Monday, September 2, 2013

Quá trình chuyển đổi dân chủ tại Việt Nam



Vũ Đức Khanh, Võ Tấn Huân - Việc cải cách và dân chủ hóa tại Việt Nam là điều cấp thiết. Nhưng câu hỏi được đặt ra là dân chủ hóa theo mô thức nào? Dân chủ là một ý tưởng và được định hình bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc hướng đến một nhà nước thật sự của dân với bản hiến pháp dân chủ để đảm bảo xã hội công bằng là điều thiết yếu...


Nhu cầu cần thay đổi
Sau khi Việt Nam đã thông qua chính sách cải cách kinh tế vào thập niên 1980 nhằm tránh cuộc sụp đổ toàn diện, mức sống của người dân trong cả nước đã được cải thiện đáng kể. Nhưng trong thực tế, việc tự do hóa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam không giúp tạo ra cơ hội bình đẳng (mục tiêu mà chủ nghĩa xã hội luôn hướng tới) cho người dân làm kinh tế mà chỉ dành cho một vài tầng lớp trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là tầng lớp "tư bản đỏ" và họ thu lợi từ sức lao động của chính đồng bào mình.
Tuy nhiên sau năm 2008, đúng vào lúc suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng sang nhiều nước thì thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế Việt Nam đã đột ngột kết thúc sau nhiều năm chính phủ quản lý yếu kém các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Mặc dù trong tình trạng suy thoái và khủng hoảng nhưng vấn nạn tham nhũng lại không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Thay đổi là điều bức thiết và nhiều nhà hoạt động cũng như bloggers đã lên tiếng bày tỏ chính kiến của họ, bất chấp những trù dập và tù đày được hệ thống chính trị Việt Nam dàn dựng trước.
Trước những yêu cầu cải cách hệ thống chính trị và hiến pháp ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam, câu hỏi đặt ra là “Thay đổi bằng cái gì?”. Ai sẽ thay thế chính phủ hiện hành? Các nhà hoạt động đòi hỏi sự thay đổi, nhưng điều quan trọng là họ cần có các kế hoạch để tiếp tục quản lý đất nước nếu những thay đổi này diễn ra.
Khi quá trình chuyển đổi diễn ra, dù cơ chế và hệ thống cũ sẽ được thay đổi bằng nhà nước dân chủ của dân thì phần lớn nhân sự trong nhà nước cộng sản hiện nay có lẽ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất là một thời gian. Bởi vì không thể qua một đêm, một đảng chính trị có thể đủ mạnh và đủ nhân lực để thay thế toàn bộ nhân lực từ trung ương đến địa phương của hệ thống hiện nay. Thêm vào đó, việc xây dựng đất nước nhất thiết phải dựa trên tinh thần hòa hợp dân tộc và hợp tác giữa nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.
Dân chủ là một quá trình tiến hóa, phản ánh phong tục, văn hóa, và nguyện vọng của người dân. Hiện chưa có mô hình dân chủ nào có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu cũng như mong muốn của Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở việc lựa chọn để đất nước đi theo chế độ nào mà phải cụ thể hóa qua bản hiến pháp toàn dân.
Chắc chắn mối quan tâm lớn nhất đối với bất kỳ cải cách nào ở Việt Nam là việc Đảng Cộng sản sẽ bị thay thế bởi một giai cấp thống trị khác, làm cho tình trạng hiện nay tiếp tục được duy trì dưới một lớp vỏ bọc khác. Tương tự như những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng làm đối với tầng lớp công nông khi thay thế chế độ phong kiến vua chúa bằng một thể chế “đảng là vua”. Do đó, việc thay đổi tại Việt Nam nên diễn ra từ từ nhưng nhất quán, chậm nhưng chắc, tránh để đất nước bị khai thác và lạm dụng bởi bất cứ một nhóm người nào.
Năm 2006 khi Đảng Dân chủ Việt Nam được phục hoạt tại Hà Nội bởi cố Tổng Thư ký Hoàng Minh Chính, một làn sóng ủng hộ đa đảng dâng lên trong nước. Thời gian gần đây, ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận – hai nhân vật quan trọng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – đã đề nghị thành lập Đảng Dân chủ Xã hội trong sự hoan nghênh của những thành phần yêu nước. Đây có thể trở thành những động lực đưa tới tiến trình chuyển đổi trong ôn hòa tại Việt Nam.
Bắt đầu từ hiến pháp
Một Việt Nam mới phải tìm cách nâng cao mức sống của người dân và cùng lúc cũng phải cho phép người dân những cơ hội bình đẳng để phát huy tối đa tiềm năng của họ.
Ngoài các vấn đề cốt lõi như quốc phòng và phát triển cơ sở hạ tầng, chính phủ cần cung cấp các chương trình phúc lợi, an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ tối đa cùng lúc nâng cao chất lượng giáo dục. Sau khi kinh tế đất nước bắt đầu cất cánh, chính phủ cần rút dần vai trò của mình khỏi việc làm kinh tế. Thay vì trực tiếp làm kinh tế, chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cũng như tạo vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế bằng nền kinh tế quốc dân nội địa vững mạnh.
Chính phủ phải đóng vai trò một trọng tài để điều phối nhiều vấn đề trong đó có kinh tế và xã hội. Trách nhiệm của chính phủ là tạo dựng và duy trì sự công bằng trong xã hội, bảo vệ các quyền cơ bản của công dân cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật (không phải bảo vệ chủ nghĩa hay đảng chính trị nào).
Chính phủ cần tôn trọng ý muốn, nguyện vọng của đa số cũng như quyền lợi của thiểu số. Cho nên, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và trách nhiệm tài chính là tối quan trọng.
Mối quan tâm tiếp theo là,"Chính phủ sẽ định hình thể chế chính trị theo mô thức nào?".Việt Nam mới sẽ áp dụng Tổng thống chế hay Đại nghị chế? Một câu hỏi như vậy không phải là chủ đề của bài viết này; tuy nhiên, trả lời câu hỏi này là điều cần thiết để quá trình chuyển đổi ôn hòa từ hệ thống độc đảng sang một nền dân chủ đa đảng có thể diễn ra.
Vì vậy, mục đích không phải là để thay thế một chính phủ thất bại này bằng một chính phủ thất bại khác, thay thế một giai cấp thống trị bằng một giai cấp thống trị khác. Sứ mệnh của đất nước cần có tiếng nói cũng như sự tham gia của toàn dân chứ không riêng một thành phần nào.
Nhà nước pháp quyền (thượng tôn pháp luật) là nền tảng vững chắc của xã hội công bằng. Dù với tên gọi là dân chủ xã hội, xã hội chủ nghĩa, dân chủ tự do hay là gì đi chăng nữa thì đất nước cũng cần cụ thể hóa bằng pháp luật. Vì thực tế, pháp luật chi phối tất cả mọi hành động trong xã hội.
Hiến pháp chính là nền tảng của quốc gia và là điều kiện tiên quyết để đảm bảo đất nước phát triển toàn diện. Chính hiến pháp dân chủ sẽ hình thành ra cơ chế nhà nước chuẩn mực nên bắt đầu từ một bản hiến pháp dân chủ toàn dân là điều quan trọng đầu tiên.
Vũ Đức Khanh, Võ Tấn Huân

No comments:

Post a Comment