Thụy My (RFI) -
Hãng tin AFP cho biết, ngày 10/6 Trung Quốc đã cảnh báo Việt Nam phải
dừng mọi hoạt động mà Bắc Kinh nói là xâm phạm chủ quyền trên vùng Biển
Đông đang tranh chấp. Tuyên bố này được đưa ra sau vụ tàu thăm dò địa
chấn Viking II của Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc cắt đứt cáp vào sáng
thứ Năm 9/6.
Hà
Nội tố cáo tàu cá Trung Quốc đã « cố tình » cắt đứt cáp chuyên dụng của
chiếc tàu trên, được tập đoàn dầu khí Việt Nam thuê để thăm dò địa chấn
trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Phát ngôn
viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hành động này là « hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng ».
Nhưng
Tân Hoa Xã trong bản tin sáng thứ Sáu 10/6 thì thuật lại khác hẳn. Hãng
thông tấn nhà nước trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hồng Lỗi nói rằng Bắc Kinh có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên quần
đảo mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, tức Trường Sa, và vùng biển xung quanh.
Theo ông Hồng Lỗi, thì các tàu cá Trung Quốc đã bị các tàu vũ trang của
Việt Nam truy đuổi vào sáng thứ Năm. Lưới của một trong các tàu cá này
đã bị vướng vào cáp của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, mà theo Bắc Kinh
là hoạt động bất hợp pháp trong khu vực.
Cũng
theo lời mô tả của Bắc Kinh, thì tàu thăm dò Việt Nam vẫn tiếp tục lôi
chiếc tàu cá đi hơn một tiếng đồng hồ bất chấp sự an toàn của những
người trên tàu cá . Các ngư dân Trung Quốc trên tàu đành phải cắt đứt
lưới. Ông Hồng Lỗi tuyên bố : « Điều này hết sức nguy hiểm cho sự an toàn của ngư dân Trung Quốc ».
Ông nói rằng việc thăm dò dầu khí trong khu vực và các hành động của
tàu Việt Nam đã xâm phạm thô bạo đến chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời
kêu gọi Hà Nội chấm dứt mọi hoạt động tương tự.
Tờ
Wall Street Journal trích nhận định của chuyên gia Carl Thayer cho
rằng, ngòi nổ của các tranh chấp đang có vẻ ngày càng xấu đi, chủ yếu là
từ nguyên nhân kinh tế. Khu vực các hòn đảo nửa chìm nửa nổi và các bãi
đá ngầm tại Biển Đông, đặc biệt là tại Trường Sa và Hoàng Sa, được tin
là có trữ lượng dầu khí lớn. Trung Quốc đang mưu toan kiểm soát nguồn
lợi này vì dồi dào và lại gần hơn Trung Đông. Hải quân Trung Quốc cũng
có thể bảo vệ được việc vận chuyển dầu theo con đường hàng hải này, để
đảm bảo an ninh năng lượng cho một nền kinh tế đang tăng trưởng nóng.
Các
chuyên gia về an ninh cho rằng các nỗ lực của các nước nhỏ đang tranh
chấp chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, nhằm quốc tế hóa
một thỏa thuận về Biển Đông có thể kích thích Trung Quốc đưa ra những
đáp trả hung hăng hơn.
Tờ báo ghi
nhận các cuộc xuống đường hôm Chủ nhật 5/6, là những vụ biểu tình hiếm
hoi của người dân chống lại hành động của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải
Việt Nam. Một số nhà phân tích cho rằng có thể chính quyền Việt Nam đã
làm ngơ đi phần nào. Lời tuyên bố khẳng định chủ quyền của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng tối 8/6 cũng là một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang muốn
đương đầu với Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment