Nguyễn Thành Công
Cựu chiến binh QĐND Việt Nam
Cựu chiến binh QĐND Việt Nam
Ngày 16/5/2013, tòa án Long An kết án Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha với tội danh chống nhà nước XHCN Việt Nam đã làm dấy lên một phong trào ủng hộ các em trong dư luận. Những người ủng hộ tuyên bố các em vô tội, đề nghị nhà nước hãy trả tự do cho các em. Các em là người nêu cao khẩu hiệu “Tàu khựa cút khỏi biển Đông” và “Đi chết đi đảng cộng sản bán nước”. Trước tòa, các em dõng dạc tuyên bố các em là những người yêu nước, đang muốn thức tỉnh đồng bào bảo vệ Tổ quốc, yêu nước thì không có tội.
Theo cáo trạng, các em phát tán cờ vàng 3 sọc đỏ của chính quyền Việt Nam cộng hòa trước đây. Tuy nhiên, có ý kiến nói các em không có ý đề cao và khôi phục chính quyền Việt Nam cộng hòa, đơn giản các em phất cao lá cờ Việt Nam, được sử dụng từ năm 1890, đại diện cho Tổ quốc Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam.
Hãy nói về hành động của các em. Những năm qua đã có nhiều người, nhân danh nhiều phong trào với tên gọi khác nhau đã yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Nhiều người đã bị bắt, đưa ra tòa xử theo Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với những mức án khác nhau. Tòa án yêu cầu các bị cáo nhận tội, và đã có những người tuyên bố mình phạm sai lầm, xin được khoan hồng. Hành động của họ phần nào làm giảm mức ngưỡng vọng của quần chúng đối với những người hoạt động cho dân chủ ở Việt Nam. Lần này, các em Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã ngẩng cao đầu, tuyên bố các em là những người yêu nước, không có tội. Tuyên bố này đánh dấu bước chuyển biến về bản lĩnh chính trị của lớp trẻ Việt Nam trước thời cuộc. Nên nhớ rằng trước khi ra tòa, cả hai em đã phải chịu 6 tháng giam cầm, trong một nhà tù có lẽ là ghê rợn bậc nhất thế giới. Không có gì khuất phục được các em. Các em không cam tâm tình nguyện dâng đất nước này cho Tàu khựa. Vì vậy, các em chỉ đích danh kẻ cướp nước và kẻ bán nước: Đó là Tàu khựa và đảng cộng sản Việt Nam, những tên Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống của thời đại mới. Khi đã chỉ đích danh bán nước là đảng cộng sản và nhà nước của đảng thì không thể giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng hay cờ búa liềm của đảng được nữa. Chắc chắn là phải sau nhiều ngày suy nghĩ, các em chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ để tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam.
Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến lá cờ. Từ xưa đến nay, ngọn cờ luôn luôn đại diện cho một tổ chức nào đó, có thể chỉ đơn giản là một câu lạc bộ, có thể là một đảng phái, hay một quốc gia. Ngọn cờ luôn dùng để tập hợp lực lượng, để nêu cao một ý kiến của tổ chức trước quần chúng rộng lớn, nếu là quốc kỳ thì còn thể hiện chủ quyền của một nước. Phất cao ngọn cờ hoặc hủy lá cờ đôi khi được coi là hành vi thể hiện một thái độ chính trị nào đấy. Nhiều năm qua, chính quyền Hà Nội đã tiến hành nhiều việc rất mất lòng dân, như cướp đất của dân trao cho nhóm lợi ích đại diện qua các công ty, bắn giết nhân dân vô tội vạ vì những lỗi nhỏ nhặt như không đội mũ bảo hiểm, không dừng khi có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông…Đối ngoại, các nhóm lợi ích bán rừng, dâng biển cho Tàu khựa, thông qua các hợp đồng khuất tất và thái độ im lặng của mình trước hành động cướp biển ngày càng công khai, ngày càng trắng trợn của chúng. Nhân dân khắp nơi đã và đang đứng dậy đấu tranh đòi nhà cầm quyền thực hiện đúng pháp luật khi giải quyết các tranh chấp về đất đai, đối ngoại phải có những hành động tích cực bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Ngay sau năm 1975, ở miền Nam đã có những trào lưu đấu tranh vũ trang chống chính quyền. Các trào lưu này lần lượt thất bại, trước hết vì không được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân cả nước. Các nhóm vũ trang phất ngọn cờ của Việt Nam cộng hòa không đủ sức tập hợp quần chúng nhân dân, đã phải đấu tranh đơn độc, thất bại là điều dễ hiểu. Từ khi chính quyền thi hành chính sách đổi mới, nền kinh tế có bước phát triển, nhưng đồng thời thông tin từ khắp thế giới cũng có điều kiện đến với nhân dân Việt Nam, thức tỉnh nhiều tầng lớp nhân dân. Việc các nước XHCN Đông Âu lần lượt sụp đổ đã chỉ rõ tính chất sai lầm của chủ nghĩa Mác-Lenin, rằng chế độ XHCN không có tương lai. Đối nội, chính quyền Hà Nội không tập hợp lòng dân, không đưa ra được chính sách hiệu quả khôi phục, xây dựng kinh tế, lại thi hành chính sách "cướp bóc" về đất đai để làm giầu cho một số "nhóm lợi ích", ngày càng bị nhân dân căm ghét. Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI nhiều nhóm yêu nước bắt đầu hoạt động, tuy nhiên, chưa có ai, chưa có nhóm nào đưa ra ngọn cờ chính trị có sức tập hợp quần chúng. Phải kể đến vai trò của ông Hoàng Minh Chính cố gắng "phục hoạt" đảng Dân chủ, dù có giá trị đánh động dư luận nhưng vẫn chưa tổ chức được thành phong trào lớn mạnh. Vài năm gần đây, phong trào "dân oan" lan rộng. Ở một số nơi các nhóm dân oan đấu tranh bằng pháp luật với chịnh quyền, có lúc đã đến sát "ngưỡng" của một cuộc đấu tranh bằng vũ khí. Nhìn lại phong trào dân oan, có thể thấy phong trào mới tập trung vào vấn đề kinh tế, pháp luật nhưng chưa đạt đến yêu cầu đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước. Các nhóm hoạt động dân chủ thì còn mỏng yếu, chưa tạo được mối liên hệ máu thịt với nhân dân. Vì vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân chưa tạo ra sức mạnh cần có. Đã thế, trên một số trang mạng, chủ yếu là hải ngoại, có những yêu cầu quá khích, như đòi hỏi nhân dân trong nước phải đấu tranh bằng "bạo lực", hoặc công kích những lão thành cách mạng hiện đang đấu tranh với "nhóm lợi ích", đòi dân chủ hóa đất nước, vô tình chia rẽ đội ngũ, làm yếu lực lượng của mình. Theo nguồn tin từ nhân dân, đêm trước ngày cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên, đã có cuộc hội ý xem có nên dùng vũ khí chống lại lực lượng cưỡng chế hay không? Đã có ý kiến sử dụng vũ khí, nếu vậy thì phải chuẩn bị một nhóm sát cánh cùng với nhân dân, một nhóm khác sẽ tấn công vào "cơ quan đầu não" chỉ huy cuộc cưỡng chế, làm rối loạn quá trình chỉ huy. Với trình độ của anh em cựu chiến binh, trong đó có cựu đặc công, biệt động thì việc lên phương án và thực hiện phương án là chuyện trong tầm tay. Tuy nhiên, xét đầy đủ các khía cạnh thì thấy thời điểm đấu tranh bằng vũ khí chưa đến. Nếu đòn đánh xẩy ra thì dù anh em có "thoát ly" an toàn nhưng không thể che giấu được lực lượng. "Nhóm lợi ích" cao cấp sẽ hỏi ý kiến các cựu chiến binh và sẽ khoanh vùng những người đã tổ chức "trận đánh", điều tra ra không khó. Điều quan trọng hơn là nhân dân các nơi khác chưa sẵn sàng, chắc chắn những người tiên phong sẽ bị tổn thất nặng, muốn khôi phục lại phong trào sẽ mất nhiều thời gian. Nói cho đến cùng thì lực lượng cưỡng chế cũng chỉ là Ưng, Khuyển, Thúy Kiều không nên dùng hình thức đấu tranh quá nặng, gây bất lợi về chính trị.
Hình ảnh hiếm hoi trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người Việt tại Hamburg, CHLB Đức
Trong mọi cuộc đấu tranh, câu hỏi đặt ra là dưới ngọn cờ chính trị nào và tổ chức lực lượng như thế nào? Ngọn cờ chính trị không đủ sức tập hợp quần chúng, tổ chức không chặt chẽ thì khả năng thất bại là rất cao. Cuộc đấu tranh của các nhóm dân oan trong những năm qua luôn phất ngọn cờ đỏ sao vàng. Ngay cả những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm biển Đông cũng sử dụng cờ đỏ sao vàng, là một cách tuyên bố với dư luận: Chúng tôi là những công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam, đang đứng dưới ngọn cờ của nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam góp tiếng nói bảo vệ Tổ quốc. Các cuộc biểu tình đã bị đàn áp tàn khốc nên một số người cho rằng cần đến ngọn cờ chính trị khác tập hợp nhân dân. Lớp trẻ như Nguyễn Phương Uyên đã chọn ngọn cờ vàng ba sọc đỏ. Nói đến ngọn cờ ba sọc đỏ, người ta thường nhắc đến chính quyền Việt Nam cộng hòa, vì chính quyền VNCH đã chọn đây là quốc kỳ. Lá cờ ba sọc được chọn chính thức vào năm 1948 dưới chính quyền Bảo Đại, và được Đệ nhất cộng hòa ở miền Nam kế thừa. Lá cờ này gắn chặt với chính quyền thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, mà các chính sách của chính quyền mang đậm dấu ấn của cố vấn Ngô Đình Nhu, em ruột tổng thống. Dưới ngọn cờ vàng, anh em ông Diệm-Nhu đã thực hiện 3 quyết sách lớn: Đưa ra thuyết Cần lao nhân vị, tổ chức Đảng Cần lao, thi hành quốc sách "ấp chiến lược". Cả ba kế hoạch này đều thất bại, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền thông qua một cuộc đảo chính. Trong phạm vi trình độ hạn hẹp của mình, chúng tôi xin phép điểm qua 3 quyết sách trên. Năm 1954, để xây dựng chính quyền mới, Ngô Tổng thống thấy cần phải có một "chủ thuyết" mới cho miền Nam, đối lập với chủ nghĩa Mác-Lenin ở miền Bắc. Việc xây dựng một "chủ thuyết" mới được ông Ngô Đình Nhu thực hiện. Ông nêu ra thuyết Cần lao nhân vị, với ý kiến thuyết này nằm trung gian giữa lý luận về cá nhân của chủ nghĩa tư bản và lý luận về tập thể của cộng sản. Nhưng thuyết Cần Lao Nhân Vị đã chết yểu, vì những yếu kém nội tại của nó. Thuyết Cần Lao Nhân Vị chỉ là tập hợp những ước nguyện về một xã hội tốt đẹp, về những điều tốt đẹp cho con người, không có giá trị khoa học. Người ta không thể dựa vào thuyết Cần Lao Nhân Vị để xác định hành động thực tế. Đối chiếu với chủ nghĩa Mác sẽ thấy rõ điều này. Trong thời kỳ tiền cách mạng tháng Tám, nhiều đảng viên cộng sản căn cứ vào lý luận Mác-Lenin về thời cơ khởi nghĩa vũ trang đã chủ động lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở địa phương mình. Về mặt tổ chức, Đảng Cần Lao Nhân Vị được tiến hành từ trên xuống (đảng cộng sản được tổ chức từ dưới lên), không tạo ra sức mạnh trong quần chúng. Thuyết Cần Lao Nhân Vị và đảng Cần Lao như thân cây, trên không chằng, dưới không rễ, cắt rời khỏi lịch sử dân tộc nên không có sức sống. Ngày nay nhìn lại, chúng ta dễ xác định cách sửa đổi nên như thế nào, chẳng hạn ông Ngô Đình Nhu nên nghiên cứu tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ, phát triển ứng dụng vào thời đại của ông. Về mặt chính trị, nên khai thác mâu thuẫn trong lòng hệ thống XHCN tạo vị thế trên trường quốc tế, chẳng hạn như ủng hộ lý luận "chung sống hòa bình, thi đua kinh tế" của ông N.X. Khrusov, Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Về mặt kiến trúc xã hội, quốc sách ấp chiến lược là một chính sách hay, nhưng khi thực hiện lại dở. Với thông tin rộng mở như hiện nay, chúng ta có thể tìm biết nguyên nhân thất bại của quốc sách này qua các bài viết của nhiều người, nhự ông Lê Xuân Nhuận, một người tham gia thực hiện quốc sách từ đầu. Theo thông tin trên mạng, ông Ngô Đình Nhu có viết tác phẩm Chính Đề Việt Nam (ký tên Tùng Phong). Nội dung cốt lõi của Chính Đề Việt Nam là việc cần"Tây phương hóa", nói theo ngôn ngữ ngày nay là "hiện đại hóa", hoặc "cách mạng kỹ thuật". Vào năm 1960 đưa ra những đề xuất ấy thể hiện ông Nhu có tầm nhìn xa, nhưng thiếu vắng cách thực hiện cụ thể. Hơn nữa điều kiện chiến tranh, chia rẽ nội bộ cũng không cho ông biến ý tưởng thành hiện thực. Chúng tôi không nói đến thời Đệ nhị cộng hòa, vì thực tế cho thấy các tướng lĩnh miền Nam đã phá hỏng toàn bộ kết quả đạt được trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Ngày nay, trước sự xuống cấp cùa xã hội về mọi mặt, nhiều người đã nhớ đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa và coi đấy là mô hình tốt. Tìm hiểu thời kỳ đã qua, chúng tôi thấy thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có rất nhiều chỗ yếu kém tai hại, không đáp ứng được nhu cầu đời sống hiện nay. Nói như vậy không có nghĩa là phủ định ngọn cờ vàng ba sọc đỏ. Trong tình trạng "quá độ" hiện nay, ngọn cờ vàng ba sọc đỏ có giá trị nhất định. Đấy là ngọn cờ có thể tập hợp được một bộ phận nhân dân, chủ yếu ở miền Nam. Đối với nhân dân miền Bắc, ngọn cờ đỏ sao vàng vẫn là ưu tiên số một. Giương cao cờ đỏ sao vàng, nhân dân nêu cao giá trị ban đầu của cách mạng tháng Tám, với các khẩu hiệu dân chủ, người cày có ruộng, nhà máy về tay công nhân, ruộng đất về tay nông dân, đó là những lời kêu gọi có sức tập hợp lớn, đồng thời bóc trần mưu đồ của các "nhóm lợi ích" trước dư luận. Vì lẽ đó, chúng tôi ủng hộ lớp trẻ Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha dũng cảm phất cao cờ vàng ba sọc đỏ, đồng thời ủng hộ các nhóm dân oan phất cao cờ đỏ sao vàng. Có thể đã đến lúc, các bạn ở hải ngoại hãy phát động phong trào ủng hộ các bạn Uyên, Kha bằng những cuộc biểu tình rầm rộ, trong đó đồng thời phất cao cả hai lá cờ: Cờ vàng ba sọc đỏ và cờ đỏ sao vàng, thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân đòi hỏi dân chủ hóa đất nước. Những cuộc biểu tình như vậy chắc chắn sẽ mở đầu cho những cuộc tập hợp quần chúng trong nước mà ở đó xuất hiện cả hai lá cờ, hướng đến mục tiêu chung.
Liệu có thể như vậy được chăng?
No comments:
Post a Comment