Ngô Nhân Dụng - Vụ ông
Dominique Strauss-Kahn bị bắt giữ cho thấy trước một hệ thống pháp luật
chạy bình thường, mọi người đều bình đẳng. Giữa một “bồi phòng” vô danh
thuộc lớp người “nghèo hèn” và một nhà chính trị có danh vọng quốc tế,
không ai hơn kém ai.
Chúng ta không
nên xử án ông trong công luận trước khi ông được ra tòa, không cần phê
phán về đời tư của ông, nhưng vẫn có thể rút ra những bài học guồng máy
công lý.
Dominique Strauss-Kahn đang
là giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) với thẩm quyền sử dụng hàng tỷ đô
la; ông có khả năng cứu nguy nhiều nước ra khỏi nguy cơ phá sản (ông
đang thi hành các quyền đó trước khi bị bắt giam) với những món tiền cho
vay hàng trăm triệu đô la Mỹ, ảnh hưởng đến công việc và nồi cơm hàng
trăm triệu con người. Việc bắt giữ ông ở New York vào tối Thứ Bẩy vừa
qua, có thể nói không ngoa, đã làm rung chuyển nhiều thủ đô trên thế
giới. Ðáng lẽ ông đã tới Berlin ngày hôm sau để gặp bà Thủ Tướng Ðức
Merkel vào hôm sau để thuyết phục bà ủng hộ việc cho Hy Lạp vay thêm
tiền lần nữa để cứu kinh tế nước này khỏi suy sụp.
Ngày
Thứ Hai đáng lẽ ông đã tới Bruxelles để họp với các vị bộ trưởng tài
chánh Âu Châu quyết định việc chi thêm tiền cho Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan và Bồ
Ðào Nha. Ông có thể sẽ thuyết phục họ rằng cứu ba quốc gia này tức là
cứu các nước dùng đồng Euro; nếu không cứu thì kinh tế Pháp, Ý, Áo, Tây
Ban Nha sẽ gặp nguy hiểm! Nếu kinh tế Hy Lạp lâm cảnh khủng hoảng vì
không đủ tiền trả nợ thì tất cả hệ thống ngân hàng trên thế giới sẽ bật
đèn đỏ báo động; hậu quả là các nước khác cũng sẽ khó đi vay nợ! Ở Bắc
Kinh, Brasilia, người ta cũng xôn xao; không phải vì sợ khủng hoảng tài
chánh nhưng họ đã bắt đầu lên tiếng về việc tuyển chọn giám đốc mới cho
IMF. Hai nước này muốn mở rộng cho nhiều quốc gia chứ không nên chỉ chọn
người từ Âu Châu (ý nói Á Châu và Châu Mỹ La Tinh cũng nhiều nhân tài
sẵn sàng ứng cử)!
Tóm lại, Dominique
Strauss-Kahn là một nhân vật rất quan trọng! Chắc ông biện lý và ông chỉ
huy trưởng cảnh sát New York đã phải suy nghĩ rất kỹ trước khi thi hành
việc bắt giữ một người đầy quyền lực như thế. Chắc họ phải phỏng vấn
người phụ nữ tố cáo ông Strauss-Kahn cưỡng ép tình dục rất kỹ để thấy có
đủ lý do để tạm giam một nhân vật quốc tế. Nếu bắt giữ sai lầm, họ có
thể bị khiển trách, ghi vào hồ sơ, sẽ khó được thăng thưởng sau này, có
khi còn bị mất việc nữa. Hành động bắt ông Strauss-Kahn đã diễn ra rất
gấp và bất ngờ.
Người tố cáo, cô nhân
viên khách sạn Sofitel nói cô bị ông Strauss-Kahn tấn công vào buổi
chiều khi cô vào dọn phòng. Ðến tối ông đã lên máy bay ngồi vào ghế rồi
mới bị mời ra khỏi máy bay, và bắt giữ ngay. Người phụ nữ tố cáo ông là
một di dân từ Phi Châu tới, 32 tuổi, có báo nói là cô góa chồng và có
một con gái 16 tuổi, có báo nói cô đang sống với chồng, con ở Bronx.
Luật sư của cô cho biết cô đã được đưa tới bệnh viện để chữa vết thương
nhẹ. Nhưng luật sư của ông Kahn nói không hề có việc sử dụng bạo lực
trong vụ này, nghĩa là nếu có chuyện gì xẩy ra còn để lại vết tích thì
đó là do sự thỏa thuận của hai bên.
Nếu
ra tòa, luật sư của bên tố cáo và của Biện Lý Cuộc New York có thể mời
những nhân chứng để cho thấy trong quá khứ ông Strauss-Kahn đã có tiền
lệ đối xử với phụ nữ một cách không xứng đáng.
Một
người mới tái xuất hiện ở Pháp là cô Tristane Banon, đã từng tố cáo bị
ông Strauss-Kahn tấn công trong khi ông mời cô đến phỏng vấn ông vào năm
2002. Năm 2007 cô đã nói chuyện trên một đài truyền hình ở Pháp, mô tả
chi tiết cảnh cô giằng co rồi chạy thoát. Bà mẹ của cô Banon, một nhà
chính trị cũng thuộc đảng Xã Hội Pháp, hôm Thứ Hai vừa qua kể, năm 2002
bà đã khuyên con gái không nên làm to chuyện. Lý do vì cô sẽ bị tai
tiếng trong nghề làm báo, và sẽ khó kiếm việc làm. Hơn nữa, bà nói,
chính ông Strauss-Kahn đã ngỏ lời xin lỗi rồi. Nhưng, bây giờ, sau khi
vụ New York đăng đầy trên các báo ở Pháp, cô Banon đang nói cô có thể sẽ
kiện ông Kahn.
Một nhân chứng khác
nữa là bà Piroska Nagy, một nhân viên Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dưới quyền ông
Kahn. Năm 2008, bà khai đã bị ông đã sách nhiễu tình dục, nhưng một hội
đồng điều tra của IMF đã kết luận ông không có tội vì mọi liên hệ đều
do hai bên thỏa thuận. Nếu Biện Lý Cuộc New York mời được những nhân
chứng như trên, họ có thể đưa ra tòa để buộc tội, nói về tật xấu của ông
Kahn.
Ngược lại, luật sư của ông có
thể tìm cách chứng minh những gì xẩy ra trong khách sạn Sofitel ở New
York vào Thứ Bẩy tuần trước cũng là một cuộc trao đổi có thỏa thuận. Ðây
là một cuộc tranh luận theo lối “Anh nói thế này, ả nói thế khác.” Kết
quả vụ án sẽ tùy thuộc vào những chứng cớ được đưa ra, do tài điều tra
và lý luận của các luật sư.
Nhưng
phản ứng trong dư luận nước Pháp không giản dị như ở Mỹ. Cựu Bộ Trưởng
Văn Hóa Jack Lang mô tả vụ bắt giữ ông Kahn giống như một “cuộc hành
hình người da đen” (lynching) để ám chỉ cảnh sát Mỹ có thể kỳ thị một
người Pháp. Ông Bernard Debré nhận xét việc đưa ra cảnh ông Strauss-Kahn
bị còng tay, râu ria chưa cạo, là một hình ảnh “sỉ nhục đối với IMF và
sỉ nhục đối với công nhân Pháp.” Một đạo luật ở Pháp, từ năm 2002, đã
cấm không được đưa hình ảnh một nghi can bị còng tay, vì như vậy là vi
phạm nguyên tắc mọi người đều được coi là vô tội trước khi tòa tuyên án.
Nước
Mỹ không có một đạo luật như vậy; mà có lẽ nên có. Vì một người với
hình ảnh bị còng tay có thể sẽ tiêu tan sự nghiệp. Tai hại không khác gì
bị tuyên án là có tội. Trong khi chưa có đạo luật tương tự, cảnh sát Mỹ
không có quyền cấm các nhà báo không được chụp hình một nghi can khi
giải ra tòa, dù người đó bị còng tay. Ở Mỹ người ta đã thấy hình ảnh
những đại phú gia hoặc nhân viên cao cấp của các ngân hàng lớn bị còng
tay đưa ra tòa vì bị tình nghi trốn thuế. Nghi can sau đó có thể thỏa
thuận nộp tiền phạt để khỏi ra tòa, nhưng hậu quả của hình ảnh nhục nhã
đó không bao giờ gột bỏ được.
Nhưng
đối với dư luận bên Pháp, nhiều người đã đưa ra ý kiến là ông
Strauss-Kahn đã bị gài bẫy. Ông đã nổi tiếng là người “đào hoa.” Trước
đây hai tuần, được báo Libération phỏng vấn, Strauss-Kahn đã đề cập tới
vấn đề này. Tờ báo hỏi nếu tranh cử thì ông nghĩ sẽ gặp những khó khăn
thử thách nào. Ông nói rằng khi ông chính thức ra ứng cử (phải ghi danh
trong Tháng Bẩy năm 2011) có ba điều sẽ được đối thủ dùng để đánh lại
ông: Tiền, đàn bà, và gốc Do Thái (đương kim Tổng Thống Sarkozy cũng gốc
Do Thái). Ông Kahn nêu lên cả một thí dụ: ông có thể bị gài bẫy tình
dục, “một phụ nữ được trả 500,000 hay một triệu đồng Euro để tố cáo tôi
hãm hiếp cô ta trong xe hơi chẳng hạn!” Ông Kahn nói thẳng với nhà báo:
“Tôi yêu phụ nữ, thế thì sao nào, Alors?” Theo nhật báo Anh quốc The
Telegraph, ông Henri de Raincourt, một bộ trưởng trong chính phủ Sarkozy
tuyên bố ông không gạt bỏ giả thuyết ông Strauss-Kahn bị gài bẫy! bà
Michelle Sabban, một nghị viên vùng Paris nói, bà tin chắc đây là một vụ
âm mưu có tính chất quốc tế, vì nhiều người muốn ông phải ra khỏi IMF!
Nhưng đằng nào thì cuối năm nay ông cũng hết nhiệm kỳ.
Chính
Tổng Thống Sarkozy đã đề cử ông Kahn vào chức vụ giám đốc IMF bốn năm
trước đây, nhiều người cho đó là một cách để đưa một đối thủ chính trị
ra khỏi nước Pháp!
Ông Strauss-Kahn
đang có triển vọng sẽ được đảng Xã Hội đưa ra làm đối thủ của Tổng Thống
Nicolas Sarkozy trong cuộc tranh cử sang năm, mà trong tuần trước điểm
dư luận của ông lên cao hơn đương kim tổng thống. Ông thuộc Ðảng Xã Hội
Pháp có khuynh hướng trung-tả, nhưng bản thân ông lại được giới bảo thủ
bên hữu tin tưởng vì thành tích khi làm bộ trưởng Kinh Tế, đã vận động
và đưa nước Pháp vào khối sử dụng đồng Euro làm tiền tệ chung. Vì thế
ông có nhiều triển vọng đắc cử tổng thống vào Tháng Tư năm tới. Sau vụ
rắc rối này, triển vọng làm một ứng cử viên tổng thống của ông Kahn có
lẽ sẽ chấm dứt, mặc dù tương lai chính trị của ông vẫn còn, nếu đóng vai
bộ trưởng.
Biện lý có thể sẽ đòi tòa
tuyên án nặng nhất, vì hệ thống tư pháp ở Mỹ thường đứng về phía những
người thấp cổ bé miệng trong xã hội. Những người có quyền thế thường bị
đề nghị án nặng hơn mức trung bình, nếu nạn nhân thuộc lớp người địa vị
yếu kém. Ngoài ra, trong vụ này còn có một khía cạnh khác, là mối tương
quan bất bình đẳng giữa người đàn ông và người đàn bà trong xã hội.
Người Mỹ rất bén nhậy trong vấn đề này, và hệ thống công lý ở Mỹ thường
thiên về phía phụ nữ khi họ tố cáo bị cấp trên sách nhiễu tình dục. Văn
hóa ở các nước cổ truyền như tại Á Châu và Âu Châu thì không nhậy cảm
như vậy; có lẽ vì thế cô Banon đã giữ im lặng trong nhiều năm qua. Quan
tòa ở New York từ chối không cho ông tại ngoại hậu tra, vì sợ khi ông ra
khỏi nước Mỹ thì sẽ khó kêu ông trở lại được, như trường hợp nhà đạo
diễn Roman Polanski, từng bị tố cáo về tội tình dục, đang còn ở Âu Châu
và khó bị dẫn độ về nước Mỹ.
Tuy
nhiên, văn hóa các nước đều đang thay đổi, phụ nữ Âu Châu và Á Châu ngày
càng mạnh bạo hơn. Khi một viên công an ở Việt Nam đe dọa và sách nhiễu
tình dục một người đàn bà sau khi đã bắt giam chồng của bà (đã chết
trong khi bị giam), thì chính người phụ nữ đó đã công khai lên tiếng tố
giác. Chúng ta không ngạc nhiên khi hai người đầu tiên ở Âu Châu lên
tiếng đề nghị ông Kahn từ chức là hai phụ nữ. Bà Maria Fekter, bộ trưởng
Tài Chánh Công Nhân Áo nói tại Bruxelles rằng ông Kahn đang làm hại cho
uy tín của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Bà Elena Salgado, bộ trưởng Tài Chánh
Tây Ban Nha nói rằng nếu cần bày tỏ thái độ, bà sẽ ủng hộ người đàn bà
bị tấn công, nếu đúng là có việc tấn công. Ðiều may mắn cho IMF là họ
không phải trả tiền án phí trong vụ này, vì ông Strauss-Kahn đi New York
về việc riêng, chỉ để thăm con gái ông đang học tại đây, và ông tự trả
tiền khách sạn ($3,000/đêm).
Trong
khi chờ đợi ra tòa để được thụ lý vào ngày Thứ Sáu tới, ông Strauss-Kahn
vẫn được đối xử như một nhân vật quan trọng trong nhà tù ở đảo Rikers,
New York. Trong một nhà giam với hàng chục ngàn tù nhân, ông được ở
phòng riêng, ăn cơm riêng. Cảnh sát nói họ muốn bảo vệ ông, vì các tù
nhân ở Mỹ rất ghét những người bị buộc tội về tình dục. Ngay ở trong nhà
tù, hệ thống công lý cũng lo đến quyền lợi của người bị giam cầm. Tại
nhà tù này, năm ngoái, một người gác đã bị án 6 năm tù vì ra lệnh đánh
một tù nhân. Theo Biện Lý Cuộc, thì nhân viên này đã bảo một thanh niên
đánh một thanh niên khác, vì hắn bước ra khỏi hàng. Vào Tháng Hai năm
nay, ban giám đốc nhà tù này đã phải bồi thường gia đình một tù nhân bị
chết, sau khi đánh nhau với lính gác.
Chúng
ta không bao giờ có một hệ thống công lý hoàn hảo. Nhưng một hệ thống
tư pháp có lo cho những người yếu thế, bảo vệ sự công đẳng giữa người
giầu và người nghèo, giữa người nam và nữ, giữa người gác tù và người bị
giam, đó là những điều kiện tối thiểu. Như vụ một du học sinh Việt Nam
được tòa án ở San Jose bảo vệ, cảnh sát phải bồi thường cho anh trên
200,000 đô la, vì một cảnh sát đã có cử chỉ bạo hành với anh. Mặc dù anh
không phải là công dân Mỹ nhưng quyền lợi của anh vẫn được bảo vệ, vì
anh là một con người. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đó là
nguyên tắc chúng ta phải giữ gìn.
nguoiviet
No comments:
Post a Comment