Joshua Keating | Foreign Policy
Minh Trang dịch
Minh Trang dịch
Các biến cố đang diễn ra nhanh chóng ở Ai Cập, nhưng dường như quân đội Ai Cập đã can thiệp để cách chức Tổng thống Mohammed Morsy sau một tuần xảy ra các cuộc biểu tình ồ ạt chống lại chính phủ được lãnh đạo bởi nhóm Anh em Hồi giáo.
[Cập nhật: Tin chính thức. Quân đội “nói với Tổng thống Morsy vào lúc 17:00 GMT rằng ông ta không còn là Tổng thống nữa”. Nhà lãnh đạo của Hội đồng Tối cao Lực lượng Vũ trang Ai Cập (SCAF), ông Abdul Fath Khalil al-Sisi, tuyên bố trên truyền hình rằng Hiến pháp hiện bị treo và một chính phủ của “các nhà kĩ trị” sẽ được thiết lập dưới sự lãnh đạo của Chánh án Tòa án Tối cao.]
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Morsy gọi những gì đang diễn ra là một “cuộc đảo chính quân sự”, và theo định nghĩa truyền thống của thuật ngữ đó – “khi quân đội hoặc một thành phần của quân đội sử dụng quyền lực để cưỡng chế giới chóp bu của đất nước, lập ra chính quyền của chính họ, và phần còn lại của nhà nước tuân thủ chế độ mới” – có vẻ như sự kiện này dĩ nhiên là phù hợp với mô tả.
Vậy những người ủng hộ nền dân chủ ở Ai Cập – bao gồm cả các đám đông ở quảng trường Tahrir và các nhà quan sát quốc tế – nghĩ về những sự kiện này như thế nào? Theo truyền thống, các cuộc đảo chính quân sự được coi là đối nghịch với tiến trình dân chủ – quyền lực chính trị cơ bản bị thâu tóm bởi nòng súng hơn là bởi thùng phiếu. Trên thực tế, luật pháp Hoa Kỳ – dù chỉ là một bộ luật thường được diễn giải lòng vòng – không cho phép cung cấp viện trợ nước ngoài cho các chính phủ giành chính quyền bằng các cuộc đảo chính quân sự. (Bất kể họ phản ứng như thế nào trước các sự kiện xảy ra hôm nay, đừng hy vọng rằng các quan chức của chính quyền Obama sẽ “ôm vai bá cổ” với tuyên bố “đảo chính” xảy ra chiều nay.)
Nhưng liệu có thể xảy ra trường hợp một cuộc đảo chính có thể thúc đẩy dân chủ? Trong một bài viết năm 2012 cho Tạp chí Luật quốc tế Harvard của ông Ozan Varol, giờ là giáo sư tại Trường Luật Lewis & Clark, ông ta lập luận rằng phần lớn các cuộc đảo chính về bản chất là phi dân chủ và dẫn đến những chế độ chính trị ít dân chủ hơn, nhưng lại có những ví dụ đáng chú ý về “các cuộc đảo chính dân chủ”.
Nếu khái niệm đó nghe có vẻ vô lý, hãy thử xem xét sự kiện rằng ngày mai người Mỹ sẽ tôn vinh một cuộc nổi dậy vũ trang để lật đổ chính phủ độc tài. Vì sao các cuộc nổi dậy đẫm máu đôi khi lại được coi là hợp pháp, mà không phải là những hành động của giới quân đội để thay mặt cho những công dân bị tước quyền?
Ông Varol viện dẫn ba trường hợp nghiên cứu: Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kì năm 1960, trong đó giới quân đội lật đổ Đảng Dân chủ cầm quyền, một đảng đã từng bước hợp nhất quyền lực chính trị và ra tay đàn áp phe chính trị đối lập và báo chí; Cuộc đảo chính ở Bồ Đào Nha năm 1974, còn được biết đến dưới tên gọi Cuộc cách mạng Hoa Cẩm Chướng (Carnation Revolution), thời điểm mà chính quyền độc tài “Nhà nước mới” (Estado Novo) bị giới quân đội lật đổ sau khi bơm nền kinh tế đất nước để lôi kéo nó vào một loạt cuộc chiến gây mất lòng dân ở các thuộc địa Châu Phi của họ; và khá thú vị trong bối cảnh này là cuộc lật đổ ông Hosni Mubarak năm 2011.
Ông Varol lập luận rằng có bảy đặc tính mà một cuộc đảo chính phải thỏa mãn để được coi là dân chủ:
(1) Cuộc đảo chính được tổ chức để chống lại chế độ độc tài hay toàn trị;(2) Quân đội hưởng ứng phe đối lập được lòng dân vẫn đang kiên trì chống lại chế độ đó;(3) Chế độ độc tài hay toàn trị từ chối rút lui trước cuộc nổi dậy của dân chúng;(4) Cuộc đảo chính được thực hiện bởi một giới quân đội được kính trọng ở trong nước, thông thường vì nghĩa vụ quân sự;(5) Quân đội tổ chức đảo chính để lật đổ chế độ độc tài hay toàn trị;(6) Quân đội tạo điều kiện cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong một khoảng thời gian ngắn;(7) Cuộc đảo chính kết thúc với việc chuyển giao quyền lực cho các nhà lãnh đạo dân chủ thông qua bầu cử.
Vậy thì những gì đang xảy ra ở Ai Cập hiện nay có phù hợp với những tiêu chí đó hay không? Về hai tiêu chí cuối cùng, vẫn còn phải xem xét. Tiêu chí từ hai đến năm được cho là phù hợp. Nhưng tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất lại là một tiêu chí khó nhằn. Ông Morsy được nhân dân bầu lên một năm trước. Trong phạm vi mà cuộc bầu cử đó bị hủy hoại bởi sự can thiệp chính trị, điều đó gây thiệt hại cho nhóm Anh em Hồi giáo.
Mặt khác, những người đối lập với ông Morsy sẽ có thể lập luận rằng nhóm Anh em Hồi giáo đã tự tham gia vào những hoạt động đôi khi được gọi là cuộc tự đảo chính hoặc tự lật đổ, khi một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ từng bước làm xói mòn các thể chế chính trị của đất nước để nắm giữ quyền lực cho chính mình – trong trường hợp ông Morsy, ông ta đã gia tăng quyền lực của giới hành pháp thông qua một loạt sắc lệnh tổng thống.
Giới quân đội sẽ lập luận rằng các hành động của họ là cần thiết nhằm ngăn chặn sự nổi lên của một nhà lãnh đạo độc tài mới. Tin tốt là, các cuộc đảo chính hiện nay trên khắp thế giới thường nhanh chóng quay trở lại với tiến trình dân chủ bình thường, hơn là như những ngày tháng tồi tệ xưa kia của Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng có khả năng Ai Cập có thể theo một kiểu mô hình nào đó giống như mô hình lạc hậu Thổ Nhĩ Kỳ, khi chính phủ trên danh nghĩa là dân chủ nhưng quân đội sẽ can thiệp một cách định kì để làm nên “sự sửa đổi”. Có một vài bằng chứng cho thấy quân đội Ai Cập quan tâm đến một mô hình như vậy kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ.
Các hành động của quân đội Ai Cập trong những tuần tới đây phần lớn sẽ cho thấy lịch sử sẽ đánh giá những sự kiện ngày hôm nay như thế nào, nhưng nguy cơ của việc thừa nhận sự tồn tại của “những cuộc đảo chính dân chủ” đó là, những kẻ âm mưu đảo chính hầu hết luôn mô tả những gì họ đang làm là nhằm bảo vệ nền dân chủ, ngay cả khi họ tích lũy quyền lực cho chính họ. Dù cho đó là một “cuộc đảo chính” hay cuộc cách mạng, hoặc cuộc đảo chính đó có phải là dân chủ hay không, nhìn chung còn phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Nguồn: Joshua Keating, “Can a Coup Ever Be Democratic?” Foreign Policy, ngày 03 Tháng Bảy 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle
No comments:
Post a Comment