Uyên Vũ - Ngày 31/7, nghị định số 72/2013/NĐ-CP của chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã chính thức công bố tại Hà Nội và lập tức nhận nhiều ý kiến phê phán, phản hồi. Nghị định 72 do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15/7, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9.
Nghị định 72 có 6 chương với 46 Điều và nhiều khoản mục bao quát nhiều lĩnh vực về Internet. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng trong cuộc họp báo khi công bố thì nghị định này nhằm thay thế cho Nghị định số 97 ban hành năm 2008.
Trong 46 điều khoản có một điều khoản được chú ý đặc biệt, là khoản 4, điều 20, mục 1, chương 3 quy định: "Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp". Như vậy, theo nghị định, những tài khoản, trang thông tin cá nhân được lập thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Blogspot... sẽ đăng thông tin chỉ riêng của cá nhân đó và không được lấy hoặc tổng hợp thông tin từ các nguồn báo chí.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, giải thích: "Trước hết chúng ta phải nói rõ đây là trang thông tin của cá nhân, mà các trang cá nhân thì được phép đưa thông tin về những thứ của chính mình, không được dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước". Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng bổ sung: "Trích dẫn phải xin phép và được đồng ý. Ngay cả việc đưa thông tin cá nhân cũng phải tuân thủ quy định pháp luật".
Một nội dung khác trong nghị định này cũng đặc biệt được chú ý là quản lý thông tin xuyên biên giới. "Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam". Các quan chức khi trả lời công luận đều đề cập đặc biệt đến các mạng xã hội lớn nhất thế giới và có đông đảo người sự dụng ở Việt Nam là Facebook và Blogspot.
Dĩ nhiên, các nhà cung cấp hai dịch vụ trên khi có thu nhập lớn trên lãnh thổ Việt Nam thì cần đóng thuế. Nhưng họ không có hoặc chưa được mở văn phòng đại diện tại VN (có thể do họ không đồng ý với các quy định của nhà nước) thì không thể cấm người Việt dùng dịch vụ của họ.
Ở Điều 5 "Các hành vi bị cấm" có những khoản đáng chú ý: Chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia; trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự' kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định...
Điều 10 có nội dung: "Được sử dụng các dịch vụ trên Internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật".
Nghị định 72 vừa ban hành đã làm dấy lên nhiều xôn xao, nghi ngại trong xã hội. Nhiều bài báo, nhiều bình luận của giới blogger cũng như từ những người sử dụng internet bình thường. Có nhiều bài báo diễn giải nghị đình này một cách trái chiều, nhiều nhận định và ý kiến phê phán kịch liệt... Một số điều khoản trong nghị định này chồng chéo với những điều khoản trong các bộ luật khác, nhất là bộ luật hình sự.
Điều đó cho thấy một xã hội đã trưởng thành hơn với thông tin vì họ nhận thức được bằng các biện pháp khác nhau, nhà cầm quyền đang siết chặt thế giới mạng, đặc biệt là lưỡi gươm công quyền đang kề vào cổ các blogger bất đồng chính kiến, các nhà đấu tranh dân chủ. Một blogger có thể sẽ bị quy kết cả Điều 5 nghị định này lẫn các Điều 258, 88 và 79 của bộ Luật Hình sự. Nhưng bằng những lý lẽ và bằng chứng thuyết phục, chắc chắn các blogger sẽ tác động đến cách hành xử của nhà cầm quyền. Một văn bản pháp luật đi trái với xu thế toàn xã hội sẽ bị đào thải ???
Chúng ta có quyền hy vọng như thế.
No comments:
Post a Comment