Saturday, July 13, 2013

Một Trục Chống Mỹ Mới?



LESLIE H. GELB and DIMITRI K. SIMES | The New York Times
Mai Xương Ngọc dịch
Chuyến bay của kẻ rò rỉ thông tin Edward J. Snowden từ Hong Kong đến Moscow hồi tháng trước đã có thể không thực hiện được nếu thiếu sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Cách hành xử của hai nước này trong vụ Snowden thể hiện tính quyết đoán ngày càng tăng và tư thế sẵn sàng hành động của họ bằng cái giá phải trả của Mỹ.

Trung Quốc và Nga không ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trên vấn đề Syria ? (Ảnh: Internet)
Ngoài việc bảo vệ ông Snowden, các chính sách của Trung Quốc và Nga đối với Syria đã làm tê liệt Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong hai năm, ngăn chặn hoạt động quốc tế chung. Vấn đề tin tặc Trung Quốc tấn công các công ty Mỹ, cũng như các vụ tấn công mạng của Nga nhắm vào các nước láng giềng cũng đã gây ra mối quan ngại đối với Washington. Trong khi Moscow và Bắc Kinh thường ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, rõ ràng là họ không sẵn sàng tiến xa như Washington, còn bất kỳ sự thay đổi nào trong cách tiếp cận phối hợp của họ có thể ngay lập tức phá hủy chính sách của Hoa Kỳ về vấn đề này và gây nguy hiểm cho lợi ích an ninh và năng lượng của Mỹ. Để nhấn mạnh tiềm năng hợp tác mới, Trung Quốc giờ đây triển khai các cuộc tập trận hải quân lớn chưa từng có – với Nga.
Để thúc đẩy tốt hơn các lợi ích của họ, Nga và Trung Quốc dường như đã quyết định rằng họ cần phải làm cho Washington hết vênh váo. Có thể cả hai đều không muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới, chưa nói đến các cuộc xung đột nóng, và các hành động của họ trong trường hợp ông Snowden đã thể hiện điều đó. Trung Quốc cho phép ông ta nhập vào Hồng Kông, nhưng lại nhẹ nhàng thúc giục ông ta ra đi, trong khi đó nước Nga, sau khi có một vài lời lẽ khiêu khích, dường như đã dịu giọng.
Tuy nhiên, cả hai nước đang tìm kiếm sức mạnh ngoại giao lớn hơn, mà họ hiển nhiên cho là chỉ có thể có được bằng cách kiềm chế Mỹ. Trong các vấn đề thế giới, không có cách nào tốt hơn để phô trương sức mạnh của một quốc gia bằng cách làm giảm rõ rệt sức mạnh của cường quốc mạnh nhất.
Cách tiếp cận mới này xuất phát một phần từ ý thức về sức mạnh ngày càng tăng của họ so với Mỹ và sự nhấn mạnh ngày càng lớn về những khác biệt trong các vấn đề như Syria. Cả Moscow và Bắc Kinh đều phản đối nguyên tắc can thiệp quốc tế vào các vấn đề chủ quyền của một quốc gia, dù không nghiêm trọng như hành động lật đổ một chính phủ, như đã xảy ra ở Libya năm 2011. Xét cho cùng, nguyên tắc đó luôn có thể phản tác dụng đối với họ.
Hai nước này cũng không ưa phải chứng kiến phương Tây có hành động chống lại các nhà lãnh đạo thân thiện với họ, như Tổng thống Bashar al-Assad của Syria. Khi ý thức về những lợi ích chung này trở nên cố thủ, sự tăng cường hợp tác giữa Nga và Trung Quốc có thể gây rủi ro nghiêm trọng đối với Mỹ và thế giới.
Hành vi của họ cho thấy họ coi cái giá phải trả sẽ ít hơn khi thách thức Mỹ, cũng sẽ ít được lợi hơn khi cư xử với Mỹ như một đối tác. Những toan tính này xuất phát từ hai nhận thức nguy hiểm.
Đầu tiên, họ nhìn thấy sự suy tàn và sa sút của Mỹ. Theo quan điểm của họ, Mỹ đứng bên lề của lịch sử, vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với châu Âu và một phần châu Á, trong khi mất đi đòn bẩy kinh tế và thẩm quyền đạo đức đối với phần còn lại của thế giới. Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan mà không giành chiến thắng đã góp phần tạo nên một ấn tượng có liên quan rằng ưu thế quân sự không bị tranh cãi của Mỹ không có mấy giá trị trong việc đạt được các mục tiêu chính sách trong nội bộ dân chúng.
Thứ hai, nhiều người thuộc giới tinh hoa Nga và Trung Quốc xem các mục tiêu chính sách của Mỹ là đối nghịch cơ bản với lợi ích sống còn của họ. Không nhóm nào coi sự thúc đẩy nền dân chủ Mỹ như là sự phản ánh của bất cứ cam kết tự do thực sự nào; thay vào đó, cả hai nhận thấy đó như là một cuộc thập tự chinh có chọn lọc để làm suy yếu các chính phủ thù địch với Mỹ hoặc nắm giữ quá nhiều quyền lực khiến cho Mỹ không thấy yên tâm.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã làm rõ rằng sự ủng hộ của Washington đối với các nước láng giềng của hai nước này trong mọi tranh chấp có liên quan đến Bắc Kinh hay Moscow không phải là vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế, mà là một hình thức ngăn chặn nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng khu vực và toàn cầu của hai cường quốc lớn.
Sự ủng hộ của Mỹ đối với Georgia và các nước Cộng hòa Liên Xô cũ ở Trung Á làm phiền Nga. Tương tự như vậy, Trung Quốc xem việc Mỹ ủng hộ Việt Nam và Philippines trong các tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh là một mối đe dọa.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Tập Cận Bình của Trung Quốc thực hiện chuyến đi quốc tế đầu tiên của ông ta đến Moscow trên danh nghĩa Chủ tịch nước, nơi ông ta nói với người tương nhiệm của ông ta, Tổng thống Vladimir V. Putin, rằng Bắc Kinh và Moscow nên “kiên quyết ủng hộ lẫn nhau trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền lợi an ninh và phát triển”, và hứa sẽ “phối hợp chặt chẽ” về các vấn đề khu vực và quốc tế. Ông Putin đáp lại bằng cách nói rằng “quan hệ đối tác chiến lược giữa chúng ta có tầm quan trọng lớn trên cả bình diện song phương lẫn toàn cầu.” Trong khi lời nói của hai nhà lãnh đạo có thể tạo ra ấn tượng của sự thông đồng với nhau hơn là cần thiết, để cho chắc chắn, nên cho rằng họ hiểu chính xác thông điệp mà họ đã gửi đi.
Các nhà hoạch định chính sách ở Washington phải cẩn thận đánh giá sự thân mật ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời ý nghĩa của mối quan hệ này đối với Mỹ. Bỏ qua điều này sẽ là việc làm ngu ngốc.
Vâng, Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục bị chia rẽ bởi lịch sử nghi kỵ lẫn nhau, cũng như các lợi ích kinh tế gây mâu thuẫn, và các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Mối quan tâm của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên vượt quá sự quan tâm của Nga, còn phần can dự của Nga ở Syria lớn hơn so với Bắc Kinh. Còn ở Trung Á, hai nước lại là đối thủ cạnh trạnh công khai. Hơn nữa, Trung Quốc là một siêu cường đang lên, còn Nga đang đấu tranh để được ở lại trong sân chơi lớn, khiến cho họ có những quan điểm khác nhau về các vấn đề thế giới.
Dẫu sao, cả hai nước đều chia sẻ một mối quan tâm mạnh mẽ cho việc duy trì mối quan hệ đối tác với Mỹ và Liên minh châu Âu, những đối tác thương mại chính của họ, đồng thời cũng là những người cai quản hệ thống tài chính quốc tế, nơi mà mỗi nước đều góp một phần quan trọng. Đây là những lý do mạnh mẽ để họ tiếp tục cộng tác với Washington, nhưng Mỹ không nên nghĩ rằng chúng sẽ ngăn cản đường lối chống Mỹ mới ở Bắc Kinh và Moscow. Điều đó có thể là một hiểu lầm lịch sử đầy nguy hiểm.
Trước Chiến tranh Thế giới thứ I, nhiều người giả định rằng sự vướng vứu kinh tế lẫn nhau, cũng như những phí tổn khổng lồ của chiến tranh sẽ có thể ngăn chặn xung đột giữa các cường quốc châu Âu. Vào đêm trước Chiến tranh Thế giới thứ II, Cộng sản Nga và Đức Quốc xã dường như là những đồng minh mà không ai nghĩ đến, cho đến khi hiệp ước bất tương xâm kéo dài hai năm có tên là hiệp ước Molotov-Ribbentrop đã để lại châu Âu trước đống đổ nát và hàng triệu người chết.
Tổng thống Obama không nên nhìn Trung Quốc và Nga như kẻ thù hay bạn bè, nhưng nên nhìn họ như là những cường quốc quan trọng có những lợi ích riêng của họ, như vụ việc Snowden đã cho thấy. Ban đầu, ông Obama chửi bới cả hai một cách công khai nhưng vô hiệu, rồi thúc giục họ dẫn độ ông Snowden. Chỉ đến khi ông Obama làm dịu lập trường công cộng và củng cố đường lối riêng của ông thì Bắc Kinh và Nga mới bắt đầu nhìn thấy những lợi thế của việc tránh đối đầu kéo dài.
Washington cần phải hiểu rằng các mối đe dọa an ninh lớn nhất trên thế giới – từ Syria đến Iran và Bắc Triều Tiên – sẽ không thể được xử lý một cách an toàn và thành công mà không có sự hợp tác của Nga và Trung Quốc. Đối với Syria, phương pháp này có nghĩa là đánh giá cao mối quan hệ lịch sử giữa Moscow và giới lãnh đạo Alawite của đất nước, cũng như sự quan tâm của Nga về số phận người Kitô hữu ở Syria, đặc biệt là Kitô hữu Chính Thống Giáo. Trong cách đối phó với Bắc Kinh, điều này có nghĩa là bảo vệ mạnh mẽ các lợi ích thương mại của Mỹ, trong khi biết rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại thực sự trong việc xử lý các vấn đề kinh tế nội bộ của họ.
Để đạt được sự tôn trọng của Nga và Trung Quốc, Nhà Trắng đầu tiên phải chứng minh rằng giới lãnh đạo Mỹ giữ vai trò thiết yếu để giải quyết các vấn đề thế giới quan trọng, bao gồm cả những vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc và Nga. Nước Mỹ không không thể bị xem như là ở thế bị động.
Các mối quan hệ với Nga và Trung Quốc đáng được dành ưu tiên, nhưng Mỹ không nên e ngại khi giữ vững lập trường trong một số trường hợp, hoặc trong những trường hợp khác, hợp tác với hai cường quốc độc tài, nhưng rốt cuộc vẫn là những cường quốc thực dụng. Nếu làm khác đi sẽ lại là một hành động dại dột có tầm vóc lịch sử.
* Ông Leslie H. Gelb, một bình luận viên, biên tập viên và phóng viên trước kia của tờ The New York Times, là chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations). Ông Dimitri K. Simes là chủ tịch Trung tâm vì Quyền lợi Quốc gia (Center for the National Interest), và phát hành tạp chí The National Interest thuộc Trung tâm này.
Một phiên bản của bài viết có quan điểm khác này xuất hiện trên bản in ngày 07 Tháng Bảy 2013, trên trang SR5 của ấn bản New York với tiêu đề: Một Trục Chống Mỹ Mới?.
Nguồn: LESLIE H. GELB and DIMITRI K. SIMES, “A New Anti-American Axis?“, The New York Times, ngày 6 Tháng Bảy 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle

No comments:

Post a Comment