Thursday, October 3, 2013

Chỉ dấu cho dân chủ



Thu Hiền - Muốn biết một cộng đồng có sung túc hay không, hãy ra chợ. Các nhà kinh tế học thường nói, sự sầm uất hay tiêu điều của một cái chợ cho ta biết mức sống của dân cư vùng đó. Tương tự như vậy, muốn biết một quốc gia có dân chủ và nhân văn hay không, hãy xem cách họ đối xử với người thiểu số. Nếu người thiểu số được đối xử công bằng, bình đẳng, thì quốc gia đó chắc chắn có tự do và dân chủ.


Tại sao như vậy? Trong một quốc gia, các tầng lớp trung lưu và giàu có thường có nguồn lực và quan hệ để tự giải quyết các vấn đề của mình. Trong một nhà nước độc tài, hay mất dân chủ, tham nhũng hay cửa quyền, thì tiền vẫn giúp tầng lớp khá giả vượt qua các cửa ải hoặc sách nhiễu, thậm chí lũng đoạn chức quyền. Họ nắm giữ quyền lực hữu hình, và từ đó đưa những quan điểm đạo đức, niềm tin và tư tưởng của mình vào Hiến pháp và luật để thống trị và duy trì lợi thế của họ. Những người thiểu số thường phải gánh chịu tất cả những bất công tồn tại trong xã hội.
Ảnh: Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối
kỳ thị với Phật giáo (nguồn: internet)
Trên thế giới, một trong những nhóm thiểu số quan trọng hay được chú ý tới là nhóm thiểu số tôn giáo. Những kỳ thị do khác biệt về niềm tin thường dẫn đến những xung đột, thậm chí bạo lực. Chính vì vậy, hãy nhìn cách một quốc gia đối xử với những người theo đạo thiểu số, ví dụ như Đạo thiên chúa ở một quốc gia Do thái hoặc đạo Hồi ở một quốc gia Phật giáo, để biết quyền tự do tín ngưỡng của quốc gia đó như thế nào. Tương tự như vậy, một quốc gia nếu đa số người dân không theo đạo thì những người theo đạo có bị coi là mê muộn, mê tín dị đoan hay không. Ngược lại, nếu đa số người dân theo đạo, thì những người không theo đạo có bị coi là thiếu niềm tin vào các giá đạo đức hay không. Một xã hội dân chủ, là một xã hội đối xử với những niềm tin tôn giáo, hay không theo niềm tin tôn giáo như nhau, trong cả luật pháp lẫn quan niệm xã hội.
Đối xử với người dân tộc thiểu số, hay dân tộc bản địa theo cách gọi phố biến trên thế giới, cũng là một chỉ số quan trọng để xem quốc gia đó có dân chủ và nhân văn hay không. Do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện sinh sống dựa vào thiên nhiên là chính, nên nhiều cộng đồng dân cư thiểu số có văn hóa và sinh kế rất khác biệt. Do sự khác biệt này, họ thường bị lề hóa, bị đô hộ theo triết lý thực dân, dẫn đến việc bị đồng hóa, thậm chí biến mất. Chính vì vậy, việc xem điều kiện sinh sống của các nhóm dân tộc thiểu số có tốt hay không, đất đai tổ tiên của họ có được gìn giữ hay không, quan trọng hơn, văn hóa, ngôn ngữ và thực hành tâm linh của họ có được tôn trọng hay không, là biết quốc gia đó có tôn trọng sự khác biệt và quyền con người hay không.
Một nhóm thiểu số thứ ba đang ngày càng được quan tâm và nói đến, đó là nhóm thiểu số tính dục. Người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), do khác biệt về xu hướng tính dục và bản dạng giới (Sexual Orientation and Gender Identity - SOGI) mà đang phải đối mặt với những phân biệt đối xử, thậm chị bạo lực mất mạng sống. Ở nhiều quốc gia châu Phi hoặc Trung đông như Uganda, Sudan hay Iran, việc sống là chính mình của họ bị tội phạm hóa, có thể bị phạt tù hoặc tử hình. Ở đa số ở châu Á, quan hệ cùng giới không bị nhà nước can thiệp, nhưng quyền kết hôn cũng như quyền mưu cầu hạnh phúc của họ không được thừa nhận. Các xúc phạm về lời nói, hành vi hoặc bạo lực gia đình vẫn còn. Ở các nước dân chủ hơn, như Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy... người đồng tính, song tính và chuyển giới đã được thừa nhận quyền bình đẳng, trong đó có quyền kết hôn với người yêu cùng giới tính của mình.
Bản chất của một xã hội, hay nhà nước dân chủ là tôn trọng sự khác biệt để bảo vệ tự do của tất cả mọi người. Dân chủ, không đơn giản là “đa số thắng thiểu số”. Dân chủ là ai cũng có cơ hội để phát triển theo ước muốn của mình, không bị áp đặt, dẫn dắt hoặc đe dọa. Chính vì thế, không cần những chỉ số quá phức tạp để nói một quốc gia có tự do và dân chủ hay không, hãy nhìn vào cách họ đối xử với những người thiểu số trong xã hội của chính mình để biết điều đó.

No comments:

Post a Comment