Thursday, May 19, 2011

Nỗi đau chứng khoán và sự im lặng

“Nhà đầu tư chứng khoán đang bị bỏ rơi một cách thê thảm. TTCK Việt Nam lình xình từ năm 2010 đến nay mà không có một lời động viên an ủi, không một tiếng nói trấn an nhà đầu tư. Thật nực cười và cũng đau khổ khi tham gia vào TTCK Việt Nam”.

Nỗi đau 19 tháng

Lời cảm thán trên của nhà đầu tư huu tiet ngày 13/5/2011 chỉ là một trong lượng tần suất dày đặc các ý kiến nhằm vào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và cả Bộ Tài chính xuất hiện trên các diễn đàn chứng khoán mạng trong mấy tháng gần đây.

19 tháng là cả một khoảng thời gian đằng đẵng kể từ khi TTCK Việt Nam chính thức nói lời giã biệt với đợt phục hồi sau khủng hoảng kinh tế. Trong nhiều tháng ấy, những lớp nhà đầu tư đã vừa thay thế nhau vừa luân phiên trượt dài trên cái sườn núi đỏ quạch mấp mô những tán rừng nguyên sinh xanh mướt. Không khí loãng nhưng vẫn còn có thể thở được. Nhưng trên sườn núi thỉnh thoảng lại dựng lên một phiến đá khiến cho nhà đầu tư chúi nhào và bắt buộc phải gượng dậy. Rồi phiến đá ấy lại đổ nhào khiến cho nhà đầu tư một lần nữa trượt tiếp. Nhiều phiến đá mà mảng sườn núi vẫn còn xa tít.

 
Thị trường CK Việt Nam tụt dốc từ gần 2 năm nay

Đó là cái thực tế quá khó của rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang ngày đêm lặn ngụp trong bảng điện tử.

Thật ra, cũng chẳng có gì là quá trong nỗi cảm thán đó. Đúng là suốt 19 tháng qua, UBCKNN đã không có một động tác, động thái nào, thậm chí cũng chẳng có một phát ngôn nào trấn an các nhà đầu tư vốn đang phát hoảng lên vì sự kỳ lạ của TTCK Việt Nam.

Mà đó cũng là sự kỳ lạ của chính UBCKNN. Thời khủng hoảng kinh tế năm 2008, cơ quan này dù sao đã níu kéo được tình thế khi siết biên độ từ 5% xuống còn 1% vào tháng 3/2008, làm dịu bớt sự hoảng loạn của thị trường khi chỉ số lao dốc quá mạnh.

TTCK bị “cho” sụt giảm để trở về giá trị thực, thanh lọc bớt những doanh nghiệp làm ăn không ra sao? (ảnh vnbusiness)

Trước đó, khi VN-Index giảm về 700 điểm vào tháng 1/2008, nhà đầu tư dù sao cũng được an ủi phần nào khi một Phó thủ tướng đã đứng ra tuyên bố rằng nếu có tiền thì ông sẽ mua vào ngay.

Tất nhiên, trong TTCK luôn có kẻ thắng người thua, lời nói trấn an người này cũng có thể chẳng làm vui lòng kẻ khác. Nhưng ít nhất một năm trở lại đây, những lời nói như vậy quả là rất cần thiết đối với đại đa số nhà đầu tư, vì hệt như năm 2008, đại đa số nhà đầu tư đang ném tiền vào một cái thùng không đáy. Chỉ có điều, chuyện thua lỗ vào thời khủng hoảng còn có thể hiểu, chứ còn như cả năm vừa qua TTCK Việt Nam lại hầu như lạc điệu với chứng khoán thế giới.

Sự im lặng…

Mãi đến gần đây, người ta mới nghe nói về kế hoạch “tái cấu trúc TTCK” của UBCKNN. Song tâm trạng hồi hộp chờ đợi một điều gì đó được cải thiện của nhà đầu tư đã mau chóng chuyển thành nỗi thất vọng: kế hoạch tái cấu trúc này chẳng qua chỉ làm sự sắp xếp lại hoạt động của hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM, kèm thêm 3 phương án cho mọi người có cơ hội lựa chọn.

Đã không hề có một ý tưởng, câu chữ nào nhắc đến hiện thực trước mắt là chỉ số chứng khoán quốc gia VN-Index đã và đang bị bóp méo.

Đã không hề có một lời giải thích về việc có đến một phần ba số cổ phiếu trên hai sàn sụt dưới mệnh giá, cũng có lấy một biện pháp nào được thực hiện để kìm hãm sự bất công đang nổi đình đám trên thị trường – như những nước phát triển vẫn làm khi TTCK của họ lâm vào cảnh tụt dốc thê thảm.

Cũng chẳng hề thấy một sự định hướng nào, dù là trên ý tưởng, được nêu ra để cho nhà đầu tư thấy dù chỉ là một chút triển vọng của TTCK Việt Nam trong tương lai, trong quan niệm TTCK là một kênh huy động vốn.
Nếu cuối năm 2010, có công ty chứng khoán còn mạnh bạo dự đoán “sàn chứng khoán năm 2011 sẽ rộn tiếng cười”, thì nay nhiều nhà đầu tư đang mang một dự cảm rất xấu về năm Con Mèo với mức lỗ lã có thể còn tệ hơn cả thời khủng hoảng kinh tế.

Giờ đây, muộn còn hơn không, đã đến lúc phải nêu ra những câu hỏi trực tiếp đối với các cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về chứng khoán quốc gia.

Phải chăng TTCK không còn được coi là một kênh huy động vốn, không còn vai trò gì trong nền kinh tế? Câu hỏi này có thể sẽ khiến cho những người có trách nhiệm quản lý thị trường bị sốc đôi chút, nhưng những bản báo cáo mỹ miều không thể chỉ dựa vào cái đồ thị hình sin hướng lên của VN-Index để thuyết phục cấp trên rằng TTCK Việt Nam đang phát triển một cách ổn định và lành mạnh.

Và do ổn định lẫn lành mạnh như thế nên tốt nhất là cứ để thị trường tự thân vận động đến chừng nào còn có thể.

Hoặc, TTCK đang được “cho” sụt giảm để trở về giá trị thực, thanh lọc bớt những doanh nghiệp làm ăn không ra sao? Có thể đây cũng là một ý tưởng hay, dựa trên cái nền thực tế là tình trạng nháo nhào đầu cơ nhiều mã cổ phiếu lâu nay đã diễn ra trên thị trường này. Nhưng lại có không ít doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cũng bị sụt giá cổ phiếu trầm trọng, thậm chí đang dẫn đến xu hướng một số doanh nghiệp đang có ý định xin hủy niêm yết cổ phiếu?

Cuối cùng, câu hỏi mong manh nhất nhưng không phải không có cơ sở thực tế: liệu đang có một ý đồ của một nhóm nào đó đánh xuống TTCK nhằm mục đích khác, chẳng hạn như thâu tóm doanh nghiệp? Sự mong manh của câu hỏi này có lẽ cũng tương tự như tình thế khá bấp bênh của không ít doanh nghiệp hiện nay với nỗi lo sợ một ngày nào đó sẽ thuộc về người khác, thông qua công cụ là mớ cổ phiếu rẻ mạt của doanh nghiệp trên sàn vẫn đang được ai đó thu gom một cách bài bản và không hề tiếc tiền.

Nếu điều này xảy ra, bất chấp kết quả của nền kinh tế và doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu, chẳng lẽ cơ quan quản lý lại không hề hay biết? Hoặc giả có biết nhưng lại giữ im lặng quá lâu?

Nguồn: Vef.vn

No comments:

Post a Comment