Tạ Phong Tần - Đình công là sự kiện công
nhân làm thuê ngừng làm việc tập thể khi có tranh chấp xảy ra giữa chủ
thuê và người làm thuê nhưng không đi đến nhất trí, hai bên không thỏa
thuận được.
Theo thống kê của Bộ Lao
động, từ năm 1996 đến hết năm 2006, cả nước xảy ra 1.250 cuộc đình công.
Năm 2006, cả nước xảy ra 387 vụ đình công, năm 2007 xảy ra 541 vụ, năm
2008 gần 800 vụ, năm 2009 xảy ra 216 vụ, năm 2010 xảy ra 424 vụ đình
công nhưng hầu hết đều không thấy báo chí ở Việt Nam đưa tin.
Chỉ
trong 5 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 312 cuộc đình công.
Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp trả lương cho người lao động
thấp hơn nhiều so với cường độ lao động; nợ lương, chậm lương… (Dân Việt ngày 07/6/2011).
Tổng cộng, từ năm 1996 đến tháng 5/2011, cả nước đã xảy ra 3.543 cuộc đình công.
Nếu
tính 1 tuần làm việc 5 ngày (nghỉ thứ 7, chủ nhật) thì từ năm 1996 đến
hết tháng 5/2011 có 3.334 ngày làm việc, trừ cho 130 ngày nghỉ lễ (luật
quy định mỗi năm 9 ngày), số ngày làm việc còn lại là 3.204 ngày. Như
vậy, chia bình quân ở Việt Nam mỗi ngày có 1,11 cuộc đình công.
Điều
10 Hiến pháp (1992) ghi rõ: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội
của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước,
tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ,
công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà
nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà
nước, tổ chức kinh tế;giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những
người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tuy
Hiến pháp không cấm, cũng không quy định Công Đoàn là đại diện duy nhất
của công nhân, nhưng thực tế thi hành luật người ta chỉ cho phép tồn
tại một tổ chức dưới tên gọi là Công Đoàn, do nhà cầm quyền Việt Nam và
đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bổ nhiệm, bầu bán, làm việc theo kiểu
công chức nhà nước và ăn lương từ ngân sách nhà nước, cao nhất là Tổng
Liên Đoàn Lao Động Việt Nam. Ở mỗi tỉnh, thành, quận, huyện… đều có Liên
Đoàn Lao Động trực thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam. Điều quan
trọng nhất là các vị lãnh đạo tổ chức này từ trên xuống dưới không vị
nào đang là công nhân và phải sống bằng đồng lương công nhân cả. Các
công đoàn công ty, doanh nghiệp (nhà nước lẫn tư nhân) đều phải do sự
lãnh đạo của Công đoàn nhà nước.
Cũng
theo luật hiện hành, Công đoàn là tổ chức để bảo vệ quyền lợi của công
nhân. Chỉ có công đoàn mới có quyền tổ chức đình công và quyết định
ngừng đình công, cuộc đình công nào không do công đoàn tổ chức đều bị
coi là bất hợp pháp, có thể bị Tòa án xét xử buộc người tham gia đình
công bồi thường cho giới chủ và áp dụng những biện pháp trừng phạt khác
(Xin xem Bộ Luật Lao Động Việt Nam, sửa đổi bổ sung năm 2006).
Lâu
nay, báo chí thường hay kêu việc doanh nghiệp thuê nhân công không ký
hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm cho công nhân phổ biến gần như
100% ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hậu quả công nhân phải chịu, theo lời ông Phạm Minh Thành- Phó Giám đốc
Bảo Hiểm Xã Hội, trong 6 tháng đầu năm 2008 “đã có hàng trăm trường hợp
đau ốm, thai sản không được thanh toán bảo hiểm y tế. Đương nhiên, phần
6% người lao động đóng từ tiền lương của mình có thể sẽ bị chủ sử dụng
lao động chiếm dụng, một khi doanh nghiệp không thực thi trách nhiệm
đóng BHXH (15% DN phải nộp)”.
“Thành
tích” mới nhất của Công Đoàn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp “tính đến
tháng 6/2011, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và Bảo hiểm
thất nghiệp trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội đã lên tới trên 788 tỷ
đồng, trong đó nợ trên 12 tháng của doanh nghiệp, đơn vị chiếm 24,8%”. (SGGP ngày 13/6/2011). Tại TPHCM, có trên 19.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (SGGP ngày 17/02/2011).
Công
Đoàn không thể chối rằng không biết doanh nghiệp không đóng bảo hiểm
cho công nhân, chỉ cần hỏi công nhân đã được phát thẻ (hay sổ) bảo hiểm
chưa là sự việc rõ như ban ngày, nhưng Công Đoàn đã im lặng không làm gì
cả, mặc cho tình trạng doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho công nhân
kéo dài liên tục từ năm này sang năm khác. Chưa có một vụ nào kiện doanh
nghiệp ra Tòa vì thiếu tiền bảo hiểm mà do Công Đoàn đứng ra thay mặt
công nhân khởi kiện.
Chuyện mới nhất
là trong thời kỳ bão giá ầm ầm, với mức lương 1.450.000đ/người/tháng
công nhân Công ty Giai Đức (khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà
Nội) sống không nổi, ngày 23/6/2011 bèn hè nhau đình công (tự phát) thì
bị một lãnh đạo công ty ra lệnh cho bảo vệ tông xe thẳng vào công nhân,
làm chết 1 người, bị thương nặng 6 người. Sau khi xảy ra án mạng, mới
thấy bà Nguyễn Thị Hường (Chủ tịch Công đoàn Công ty Giai Đức) có mặt
tại hiện trường để “trao đổi với công nhân và đọc thông báo quyết định
tăng lương cơ bản, tăng các khoản phụ cấp”. “Tuy nhiên, phần lớn công
nhân có mặt đã không thỏa mãn với quyết định trên và yêu cầu phía công
ty trong thời gian tới phải giải quyết thỏa đáng các chế độ, chính sách
cơ bản”.
Ngày 21/06/2011 đã nổ ra
cuộc đình công lớn tại công ty Pou Yuen (Tân Tạo, Bình Tân) – nơi được
xem là công ty có số lượng công nhân đông nhất tại Tp. HCM với hơn
65.000 lao động tham gia. Ngày 27/6/2011, có hơn 10 ngàn công nhân xuống
đường. Báo đài Việt Nam không đưa tin về vụ này. Nhưng báo nước ngoài
đã đưa tin kèm theo hình ảnh, video đầy đủ. Hiện nay chưa có thông tin
gì mới về vụ đình công sẽ còn tiếp tục hay đã chấm dứt.
Vai
trò của công đoàn (nhà nước) như thế nào từ năm 1996 đến nay đã được
thực tế chứng minh rõ. Hơn 14 năm qua, tuy mỗi ngày có 1,11 vụ đình
công, nhưng chưa có vụ nào do Công Đoàn (nhà nước) đứng ra tổ chức, lãnh
đạo để đòi quyền lợi cho công nhân. Có thể nói, việc mà Công Đoàn đã
“hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhất là làm cho 3.543 cuộc đình công của
công nhân cả nước trở thành bất hợp pháp, tạo điều kiện cho “nhà nước
ta” đàn áp bất cứ lúc nào. Có lẽ nhờ vậy, năm nào ngành Công Đoàn toàn
quốc cũng kéo nhau ra Hà Nội hội họp, tổng kết, liên hoan với hàng loạt
cá nhân, tập thể ôm bằng khen, huy chương đống đống?
Ngày
9/6/2011, trong cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi
Bộ Luật Lao động (BLLĐ), ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt
Nam kiêm Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn cố tình làm trái Hiến pháp. Ông Mai Đức
Chính cho rằng dự thảo đề ra ý kiến lập thêm ban đại diện công nhân là
“đa nguyên công đoàn”, là “nhận thức hết sức nguy hiểm”. Điều này cho
thấy các vị chóp bu Công Đoàn (dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN) chỉ nghĩ
đến quyền lợi của chính họ mà không cần quan tâm đến quyền lợi của công
nhân lao động đang sống đói ăn thiếu mặc, họ chỉ muốn quản lý, nắm giữ
tất tần tật mọi thứ tron xã hội nhưng có quyền trong tay lại không làm
được chuyện gì ích nước lợi dân. Không làm được mà vẫn cố bám chặt, thâu
tóm quyền hành, và tất cả mọi tư tưởng tiến bộ đem lại lợi ích cho
người dân lao động nhưng làm giảm bớt uy quyền của đảng CSVN thì đều bị
cho là “hết sức nguy hiểm”. Thật buồn cho thân phận người công nhân ở
Việt Nam!
Tạ Phong Tần
Bài đã đăng báo Người Việt
Bài đã đăng báo Người Việt
No comments:
Post a Comment