Sunday, May 26, 2013

Luật Biểu tình không thể nợ dân mãi



Đào Tuấn - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói quản lý biểu tình bằng NĐ 38 như hiện nay “đã lỗi thời” khi đánh đồng người dân tụ tập để gây rối mất trật tự và biểu tình yêu nước. “Đây là món nợ của Nhà nước với nhân dân và phải trả càng sớm càng tốt”.

Gây rối mất trật tự và biểu tình yêu nước đang bị đánh đồng

Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh và Luật cư trú đã được thảo luận tại tổ trong 1 tiếng 30 phút chiều qua trước khi QH tiếp tục họp toàn thể để kiện toàn nhân sự.
Nhắc lại thực tiễn “Mấy chục năm nay, kể từ Hiến pháp 1959, chúng ta chưa có một đạo luật về quyền biểu tình cho mọi công dân”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa khẳng định “Đây là món nợ của Nhà nước với nhân dân, trả càng sớm càng tốt”. Ông phân tích việc áp dụng NĐ 38 để quản lý biểu tình đã lỗi thời khi đánh đồng người dân tụ tập để gây rối mất trật tự và biểu tình yêu nước. “Trước tình hình Luật pháp hiện hành không còn phù hợp và nợ Luật trong Hiến pháp tôi đề nghị đưa Luật biểu tình và Luật Trưng cầu dân ý vào Chương trình xây dựng luật năm 2014, sau khi thông qua HP”- ông Nghĩa nói.
Là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Nghĩa cũng cam kết: “Cá nhận tôi nhận và sẽ vận động các hội viên, luật sư, luật gia bỏ công sức ra xây dựng Luật biểu tình đúng Hiến pháp, đúng những yêu cầu cơ bản của Luật pháp VN về xây dựng Luật biểu tình, luật trưng cầu dân ý”.
Chỉ Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên còn dùng hộ khẩu
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo nhắc tới “dư luận của nhân dân” khi cho rằng ban hành Luật Cư trú là trái với quyền con người quy định trong dự thảo Hiến pháp. Dẫu vậy, ông cũng tán đồng “Mọi vấn đề phải xuất phát vào tình hình thực tiễn. Các Thanh phố đang có mật độ dân số quá đông nên luật phải có quy định siết lại”.
Các vị ĐBQH cũng lo ngại những phái sinh sau các quy định siết nhập khẩu. Ông Thảo dự báo “nhà thuê ở Hà Nội sẽ đắt như tôm tươi vì ở 2 năm là được thường trú”. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cũng bàn: Luật mới đưa ra những hành vi của công dân cần cấm nhưng cần có cả hành vi của những người có thẩm quyền cho đăng ký vi phạm pháp luật. Bà đề nghị: Quy định của Luật phải tránh được tình trạng cán bộ làm qua quýt cho xong chuyện gây khiếu kiện.
ĐBQH Trần Du Lịch thì phàn nàn trước tình trạng “Chúng ta dùng hộ khẩu như một giấy phép cơ bản trong các thủ tục hành chính”. Điều này, theo ông, là quá lạc hậu. “Hiện chỉ có rất ít quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên còn sử dụng”. Ông Trần Du Lịch cho rằng: Vấn đề kiểm soát dân cư không nên đánh đồng bố trí dân cư, với hộ khẩu. Có nhiều biện pháp như đánh phí nhà đất, môi trường cao ở các đô thị chứ sao cứ dùng hộ khẩu để quản lý cư trú.

No comments:

Post a Comment