Tạ Phong Tần
- Xứ tôi có cái cầu kêu là cầu Quay. Cầu Quay là cái cầu xây dựng thời
Pháp, người ta điều khiển cho nhịp giữa quay ngang để lấy khoảng trống
mỗi khi có ghe tàu lớn đi qua. Thời của tôi cái cầu đã không còn quay,
nó gồm có khung cầu bằng thép và mặt cầu lót ngang bằng những thanh gỗ
lớn, nhưng dân chúng địa phương vẫn cứ kêu nó là cầu Quay. Nhìn xuyên
qua kẽ hở gỗ lót mặt cầu (kẽ nào kẽ nấy bự ít nhất 5 phân) thấy dưới gầm
cầu là cái chợ lúc nào cũng kẻ mua người bán nhốn nháo, kêu là chợ Dạ
Cầu Quay.
Bốn
năm tuổi, chưa đi học nhưng tôi “lý sự” lắm, cái gì cũng thắc mắc, cũng
hỏi cho đến kỳ cùng, đến khi người lớn không trả lời được mới thôi. Có
lần, mẹ tôi nắm tay tôi dẫn đi bộ qua cầu Quay. Đang đi, chợt nghe tiếng
nhạc từ loa phóng thanh gắn trên cầu trỗi lên. Tất cả những người đang
đi trên cầu đều đứng lại, ai đội nón thì dở nón xuống cầm tay, hai tay
xếp thẳng hai bên hông, mặt nghiêm nghị, đầu ngẩng cao. Tôi nhìn xuống
cầu, thấy người dưới chợ cũng ngưng buôn bán đứng nghiêm nghị như người
trên cầu. Hết bài nhạc, mẹ tôi dẫn tôi đi tiếp, người trên cầu cũng tiếp
tục đi như không có chuyện gì xảy ra, chợ dưới dạ cầu mua bán bình
thường. Tôi hỏi: “Sao đang đi đứng lại chi vậy mẹ?”. Mẹ tôi nói: “Hồi
nãy loa hát quốc ca chào cờ nên phải đứng lại chào cờ”. Tôi hỏi tiếp:
“Mình không đứng lại có sao hông?”. “Không được, chào cờ là nghĩa vụ
công dân, ai cũng vậy hết, mình làm khác người ta thấy dị hợm lắm”- Mẹ
tôi nói. Tôi lại tiếp tục hỏi: “Nghĩa vụ công dân là cái gì? Dị hợm là
cái gì?”. Hình như mẹ tôi “bí” không giải thích được, bà bèn hù tôi: “Là
chính phủ quốc gia quy định như vậy, mày không làm theo thì ông quân
cảnh bắt mày bỏ tù. Hiểu chưa? Biết quân cảnh không?”. Gì chớ quân cảnh
thì tôi có biết, có thấy họ đeo súng sáu bên hông đi sân sẩn đầy ngoài
đường. Nghe nói “ông quân cảnh bắt bỏ tù” tôi sợ quá cắm cúi đi không
dám hỏi nữa.
Sau
ngày 30/4/1975, khi tôi đã là một học sinh cấp 3, nhiều lần bọn học
sinh chúng tôi (cái lũ con nít thì không phải là con nít, người lớn cũng
chưa hẳn là người lớn, nhưng nhìn xa giả dạng làm người lớn để quay
phim, chụp ảnh thì đạt yêu cầu) được (hay bị) nhà trường tập trung dẫn
đi mít-tinh. Mít-tinh, tra từ điển tiếng Nga thấy giải nghĩa là biểu
tình, nhưng thời đó người ta tránh dùng từ “biểu tình”, mà cái gì cũng
gắn thêm vài chữ Nga vào cho nó “hợp thời trang” một cách chính đáng.
Người ta dẫn bọn tôi đến cái sân rộng, trên có khán đài cao khoảng 2
thước, xung quanh có hàng rào xi măng cao chừng một thước, kêu là sân lễ
đài. Sân lễ đài này nếu không có mít-tinh thì để cho các đoàn cải lương
hay đoàn ca múa nhạc biểu diễn cho dân chúng coi. Lúc đó, bọn tôi chỉ
biết rằng những người ngồi trên khán đài là quan chức nhà nước, họ cho
tất cả chào cờ, đọc diễn văn, họ nói gì gì trên đó bọn tôi nghe tiếng
được tiếng mất, nghe xong từ lỗ tai bên này chạy sang lỗ tai bên kia rồi
chạy mất luôn, không biết “các bác” nói cái gì. Nhưng ở trên hô chào cờ
thì ở dưới bọn tôi đứng lên chào cờ, ở trên hô khẩu hiệu thì ở dưới bọn
tôi cùng nhau giơ nắm đấm lên đấm vào không khí, miệng gào lên theo.
Tất
nhiên là bọn tôi khoái chí lắm, đi mít-tinh là được nghỉ học, được tha
hồ ngồi túm năm tụm ba bên dưới sân nói chuyện “trời ơi đất hỡi” um sùm
nhoi trời đất thoải mái. Mít-tinh xong giải tán đi về ào ào như bầy ong
vỡ tổ. Mỗi lần như vậy, không ít “sự cố” mắc cười xảy ra. Tỷ như, bên
trong sân lễ đài đang hùng hồn chào cờ: “Tè te tè te te, Te tè té té…”
(Không hát mà máy phát nhạc không lời) thì ở ngoài đường bỗng vang lên
thiệt lớn: “Leng keng leng keng leng keng… Cà rem đây! Cà rem đây! Cà
rem đây!…” hoặc là “Bắp luộc đây!”, “Ai ăn xôi!”…, làm mọi người trong
sân giật nảy mình, đồng loạt quay đầu ra nhìn người bán hàng rồi lại
quay vô, mất hết mọi sự trang nghiêm đứng đắn. Những lúc ấy, tôi có cảm
giác cái đám đông bên trong sân lễ đài và đám đông đang qua lại, buôn
bán rộn ràng ngoài sân lễ đài là hai thế giới khác nhau. Quốc ca và quốc
thiều đang cử hành kia là của riêng cái nhóm người trong sân, chớ không
phải của toàn dân Việt, và nó được tiến hành như một thứ thủ tục cần
có, chớ không có chút gì thiêng liêng gây xúc động lòng người.
4
năm là sinh viên trường Đại học Pháp Lý Hà Nội (tức trường Luật bây
giờ), không ít lần tôi tham gia chào cờ, tôi nhận thấy không có bạn nào
thuộc hết bài quốc ca và hát một cách nghiêm chỉnh, đa số im lặng nghe
tiếng nhạc trỗi lên hoặc nhép miệng sơ sơ.
Khi
tôi trở thành một cán bộ nhà nước, suốt hơn 16 năm, tôi cũng chưa bao
giờ thấy có buổi lễ nào chào cờ mà những người tham gia thuộc và hát
quốc ca từ đầu đến cuối. Vào thập niên 90, người ta cũng đã từng phát
động phong trào tự hát quốc ca chớ không dùng máy cassette phát nhạc
(không lời), thì các buổi chào cờ trở thành chổ cười đùa xả sì-trét của
cán bộ, dù cười xong thì trong bụng cũng hơi lo lo, không biết là không
thuộc bài thì có bị kỷ luật hay không, đến khi thấy ‘thằng nào cũng
giống như thằng nấy” chẳng lẽ kỷ luật hết toàn bộ cán bộ nên không lo
nữa.
Bởi
không ai thuộc hết bài hát, câu đầu còn hát to, vài câu sau thì cứ nhỏ
dần, rồi hát lộn (nhầm) lời 1 sang lời 2 và ngược lại, thêm những vị
“ngáy còn lạc giọng” mà cố hát cho đúng giọng thì thật giống y như tấu
hài. Làm mọi người bật ra tiếng cười không tự chủ được, lại sợ sếp la
rầy là “không nghiêm túc” nên phải cố nín, thì cái tiếng cười bị ém lại
trong cổ họng nó cứ ùng ục, ùng ục… khôi hài hết biết. Bài Quốc ca nghe
đài phát tối ngày sáng đêm mà còn hát câu được câu chăng, đến bài “Hồn
Tử Sĩ” và bài “Biết ơn Hồ chủ tịch” thì tất cả đồng loạt “tắt tị” hết,
không ai nhớ được một câu nào để hát. Đến hai bài này, tất cả đứng im
lặng, quay qua quay lại nhìn nhau, người này chờ người kia hát trước
nhưng không ai hát cả. Người điều khiển chào cờ thấy đứng im lâu quá,
bèn chuyển sang thủ tục “Một phút mặc niệm các vong hồn liệt sĩ đã hy
sinh vì tổ quốc. Bắt đầu!”. Tất cả mừng rơn được “tai qua nạn khỏi” cúi
đầu giấu nụ cười. “Thôi! Lễ chào cờ đến đây kết thúc. Mời các đồng chí
ngồi xuống!”. Ai nấy đều thở phào ngồi xuống. Riết rồi, cấp trên không
bắt cán bộ phải tự mình hát quốc ca nữa. Cái đề án “mỗi cán bộ đều phải
hát quốc ca khi chào cờ” coi như phá sản hoàn toàn. Chúng tôi lại tiếp
tục chào cờ bằng máy cassette một cách “dzui dzẻ” y như cũ.
Bây
giờ, việc chào cờ bằng máy cassette vẫn được thực hiện. Tháng 3 năm
2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo gởi công văn bắt buộc tất cả “học sinh,
giáo viên, giảng viên ở tất cả các cấp học sẽ phải hát Quốc ca trong giờ
chào cờ”. Không biết giờ chào cờ các trường có thực hiện việc hát quốc
ca được hay không, nhưng đến nay không hề thấy tờ báo trong nước nào đề
cập đến vấn này, kết quả đến đâu, và cũng không thấy ai “nổ” về “thành
tích” này hết. Quanh năm suốt tháng, từ sáng sớm đến chiều tối, phố xá
cả nước mỗi ngày vẫn cứ nhộn nhịp, tấp nập, đông vui với chen lấn, với
kẹt xe, với khói bụi, với ô nhiễm môi trường, với đánh nhau cãi nhau…
chớ chưa hề thấy người dân Việt Nam đồng loạt ngừng mọi hoạt động trên
đường phố để thể hiện “lòng tự hào và trách nhiệm của con người Việt Nam
với Tổ quốc và nhân dân” khi nghe nhạc trỗi khúc quốc ca như thời Việt
Nam Cộng Hòa.
Than ôi! Xã hội nào thì con người nấy, giáo dục nào thì sản phẩm nấy đó mà!
Nguồn: Blog Tạ Phong Tần
No comments:
Post a Comment