“Bây giờ chỉ dám đánh bắt ở Trường
Sa mà đánh bắt ở gần thôi. Nhà nước mình cũng lên tiếng nhưng đâu có làm
được gì nó đâu. Đụng tới Trung Quốc là tôi sợ coi chừng nó lấy luôn
Quãng Ngãi này luôn chứ. Làm sao mà tôi dám hy vọng gì nữa. Mình đâu làm
gì được nó hết.” - Ngư dân Lê Lập.
*
Quỳnh Chi (RFA) - Hôm thứ năm ngày 9 tháng 6, tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp tàu Viking II.
Vụ
việc còn chưa lắng dịu khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình
Minh 02 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 26 tháng 5, thì hôm
thứ năm 9 tháng 6 lại thêm tin tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của tàu
hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Viking II. Vụ việc mới này đánh động
mạnh đến lòng yêu nước của hầu hết dân chúng Việt Nam. Quỳnh Chi trình
bày thêm chi tiết như sau.
Uất ức – tức giận
Photo courtesy of HDVietnam - Tàu hải giám số 84 đã trực tiếp cắt cáp của tàu Bình Minh 02.
Sáng
sớm thứ Năm, khi tàu Viking II, do Petrovietnam thuê đang thu nổ địa
chấn, tàu cá Trung Quốc được sự yểm trợ của 2 tàu ngư chính nước này lao
vào khu vực cáp của tàu Viking II, cắt ngang phần dây kéo giữ thiết bị
tàu này. Vụ việc đã làm tàu Viking II không thể hoạt động vì bộ phận
cắt cáp chuyên dụng của tàu Trung Quốc cũng vướng vào cáp tàu Viking II.
Sự
việc xảy ra tại lô 136.03, thuộc hải phận 200 hải lý của Việt Nam.
Việc này không khỏi làm nhiều người bức xúc vì nó xảy ra chỉ khoảng 2
tuần sau khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 cũng trong
phạm vi 200 hải lý trên thề lục địa Việt nam. Luật sư Ngô Ngọc Trai,
người luôn theo sát tình hình biển Đông cho biết phản ứng của mình:
“Tôi
luôn theo dõi sát hành động của Trung Quốc khi tàu hải giám nước này có
động thái nguy hiểm, ngang ngược xâm phạm trắng trợn lãnh hải của Việt
Nam khi cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02. Từ sáng giờ tôi
ngồi trên xe ô tô đi công tác xa nên chưa nắm được thông tin về tàu
Viking II sáng nay. Nhưng nghe báo tin về việc tàu Viking II vừa bị tàu
Trung Quốc cắt cáp thì phản ứng đầu tiên tôi là bức xúc và tôi phản đối
việc làm này của Trung Quốc.”
Phản
đối và tức giận – có thể nói là cảm xúc chung của rất nhiều người khi
thấy lãnh hải đất nước bị xâm phạm, đơn giản họ cảm thấy chính chủ quyền
dân tộc bị xúc phạm một cách trắng trợn. Đó cũng chính là tâm sự của
anh Trần Hoài Sơn, một nhân viên làm về Công nghệ Thông tin tại TP.HCM.
Mặc dù không biết nhiều về chính trị nhưng Sơn cho biết mình luôn quan
tâm về độc lập và chủ quyền dân tộc. Chính vì thế anh Sơn cảm thấy tức
giận khi tàu thăm dò dầu khí Việt Nam bị tấn công ngay trên lãnh hải của
mình.
“Đây là lần thứ 2 việc này
xảy ra rồi, đặc biệt việc tàu Viking II xảy ra chỉ sau khi cuộc họp ở
Shangrila (Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á 10) thì cho thấy những gì
đã nói ở đó đã không được tôn trọng. Khi tôi nói chuyện với những người
xung quanh thì thấy họ tức giận, cũng giống như tôi vậy.”
Đánh động lòng yêu nước
Việc
Trung Quốc quấy nhiễu ngư dân đã không còn xa lạ. Những năm gần đây,
tin tức về các tàu cá đánh bắt tại Hoàng Sa và Trường Sa bị phía Trung
Quốc. Tính từ năm 2005 đến nay, chỉ riêng tại Quãng Ngãi đã có 33 tàu cá
và gần 400 ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ. Việc này đã làm
nhiều ngư dân từ phẫn uất chuyển sang sợ hãi. Ông Dương Lúa, một ngư
dân Quãng Ngãi nói với RFA:
“Tức
chứ sao không tức, đó là quyền lợi của Việt Nam mình. Trung Quốc thường
quấy nhiễu như vậy mà mình không làm được gì thì mình tức lắm chứ.”
Đoạn cáp bị tàu trên tàu Bình Minh 2 mà Trung Quốc cắt trước đây. Photo courtesy of HDVietnam.
Cũng
theo anh Lúa, khi tàu Trung Quốc vào sâu lãnh hải Việt Nam và gây hấn
với tàu thăm dò dầu khí thuộc Petrovietnam, thì một ngư dân như anh càng
lo sợ. Anh nói tiếp:
“Nghe tin
Trung Quốc quấy nhiễu như vậy thì chúng tôi rất sợ. Cả nước Việt Nam có
quyền như vậy mà còn không làm gì được Trung Quốc, nên người dân như
chúng tôi dĩ nhiên cũng thấy rất sợ.”
Sợ
hãi là tâm trạng chung của rất nhiều ngư dân vì khi mà ngày càng nhiều
ngư dân bị bắt, bị đánh đập., thì ra khơi là 1 điều ám ảnh. Theo ông Lê
Lập, một ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn:
“Thật
ra mình cũng giận chứ. Nước Việt Nam chủ quyền của mình mà giờ “nó”
muốn lấn chiếm vô tới Quãng Ngãi luôn. Bây giờ tàu mình ở Trường Sa mà
cũng bị “nó” khống chế và đe dọa.
Từ
năm 1995 đến năm 2004, tàu cá Việt Nam ra Hoàng Sa thì không bị tàu
Trung Quốc bắt. “Nó” chỉ đi tuần thôi chứ bây giờ ra Hoàng Sa là thì nó
lấy tàu, nó đánh đập."
Trong
cuộc họp báo cùng ngày sau khi có tin tàu Viking II bị quấy rối, phát
ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc và
khẳng định khu vực xảy ra sự cố nằm trong phạm vi 200 hải lý của việt
Nam. Bà Nga cho rằng “Các hành động có tính hệ thống này của Trung Quốc
đang nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp, nhằm
biến đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thành hiện thực”. Thế nhưng
nhiều người cho rằng, khi tình hình ngày leo thang thì phản ứng của Nhà
nước là chưa đủ. Luật Sư Ngô Ngọc Trai cho biết:
“Tôi
nghĩ đây không chỉ là công việc của cán bộ nhà nước mà là vấn đề xâm
hại tới quốc gia, của dân tộc, của nhân dân. Chính vì thế, ngoài những
phản ứng của Nhà nước, việc cần làm thông tin trên phương tiện truyền
thông và cần thêm những động thái của nhân dân, của thanh niên như tổ
chức những buổi tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc.”
Là
một trong những người tham gia biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc
năm 2007 để phản đối nước này thành lập huyện Tam Sa, có thể thấy luật
sư Ngô Ngọc Trai thuộc nhóm trí thức đứng lên khi cần để tiếng nói của
mình được nghe thấy. Tuy nhiên, không phải người nào cũng có thể làm
được điều đó, đặc biệt đối với những người thấp cổ bé miệng như ngư dân.
Họ chỉ biết than thở và cam chịu. Ông Lê Lập nói:
“Bây
giờ chỉ dám đánh bắt ở Trường Sa mà đánh bắt ở gần thôi. Nhà nước mình
cũng lên tiếng nhưng đâu có làm được gì nó đâu. Đụng tới Trung Quốc là
tôi sợ coi chừng nó lấy luôn Quãng Ngãi này luôn chứ. Làm sao mà tôi dám
hy vọng gì nữa. Mình đâu làm gì được nó hết.”
Việc
Trung Quốc vào sâu lãnh hải Việt Nam chắc chắn gây ra nhiều bức xúc
trong dân chúng. Nhưng một khi sự việc làm người dân “sợ” và “không dám
hy vọng gì” thì quả thật dẫu không muốn chấp nhận cũng phải nói rằng chủ
quyền đất nước không phải chỉ bị đe dọa mà đang bị mất đi. Bởi nơi có
chủ quyền là người dân có thể tự do đi lại và mưu sinh trên đó.
Quỳnh Chi (RFA)
No comments:
Post a Comment