Maciej Stasinski
Đinh Minh Đạo dịch
Đinh Minh Đạo dịch
Lời Người Dịch: Miến Điện đang trên đường chuyển từ chế độ độc tài quân sự sang chế độ tự do dân chủ. Sự chuyển hướng này có sự đóng góp của Aung San Suu Kyi, người phụ nữ can đảm của nhân dân Miến Điện. Với những đóng góp cho đấu tranh vì tự do, dân chủ và quyền con người, bà đã được trao tặng nhiều giải thưởng của các tổ chức quốc tế, trong đó có Giải thưởng hòa bình Nobel và Giải thưởng nhân quyền Sakharop. Vừa qua bà đã đến thăm Ba Lan, gặp gỡ Tổng thống Ba Lan Bronislaw
Komorowski và cựu tổng thống, chủ tịch Công Đoàn Đoàn Kết Lech Walesa. Nhân dịp này, phóng viên nhật báo WYBORRCZA (Bầu Cử) của Ba Lan đã phỏng vấn Aung San Suu Kyi. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu cuộc phỏng này.
Maciej Stasinski: Chúng tôi đã viết nhiều về xây dựng lại thể chế dân chủ sau các chế độ độc tài : về đất nước Ba Lan chúng tôi, về Tây Ban Nha, Chile, Argentina, về Mùa xuân Ả Rập. Bà đã được tự do sau 15 năm bị giam giữ tại nhà và được thăng tiến vào nghị viện, đó có phải là một bước ngoặt? Sự chuyển đổi tiếp theo sẽ như thế nào?
- Aung San Suu Kyi: Không phải tôi được thăng tiến vào nghị viện, tôi đã chỉ được lựa chọn trong cuộc bầu cử mà thôi.
Tôi cũng đã nghĩ như vậy.
-Tất nhiên đó là bước ngoặt, nhưng sự chuyển đổi còn xa.
Phe đối lập đã ký kết một thỏa thuận nào với phe quân sự mà hiện nay phải bổ sung không?
- Đã không có một thỏa thuận nào. Đặc biệt là không có một thỏa thuận bí mật nào sau lưng nhân dân. Sau khi tôi được tự do, Liên Minh Dân tộc Dân Chủ (LMDTDC) chúng tôi đã quyết định tham gia vào cuộc bầu cử bổ sung vào nghị viện, chúng tôi đã giải thích cho nhân dân về quyết định này. Chúng tôi muốn đưa đất nước đến dân chủ và hòa giải dân tộc. Nhân dân ủng hộ và bỏ phiếu bầu chúng tôi vào nghị viện. Chúng tôi đã giành được 43 trong tổng số 45 ghế bầu bổ sung vào hạ viện. Tất cả những gì chúng tôi sẽ làm, chúng tôi sẽ giải thích công khai, rộng rãi cho nhân dân.
Bà có tin vào những dự định về tự do hóa của phe quân sự?
- Có thể chờ đợi những kết quả tốt đẹp từ những dự định của họ ư? Đối với tôi điều này không có ý nghĩa gì. Ở đây thật khó loại trừ câu hỏi : Mục tiêu của chúng tôi và phe quân sự là hội tụ? Nhưng đặt câu hỏi về mục tiêu của họ cũng không phải là ý nghĩ thông minh. Chúng tôi biết mục tiêu của chúng tôi là gì. Chúng tôi muốn đi đến thương lượng để đạt được thỏa thuận về cải cách chính trị của Miến Điện. Chúng tôi giữ vững mục tiêu này.
LMDTDC muốn đạt đến những gì?
- Điểm đầu tiên là pháp quyền. Đây là nền tảng của sự chuyển đổi. Chúng tôi đã đưa ra yêu cầu này rất rõ ràng ngay từ đầu. Ở những nơi cần sự thay đổi tương tự như của chúng tôi, do coi nhẹ nguyên tắc pháp quyền, luôn xuất hiện những vấn đề khó khăn.
Điểm thứ hai, chúng tôi phải tiến tới thay đổi hiến pháp.
Điểm thứ ba là phải đảm bảo hòa bình, yên ổn bên trong đất nước.
Trong ba mục tiêu trên đây, quan trọng nhất là mục tiêu pháp quyền, nhà nước của luật pháp, đảng của chúng tôi đặt đó là điều kiện cơ sở cho mọi thỏa thuận của những thay đổi. Chúng tôi rất tự hào là nhân dân Miến Điện đã hiểu và đồng tình với chúng tôi về mục tiêu này.
Chúng tôi không có tư pháp độc lập, chúng tôi không có công an đúng nghĩa của nó, chúng tôi không có quân đội độc lập, quân đội được giành cho 1/4 số ghế của hạ viện không qua bầu cử, chúng tôi không có một hiến pháp lương thiện, hiến pháp hiện nay phủ nhận tất cả các nguyên tắc cơ bản của dân chủ. Liệu chúng tôi có thực hiện được nhanh chóng những vấn đề cần thay đổi trên đây hay không, điều này phụ thuộc vào thành công của các bước tiến triển tiếp theo.
Như vậy, chúng tôi biết những mục tiêu phải đạt tới, công việc còn lại là phải thực hiện việc chuyển đổi hiệu quả và nhanh chóng.
Bà đã nghiên cứu sự chuyển đổi ở các quốc gia khác nhau. Đâu là sự khác nhau giữa Miến Điện và các quốc gia này?
-Tôi có cảm tưởng rằng, Ba Lan đã có thuận lợi hơn. Có lẽ chúng tôi có khó khăn hơn. Để so sánh với Ba Lan, cần biết rằng, chúng tôi đã không có được một thỏa thuận nào với chính quyền trước khi tham gia bầu cử. Sự khác nhau này rất quan trọng. Chúng tôi đã và tiếp tục gặp nhiều khó khăn trên đường tiến về phía trước.
Không thể tin vào chính quyền chỉ bằng lời nói. Hiện nay đảng của bà có những đảm bảo nào để tiếp tục việc chuyển đổi thành công?
- Chúng tôi không có sự đảm bảo nào hết. Chúng tôi chỉ có lòng quyết tâm để thực hiện sự chuyển đổi này.
Chắc chắn là chúng tôi đang trên đường đi tới dân chủ và tự do. Nhưng hoàn toàn không như một số người cho rằng, chắc chắn là chúng tôi sẽ đi tới đích. Đây sẽ có những khó khăn mà cần phải tính đến.
Chúng tôi phải vận động các công dân đứng lên để tự quyết định số phận và tương lai của mình. Thật đáng buồn, hiện nay ở Miến Điện vẫn còn những người đổ tất cả các tội lỗi cho cho chế độ cai trị thực dân Anh. Người Anh đã cai trị chúng tôi khoảng 60 năm. Chúng tôi đã chiến đấu giành được độc lập từ năm 1948. Từ năm 1962, chế độ độc tài quân sự đã cai quản đất nước. Qua 60 năm tiếp theo, chúng tôi đã không hoàn thành đưa đất nước tiến tới tự do dân chủ. Ai chịu trách nhiệm về tình trạng này? Tại sao lại không thành công?
Rất rõ ràng, rằng sự thay đổi của xã hội là một quá trình lâu dài. Nhưng Ba Lan đã thành công trong thay đổi xã hội chỉ qua một thế hệ. Điều này nghĩa là có thể rút ngắn quá trình thay đổi.
Bà không sợ rằng, ngay cả nếu năm 2015 bà ra tranh cử và trở thành tổng thống, có thể bà sẽ trở thành con tin của quân đội vì họ là một lực lượng có quyền lực trong xã hội?
-Tôi không biết tôi sẽ là con tin của quân đội với tư cách là tổng thống như thế nào. Nếu quân đội đồng ý cải cách hiến pháp, bầu cử vào nghị viện, sau đó bầu cử tổng thống qua nghị viện. Nếu khi đảng của chúng tôi chiếm đa số trong nghị viện và bầu tôi làm tổng thống. Có nghĩa rằng, quân đội đã đồng thuận với chuyển đổi thể chế. Và họ phải thực hiện đúng các cam kết.
Nhưng có thể họ lại hối tiếc, rút lại các thỏa thuận? Căn cứ vào đâu để bà lạc quan, rằng giới quân sự sau nửa thế kỷ cai trị đất nước bằng bàn tay sắt, giờ đây rút lui khỏi vị trí quyền lực của họ?
- Mỗi người đều có thể thay đổi ý kiến. Nhưng chẳng ích gì lại ấn định trước các tình huống bất lợi.
Khi mà quân đội biết họ sẽ được lợi gì khi trao trả chính quyền và đồng thuận chuyển đổi, họ sẽ đi theo hướng dân chủ. Họ sẽ có nhiều quyền lợi, trong đó có việc xây dựng quân đội thành quân đội nhà nghề hiện đại.
Nhiệm vụ của tất cả mọi người là giải thích và thuyết phục họ giữ vững chuyển đổi sang dân chủ. Đó là nhiệm vụ của tất cả những người Miến Điện, tất nhiên là có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Bà có lạc quan về tương lai?
Tôi không muốn nói về chủ nghĩa lạc quan hay bi quan. Chủ nghĩa lạc quan dễ đưa đến chùn bước và tự vừa lòng với mình. Tôi muốn nói về công việc cụ thể mà chúng tôi cần thực hiện. Nhưng ông đã hỏi, tôi có thể trả lời, tôi là người lạc quan có chừng mực.
Hiện chúng tôi đang ở trong thời điểm an toàn. Nhưng việc đặt ra các yêu cầu, các đòi hỏi đối với chính quyền và xã hội còn bị coi nhẹ. Đó là đặc tính văn hóa của các chế độ độc tài đã bắt rễ sâu trong xã hội.
Người dân không chỉ đòi hỏi ở chính quyền, họ phải có trách nhiệm với cuộc sống và tương lai của mình. Tôi tin rằng, sự thay đổi không thể thành công nếu thiếu sự nỗ lực của nhân dân. Không thể có dân chủ nếu thiếu vắng tinh thần trách nhiệm. Cần đảm bảo cho nhân dân được bầu cử tự do, đó là nhiệm vụ của chính trị. Cần phải hướng dẫn cho người dân thực hiện tốt vai trò và ý nguyện trong các cuộc bầu cử, đó là nhiệm vụ của giáo dục. Đây là những vấn đề cần thiết đối với chúng tôi hiện nay.
Mặt khác, nếu chúng tôi không tiếp tục gây áp lực lên chính quyền, sẽ có một số người muốn trở lại với những lề thói và hành động trước đây. Hiện nay chúng tôi có một chính quyền dân sự, nhưng tất cả những quan chức đều đã qua quân đội, họ có cùng một tâm trạng giống nhau. Chúng tôi buộc phải thay đổi.
Miến Điện là một một quốc gia châu Á, không có truyền thống tự do dân chủ, chỗ dựa của một nhà nước pháp quyền, của chủ nghĩa đa nguyên như các nước phương tây. Liệu Miến Điện sẽ thành công?
- Pháp quyền không phải đã tồn tại tự nhiên ở Phương Tây. Nó không có sẵn ở bất cứ đâu. Nguyên tắc chính quyền của luật pháp không cần một sự liên hệ nào với Phương Tây hay Phương Đông. Pháp quyền có sự liên hệ với những giá trị được xã hội công nhận. Chúng tôi là một trong không nhiều quốc gia mà giá trị này chia rẽ xã hội .
Xã hội Miến Điện với nhiều chủng tộc khác nhau, đã sẵn sàng chuẩn bị đón nhận giá trị của chủ nghĩa đa nguyên và lòng khoan dung?
- Chủ nghĩa đa nguyên và lòng khoan dung là những vấn đề khác. Chúng tôi nói về pháp quyền, nghĩa là tất cả mọi người dân, không phân biệt họ thuộc thành phần hay đảng phái nào, đều có nghĩa vụ đối với luật pháp như nhau, họ đều được luật pháp bảo vệ như nhau.
Ở Miến Điện, khái niệm pháp quyền tương đồng trong tiếng Anh „rule of law” thường được hiểu khác. Khái niệm này tự nó chứa đựng sự cần thiết để „luật pháp” dùng để „cầm quyền” còn phải có„công lý”, dịch ra tiếng Anh là „rule of just law”
Điều trên đây rất quan trọng, bởi trong tiếng Miến Điện, công nhận sự cần thiết của luật pháp mang tính công lý cho tất cả mọi người. Những nhóm sắc tộc khác nhau và toàn xã hội đều đồng thuận với quan điểm này. Tất cả đều công nhận mọi người bình đẳng trước luật pháp.
Chúng tôi không có khó khăn để xã hội chấp nhận những giá trị của dân chủ, nhưng quan trọng là tạo ra khung luật pháp, trong đó những giá trị này có thể trở thành hiện thực và được thực thi.
Bây giờ nói đến bạo lực sắc tộc giữa những người theo đạo phật và những người hồi giáo. Một mình tôi không thể thay đổi được tình trạng này. Cần phải cả xã hội cùng tham gia. Bởi vì, chỉ khi những người dân cảm thấy an toàn, họ mới có thể nói chuyện với những người khác và cùng ấn định những quy tắc để chung sống.
Hiện nay không phải là lúc phê phán ai, mà là lúc tìm ra con đường để đi tới hòa giải. Những xã hội với những sắc tộc hay tôn giáo khác nhau, người này không thẻ sống với sự ngờ vực không ngừng đối với người khác. Cho nên, chỉ có pháp quyền mới đảm bảo cho mọi người đều bình đẳng trước luật pháp. Người dân phải tôn trọng quyền con người, không những chỉ khi nó áp dụng cho mình. mà cho tất cả những người khác.
Trong vòng 21 năm gần đây, bà đã trải qua 15 năm bị giam giữ tại nhà, bị cách ly với xã hội, không được gặp chồng và các con. Bà đã phải trả giá rất đắt cho việc chống lại chế độ độc tài.
- Những câu hỏi về sự trả giá luôn làm tôi gặp khó khăn, vì tôi không nghĩ như vậy. Tôi đã không trả một giá nào hết, bởi đó là sự lựa chọn tự do và có ý thức của bản thân tôi. Tôi không cho rằng đó là sự hy sinh. Tôi đã làm vì thấy đó là việc chính đáng. Sự lựa chọn chính trị không dựa trên những mong đợi thay đổi, những giải thưởng hay sự công nhận đối với cá nhân. Sự tham gia chính trị dựa trên đóng góp cái gì đó của cá nhân cho cộng đồng. Chính trị không thể như là hợp đồng mua bán.
Có khi nào bà cảm thấy tính mạng mình bị đe dọa?
- Không, chưa bao giờ. Chưa bao giờ tôi phải rầu rĩ nghĩ về tính mạng mình có thể bị đe dọa. Tôi không để tâm đến nó. Tôi đã ngồi một mình trong nhà và làm những việc mà mình thấy cần thiết. Tôi đã được đối xử tốt phần lớn là nhờ ảnh hưởng của cha tôi. Cha tôi là người sáng lập quân đội cho nước Miến Điện độc lập. Giới quân đội đã cố gắng để xóa tên tuổi của cha tôi khỏi lịch sử, nhưng sự thật ông là người đã thành lập quân đội, nên họ muốn nhưng không làm được. Tôi hiểu rằng, đây là điều có ảnh hưởng nhiều nhất đến thái độ đối xử của giới quân sự đối với tôi.
Maciej Stasinski
Warsaw, tháng 10/2013
Đinh Minh Đạo dịch
Warsaw, tháng 10/2013
Đinh Minh Đạo dịch
No comments:
Post a Comment