Nguyễn Chính Kết -
Trong bất kỳ cuộc chiến đấu nào, muốn chiến thắng, phải có sức mạnh.
Không đủ sức mạnh, việc thắng đối phương mạnh hơn mình thường chỉ là ảo
tưởng! Không đủ mạnh, ta cũng không lôi kéo được sự hợp tác của những
thế lực bạn có cùng mục đích với ta. Thật vậy, người giầu mấy khi lại
chịu làm ăn chung với anh nghèo, trừ trường hợp hợp tác theo quan hệ
chủ-tớ.
Nói cụ thể hơn, muốn chiến
thắng độc tài cộng sản, chúng ta phải có lực. Muốn vận động các nước tự
do dân chủ trên thế giới giúp ta chiến thắng cộng sản, ta cũng phải có
lực thì họ mới sẵn sàng giúp. Không đủ lực, không đủ mạnh, thì chiến
thắng chỉ là ảo tưởng! Giống như kẻ không có tiền mà cứ mơ làm chủ một
chiếc Mercedes hay một dinh thự sang trọng!
Muốn
hợp lực thì đừng quá khắt khe trong việc chọn lựa người đối tác. Chỉ
chấp nhận người giống mình thì thật trái tự nhiên, vì “bá nhân bá tính”,
có mấy ai giống ai? Chỉ chấp nhận hợp lực với những người không có tật
xấu, không tham sân si, thì đốt đuốc tìm khắp thế giới chưa chắc đã thấy
ai. Trái lại, phải sẵn sàng liên kết với những ai cùng chung mục đích
với mình, bất kể họ có đường lối khác, hay có những xung đột về quyền
lợi, thậm chí có tư thù với mình. Gương Trần Hưng Đạo dẹp mối thâm thù
với Trần Thủ Độ để cùng hợp lực đánh đuổi quân Mông Cổ là một gương xán
lạn mà các nhà đấu tranh dân chủ hiện nay nên thực hiện.
Lịch
sử cho thấy những nước nhỏ ở cạnh nhau không nhiều thì ít đều có những
xích mích, thậm chí có những mối thâm thù. Nhưng khi bị một nước lớn
muốn thôn tính, những nước nhỏ ấy liền dẹp bỏ mọi xích mích hay thù oán
để cùng hợp lực chống lại nước lớn kia. Không dẹp xích mích và thù hận
để hợp lực thì sẽ… “chết cả lũ”!
Muốn
hợp lực, phải tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của nhau. Càng chấp
nhận khác biệt, càng dễ dàng hiệp nhất. Đó là “hiệp nhất trong đa dạng”,
theo tinh thần “quân tử hòa nhi bất đồng”.
Hiện
nay, kẻ thù còn đang diễu võ dương oai thì phải hợp lực mới có sức mạnh
mà chiến thắng. Vì thế, bây giờ chưa phải là lúc chọn những người tài
đức, xứng đáng để điều hành đất nước khiến ta cần loại trừ những người
khiếm khuyết. Khi cần phá một khu rừng để xây đô thị, ta chưa cần người
có trình độ học vấn hay đạo đức tốt lành, mà cần bất kỳ ai có khả năng
chặt cây xúc đất, miễn không có ý phá hoại là được. Bao giờ xây dựng đô
thị thì mới cần tuyển những kỹ sư tài ba, những thầu khoán lương tâm…
Cần người phá rừng mà lại chỉ nhận vào những kỹ sư tài ba, những thầu
khoán lương tâm… thì thật là điên, chẳng bao giờ phá được!
Khi
hợp lực đấu tranh, chỉ những người có ý phá hoại mới cần phải loại trừ!
Do đó, phải phân biệt giữa khác biệt và đối nghịch. Khác biệt thì dù
khác tới đâu cũng nên tôn trọng và chấp nhận. Nhưng không thể chấp nhận
những kẻ đối nghịch là những kẻ đi ngược lại mục đích chung của chúng
ta.
Chẳng hạn đã đấu tranh cho dân
chủ đa nguyên thì ta nên tôn trọng và chấp nhận tất cả những cá nhân hay
tập thể cùng theo đuổi mục đích đó, cho dù họ có đường lối rất khác với
chúng ta. Nhưng không thể hợp lực với những người chủ trương ủng hộ chế
độ độc tài, những kẻ chủ trương loại trừ những ai khác đường lối với
mình, không chịu theo mình. Hay khi chống văn hoá vận của cộng sản,
chúng ta không nên bắt mọi người phải chống theo cách của mình; trái
lại, nên hỗ trợ họ chống theo cách của họ. Nhưng phải cương quyết trực
diện đấu tranh với bất cứ ai chủ trương ủng hộ hay tiếp tay cho cộng sản
thực hiện kế hoạch văn hóa vận này.
Chỉ
cổ võ và thực hiện hợp lực như thế vẫn chưa đủ. Để có được sức mạnh,
chúng ta còn phải khôn khéo và can đảm chống lại kế ly gián của cộng
sản, những kẻ đang vô tình hay cố ý làm lợi cho cộng sản bằng cách gây
chia rẽ trong cộng đồng người Việt, hoặc âm mưu kéo bè kết đảng để lũng
đoạn hàng ngũ đấu tranh. Muốn biết một người có làm lợi cho cộng sản hay
không, đừng chỉ xét những câu nói đầy vẻ chống cộng của họ, mà hãy xem
điều họ nói, họ viết, họ làm có hại cho sự đoàn kết của khối người Việt
Quốc gia, của hàng ngũ đấu tranh chống cộng hay không. Tay sai của cộng
sản có thể hô đả đảo cộng sản hay chửi Hồ Chí Minh còn mạnh hơn cả người
quốc gia hầu mọi người tin rằng họ là người chống cộng, nhờ đó họ mới
leo cao luồn sâu vào hàng ngũ người quốc gia để lũng đoạn, gây hoang
mang, chia rẽ.
Tuy nhiên, cần phải
rất thận trọng khi kết luận một người là cộng sản, là tay sai cộng sản,
nhất là khi người ấy có cả một quá trình tích cực chống cộng. Làm mất uy
tín những người tích cực chống cộng đều nằm trong kế ly gián của cộng
sản. Đấu tranh hay làm chính trị thì phải dùng mưu kế. Mưu kế thì biến
hóa khôn lường, người bình thường, ngay cả đối thủ dù khôn ngoan chưa
chắc đoán ra được. Một người có cả một quá trình tích cực xây dựng dân
chủ và có thành tích đấu tranh, nếu ta chỉ dựa vào việc người đó bắt tay
hay giao thiệp với một người cộng sản để xác quyết người đó là cộng sản
thì quả là hồ đồ. Biết đâu đó là mưu kế của người ấy.
Trước
một sự kiện chưa sáng tỏ, chúng ta có quyền nghi ngờ, nhưng chưa nên
vội vàng xác quyết. Hãy đợi cho đủ bằng chứng xác đáng hãy kết luận; nếu
không, chúng ta lại đi vào lối mòn của cộng sản: “Thà giết lầm hơn bỏ
sót”, hay mới chỉ thấy một người giao tiếp với người đối phương đã xác
quyết người ấy là Việt gian, là theo địch, rồi bắt giam hay giết họ!
Tóm
lại, muốn chiến thắng cộng sản, phải biết hợp lực để có sức mạnh, và
mặt khác phải chống lại kế ly gián gây phân hóa của cộng sản.
Houston, ngày 08-5-2011
Houston, ngày 08-5-2011
© Nguyễn Chính Kết
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment