Ngô Nhân Dụng - Ma chê, cưới trách, các cụ dạy không sai. Sau khi ông Võ Nguyên Giáp đã mồ yên mả đẹp, dân Hà Nội bắt đầu bàn tán. Tại sao chính quyền lại ra lệnh ngưng treo cờ rủ ngay buổi trưa bữa hạ huyệt, mà không đợi đến tối? Buổi tối là lúc người ta thường làm lễ “hạ cờ.” Ðó là lúc ngưng không treo cờ rủ; sáng hôm sau sẽ kéo lên tới ngọn cột cờ, không còn dấu hiệu để tang nữa.
Tại sao lại ngưng “để tang” giữa ngày, mà không đợi thêm dăm, sáu giờ nữa, cho hợp nghi lễ? Nếu tin bói toán, có thể đổ tại các nhà chiêm tinh. Chắc có ông thầy bói nào đó gieo quẻ Mai Hoa, phán rằng nếu treo cờ để tang ông Võ Nguyên Giáp quá giờ Ngọ thì ông Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng có thể bị tai nạn! Tai nạn gì? Ðồng bào ta bàn nhau: Tai nạn Lý Khắc Cường. Ông thủ tướng Trung Cộng ghé Hà Nội trên đường bay về Bắc Kinh. Ông lại đến Phú Bài vào đúng buổi trưa; trong ngày chôn cất ông Giáp. Không lẽ lại đón một vị quốc khách bằng lá cờ treo rủ, nửa chừng? Lý Khắc Cường cũng sợ bị xui xẻo y như Nguyễn Tấn Dũng vậy. Cho nên Sứ Quán Trung Quốc phải lập tức yêu cầu kéo các lá cờ lên tới ngọn. Chấm dứt cờ rủ!
Chắc ông Võ Nguyên Giáp cũng chẳng biết gì nữa, về chuyện họ ngưng để tang ông vào giờ Ngọ. Ông cũng không biết Sứ Quán Trung Cộng không hề đến viếng tang ông, dù trụ sở của họ ở rất gần nhà ông. Khi nhiều người thắc mắc, sứ quán trả lời rằng họ có viếng tang. Nhưng viếng tang ở Sài Gòn. Xác người ta quàn ở Hà Nội, cáo phó ghi địa chỉ rõ ràng. Vậy mà lại đem vòng hoa đến viếng ở Sài Gòn!
Có thể giải thích hành động này. Nếu viếng tang ở Hà Nội thì ông đại sứ phải tới. Còn ở Sài Gòn thì một viên chức thấp hơn tới cũng được. Bắc Kinh muốn chứng tỏ đối với họ ông Giáp không đáng được thăm viếng ở cấp đại sứ; cho một tổng lãnh sự hay cấp thấp hơn viếng là đủ rồi.
Bây giờ thì người ta lại nhớ: Các cố vấn quân sự Trung Cộng, như Vi Quốc Thanh, Trần Canh, đều coi thường ông Giáp.
Họ viết rõ ràng trong hồi ký của họ. Trong đám các lãnh tụ cộng sản đợt đầu, 1945, 46 ở nước ta, ông Võ Nguyên Giáp là người ít bị mang tiếng thân Trung Cộng, so với Hồ Chí Minh hay Trường Chinh. Hành động đáng nói sau cùng của ông Giáp là phản đối vụ cho Trung Cộng khai thác Bô xít. Các đồng chí Bắc Kinh không bao giờ tha thứ.
Nhiều đảng viên cộng sản ở trong nước đã bầy tỏ lòng quý mến đối với ông Võ Nguyên Giáp; chính vì họ thấy Trung Cộng ghét ông. Có lẽ cách tốt nhất để tiếp tục tỏ lòng quý mến ông là họ nên vận động xóa bỏ cái đảng cộng sản đi.
Trong đời ông, mối nhục lớn nhất của Võ Nguyên Giáp là ông hoàn toàn bất lực khi các tướng, tá đàn em bị tù đầy. Họ bị trù ếm chỉ vì họ từng thân tín đối với ông. Ngoảnh mặt làm ngơ khi các đàn em bị hành hạ, đó là một nỗi nhục. Ông Võ Nguyên Giáp còn bị các đối thủ làm nhục công khai, khi bắt ông đứng chỉ huy chiến dịch ngừa thai. Thà rằng như Ðặng Tiểu Bình, bị hạ xuống làm công nhân nhà máy; hay Lưu Thiếu Kỳ, bị bắt đi chăn cừu, còn đỡ nhục hơn.
Tại sao Võ Nguyên Giáp lại chấp nhận để người ta làm nhục như vậy?
Vì ông là một đảng viên cộng sản tốt. Một đảng viên tốt thì chấp hành, tuân phục bất cứ việc gì mà “đảng” bảo phải làm.
Ðảng cộng sản đã xóa bỏ nhân cách của các đảng viên. Họ không được phép có tư cách riêng, danh dự riêng, cũng như các tình cảm hay quyền lợi riêng. Võ Nguyên Giáp có thể tự biện minh mình đóng đúng vai trò đảng viên, không có gì hối hận.
Một điều mà ông ta, cũng như nhiều đảng viên cộng sản khác, không tự hỏi, là cái đảng cộng sản mà họ đã tuyên thệ gia nhập, có còn là một đảng cộng sản hay không? Họ không dám đặt câu hỏi này, vì mở miệng ra là sẽ mất hết các quyền lợi dành cho các đảng viên; có thể chết nữa.
Nhưng ai cũng biết, hiện nay ở Trung Quốc và ở Việt Nam không còn đảng cộng sản nào nữa. Khi thu nhận các nhà kinh doanh tư vào đảng, và công nhận quyền kinh doanh của các đảng viên cộng sản, Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng như Ðảng Cộng Sản Trung Quốc không còn là “cộng sản” nữa. Các vị lãnh đạo hai đảng này cố biện minh bằng các lý luận, như “Ðảng phải là đại biểu của lực lượng sản xuất tiến bộ nhất” (lý thuyết Giang Trạch Dân;) hoặc phải “giải phóng sức sản xuất” (Dự thảo Báo cáo chính trị, đảng Cộng Sản Việt Nam). Các lý thuyết trên bao hàm một nhận xét thực tế: Trong xã hội Trung Hoa hay Việt Nam hiện nay, giai cấp tư sản đang thành hình là lực lượng sản xuất tiến bộ nhất.
Vai trị tiền phong của giai cấp tư sản cũng được Karl Marx đề cao, khi ông quan sát sự chuyển biến từ thời kỳ phong kiến sang kinh tế tư bản. Các quyết định thay đổi của hai đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam chỉ thể hiện diễn biến mà Marx mô tả: Chế độ phong kiến chuyển dần sang chế độ tư bản. Xã hội Trung Hoa và Việt Nam hiện nay vẫn còn đầy di sản của thời phong kiến do Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn lập nên, cần phải dẹp bỏ thì mới tiến bộ được.
Chúng ta vẫn phải đặt thêm một câu hỏi, là: Tại sao quý vị lãnh đạo trong các đảng Cộng Sản ở Trung Hoa và ở Việt Nam không thành thật một lần trong đời, trong đời sống cá nhân cũng như đời sống đảng viên, bằng cách tuyên bố thẳng rằng họ thôi, ngưng, stop, từ nay không theo đuổi chủ nghĩa Mác Lê nin nữa?
Khi một đảng chính trị tự đặt mình vào tình trạng phải tự mâu thuẫn với chính mình (mâu thuẫn giữa cương lĩnh, lý thuyết, với hành động thực tế), thì sẽ làm hư hỏng cả giềng mối tinh thần của cả quốc gia. Khi một ông vua hay một đảng cầm quyền nói một đằng, làm một nẻo, thì chữ TÍN không còn được coi trọng nữa. Không lấy chữ TÍN làm căn bản trong các mối tương quan, trong mọi giao tế xã hội, thì sẽ không còn một hệ thống đạo đức. Hơn thế nữa, cũng không thể phát triển tinh thần tôn trọng luật pháp, là nền tảng của mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị trong thế giới hiện đại. Tái lập chữ TÍN trong xã hội là điều quan trọng và đáng theo đuổi hơn là thực hiện bất cứ một chủ nghĩa mơ hồ và không tưởng nào.Về mặt chính trị, ở hai nước Trung Quốc và Việt Nam, chế độ toàn trị (totalitarian) đã biến dần sang một chế độ độc tài (authoritarian) bình thường. Guồng máy của đảng và nhà nước không còn kiểm soát được tất cả đời sống xã hội nữa. Xã hội đã tách rời khỏi chế độ. Giới lãnh đạo đảng đã nhận thức được giới hạn của quyền lực mà họ đang nắm. Ðời sống mỗi cá nhân không còn hoàn toàn tùy thuộc vào đảng và nhà nước nữa.
Nhưng giới lãnh đạo đảng cộng sản không còn khả năng kìm hãm các biến chuyển, vì chính họ đang bước vào một cuộc phiêu lưu mới, không biết sẽ hướng vào đâu. Tại Ba Lan, Tiệp, Slovack, Hungary, những đảng cộng sản ở đó có góp phần chủ động thúc đẩy cuộc “cách mạng nhung” để thiết lập thể chế mới, khi đó chính họ phải rời khỏi chính quyền. Nhờ thay đổi toàn diện và nhanh chóng, sau hai mươi năm kinh tế các nước này đã tiến rất nhanh. Các đảng viên cộng sản cũ từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, họ có nhiều kinh nghiệm chính trị hơn các đảng phái mới, họ có thể trở lại nắm quyền hnh dưới ngọn cờ khác. Ở Trung Quốc và Việt Nam thì không. Giới lãnh đạo cộng sản không dám rút khỏi chính quyền, tự mò mẫm con đường đổi mới từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Riêng đảng Cộng Sản Việt Nam thì còn dè dặt hơn, đợi Trung Quốc thí nghiệm cái gì trước rồi mới theo.
Nhưng có những vấn đề mà chính đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng không giải quyết nổi. Một vấn đề lớn là guồng máy quản lý xã hội cũ vốn được vạch ra để cai trị trong một hoàn cảnh đơn giản, có cấp bậc trên dưới rõ ràng. Guồng máy này không còn thích hợp để cai quản một xã hội phức tạp; các tương quan cũ bị đứt, bị vỡ, và các tương quan mới đã nẩy sinh. Tương quan cũ dựa trên hệ cấp quyền hành, bây giờ thêm tương quan dựa trên tiền bạc, lợi lộc. Ðảng cộng sản không dám xóa bỏ hệ cấp quyền hành, nhưng vẫn phải công nhận hệ thống duy lợi. Hệ cấp quyền hành dựa trên đảng, trên tương quan quyền lực cá nhân. Hệ thống duy lợi dựa trên tiền, nhưng không có các luật lệ ràng buộc như trong các nước tư bản lâu đời. Hai mạng lưới đó chồng chéo lên nhau, tất nhiên đẻ ra tham nhũng. Ðó là một hiện tượng làm uy tín của đảng cầm quyền bị ở Trung Quốc và Việt Nam suy sụp.
Một hiện tượng khác là hệ quả của nền kinh tế tư bản phi luật pháp là tình trạng bất công về lợi tức, thu nhập và tài sản ngày càng cao và càng hiển nhiên. Không những bất công trong thu nhập, trong tài sản, mà hệ cấp quyền hành của đảng còn tạo ra cảnh bất công trong cơ hội sống và kiếm ăn nữa. Trong khi ý thức hệ được tuyên dương vẫn đề cao một xã hội bình đẳng, trong thực tế thì chính chế độ này lại nuôi dưỡng cảnh bất bình đẳng. Niềm tin của chính các đảng viên, ngay cả giới lãnh đạo đảng, cũng hao mòn.
Hiện nay, cuộc đổi mới kinh tế thúc đẩy tinh thần duy lợi và vị kỷ. Khơi dậy những điều xấu xa đó không khó gì cả. Chỉ cần buông thả ra là lòng tham, óc vị kỷ sẽ tự phát triển. Không có đạo đức để kiềm chế, cũng thiếu cả luật pháp để ràng buộc, nền luân lý bị đổ vỡ.
Trong lịch sử loài người, óc duy lợi và tính ích kỷ luôn luôn phải kèm theo một hệ thống các quy tắc luân lý hoặc giáo lý kiềm chế. Kinh tế tư bản phát sinh trong những xã hội đã có một nền luân lý cổ truyền, và chính các truyền thống tôn giáo giúp kiềm chế óc duy lợi, ích kỷ, để lái động lực tìm lợi lộc, hướng chúng vào các giá trị tinh thần. Khi kinh tế tư bản được thả lỏng trong một xã hội mất nền tảng, đạo lý đang tan rã, thì những điều xấu xa nhất của lối làm ăn đó tha hồ nẩy nở và tung hoành. Ðó là hoàn cảnh nước ta và Trung Quốc bây giờ.
Nói một đằng làm một nẻo, tất cả ý thức hệ cộng sản đã phá sản, không còn ai tin nữa, kể cả các đảng viên. Ðó là bị kịch của cả dân tộc. Muốn lập lại chữ TÍN trong xã hội Việt Nam bây giờ, chính những người có trách nhiệm, tức là giới lãnh đạo đảng Cộng Sản, phải nói thẳng, nói thành thật với mọi người: Từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Ðiều đó không có gì xấu, không có gì phải che đậy và trì hoãn. Vì chính họ đã không còn chủ nghĩa cộng sản tin nữa!
Ông Võ Nguyên Giáp sống như một đảng viên cộng sản gương mẫu suốt đời: Luôn luôn tuân thủ, chấp hành các quyết định của đảng. Cái đảng đó đã làm ông mất tư cách, mất cả danh dự. Chỉ vì ông đã học tập và thể hiện “đạo đức cách mạng” do Hồ Chí Minh dạy: Không có thứ đạo đức nào cao bằng tinh thần kỷ luật của đảng viên. Những người còn giữ lòng quý trọng ông nên giúp ông làm một việc mà chính ông không làm được: Xóa bỏ đảng cộng sản. Nó không những tiếp tục giết chết nhân cách của các đảng viên khác, mà còn làm bại hoại của nền đạo lý của dân tộc!
No comments:
Post a Comment