Thursday, June 16, 2011

Tự do thông tin

Nguyễn Trung Chính - Có một bạn thuộc thế hệ trẻ đã từng hỏi tôi “Thế nào là một xã hội dân chủ?” Dĩ nhiên sẽ có khá nhiều trả lời khác nhau cho câu hỏi này, tùy thuộc vào góc độ. Hôm nay, trong bài viết này, chúng ta chỉ muốn tiếp cận vấn đề trong giới hạn của một góc độ thôi: tự do thông tin.

Từ góc độ này, chúng ta có thể nói: một xã hội dân chủ là một xã hội mà trong đó thông tin được truyền tải và tiếp cận một cách tự do.

Tự do truyền tải thông tin có nghĩa là có thể tùy ý đứng bên lập trường của lề trái, lề phải, lề giữa hay bất cứ lề nào để đưa ra thông tin mà không sợ bị giam cầm hay trù dập. Tự do truyền tải thông tin có nghĩa là có thể tùy ý lựa chọn phương tiện để đưa ra thông tin mà không sợ bị giam cầm hay trù dập. Tự do truyền tải thông tin có nghĩa là tùy ý chọn phương pháp để đưa ra thông tin mà không sợ bị giam cầm hay trù dập.

Tự do tiếp cận thông tin có nghĩa là có thể tùy ý tiếp cận với mọi thông tin bất kể thông tin đó thuộc luồng thông tin của lề trái, lề phải, lề giữa hay bất cứ lề nào mà không sợ bị giam cầm hay trù dập. Tự do tiếp cận thông tin có nghĩa là có thể tùy ý chọn phương tiện để tiếp cận thông tin mà không sự bị giam cầm hay trù dập. Tự do tiếp cận thông tin có nghĩa là có thể tùy ý chọn phương pháp để tiếp cận thông tin mà không sợ bị giam cầm hay trù dập. 


Trong một xã hội mà thông tin được truyền tải và tiếp cận một cách tự do, nhà cầm quyền không những là không được phép cấm đoán sự truyền tải và tiếp cận thông tin của người dân mà nhà cầm quyền còn không được phép che dấu hoặc ngụy tạo thông tin dưới mọi hình thức. Người dân có quyền tiếp cận thông tin trung thực và đầy đủ. Nhà cầm quyền có trách nhiệm phải tự động cung cấp định kỳ một số thông tin thiết yếu cho người dân. Ngoài ra nhà cầm quyền còn phải cung cấp hầu hết mọi thông tin (không thuộc thông tin phải bảo mật) khi người dân yêu cầu.

Chính sự tự do truyền tải và tự do tiếp cận thông tin mà người dân có được đầy đủ tin liệu, nhờ đó có thể nắm bắt trọn vẹn về bất kỳ vấn đề nào đó được quan tâm, và rồi làm những quyết định chính chắn dựa trên sự hiểu biết và chọn lựa cá nhân.

Chính sự tự do truyền tải và tự do tiếp cận thông tin mà công việc của nhà cầm quyền phải tự minh bạch hoá, cơ cấu chính quyền phải tự hiệu quả hoá, nhân viên chính quyền phải tự trong sạch hoá. Lý do? Rất đơn giản. Vì nhờ vào sự tự do truyền tải và tiếp cận thông tin mà mỗi một người dân có thể tự đóng vai trò của một thanh tra hoặc giám sát viên và nhờ vào sự tích cực của người dân với vai trò đó mà tham ô lũng đoạn khó có thể nảy sinh, quan liêu lãng phí không có đất hoành hành, trịch thượng dối gian chắc chắn sẽ bị quần chúng trừng trị.

Quan trọng hơn hết, chính sự tự do truyền tải và tiếp cận thông tin mà nhà cầm quyền phải biết sợ quyền lực của người dân, phải biết tôn trọng ý dân.

Cũng có một bạn trẻ khác đã từng hỏi “Làm thế nào để DÂN CHỦ HÓA đất nước?

Nếu các bạn muốn DÂN CHỦ HÓA đất nước, tự mình hãy tiếp cận thông tin một cách rộng rãi và hãy tiếp tay truyền tải thông tin một cách rộng rãi!

Nếu các bạn muốn DÂN CHỦ HOÁ đất nước, hãy phá vỡ tất cả mọi che chắn thông tin của nhà cầm quyền để cho thông tin từ mọi lề, thuộc mọi luồng, của mọi thành phần, trong mọi lãnh vực được phát tán và tiếp cận một cách rộng rãi!

Nếu các bạn muốn DÂN CHỦ HÓA đất nước, hãy nắm giữ và sống mỗi ngày với quyền tự do truyền tải và tự do tiếp cận thông tin! Đừng để cho bất cứ ai bịt miệng, bịt tai, bịt mắt của chính cá nhân mình và dân chúng.

Nếu các bạn muốn DÂN CHỦ HÓA đất nước, hãy tự trang bị cho mình với vũ khí thông tin rộng nền-đa chiều-đa dạng, tự làm quyết định với cái đầu đầy thông tin của mình, và đứng lên “phát loa” chính kiến của mình. Đừng để cho nhà cầm quyền hay đảng nghĩ giùm các bạn, nói giùm các bạn, làm giùm các bạn, và . . . sống giùm các bạn. Mỗi một người chỉ có một lần để sống, đừng để cho bất cứ quyền lực nào tước đoạt.

Nếu các bạn muốn DÂN CHỦ HÓA đất nước, hãy vận dụng thông tin để vận động quần chúng ĐỨNG LÊN XÁC LẬP QUYỀN LỰC CỦA NGƯỜI DÂN.

DÂN CHỦ HÓA một đất nước trước hết là làm cho đất nước đó tràn ngập thông tin đa chiều. Khả năng thực hiện điều này nằm trong tầm tay của các bạn. Chân thành và dũng khí của tuổi trẻ các bạn chính là nguồn lực tinh khôi đủ sức để chuyển hóa đất nước của chúng ta.

Tại sao lại muốn và cần DÂN CHỦ HÓA đất nước? Các bạn, tôi và hầu hết mọi người trên thế giới này đều biết: có tự chủ thì mới có tự do thực sự, có tự do thực sự thì mới có dân chủ thực sự, có dân chủ thực sự thì mới có sự phồn thịnh thực sự, CÓ DÂN CHỦ THỰC SỰ & CÓ PHỒN THỊNH THỰC SỰ THÌ MỚI CÓ CHỖ NƯƠNG TỰA LÂU DÀI CHO CẢ DÂN TỘC. Chỉ với sự thật này, toàn dân cần phải cố gắng tự chủ thúc đẩy tiến trình DÂN CHỦ HOÁ ĐẤT NƯỚC. THỰC SỰ DÂN CHỦ VÀ PHỒN THỊNH là một “bảo hiểm” tốt nhất cho tiền đồ của dân tộc.

NHÂN THỜI CUỘC, NÓI THÊM VỀ THÔNG TIN

Những ngày gần đây, nhân dân Việt Nam bổng hiện thân như Phù Đổng thể hiện lòng yêu nước và ý chí của dân tộc trước hành vi “không thể chấp nhận được” của Trung Cộng và trước thái độ “không thể chấp nhận được” của ĐCSVN và nhà cầm quyền. Thông tin đã chứng tỏ là một vũ khí cực kỳ lợi hại trong đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Trong một cuộc phỏng vấn, Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói “Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc" (trích dẫn BBC).

Phải tin??? Làm sao có thể tin khi mà thông tin chỉ có một luồng từ lề trái? Làm sao có thể tin khi mà chỉ có một nửa của sự thật được nói tới, nếu may mắn đó là sự thật? Làm sao có thể tin khi mà ĐCSVN và những kẻ cầm quyền đã lén lút bán đứng tổ quốc và phản bội dân tộc?

Như Nguyễn Hưng Quốc đã nói “vẫn còn sờ sờ trên giấy trắng mực đen bức công hàm do Phạm Văn Đồng ký gửi Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 trong đó chính phủ ông thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các hòn đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa?” Nếu không có thông tin lề trái và tiếng nói của cái gọi là “thế lực thù địch” hoặc “diễn tiến hòa bình” thì liệu nhân dân Việt Nam còn bị dối gạt đến bao giờ?

Như ông Lê Hiếu Đằng đã viết thư ngỏ cho ông Đinh Thế Huynh: “Tôi đợi một tuần qua để cơn giận dữ, lòng phẫn nộ và khinh miệt của tôi lắng xuống để ngồi bình tĩnh viết thư này cho ông để kịch liệt lên án và phê phán cách thức và nội dung đưa tin sai sự thật hoặc nói cách khác tránh né sự thật một cách trắng trợn của TTXVN về các cuộc biểu tình tuần hành của nhân dân TP Hà Nội và nhân dân TP Sài Gòn – Hồ Chí Minh, mà xét đến cùng là trách nhiệm của ông với tư cách người lãnh đạo cao nhất của bộ máy thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước hiện nay. Hơn nữa, ông còn là chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chắc hẳn ông hiểu rõ thiên chức (tôi không dùng chữ chức năng) của nhà báo là phải thông tin trung thực, chính xác và khách quan về các sự kiện đã xảy ra, thực hiện quyền được thông tin chính đáng, một quyền cơ bản của người dân.” Nếu không có thông tin lề trái thì liệu là nhân dân Việt Nam có nhận ra đất nước đang lâm nguy trước hiểm họa Trung Quốc? Liệu là cộng đồng thế giới có nhận ra ý chí bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam?

Thông tin không những là phương tiện để DÂN CHỦ HOÁ đất nước, nó còn là vũ khí để giữ nước.

Nguyễn Trung Chính
Tác giả gửi cho danlambao

No comments:

Post a Comment