Thursday, April 21, 2011

Trung quốc thi hành sách lược của Tần Thuỷ Hoàng trong quan hệ với các nước lân bang và Thế giới

Nguyễn Hoàng Hà - Trung quốc thi hành sách lược của Tần Thuỷ Hoàng trong quan hệ với các nước lân bang và Thế giới. Thế giới ít biết đến chuyện những nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc thường áp dụng những sách lược của các bậc tiền bối Trung Hoa xưa vào hoạch định các chính sách hôm nay và đều thành công.


Người ta đã từng chứng kiến các nhà hoạch định chính sách thời ông Mao áp dụng đó là sách lược “Phô yếu ẩn mạnh” kết hợp với sách lược “Nhẫn nhục nhu hoà để chờ thời phản công” mà khẩu hiệu xưa chính là “quân tử trả thù mười năm không muộn.” Từ chính sách này Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau đó, nhất là dưới thời Đặng tiểu Bình đã thi hành sách lược hoà hoãn bắt tay với Mỹ trong cuộc mặc cả lớn để có Thông cáo chung Thượng hải được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc cuối năm 1975 mà kết quả là Mỹ đã cho Trung Quốc được hưởng “ưu đãi tối huệ quốc” buôn bán vào Mỹ, đổi lại họ dạy kẻ thù của Mỹ là Việt nam một bài học, đó là tấn công xuống phía Nam. Kết quả là dù phải mất 500 ngàn sinh mạng người lính vô tội trong cuộc chinh phạt này nhưng đổi lại có được một nền kinh tế đại nhẩy vọt, tăng trưởng như lên đồng, để rồi hôm nay đã đem về cho đất nước họ với ngân sách dự trữ tài chính khổng lồ là 600 ngản tỷ đôla và một Trung Quốc đại công trường, xí  nghiệp của Thế giới với đủ các sản phẩm từ những cái kim, quần áo đến ti-vi, các hàng điện tử, ô tô và tên lửa, máy bay, tầu thuỷ với giá rất mềm nên dù chất lượng có yếu kém hơn rất nhiều nhưng hợp với túi tiền người tiêu dùng nên đầy sức cạnh tranh Mỹ và thế giới phương Tây. Nay là lúc Trung Quốc thực thi nâng cao chất lượng sản phẩm để lấn át các nước vốn có truyền thống sản xuất các mặt hàng này.

Kinh tế thì là vậy nhưng Trung Quốc đã khéo léo dùng kinh tế để làm đòn bẩy về chính trị và tăng cường vị thế ngày càng mạnh của mình trên thế giới. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, quân sự cổ lỗ nay đã vươn lên là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai và đang rút ngắn lại khoảng cách với nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ. Đến lúc này, đối tượng mà họ đang nhắm tới chính là Mỹ. Từ máy bay, tầu chiến loại thường nay tiến đến máy bay, tầu chiến tàng hình và điều khiển qua Sentanit với khoa học chiến tranh hiện đại, các dàn hoả tiễn tàng hình xuyên lục địa đối hãm đối biển kể cả hạ vệ tinh trên không gian.

Chính sách của họ lúc này chính là “tiền trảm chi hậu trảm thầu” có nghĩa là cắt tay chân, các rễ nhỏ trước khi đốn gốc chặt đầu kẻ thù. Kế hoạch mà  họ nhắm đến chính là tung các khoản đầu tư kinh tế mạnh hay viện trợ để vừa chiếm thị trường các nước lân bang vừa tước đi ảnh hưởng của Hoa Kỳ hay các quốc gia khác đối với nước nào mà họ nhắm đến.

Thí dụ như Lào và Campuchia, Thái Lan, Indonexia để cắt tay Mỹ và cả Việt Nam  vốn là các quốc gia có ảnh hưởng truyền thống với những quốc gia này. Con đường tầu hoả và xa lộ từ Thượng Hải, Thẩm Quyến xuyên qua Lào, Campuchia, Indonexia, Malaixia, Singapo đã chứng minh hùng hồn điều này. Hiện nay Trung Quốc đang tiến tới lập các công ty sản xuất hỏa tiễn với Indonexia để lôi kéo quốc gia này xa dời ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa Kỳ. Chúng ta nên nhớ Indonexia là chủ tịch khối Aisian năm nay và có vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á. Để thắt chặt hơn nữa sự phụ thuộc của các quốc gia này vào Trung Quốc, với Lào họ viện trợ không hoàn lại hàng năm là 20 triệu đô la và tung hàng tỷ đô la vào xây các công trình kinh tế lớn như đập thuỷ điện và xây dựng. Còn Campuchia ngoài số tiền hàng chục triệu đô la viện trợ không hoàn lại, Trung Quốc  đã tân trang toàn bộ quân phục, vũ khí cá nhân cho quân đội nước này và nhận đào tạo các sỹ quan và cán bộ cao cấp cho hai nước nói trên. Tháng 10 vừa rồi, Trung Quốc cam kết ủng hộ công trình xây dựng tuyến đường sắt trị giá 600 triệu đô la giữa Phnompenh và Việt Nam. Tuyến đường này sẽ giúp cho Trung Quốc tiến được một bước quan trọng trong việc hòa nhập toàn bộ Đông Nam Á, kể cả Singapore ở xa tận phía Nam, vào mạng lưới xe lửa của họ. Trên khắp Cam Bốt, hàng chục công ty quốc doanh Trung Quốc đang xây dựng 8 đập thủy điện, bao gồm đập thủy điện khổng lồ với công suất 246 megawatt trên sông Tatay ở Koh Kong. Tổng số chi phí cho các con đập sẽ vượt mức 1 tỷ đô la. Theo ông Cheam Yeap, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân Dân Cam Bốt đang cầm quyền, tổng cộng Cam Bốt đang nợ Trung Quốc 4 tỷ đô la. “Khả năng (Trung Quốc) chiếm quyền kiểm soát là điều không thể tránh khỏi”,  Lak Chee Meng, thông tín viên kỳ cựu của báo Sin Chew Daily tại Phnompenh đã nhận định như vậy.

Sin Chew Daily là một trong 4 nhật báo Hoa Ngữ tại Cam Bốt, phục vụ cho 300.000 độc giả người Khmer gốc Hoa và thêm khoảng 250.000 người nhập cư đến từ Trung Quốc bao gồm di dân và các nhà kinh doanh. “Cam Bốt ngả vào Trung Quốc với vòng tay mở rộng. Đó là cách thức trước đây Mỹ dùng để giành quyền kiểm soát các láng giềng. Địa lý chính trị là như vậy”.

Tuy nhìn bên ngoài thì người ta vẫn tưởng là Trung Quốc hào hiệp tung tiền phát chẩn cho các nước đàn em nghèo khó nhưng thực ra không phải như vậy mà qua quan hệ đầu tư kinh tế, dựa vào thế mạnh về vốn họ đã bành trướng các công ty, xí nghiệp của Trung Quốc ra nước ngoài một cách dễ dàng và đại thành công, đó là khi kinh tế Trung Quốc tràn vào Campuchia thì kinh tế hai nước mỗi năm buôn bán đạt mức 2 tỷ đô-la nhưng hàng hoá của Campuchia và Trung Quốc chỉ đạt 200 triệu mỗi năm. Như vậy thâm thủng mậu dịch là 1 tỷ 800 triệu đô la. Còn Lào thì con số còn thậm tệ hơn nhiều. Cán cân thương mại hàng năm là 2 tỷ 500 triệu nhưng hàng hoá của Lào vào Trung Quốc chỉ là 200 triệu mà phần lớn là gỗ quý và nông sản. Thâm thủng là trên 2 tỷ đô la. Lào và Campuchia vì những món lợi trước mắt đã dần xa Việt Nam xích gần lại dưới bàn tay điều khiển của thầy phù thủy Trung quốc hơn.

Việt Nam thì con số thương mại báo chí đưa ra năm 2010 là 40 tỷ đô la, trong khi đó hàng hoá Việt Nam vào Trung Quốc là 7 đến 10 tỷ, còn bên kia là 30 tỷ nghiêng về phía Trung Quốc. Như vậy Trung Quốc đã dùng “mỡ cá để rán cá” và càng buôn bán với Trung Quốc thì cán cân thương mại càng thâm thủng mạnh hơn. Trong khi đó người ta thấy tổng kim ngạch buôn bán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam năm 2010 là trên 20 tỷ đô la và cán cân thương mại Việt Nam vào Mỹ là 17, 5 tỷ đô la. Như vậy rõ ràng kinh tế Việt Nam phát triển là do quan hệ với Mỹ và các nước khác chứ không hề đi lên từ quan hệ với Trung Quốc, trái lại chỉ thâm thủng nặng nề hơn mà thôi. Nếu không duy trì quan hệ buôn bán với Hoa Kỳ và châu Âu thì kinh tế Việt Nam sẽ lại quay về thời kỳ bao cấp khi xưa không hề sai khác và không thể trông vào sự viện trợ của ông bạn láng giềng này.
Trung Quốc biết ảnh hưởng của Việt Nam rất lớn với khối Asian và là một vật cản hiệu quả sự bành trướng về biển Đông của họ nên đang có xu hướng uyển chuyển hơn trong việc vận động Việt Nam đi đến ký kết về một hiệp ước biển để giải quyết rốt ráo, phá đi rào cản cuối cùng để làm ông chủ biển Đông. Mọi người đang hồi hộp chờ đợi người hùng Mỹ sẽ làm gì để phá thế trận Trung Quốc đã và đang miệt mài làm nhằm cô lập và cắt đi mọi ảnh hưởng truyền thống của Hoa Kỳ tại khu vực quan trọng này.

Tư duy Đông phương nghe lướt qua thì nhẹ nhàng và thâm thuý nhưng khi đi sâu vào trong thực tế mà Trung Quốc áp dụng mới thấy thật là thâm hiểm không như mọi người cứ nghĩ chỉ là “cổ sơ và thâm thuý nhu hoà.” Người ta đã nhìn thấy họ đang chuyển sách lược từ “lấy nhu chống cương” nay lấy cả “nhu và cương chống cương”, đó là sách lược của hảo hán Trung Hoa trên sân khấu chính trị thế giới.

Ngày 19 tháng 4 năm 2011.

© Nguyễn Hoàng Hà
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment