Thursday, July 25, 2013

Mặc Giao - Cuộc trốn chạy của gia đình tôi



Vũ Thị Phương Anh: Chép lại đoạn này trong bài viết của Mặc Giao, vì tác giả đã nói thay tôi. Chỉ có điều, vì nhiều lý do, tôi đã không lập lại cuộc ra đi đó vào sau năm 1975, để hôm nay ngồi đây đọc lại bài viết về cuộc di cư của bố mẹ tôi cách đây 59 năm. Và "mong sẽ quên chuyện non nước mình".


CUỘC TRỐN CHẠY CỦA GIA ĐÌNH TÔI
Là dân thành phố ở lại sau khi Việt Minh đã tiếp quản Nam Định từ tháng 6-1954, gia đình tôi chưa có quyết định dứt khoát đi hay ở. Chúng tôi nhiều lần sững sờ vì những vụ ra đi bất ngờ của những người thân quen. Việc đi Nam được giữ bí mật, không ai nói với ai, đôi khi được giữ kín với cả anh chị em ruột. Buổi sáng khi thức dậy, nếu thấy nhà hàng xóm đóng kín cửa, không một tiếng động, không một bóng người, là biết nhà đó đã đi rồi, đi rất sớm, bằng xe hàng hay bằng phương tiện nào khác lúc trời chưa sáng hẳn. Lúc đó người ở lại vừa buồn vừa phân vân. Đi hay ở? Đi thì phải bỏ lại hết và làm cách nào để có thể sống nơi xa lạ? Lịch sử tái diễn với những cuộc vượt biên 20 năm sau.
Đến tháng 11-1954, bố mẹ tôi mới mới sửa soạn đưa gia đình di cư vào Nam. Yếu tố quyết định là việc cán bộ kinh tế đòi xát nhâp xưởng tiểu công nghệ của bố mẹ tôi vào công ty hợp doanh với nhà nước. Bố tôi biết đây là thủ đoạn nhà nước kiểm soát trước rồi chiếm hữu sau. Sưu cao thuế nặng đã bắt đầu đè trên tư nhân. Tôi có chiếc xe đạp “demi course” rất nhẹ bằng duras do Đức sản xuất, chiếc xe tôi dùng đi học và đã đạp tới tận Thái Bình để thu tiền hàng. Khi sửa soạn di cư, tôi đem chiếc xe thân yêu ra bán ở chợ trời. Khi vừa ngã giá 800,000 tiền cụ Hồ với người mua thì một cán bộ mặc sơ-mi nâu, đeo sắc cốt, xuất hiện ngay sau lưng và đòi tôi đóng thuế 400,000. Tôi không bán nữa, đưa xe về để lại cho một người bà con với giá thấp hơn, nhưng không bị mất tiền thuế cao đến vô lý như vậy. Ngay lúc đó, tuy mới chỉ là một đứa con nít 14 tuổi, tôi đã nhận ra thật khó sống với mấy ông Việt Minh này.
Gia đình tôi phải đi Hải Phòng làm hai đợt. Đợt đầu bố tôi dẫn tôi và hai em trai đi theo. Mẹ tôi, chị họ tôi và hai em nhỏ phải đợi đi đợt sau. Chúng tôi đi xe hàng lên Hà Nội rồi từ đó đi xe hỏa xuống Hải Phòng. Hà Nội đã được Việt Minh tiếp thu từ tháng 10. Muốn đi Hải Phòng phải có giấy phép vì là đi vào vùng địch còn kiểm soát. Rất may bố tôi đã dự liệu và có giấy phép đi mua hàng. Địa điểm ranh giới giữa hai vùng kiểm soát là ga Đỗ Xá thuộc tỉnh Hải Dương trên quốc lộ số 5. Tại ga này, trước khi sang vùng địch kiểm soát, mọi hành khách đều bị lục xét tỉ mỉ. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị lột quần áo để khám xem có dấu vàng và tiền Đông Dương Ngân Hàng trong người hay không. Vàng và tiền Đông Dương bị tịch thu hết. Nhiều người khi bị lột hết vàng và tiền đã khóc lóc quay về, không dám đi Nam khi chỉ có hai bàn tay trắng.
Bố tôi biết trước chuyện này nên đã nghĩ ra cách dấu vàng rất hiệu qủa. Ông cho ba anh em chúng tôi đi guốc mộc. Mỗi chiếc guốc được dùi hai lỗ xuyên chỗ đóng quai. Mỗi lỗ có một lượng vàng lá Kim Thành được cuộn lại và luồn vào. Sau đó quai guốc được đóng lại bằng đinh và che lỗ. Bố tôi còn lấy nước muối xoa trên đinh để làm cho đinh dỉ xét trông như đinh cũ. Thế là ba anh em tôi với ba đôi guốc có thể mang theo 12 lượng vàng. Chỉ khổ cho tôi phải canh chừng các em, một đứa 10 tuổi, một đứ 7 tuổi, để chúng đừng tiết lộ bí mật và đừng đánh rơi guốc từ trên xe lửa. Riêng bố tôi, ông còn đánh lừa cán bộ bằng một mánh khác. Ông cuốn giấy bạc 100 đồng Đông Dương trong những điếu thuốc lá được rút ruột, rồi ấn lại chút thuốc ở hai đầu. Ông bỏ 15 điếu thuốc có tiền vào vào phiá trong bao thuốc thơm Du Kích hay Điện Biên, 5 điếu phiá ngoài là thuốc thật. Ông tỉnh bơ rút thuốc hút trước mặt cán bộ, đôi khi còn mời cán bộ hút một điếu cho vui. Nhờ có chút vốn liếng nhỏ mang theo, gia đình tôi mới dễ xoay sở trong những ngày đầu đặt chân đế Sài Gòn.
Đến Hải Phòng, bố tôi giao chúng tôi cho một người anh họ của ông đang ở trại tạm trú để nhờ bác trông coi chúng tôi trong khi bố tôi trở lại Nam Định đón mẹ, chị và hai em tôi. Chúng tôi ở với bác và anh Thanh con bác tại căng (camp) Hạ Lý nằm giáp ranh thành phố Hải Phòng. Đây là một khu trại được dựng với hàng trăm lều vải lớn của quân đội, có thể cung cấp nơi tạm trú cho hàng ngàn dân di cư trong thời gian làm giấy tờ và chờ tàu hay máy bay chở vào Nam. Trong thời gian ở trại, chúng tôi được phát gạo nhưng phải tự túc mua thức ăn. Bên cạnh trại, mỗi buổi sáng có những người buôn thúng bán bưng đến bán rau, thịt cá và gia vị. Việc ăn ở kể như tạm ổn. Đối với tôi chỉ có hai nỗi khổ. Một là lều vải nhà binh tỏa hơi nóng, mùi vải bố rất ngột ngạt khi trời nắng và nền đất lầy lội sũng nước khi trời mưa. Hai là sự mong ngóng từng giờ từng phút bố mẹ tôi từ Nam Định đến đoàn tụ với chúng tôi. Tôi đã nghĩ nếu có chuyện gì xảy ra khiến bố mẹ tôi không đi được, tôi sẽ dẫn các em trở về, không thể đi Nam khi không có bố mẹ.
May mắn thay, chỉ một tuần sau, bố mẹ, chị và các em tôi đã đi lọt và có mặt ở Hải Phòng. Bố tôi hú hồn vì thoát được bàn tay công an. Tối hôm trước ngày bố tôi về lại Nam Định để đưa nốt gia đình đi đợt hai, loa phát thanh của khu phố đã gọi rõ tên bố tôi và tố cáo bố tôi đi vào vùng địch để nhận công tác gián điệp cho địch. Nghe tin này, bố tôi cùng gia đình rời khỏi nhà ngay trong đêm. Sáng sớm hôm sau lấy xe đi Hà Nội ngay. Công an không trở tay kịp nên bố tôi đã thoát và gia đình tôi mới được đoàn tụ.
Ở Hải Phòng, bố tôi đưa mẹ con tôi đến ở nhờ nhà một người quen tại phố Dinh. Trong thời gian lo giấy tờ và chờ đi Sài Gòn, chúng tôi có dịp thăm viếng Hải Phòng, thành phố lớn thứ nhì của miền Bắc. Chúng tôi đi thăm chợ Sắt, phố Khách, nhà hát lớn, đi lễ nhà thờ phố Dinh…, nhìn cảnh thành phố đìu hiu chờ ngày đổi chủ.
Ngày 8-12-1954, chúng tôi được xe nhà binh chở từ điểm hẹn tại nhà hát lớn Hải Phòng tới phi trường Cát Bi. Từ đó chúng tôi được máy bay cánh quạt của Air Vietnam chở vào Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi được đi máy bay, được một cô chiêu đãi viên mời nước ngọt miễn phí. Nhưng vì ly nước có “gaz”, tôi đã ói ra mật xanh mật vàng, quên cả nhìn xuống quê hương miền Bắc để nói lời giã biệt.
59 năm đã trôi qua. Tôi vẫn chưa về thăm lại quê hương miền Bắc. Nếu Trời cho có ngày tôi về được, thì chắc cây đa bến cũ con đò đã khác xưa! Và người cũ sẽ còn lại ai?
Mặc Giao

No comments:

Post a Comment