thành nhiệm vụ phân tích ấy để bổ sung cho những
tin tức cập nhật mỗi ngày mỗi giờ.
Bảng điện tại Times Square, New York thông báo “Standard & Poor’s
hạ điểm tín dụng Hoa Kỳ từ AAA đến AA +” vào ngày 5 tháng 8 năm 2011.
AFP
Vũ Hoàng:
Từ hoàn cảnh ấy, xin hỏi ông một câu mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ là chủ
điểm của chương trình kỳ này. Sau vụ Tổng suy trầm vào các năm
2008-2009, người ta nói đến một thế giới phát triển theo hai tốc độ: tốc
độ rất chậm của các nước công nghiệp hoá và tốc độ cao hơn của các nước
đang phát triển, đứng đầu là các nước mà ông gọi là “tân hưng”. Thế
rồi, hai năm sau đó, là ngày nay đây, thì hình như tình hình lại không
như vậy. Những lao đao chật vật của các nước công nghiệp hóa như Hoa Kỳ,
Nhật Bản và Âu Châu, vẫn có thể ảnh hưởng đến các nước tân hưng và thậm
chí còn kéo kinh tế toàn cầu vào một nạn suy trầm kép. Câu hỏi nêu ra
là có phải rằng chúng ta đang ở trong một thế giới liên lập chứ không
hoàn toàn độc lập, và số phận của các nền kinh tế vẫn còn giàng vào nhau
hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Quả thật là thế giới của chúng ta ở trong thế liên lập và hiện tượng
toàn cầu hóa về tư bản và tài chính bắt đầu từ hai chục năm trước đã
giàng số phận của các nước vào với nhau. Và cuộc cách mạng về thông tin
còn tác động rất nhanh vào quan hệ tương hằng đó.
Trước
khi xảy ra vụ Tổng suy trầm 2008-2009, người ta đã nói đến hiện tượng
gọi là “tách rời” hay “decoupling” của các nền kinh tế tân hưng, như
Trung Quốc, Đông Á, Ấn Độ hay Brazil khiến các nước này vẫn bung lên rất
mạnh dù cho các đầu máy kinh tế Âu-Mỹ-Nhật có thể bị đình trệ. Sự thật
lại không như vậy. Sau vụ Tổng suy trầm đó, người ta cũng tin rằng các
nước tân hưng sẽ thoát khỏi nạn trì trệ của ba đầu máy kinh tế kia mà
rốt cuộc thì vẫn bị ảnh hưởng.
Trên
diễn đàn này, chúng ta đã nhiều lần nói đến kinh tế Trung Quốc và hậu
quả tai hại của việc xuất khẩu giảm sút. Trường hợp Việt Nam cũng thế và
hai bộ phận mà tôi xin được gọi là “chuyển lực” vẫn tác động vào sinh
hoạt kinh tế trong cái thế tương hằng. Đó là ngoại thương tức là trao
đổi hàng hoá, và tư bản là chuyển dịch về tài chính hay ngoại hối. Đấy
cũng là lý do khiến cho biến động nơi này trở thành tai họa cho nơi khác
trong một địa cầu hình tròn!
Nguy cơ khủng hoảng đồng Euro
Vũ Hoàng:
Xin cám ơn ông về cách trình bày này. Bây giờ, chúng ta mới đi vào câu
chuyện. Ông nói đến hai bộ phận gọi là chuyển lực đó khiến việc đầu tư
hay buôn bán nơi này có thể vẫn ảnh hưởng đến nơi khác và giàng chung
các nền kinh tế với nhau. Chuyện ấy thể hiện thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Ba nền kinh tế Âu-Mỹ-Nhật đã lên tới trình độ thịnh vượng từ lâu và trở
thành ba đầu máy tiêu thụ cho các nền kinh tế khác qua ngả xuất khẩu.
Thí dụ ai cũng hiểu là Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu
vào Hoa Kỳ và Âu Châu. Khi ba khối kinh tế này bị trì trệ hoặc suy trầm
thì sức tiêu thụ phải giảm, lượng hàng nhập khẩu cũng vậy và các nền
kinh tế tân hưng đều bị ảnh hưởng vì bộ phận chuyển lực đầu tiên là
ngoại thương. Càng lệ thuộc vào xuất khẩu mà không lo phát triển thị
trường nội địa thì càng bị ảnh hưởng nặng.
Năm
2008, khi thấy nguy cơ suy trầm, các nền kinh tế tân hưng bèn ứng phó
bằng cách gia tăng đầu tư, tăng chi hoặc bơm tín dụng để kích thích sản
xuất và tiêu thụ. Việc nâng mức đầu tư ngay trong hiện tại là để gia
tăng khả năng tiêu thụ sau vài ba năm. Nhưng đấy là khi bộ phận chuyển
lực thứ hai tác động, nó chỉ tác động chậm hơn vài năm thôi. Chúng ta
nhìn vào trường hợp Trung Quốc thì thấy rõ nhất hiện tượng này. Trung
Quốc ào ạt bơm tiền đầu tư để kích thích sản xuất mà sau cùng chính
quyền từ trung ương đến địa phương đều mắc nợ mà sức tiêu thụ của thị
trường nội địa vẫn không tăng và xứ này vẫn phải trông cậy vào thị
trường tiêu thụ Âu-Mỹ-Nhật. Bộ phận chuyển lực ở đây là tư bản, là tài
chính.
Kết
hợp hai chuyện hàng hóa và tiền bạc với nhau thì ta có hiện tượng
thương phẩm lên giá, lạm phát và bong bóng đầu cơ vì nhà nước và các
ngân hàng đầu tư quá nhiều vào phương tiện sản xuất mà xuất khẩu lại
không tăng, tiêu thụ nội địa vẫn èo uột! Trung Quốc gặp hoàn cảnh lưỡng
nan đó nên sẽ khó hạ cánh an toàn.
Vũ Hoàng:
Chúng ta quay về chuyện Âu Châu là nơi mà tình hình kinh tế và tài
chính lại có vẻ nguy ngập nhất. Hình như ông đã nhiều lần cảnh báo về
nguy cơ khủng hoảng của đồng Euro. Liệu khối kinh tế này có triển vọng
gì không, khi mà tuần trước, tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF
là bà Christine Lagarde đã cảnh báo rằng nền tài chính toàn cầu đang như
đi trên lớp băng mỏng và có thể sụp bất cứ lúc nào. Tình hình có nguy
ngập đến vậy không?
Đồ
thị giao dịch trong ngày và chỉ số Dow Jones ngay sau tiếng chuông đóng
cửa
tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York hôm 08/8/2011. AFP
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng còn nguy ngập hơn vậy vì những ách tắc chính trị trong nội bộ các nước Âu Châu nên rất khó giải quyết vụ khủng hoảng của đồng Euro.
Nhiều
trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế đã báo động về một vụ khủng hoảng
ngân hàng tại Âu Châu trong những ngày tới đây, có khi còn nghiêm trọng
hơn vụ khủng hoảng tài chính tại Mỹ cách đây đúng ba năm. Kế tiếp mới là
vụ khủng hoảng của đồng Euro khiến cho Hy Lạp rồi Tây Ban Nha hay Bồ
Đào Nha có thể sẽ ra khỏi khổi Euro để trở lại đồng nội tệ của họ. Một
kịch bản khác là nước Đức có thể bị khủng hoảng chính trị vì đảng cầm
quyền bị đả kích là cứ phải gánh nợ cho các nước tiêu xài vô trách nhiệm
nhờ đồng bạc thống nhất. Nếu tình trạng ấy mà xảy ra và xảy ra qua bộ
phận chuyển lực là tư bản và tài chính, thế giới sẽ bị đại họa và trước
mắt thì Việt Nam còn mất một nguồn xuất khẩu quan trọng cho nền kinh tế
của mình.
Vũ Hoàng:
Chúng ta trở lại chuyện Hoa Kỳ với nguy cơ bị đụng đáy hai lần như ông
thường nói, trong khi lại bội chi quá nặng và mắc nợ quá nhiều nên mới
bị hạ điểm tín dụng. Liệu Hoa Kỳ có kịp hồi phục và kéo các nước khác ra
khỏi viễn ảnh đen tối đó không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi
sẽ rất thận trọng khi nói về kinh tế Hoa Kỳ vì có thể gây ấn tượng sai
lạc là chúng ta thiên vị và thiếu khách quan khi đang sinh sống trên đất
Mỹ!
Trước
hết, xứ này là một thị trường tiêu thụ khổng lồ, nhưng chủ yếu là tiêu
thụ hàng hóa của Mỹ! Số hàng hoá chế biến tại Hoa Kỳ chiếm 88,5% của
tổng số tiêu thụ, chỉ có gần 12% là hàng nhập khẩu mà thôi. Vì vậy, Mỹ
không bị hiệu ứng về ngoại thương như các xứ khác mà còn chi phối xứ
khác nhờ sức tiêu thụ đó khi dân Mỹ trở thành tằn tiện hơn. Ta sẽ nói về
chuyện này sau.
Thứ
hai, và ta liên hệ đến trường hợp Trung Quốc và Á Châu nói chung. Nước
Mỹ có một lãnh thổ trời cho là thuận tiện về canh tác hơn hẳn mọi quốc
gia còn lại trên thế giới, đó là vùng châu thổ của năm sáu con sông lớn,
lại đan kết với nhau. Xứ này còn đạt trình độ tổ chức sản xuất nông
nghiệp quá cao nên một thiểu số lao động có thể nuôi được cả nước và còn
dư ngũ cốc bán cho cả thế giới. Trong khi ấy, Trung Quốc thì chỉ vặt
mũi bỏ mồm và đủ ăn là mừng!
Tôi
có đọc thấy và sau khi kiểm chứng lại thì phải nói rõ là khối dự trữ
ngoại tệ gọi là khổng lồ của Trung Quốc, vì lên đến hơn ba ngàn tỷ đô
la, chỉ đủ mua sản lượng ngô bắp của Hoa Kỳ trong 12 năm là hết! Chưa
nói gì đến các loại ngũ cốc hay lương thực khác mà nước Mỹ có thể sản
xuất ồ ạt khi thấy có lời! Và lương thực mới là sản phẩm sinh tử cho sự
ổn định và tồn tại.
Tuy
nhiên, và đây là mặt trái của cả khung cảnh bất ổn hiện nay, Hoa Kỳ khó
ra khỏi suy trầm trong vài năm tới, với thất nghiệp còn cao và dân
chúng càng tằn tiện thì sản xuất càng khó tăng trưởng. Khi ấy, nghĩa là
ngay lúc này đây, phản ứng của người dân lẫn các chính trị gia rất dễ
đưa tới chế độ bảo hộ mậu dịch, nghĩa là tranh chấp nặng về quyền lợi
ngoại thương.
Tình hình Việt Nam
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm 03/5/2011. AFP photo
Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần cuối là tổng kết về tình trạng liên lập đó đối với Việt Nam. Việt Nam bị nhập siêu về ngoại thương và bất ổn về ngoại hối khiến chính quyền lúng túng và dân chúng thì hốt hoảng, điển hình là cơn sốt về vàng sau cơn sốt về đô la khiến các nhà nghiên cứu quốc tế đã liên tục cảnh báo và Việt Nam còn bị hạ điểm trái phiếu ở dưới cấp giấy lộn đến hai ba nấc, là B trừ. Trong điều kiện đó nếu kinh tế toàn cầu bị suy trầm kép và chiến tranh mậu dịch lại có nguy cơ bùng nổ thì tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi
rất dè dặt khi nói về chuyện chính sách quản lý kinh tế quốc dân của
Việt Nam vì có thể gây ấn tượng sai là chúng ta có ác ý. Thật ra, thế
giới cũng đã nói nhiều về những chính sách thái quá và bất cập của Việt
Nam nên mình khỏi cần nhắc lại! Tuy nhiên, từ gần 10 năm nay, diễn đàn
này đã nói đến yêu cầu sinh tử là phát triển thị trường nội địa làm lực
đẩy và vì vậy cần ưu tiên cải thiện hạ tầng cơ sở vận chuyển và luật lệ
cho tư doanh kịp bung lên để thay thế dần thành phần kinh tế nhà nước.
Chuyện ấy không xảy ra và doanh nghiệp nhà nước lại còn được tăng cường
củng cố nên gây thêm lệch lạc trong chính sách kinh tế vĩ mô.
Bây
giờ khi tình hình đang đi vào chỗ trũng, Việt Nam lại bị kẹt ở giữa, vì
đạt xuất siêu với kinh tế Hoa Kỳ chừng nào thì lại bị nhập siêu với
kinh tế Trung Quốc chừng đó. Bình quân thì mỗi tháng hơn một tỷ. Từ đã
lâu, Hoa Kỳ có chủ đích nâng đỡ kinh tế Việt Nam thì nhiều người tại
Việt Nam – từ cấp lãnh đạo tới các địa phương – lại dùng lợi thế ấy để
thay cho Trung Quốc bán hàng Trung Quốc vào Mỹ! Đâm ra kinh tế Việt Nam
lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và trong mâu thuẫn mậu dịch sắp tới xứ
này sẽ dễ bị khủng hoảng nhất. Đấy là ta chưa nói đến chuyện tranh chấp
chủ quyền ngoài Đông hải! Chẳng lẽ trong thế giới liên lập, Việt Nam
lại tự cô lập và trôi vào trật tự của Trung Quốc?
Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment