Âu Dương Thệ
- Thỏa hiệp lười biếng và vô trách nhiệm giữa các phe ở trung ương
- Nguyễn Phú Trọng ngày càng thất thế và mất uy tín sau gần ba năm làm Tổng bí thư
- Hiến pháp “mới”, nhưng vẫn giữ nguyên các định hướng cũ sai lầm, bảo thủ
- Phải đổi “Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” thành “Bảo vệ Đảng độc tài trong tình hình mới!”
Chỉ một ngày sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương (HNTU) 8 ngày 9.10 với vẻ mặt đầy nghiêm nghị loan báo là 100% Ủy viên Trung ương đã đồng ý với các quyết định của HNTU 8 thì ngày 10.10 khi tiếp xúc với cử tri ở Sài gòn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người thứ hai trong chế độ toàn trị, đã đưa ra tuyên bố làm dư luận rất chú ý. Trước sự thắc mắc của cử tri là, tại sao mới trước đây ông Tổng Trọng đã kết án “một bộ phận không nhỏ…”cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cao đã trở thành bọn quan tham nhũng hại dân hại nước, nhưng tới nay chẳng có quan lớn nào bị trừng trị; không những thế vấn đề này đang nóng bỏng hơn nhưng lại không được bàn trong HNTU 8, ông Chủ Sang đã tuôn ra lời phê bình làm trò cười trước hàng trăm cử tri và đại diện báo chí (lề đảng) về tuyên bố trên của ông Tổng Trọng:
“Chủ tịch nước đồng cảm: “Tôi nói điều này với tư cách cá nhân thôi: Ta hô khẩu hiệu nhiều quá. Còn câu “Một bộ phận không nhỏ” là một câu hết sức đau đầu. Nghe dư luận thì rất nhiều nhưng tìm thì không thấy. Có nhiều anh nói “bộ phận không nhỏ” đó ở bên dưới. Nhưng sau 1 năm quay lại hỏi bên dưới là chỗ nào thì mấy ông chỉ cười khì, không chỉ ra được. Phương thức phát hiện ra “bộ phận không nhỏ” này thông qua phương thức tự phê bình chỉ là một cách thức thôi chứ không phải là tất cả.“[1]
Mọi người còn nhớ, chính khi nói những lời này ông Tổng Trọng tại HNTU 4 (12.2011) đã từng rơi nước mắt![2] Nhưng tại sao nay chính người đứng thứ hai trong chế độ toàn trị lại biến lời cảnh báo nghiêm trọng của ông Tổng thành chuyện tiếu tâm trước công chúng và dư luận như vậy được? Nên biết thêm rằng, nhiều người vẫn nghĩ là ông Chủ từ lâu đang về bè với ông Tổng để đánh ông Thủ! Chả lẽ phe ông Trọng đang rệu rạo và uy tín của ông Tổng đã rơi xuống đất đen như vậy chỉ mới gần ba năm làm Tổng bí thư?
Mọi người cũng còn nhớ, sau HNTU 6 trước mặt cử tri và báo chí ở Sài gòn, chính ông Chủ đã diễu cợt đặt tên cho ông Thủ là “Đồng chí X”! Trong lịch sử ĐCS cầm quyền trên 60 năm ở VN chưa bao giờ lại có chuyện ông Chủ lôi hết ông Thủ tới ông Tổng ra chế diễu làm trò tiếu lâm trước Đảng và nhân dân như vậy!
Vậy Nguyễn Phú Trọng đã làm gì trong HNTU 8 khiến Trương Tấn Sang đã thất vọng đến nỗi không kiềm chế được nên phải lôi cả ông Trọng làm trò cười trước dư luận?
Trong diễn văn khai mạc ngày 30.9 ông Trọng cho biết, đây là HNTU giữa nhiệm kì nên có tầm quan trọng đặc biệt nhằm tổng kết các công việc chính gần 3 năm làm Tổng bí thư từ Đại hội 11 (1.2011) và định ra nhiệm vụ cho hai năm còn lại. Năm vấn đề chính đã được gần 200 Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết thảo luận trong suốt 10 ngày HNTU 8 là: Tình hình kinh tế xã hội và các chính sách liên hệ, cải tổ giáo dục và đào tạo, quyết định về Dự án sửa đổi Hiến pháp 1992, tổng kết 10 năm thực hiện Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, qui chế bầu cử trong Đảng và chuẩn bị Đai hội 12. Vì khuôn khổ giới hạn nên bài này chỉ tập trung vào 3 lãnh vực: kinh tế-xã hội, sửa đổi Hiến pháp và quốc phòng-an ninh.
Căn cứ vào ba văn kiện chính của HNTU 8 là Thông báo kết quả Hội nghị và hai diễn văn khai mạc và bế mạc của Nguyễn Phú Trọng và đối chiếu với những hoạt động của “tứ trụ triều đình toàn trị” Trọng-Sang-Dũng-Hùng và một số Ban chính trong đảng, Quốc hội và Bộ trong chính phủ thời gian gần đây thì thấy rõ một số sự kiện khá đặc biệt. Tại HNTU 8 những người đang nắm quyền lực đã thỏa hiệp với nhau trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của từng phe nhóm theo kiểu có đi có lại: Như tránh không đả kích lẫn nhau về những khó khăn kinh tế-xã hội (của Nguyễn Tấn Dũng) và tê liệt trong chống tham nhũng (của Nguyễn Phú Trọng); nhất trí để Kì họp thứ 6 sắp tới của Quốc hội nhắm mắt làm công tác thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo những điểm chính của cánh bảo thủ độc tài, mặc dầu ngày càng bị nhiều thành phần nhân dân phản đối -kể cả nhiều đảng viên tiến bộ; dẫn tới nguy cơ biến VN thành một tỉnh của Trung quốc, cho nên họ cùng nhau gia tăng đàn áp nhân dân và thẳng tay trấn áp các cuộc vận động dân chủ từ ngoài xã hội tới trong Đảng.
Những thỏa hiệp lười biếng và vô trách nhiệm trong HNTU 8 giữa cánh bảo thủ độc tài và các nhóm lợi ích trong Trung ương đang dẫn tới: 1. Cản trở, trì hoãn và vô hiệu hóa những thay đổi cấp thiết với ý đồ là duy trì và bảo vệ chế độ độc đảng giúp họ bảo vệ quyền lực để tiếp tục đục khoét công quĩ. 2. Vị thế, uy tín của Nguyễn Phú Trọng ngày càng yếu và tư cách của ông càng tồi tệ thêm. 3. Nhưng tình hình bùng nhùng này với sự dung túng lẫn nhau của phe bảo thủ độc tài lẫn bọn quan tham nhũng sẽ làm cho những khó khăn đang tồn tại căng thẳng hơn và nguy hiểm hơn, gây nhiều bất lợi và nguy hiểm cho nhân dân và đất nước! 4. Bắc kinh đang khai thác triệt để sự bất lực của nhóm cầm đầu để biến VN thành một bộ phận của Trung quốc. Nguy cơ này thể hiện rất rõ trong Thông báo chung ngày 15.10 giữa Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường!
Nguyễn Phú Trọng thỏa hiệp lười biếng và vô trách nhiệm với các nhóm lợi ích ở Trung ương trước những khó khăn về kinh tế-xã hội
Trong diễn văn khai mạc HNTU 8 ngày 30.9 Nguyễn Phú Trọng đã cho biết, các Ủy viên Trung ương trước đó đã nhận được các tài liệu liên quan tới Hội nghị này. Ông còn cho biết, trong vấn đề kinh tế xã hội có hai loại tài liệu dùng làm cơ sở bàn luận cho Hội nghị, một của Ban cán sự đảng Chính phủ dưới quyền Nguyễn Tấn Dũng và tài liệu thứ hai do Ban Kinh tế Trung ương soạn thảo do Trưởng ban Vương Đình Huệ, một thân tín của ông Trọng. Để hù dọa các Ủy viên Trung ương theo vây cánh Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng nhấn mạnh trong diễn văn :
“Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chuẩn bị Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội. Đề nghị Trung ương đồng thời xem xét cả hai Báo cáo (trong diễn văn của Nguyễn Phú Trọng câu này được in đậm); phân tích, đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế – xã hội nước ta, trọng tâm là việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Từ đó đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2014 và 2 năm 2014 – 2015 nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Để thống nhất nhìn nhận bức tranh thực về kinh tế – xã hội năm 2013, đề nghị các đồng chí bám sát Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội cuối năm 2012 và thực tiễn của đất nước, của bộ, ngành, địa phương nơi công tác, phân tích kỹ tình hình, chỉ rõ những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013“[3]
Nhưng trong những buổi họp về chủ đề này đa số trong Trung ương đảng đã không sợ những lời hù dọa trên của ông Tổng. Vì Thông báo HNTU 8 (9.10) lại ca ngợi hết mình các chính sách và kết quả trong kinh tế-xã hội của Nguyễn Tấn Dũng:
“Chính phủ đã điều hành quyết liệt, phù hợp với thực tế tình hình. Đây là những quyết sách kịp thời, đúng đắn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.”[4]
Chính vì thế sau 10 ngày họp trong diễn văn bế mạc (9.10), phần nói về kinh tế xã hội, Nguyễn Phú Trọng đã phải chấp nhận quan điểm trên của Trung ương đảng, nhưng tránh để dư luận chỉ trích là mất lập trường nên đã vơ vào bảo đó là “thành tích“ của Đảng trong thời gian dưới quyền của ông:
“Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 3 năm qua, đã kịp thời điều chỉnh và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, biện pháp đưa kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực, đúng hướng trên các lĩnh vực”[5]
Thậm chí ông Trọng còn nêu ra nhiều con số dẫn chứng trong nhiều lãnh vực từ mức tăng trưởng kinh tế, mức lạm phát giảm, xuất khẩu gia tăng…..Nhưng các con số này ông Trọng đã lấy từ trong báo cáo của cuộc họp nội các ngày 29.9 do Nguyễn Tấn Dũng chủ tọa, một ngày trước khi HNTU 8 khai mạc.[6] Tới phần nói về các khó khăn thì Nguyễn Phú Trọng lại không đưa ra một con số cụ thể nào, mà chỉ dùng một sồ từ chung chung cố tránh cho mọi người thấy bức tranh ảm đạm và nguy hiểm trong kinh tế-xã hội như thế nào:
“Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; nợ xấu ngân hàng còn cao, hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn; cân đối ngân sách khó khăn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn trầm lắng. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng còn lớn. Khu vực công nghiệp tăng trưởng chậm lại. Sản xuất, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực gặp khó khăn về thị trường và giá cả“[7]
Sở dĩ ông Trọng không dám tô đen tình hình kinh tế-xã hội nữa như khi mới làm Tổng bí thư, vì HNTU 8 tổng kết thành quả nửa nhiệm kì làm Tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng. Nếu tô đen thì chả lẽ lại tự bôi xấu mình!
Vị thế và uy tín của Nguyễn Phú Trọng sau gần ba năm làm Tổng bí thư càng xuống dốc
Nếu đối chiếu với những kết luận và nhận định của hai cuộc Hội thảo khoa học được tổ chức vào cuối tháng 9 làm tư vấn cho ông Trọng và HNTU 8 thì cho thấy, Nguyễn Phú Trọng đã bỏ qua các khuyến cáo khách quan và trung thực của nhiều chuyên viên hàng đầu, các nhà hoạch định chính sách và cựu cán bộ cao cấp. Nhiều chuyên gia đang hoặc từng phụ trách hoạch định chính sách đã đưa đến kết luận là, các chủ trương và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế vẫn dẫm chân tại chỗ cho nên tình hình kinh tế, tài chánh hiện nay đang đi xuống và rất nguy ngập trong nhiều lãnh vực – từ các tập đoàn nhà nước, nợ công gia tăng, lạm phát vẫn cao và kéo dài, doanh nghiệp tư nhân phá sản hàng loạt, nạn thất nghiệp gia tăng và đời sống cực khổ của nông dân và công nhân có nguồn gốc từ những năm 2006-07 và tiếp tục xấu đi trong các năm về sau. Tuy không nêu đích danh Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ trích, nhưng ai cũng biết chính vào thời điểm này ông Dũng vừa lên nắm chức Thủ tướng.
Thật vậy, tại cuộc Hội thảo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm và những điều chỉnh chiến lược” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội tổ chức ngày 23.9.“[8]Nhiều chuyên gia hàng đầu đã báo động là, kinh tế VN đang „tụt hậu“ và „suy yếu“ có nguy cơ không thực hiện được các mục tiêu của kế hoạch 2011-15. Ngay cả Ủy viên Trung ương kiêm Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng chia sẻ lời cảnh báo này. Chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phải nhìn nhận nguy cơ này tại cuộc Hội thảo:
“Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì tại Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đang ngày một cách xa”.
“Dư địa chính sách cho mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều. Những cảnh báo về một nền kinh tế chứa ẩn nhiều rủi ro và một triển vọng tăng trưởng không mấy tươi sáng đang có nguy cơ trở thành hiện thực”.[9]
Trong cuộc Hội thảo này cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dám nói rõ cả về nguyên nhân lẫn thời gian dẫn tới tình trạng nguy kịch trong kinh tế-xã hội:
“Phải chăng, do chủ quan mà chúng ta để vỡ ổn định vĩ mô. Suốt từ 2007 đến nay bất ổn vĩ mô bộc lộ ở mức gay gắt”. [10]
Như thế ông Khoan đã cho mọi người biết, suốt từ năm 2007 –tức là thời gian khởi đầu làm Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng- do bệnh chủ quan của người cầm đầu chính phủ nên chính sách kinh tế ở cấp vĩ mô đã sai lầm dẫn tới những bất ổn ngày càng gay gắt!
Tại cuộc Hội thảo “Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam và VCCI tổ chức tại Huế trong hai ngày 26-27.9 nhiều chuyên gia hàng đầu cũng đã đánh giá rất bi quan về kinh tế, tài chánh hiện nay. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định kinh tế VN “đang một mình… nghẽn mạch.” so với nhiều nước trong khu vực:
“Hiện nay, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại. Tình thế hiện nay đó là nền kinh tế Việt Nam bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề trong khi các nền kinh tế khác trỗi dậy.[11]
Cùng quan điểm này là TS Trần Du Lịch, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng nói thẳng là, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng kinh tế bất ổn nhất kể từ thập niên 90: “Năm 2013 là năm thứ 6 và là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay”.[12]
Còn GS Lê Đang Doanh đã nói rất rõ, “tiêu tiền của dân, phải công khai cho dân biết!” Và ông đưa ra dẫn chứng về vì đâu kế hoạch tái cơ cấu các tập toàn và tổng công ti dưới quyển của Nguyễn Tấn Dũng vẫn dẫm chân tại chỗ:
“Vướng mắc có thể do năng lực nhưng cũng có thể do lợi ích nhóm. Tôi lấy ví dụ khoản nợ 1,3 triệu tỉ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến nay vẫn chưa có giải pháp toàn diện để giải quyết.” [13]
Bị choáng váng chóng mặt trước việc nhiều chuyên gia hàng đầu đưa ra những nhận định rất bi quan về tình hình kinh tế, tài chánh hiện nay do sự chủ quan sai lầm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên bà Nguyễn Thị Kim Ngân, tân Ủy viên Bộ chính trị và Phó Chủ tịch Quốc hội, đã vội vã bênh vực cho Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc Hội thảo này.[14] Ba ngày trước khi HNTU 8 khai mạc tờ Chính phủ điện tử dưới quyền của Nguyễn Tấn Dũng đã đăng ngay lời dăn đe của Nguyễn Thị Kim Ngân là “phải nhìn cả điểm sáng chứ không thể chỉ nhìn vào điểm tối của nền kinh tế” và “không thể nói cả nền kinh tế tê liệt, đất nước vẫn tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân vẫn được quan tâm, cho dù có khó khăn có trì trệ”. [15]
Quan trọng hơn nữa, để phá vỡ dư luận rất bi quan về cách tổ chức và điều hành kinh tế tài chánh của Chính phủ qua hai cuộc hội thảo của Ban kinh tế Trung ương và Ủy ban kinh tế Quốc hội được tổ chức ít ngày trước khi HNTU 8 khai mạc và trùng vào lúc Nguyễn Tấn Dũng đang thăm Pháp và Liên hiệp quốc để đánh bóng bộ mặt trước khi HNTU 8 họp nhưng dư luận quốc tế chẳng quan tâm gì [16], nên sáng 29.9 khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội bài ông Dũng đã vội vàng họp nội các và đề cao các thành quả của Chính phủ trong kinh tế-xã hội và để Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam mở họp báo công bố những con số này[17] và nó đã xuất hiện đầy đủ trong diễn văn bế mạc HNTU 8 của Nguyễn Phú Trọng, như đã nói phần trên.
Trong HNTU 8 không chỉ ngậm miệng trước tình hình kinh tế-xã hội rất bế tắc, Nguyễn Phú Trọng cũng phải thỏa hiệp với các nhóm lợi ích ở Trung ương đảng trong vấn đề quan trọng khác đó là việc thất bại trong chống tham nhũng. Chính Nguyễn Phú Trọng đã nói, HNTU 8 là Hội nghị giữa nhiệm kì giữ một vị trí rất quan trọng. Cho nên đúng ra HNTU 8 phải bàn đến một số vấn đề cấp bách mà HNTU 4 (12.2011) đã nêu ra, trong đó ít nhất là tệ trạng tham nhũng càng bùng nổ. Đầu tháng 8 Nguyễn Phú Trọng, trong tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, đã kí quyết định thành lập 7 Đoàn thanh tra do hai Ủy viên Bộ chính trị và nhiều Ủy viên Trung ương về nhiều cơ quan Đảng, Chính phủ và một số tỉnh và thành phố từ 15.8 tới 30.9, tức là chấm dứt đúng vào dịp HNTU 8 họp.[18] Không những thế, trong cuộc tiếp xúc với cử tri tại Hà nội ngày 28.6.2013 Nguyễn Phú Trọng cũng đã hứa là, trong HNTU tới cũng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng bí thư và các Ủy viên Bộ chính trị.[19]
Nhưng ngày 27.8 trước sự chất vấn gay gắt của cử tri Tây hồ ở Hà nội, Tổng bí thư kiêm Trưởng ban Chỉ đạo trung ương phòng và chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng, đã phải nhìn nhận:”Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”.[20] Qua đó ông Trọng thừa nhận, tham nhũng như bệnh ghẻ lở và truyền nhiễm, nếu chỉ gãi bên ngoài thì càng đau nhưng bệnh trở thành bất trị. Giải pháp trị tham nhũng của ông Trọng bằng phong trào tự phê bình và phê bình rất rầm rộ từ các Ủy viên Bộ chính trị tới các Ủy viên Trung ương năm trước đã chỉ như gãi ghẻ ngoài da, như bong bóng xà phòng. Chính Trương Tấn Sang mới đây đã nói toẹt ra với cử tri ở Sài gòn. Còn giải pháp lấy phiếu tín nhiệm với ba câu hỏi theo kiểu ba phải, hiểu thế nào cũng được cũng đã được thí nghiệm tại Kì họp thứ 5 của Quốc hội đã trở thành trò cười cả trong Đảng lẫn ngoài xã hội!
Chính vì vậy Nguyễn Phú Trọng đã không dám đem kết quả chống tham nhũng sau gần ba năm làm Tổng bí thư và cũng không dám thực hiện lấy phiếu tín nhiệm trong HNTU 8. Vì thành quả chống tham nhũng qua gần ba năm làm Tổng bí thư của ông Trọng chẳng có gì cả. Từ khi giành chức Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng từ tay Nguyễn Tấn Dũng gần một năm nay nhưng Nguyễn Phú Trọng cũng chẳng khám phá ra một vụ nào mới và cũng không dám đưa ra xét xử những vụ tham nhũng lớn. Mỗi lần Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh và cánh tay mặt của ông Trọng dọa đưa ra xét xử một số vụ tham nhũng thì Nguyễn Tấn Dũng cho ngay Trưởng ban Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền tiếp tục tố Ủy ban Nhân dân Đà nẵng trong việc cho thuê đất làm thất thoát ngân sách khi ông Thanh còn làm Bí thư thành ủy Đà nẵng. Tức là phe ông Dũng cố tình bắt bí, chiếu tướng nhằm cản trở và tê liệt các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng của ông Trọng.[21] Hai sự kiện quan trọng mới đây nhất cho thấy, tuy phải thỏa hiệp nhưng Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục gầm ghè nhau. Nhân danh Thủ tướng, ông Dũng đã từ chối không cho Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (C48) được xem hồ sơ của Tập đoàn điện lực VN (EVN), mặc dầu Tổng Thanh tra Chính phủ đã điều tra thấy nhiều vi phạm về quản trị tài chánh lên tới cả 121 ngàn tỉ đồng.[22] Ngày 17.10 tại trụ sở Trung ương đảng đông đủ ủy viên Bộ chính trị họp với thành ủy Đà nẵng, nơi Nguyễn Bá Thanh đã từng là Bí thư thành ủy, nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã không dự để tiếp tục thủ thế.[23]
Than vãn coi chống tham nhũng như “gãi ngứa ghẻ” chỉ đau đớn thêm mà không mang lại kết quả, cho nên ông Trọng đã phải hủy cả ý định lấy phiếu tín nhiệm trong HNTU 8. Rút kinh nghiệm đau đớn sau hai lần thất bại nhục nhã tại các HNTU 6 đã không đẩy được Nguyễn Tấn Dũng khỏi ghế Thủ tướng và tại HNTU 7 các ứng cử viên của ông đã bị các ứng cử viên của ông Dũng đánh bại trong việc bầu bổ túc vào Bộ chính trị, cho nên Nguyễn Phú Trọng biết vị thế của mình trong Trung ương đảng ngày càng yếu đi, vì thế ông Trọng đã không dám thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm tại HNTU 8 như đã hứa. Bởi vì ông lo sợ là, nếu đa số ủy viên Trung ương theo Nguyễn Tấn Dũng bỏ phiếu chống ông thì ông còn có thể giữ ghế Tổng bí thư được nữa không! Qua các việc này còn cho thấy, Nguyễn Phú Trọng chỉ là người đánh trống bỏ dùi, dơ cao đánh khẽ, chỉ thích lộng ngôn, nhưng không có bản lĩnh và không còn uy tín gì trong Đảng. Thật vậy khi mới giữ ghế Tổng bí thư tại HNTU 4 (12.2011) ông hùng hổ tố cáo tham nhũng và suy đồi đạo đức của cán bộ ở ngay cấp cao:
“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng.”[24]
Chính trong HNTU 4 này ông Trọng đã coi chống tham nhũng là một “công tác cấp bách trong Đảng” phải tiến nhành ngay. Nhưng mới đây khi tiếp xúc với cử tri Tây hồ, Hà nội, ông Trọng cũng đã than thở và xác nhận sự bất lực:
“Sốt ruột, bức xúc lắm, không phải bây giờ mà mấy năm trước Đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng”. Ông còn cho mọi người biết thêm là, nhiều người có quyền lực đang lãng phí tiền bạc và tài nguyên rất khủng khiếp: “Lãng phí cũng ghê gớm, có khi còn hơn tham nhũng, về thời gian, công sức, tiền bạc…” [25]
Vì thế sau gần 3 năm làm Tổng bí thư, tại HNTU 8 ông phải im thin thít. Từ tham vọng muốn trở thành chính khách quốc gia khi lên làm Tổng bí thư, nhưng gần ba năm sau ông Trọng đã ngoan ngoãn tự biến dần thành một quản gia cho bọn quan tham!
Các nhóm lợi ích trong Trung ương thỏa hiệp với Nguyễn Phú Trọng trong việc duy trì những chủ trương độc tài bảo thủ trong Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992
Để đổi lại những nhượng bộ của phe bảo thủ độc tài do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu không đả kích những sai lầm và khó khăn trong kinh tế-xã hội, các nhóm lợi ích trong Trung ương do Nguyễn Tấn Dũng dẫn dắt cũng chấp nhận những nguyên tắc trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được nêu ra trong các HNTU trước. Thông báo HNTU 8 đã xác nhận việc này:
“Bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn kiện của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản, định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992”[26]
Chính vì thế trong diễn văn bế mạc ngày 9.10 Nguyễn Phú Trọng đã tóm lược các điểm chính được các phe bảo thủ độc tài và lợi ích nhóm đã đồng thuận trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Đó là “Khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa“, “Quyền lực nhà nước là thống nhất“ và “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội“. Các điểm nồng cốt này đã được Nguyễn Phú Trọng nêu ra từ trong diễn văn bế mạc HNTU 2 ngày 10.7.11. Vì thế Nguyễn Phú Trọng đã chống lại yêu cầu của nhiều giới nên giành thêm thời gian thảo luận vì còn nhiều điểm quan trọng vẫn còn có những ý kiến khác nhau về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đồng thời Nguyễn Phú Trọng vẫn cao ngạo tiếp tục chụp mũ những người đóng góp ý kiến thẳng thắn là “các thế lực thù địch, phần tử xấu“ và ra lệnh phải thông qua gấp việc sửa đổi Hiến pháp ngay trong Kì họp thứ 6 của Quốc hội sẽ diễn ra trong vài ngày tới:
“Ngay sau Hội nghị này, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức năng cần khẩn trương tiếp thu ý kiến của Trung ương hoàn chỉnh toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.”[27]
Qua đó cho thấy cánh độc tài bảo thủ của Nguyễn Phú Trọng và các nhóm lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng đang song hành với nhau để sớm thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; trong đó tiếp tục giữ những nguyên tắc cực kì phản dân chủ và sai lầm, từ duy trì chế độ độc đảng, kinh tế nhà nước làm chủ đạo, đất đai là sở hữu toàn dân, quân đội và công an phải trung thành với Đảng. Họ thông qua Hiến pháp “mới“, nhưng vẫn với nội dung cũ rích như ông bành tổ! Vì các phe phái ở Trung ương đều nhận thấy rằng, chỉ có duy trì các nguyên tắc này thì mới kéo dài được chế độ độc đảng. Nhờ đó các phe đều có lợi trong viêc tiếp tục củng cố quyền hành và thả cửa tham nhũng mà không sợ bị trừng phạt! Tuy họ biết rằng, nhân dân nhiều giới đang chống lại, kể cả nhiều đảng viên còn biết quí tự trọng.
Ông Trọng và Trung ương nên viết cho chính danh: Không nên mạo nhận “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đúng ra phải viết “Chiến lược bảo vệ Đảng độc tài trong tình hình mới”
Đề tài tổng kết tình hình quốc phòng-an ninh 10 năm qua cũng được HNTU 8 thảo luận dưới tên rất “yêu nước” là “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Cả trong Thông báo HNTU 8 lẫn diễn văn bế mạc của Nguyễn Phú Trọng đều nhìn nhận, tình hình quốc phòng-an ninh đang căng thẳng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn cả bên ngoài lẫn bên trong, đặc biệt là tình hình biển Đông và sự bất mãn của nhân dân cang gia tăng xuyên qua các vụ khiếu kiện, biểu tình, tuyên cáo và ngày càng nhiều các báo mạng. Nhưng trong khi biển Đông chỉ được nhắc đến duy nhất một lần thì họ lại hướng trọng tâm nhấn mạnh tới những nguy cơ bất ổn ở trong nước. Ông Trọng ra lệnh “nêu cao cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.[28] Trong Thông báo HNTU 8 cũng cùng giọng điệu này:“Các thế lực thù địch tăng cường chống phá sự nghiệp đổi mới của đất nước với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc hơn”.[29]
Sang phần mục tiêu và biện pháp quốc phòng-an ninh, trong khi ông Trọng nêu rõ chủ trương của Trung ương là bảo vệ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng: “Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, phải luôn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.[30] Còn trong Thông báo HNTU 8 thì các bên đồng ý giao cho Đảng và Nhà nước toàn quyền đưa ra các biện pháp quốc phòng-an ninh. Trong thực tế những thỏa hiệp này của các phe nhóm ở Trung ương là để chế độ toàn trị tiếp tục sử dụng toàn bộ máy công an mật vụ, bộ máy tuyên giáo…chụp mũ, theo dõi và đàn áp các tầng lớp nhân dân. Vì thế để cho danh chính ngôn thuận, những người cầm đầu chế độ toàn trị phải đổi tên đề tài từ “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” thành “Chiến lược bảo vệ Đảng độc tài trong tình hình mới”
Chính sách quốc phòng-an ninh bao gồm hai mặt, quốc phòng đối phó với bên ngoài và an ninh với bên trong. Nhưng hai mặt là một. Vì muốn quốc phòng mạnh thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải an dân, dân được tự do làm ăn, được bảo vệ quyền lợi chính đáng, được nhà cầm quyền tôn trọng…Vậy dân ta có được hưởng các quyền này không? Những người có quyền lực có tôn trọng và cư xử đàng hoàng với dân không?…Hàng loạt các cuộc giam cầm những người viết báo mạng, trí thức, thanh niên từng tích cực tham gia biểu tình bất bạo động chống xâm lấn của Bắc kinh, ủng hộ nông dân khiếu kiện đòi lại đất đai đã bị các đại gia đỏ tước đoạt và tố cáo việc giả mạo sửa đổi Hiến pháp…trong thời gian qua đã bị các lực lượng công an chính thức và công an đội lốt côn đồ đánh đập, đàn áp; báo chí lề đảng và các bồi bút trong Tuyên huấn đã được lệnh viết những bài chụp mũ, bôi nhọ. Đây rõ ràng không phải là chính sách an dân, đoàn kết dân của một chính quyền trọng pháp, trái lại đúng là hành động như những bọn côn đồ…!
Vì chống lại dân, đàn áp người yêu nước, bị trí thức khinh bỉ và thanh niên bất mãn, nhưng họ vẫn muốn tiếp tục độc quyền để làm giầu bất chính, cho nên những người cầm đầu chế độ toàn trị chỉ còn con đường duy nhất là ngả vào lòng bọn bành trướng Bắc kinh, bất kể tới tự trọng, liêm xỉ, nói chi tới bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi quốc gia! Đây mới chính là «Chiến lược bảo vệ Đảng độc tài trong tình hình mới“ vừa được thông qua trong HNTU 8.
Bằng chứng mới nhất là để đẹp lòng tân Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường sang Hà nội ngày 13.10, bộ Ngoại giao đa ra lệnh cho Thành ủy Hà nội bắt dân phải rỡ cờ để tang tướng Võ Nguyên Giáp xuống, mặc dầu linh cữu của ông còn đang trên đường ra Quảng bình. Cư xử tệ bạc với một đại thần và một người sáng lập chế độ toàn trị như thế chỉ vì muốn làm đẹp lòng Lý Khắc Cường, như thế đã chứng tỏ lời điếu văn của Nguyễn Phú Trọng và lễ tang giành cho tướng Giáp chỉ là bề ngoài đúng như “lúc sống thì chẳng cho ăn, đến khi thác xuống thì làm văn tế ruồi!” [31] Vì mọi người đều biết mới vài năm trước chính Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng vì đã hứa với Bắc kinh nên đã không đếm xỉa gì tới cảnh báo của tướng Giáp yêu cầu ngưng ngay kế hoạch khai thác Bauxit ở Tây nguyên. Thái độ cung kính Lý Khắc Cường cũng chỉ lập lại việc thần phục phương Bắc đến độ làm mất thể diện quốc gia khi cố tình tạo ra cờ 6 sao Trung quốc khi Nguyễn Phú Trọng thăm Trung quốc lần đầu với tư cách Tổng bí thư 10.2011 và trong dịp đón Tập Cận Bình tại Hà nội tháng 12.2011 mừng ông Trọng trong chức vụ mới.[32]
Sau khi Lý Khắc Cường gặp “Tứ trụ triều đình” một Thông báo chung 10 điểm về kết quả chuyến thăm đã được công bố ngày 15.10.[33] Trong đó để cho Bắc kinh thao túng mạnh hơn nữa trong kinh tế, thương mại, tài chánh, mở cửa thêm cho Bắc kinh bành trướng trên biển Đông, can thiệp sâu thêm vào quân sự và ngoại giao của VN, cho lập cả Viện Khổng tử ở Đại học Hà nội và ra lệnh cho “tứ trụ” phải “tăng cường định hướng đúng đắn báo chí và dư luận” tránh bất lợi cho Bắc kinh. Nội dung Thông báo này cho thấy, Bắc kinh đã hiểu rất rõ tình hình suy đồi của kinh tế VN, sự kình chống lẫn nhau trong Bộ chính trị và sự cô lập trước nhân dân VN của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị, nên đang tìm cách khai thác triệt để! Vì thế những nhượng bộ vô nguyên tắc như trong Thông báo chung 10 điểm cho thấy, Trọng-Sang-Dũng-Hùng đã bước thêm một bước biến VN thành một tỉnh của Trung quốc!
Thái độ tâm lí thờ ngoài khinh trong, cúi đầu trước Bắc kinh xâm lấn nhưng lại đàn áp dân và khinh thường trí thức VN, đây rõ ràng là tâm trạng và thái độ tự ti mặc cảm của những người có quyền lực trong chế độ toàn trị hiện nay! Căn bệnh tâm lí trầm kha của họ đang gây nhiều hậu quả vô cùng nguy hiểm cho nhân dân và đất nước!
19.10.2013
© Âu Dương Thệ
© Đàn Chim Việt
Ghi chú[1] . Chủ tịch nước: “Một bộ phận không nhỏ” là câu hết sức đau đầu !, Tuổi trẻ 10.10
[2] . Xem bài 3 phần „ Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011 – 1.2013)“ của cùng tác giả, trong DC&PT,
Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu?
http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2013/adt1.htm…
[3] . Nguyễn Phú Trọng diễn văn khai mạc HNTU 8, 30.9
[4] . Thông báo HNTU 8, CS 9.10
[5] . Nguyễn Phú Trọng diễn văn bế mạc HNTU 8, 9.10
[6] . Chính phủ điện tử (CP) 29.9
[7] . Như 5
[8] . Vietnam Net (VNN) 24.9
[9] . Tương tự
[10] . „Ông Vũ Khoan: Kinh tế đi xuống do chủ quan?“, VNN 24.9
[11] . VNN 26.9
[12] . Tương tự
[13] . Thanh niên 7.10
[14] . Trong HNTU 7 bà Ngân đã được các nhóm lợi ích ủng hộ vào Bộ chính trị, mặc dầu không có
thành tích gì trong nhiều chức vụ khác nhau, trong khi hai ứng cử viên do Nguyễn Phú Trọng đã bị
thất cử là Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ.
[15] . CP 27.9
[16] . Hồng Nga/BBC 1.10
[17] . Ông Đam sẽ lên Phó Thủ tướng trong ít ngày tới
[18] . VNN8.8
[19] . VNN 28.6
[20] . VNN 27.8
[21] . Tuổi trẻ 25.6 , Thanh niên 26.6
[22] . BBC 16.10
[23] . Cộng sản 17.10
[24] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn khai mạc HNTU 4, 27.12.11
[25] . VNN 27.8
[26] . Thông báo HNTU 8.
[27] . Như 5
[28] . Như 5
[29] . Như 4
[30] . Như 5
[31] . V. Quốc Uy, Lịch sử sẽ nói gì về đám tang tướng Võ Nguyên Giáp, DC&PT
[32] . VOA Express 22.12.11
[33] . CP 15.10, http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Tuyen-bo-chung-Viet-NamTrung-Quoc/183057.vgp;
Nguyễn Kiên Giang, Vì sao Viện Khổng tử lại gây bất an cho chúng ta?, Tếu- Blog 19.10;
Thanh Phương, Thương mại Việt-Trung : càng gia tăng, càng mất cân đối ? , RFI 16.10;
Vũ Hoàng, Hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung, RFA 16.10
[2] . Xem bài 3 phần „ Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011 – 1.2013)“ của cùng tác giả, trong DC&PT,
Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu?
http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2013/adt1.htm…
[3] . Nguyễn Phú Trọng diễn văn khai mạc HNTU 8, 30.9
[4] . Thông báo HNTU 8, CS 9.10
[5] . Nguyễn Phú Trọng diễn văn bế mạc HNTU 8, 9.10
[6] . Chính phủ điện tử (CP) 29.9
[7] . Như 5
[8] . Vietnam Net (VNN) 24.9
[9] . Tương tự
[10] . „Ông Vũ Khoan: Kinh tế đi xuống do chủ quan?“, VNN 24.9
[11] . VNN 26.9
[12] . Tương tự
[13] . Thanh niên 7.10
[14] . Trong HNTU 7 bà Ngân đã được các nhóm lợi ích ủng hộ vào Bộ chính trị, mặc dầu không có
thành tích gì trong nhiều chức vụ khác nhau, trong khi hai ứng cử viên do Nguyễn Phú Trọng đã bị
thất cử là Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ.
[15] . CP 27.9
[16] . Hồng Nga/BBC 1.10
[17] . Ông Đam sẽ lên Phó Thủ tướng trong ít ngày tới
[18] . VNN8.8
[19] . VNN 28.6
[20] . VNN 27.8
[21] . Tuổi trẻ 25.6 , Thanh niên 26.6
[22] . BBC 16.10
[23] . Cộng sản 17.10
[24] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn khai mạc HNTU 4, 27.12.11
[25] . VNN 27.8
[26] . Thông báo HNTU 8.
[27] . Như 5
[28] . Như 5
[29] . Như 4
[30] . Như 5
[31] . V. Quốc Uy, Lịch sử sẽ nói gì về đám tang tướng Võ Nguyên Giáp, DC&PT
[32] . VOA Express 22.12.11
[33] . CP 15.10, http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Tuyen-bo-chung-Viet-NamTrung-Quoc/183057.vgp;
Nguyễn Kiên Giang, Vì sao Viện Khổng tử lại gây bất an cho chúng ta?, Tếu- Blog 19.10;
Thanh Phương, Thương mại Việt-Trung : càng gia tăng, càng mất cân đối ? , RFI 16.10;
Vũ Hoàng, Hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung, RFA 16.10
No comments:
Post a Comment