Friday, April 26, 2013

Nhân dân muốn được biết một phần nghìn sự thật



Đoàn Vương Thanh - Thông tin Nhà nước và thông tin nhiều chiều những ngày gần đây phảnảnh nhiều vấn đề có liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Những sứcép về suy thoái kinh tế sâu, về đe dọa ở biển đông, về quản lý và phát triển kinh tế vĩ mô, về bộ máy quản lý đất nước đang chia rẽ và rệu rã : Mua quan bán chức, tha hóa một bộ phận lãnh đạo, mất đoàn kết, nghi kỵ và kích bác nhau, có đến 30% công chức Nhà nước “ngồi chơi xơi nước, nhiều quan chức cấp cao “lấy tiền ở đâu” xây biệt thự, xây nhà thờ giá hàng trăm hàng nghìn tỷ, trên không bảo được dưới, kỷ cương phép nướcbị lỏng lẻo, thậm chí ngấm ngầm chống đối nhau… Dân chúng tôi nghe tin mà rầu rĩ ruột gan, ngơ ngác hỏi nhau: đất nước mình sẽ đi đến đâu nếu cứ để tình trạng này kéo dài.

Mấy hôm nay, chung quanh tôi các cụ hưu trí hễ gặp là bị túm áo: “Bao giờ thì bị cắt lương hưu hả ông ?” Tôi cũng như các cụ hưu khác làm sao mà biết được, chỉ nghe quỹ lương hưu bị người ta “cho vay” có thể trở thành “nợ xấu”. Đã là “nợ xấu” thì khó đòi hoặc không đòi được. Tám chín triệu cán bộ nhân viên, quân đội nghỉ hưu, nói chung đang sống bằng “đồng lương trợ cấp xã hội ít ỏi trong thị trường giá cả tăng cao” thì băn khoăn của các cụ hưu là chính đáng, cần có sự giải đáp thỏa đáng.
Trong cái sự “rối như tơ vò”, nhìn vào đâu cũng có hư hỏng hiện nay, các nhà chèo chống đi đâu làm gì? Không có đủ trình độ và cũng không có tham vọng đặt vấn đề nhiều vì có viết có nói những chắc gì đã có người nghe và quan tâm giải quyết, hay lại bị cho là“thế lực thù địch” nói xấu chế độ thì oan gia !
Cái miếng “bất động sản” từ nhiều năm nay, người ta tưởng bở dễ ăn, dồn sức đầu tư, mong có lãi cho đất nước và lãi cho nhà đầu tư, cho quan chức đứng đằng sau, đứng bên cạnh. Tham vọng (kể cả tham lam) vẫn chỉ là tham vọng. Các cụ ta đã dạy: “Tham thực cực thân”, đấy là “tham thực, nghĩa là tham ăn” thôi chứ tham vàng, tham tiền, tham đất…thì ôi thôi không chỉ là cực thân đâu.
Vài ba năm nay, người ta nói rằng “bất động sản bị đóng băng” vậy thì băng giá ấy lấy ở đâu để “nó” bị đóng băng ? Trong bất động sản” và đầu tư “bất động sản” có chuyện mua (và cướp) đất của nông dân, của người nghèo dưới cái mũ “dự án phát triển công nghiệp dịch vụ” phát triển kinh tế xã hội, với giá bèo, nhưng khi đưa vào kinh doanh “bất động sản thì đẩy giá lên chín tầng mây”. Gần 400 ha, trong số 450 ha đất canh tác của xã quê hương tôi đã “được chuyển nhượng đúng chính sách” cho các doanh nghiệp ở đẩu ở đâu ấy vào đầu tư.
Công bằng mà nói có một số ít họ làm ăn đứng đắn, đã đầu tư và bắt tay vào sản xuất (gần đây có bị đình đốn). Nhưng cũng có những dự án đầu tư chiếm đến 200 ha, vừa rồi lại chiếm thêm gần 50 ha nữa, nhưng 7 năm rồi, khu đất ấy “nội thì có xuất người ra, nhưng ngoại thì bất nhập, nghĩa là cấm người “không có nhiệm vụ miễn vào !” 200 ha được rào kín, không rõ ở trong đấy “chủ dự án” làm gì mà bảy năm rồi vẫn án binh bất động. Một khu khác rộng 12 mấu Bắc Bộ (mỗi mấu Bắc Bộ là 3600 mét vuông, họ đưa vào dự án, đến bù cho nông dân 69 triệu một mẫu, 13 năm rồi chưa thấy họ làm gì, chỉ thấy chuột chạy ra chạy vô nhởn nhơ trên “bất động sản” ấy.
Trong mười mấy năm qua, Nhà nước ta (do nhiệm kỳ, cũng còn do năng lực cán bộ và do nhu cầu điều chuyển cán bộ), chúng ta đã thay đến ba bốn vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Dưới cái ô của Ngân hàng Nhà nước, đã xuất hiện hàng chục Ngân hàng thương mại cổ phần, ngay ở một thị trấn nhỏ quê tôi đã mọc lên chất ngất hoành tráng chục trụ sở các loại ngânhàng.. Cũng nhờ có cái ô của Ngân hàng Nhà nước, một số “Quỹ Tín dụng nhân dân” mọc lên để “bóp hầu bóp cổ nhân dân” để “nặn tiền” vốn nhàn rỗi của một số người và cho vaynăng lãi, hàng năm tổng kết rất rôm rả, khách khứa đông nghìn nghìn, cấp trên đủ loại đến dự và nhận quà, còn cán bộ tín dụng thì giầu lên nhờ “buôn tiền”.
Ngày nay, Ngân hàng các loại, nhất là khu vực Ngân hàng cổ phần thương mại đã và đang bị một số người có thế lực và được tạo thế lực khống chế như Bầu Kiên, Trầm Bê v.v…Thực ra, người cần vốn sản xuất kinh doanh thì tiếp cận Ngân hàng rất khó, xem ra chỉ rót tiền cho “cánh hẩu” thôi và rồi chính Ngân hàng gánh chịu hậu quả “nợ xấu”. Những người đi vay để kinh doanh “đểu” vênh cái mặt lên thách thức,chưa có trả thì Ngân hàng ăn thịt được à? Thịt người không ăn được đâu!
Chưa biết thực hư thế nào, trên một số tờ báo chính thống và trên một số trang mạng ồn lên tin Ngân hàng Nhà nước và đứng sau là nhiều vị tai to mặt lớn đang cấu kết, tổ chức các đường dây buôn lậu vàng. Chỉ khổ những người “rửng mỡ vì tiền đi mua vàng dự trữ !” Vì sao giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới, vì sao nhập hàng chục tấn vàng cho ai và ai được nhập, vì sao có “đấu thầu vàng” vì sao lại giao độc quyền sản xuất vàng miếng? Có “sự loạn” ngân hàng ở tầm vĩ mô không? Tại sao lại như vậy ?
Về các tập đoàn kinh tế quốc doanh thua lỗ, xập xệ, trong đó có một số tập đoàn, cực chẳng đã phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, dân chúng nghe thông tin Nhà nước rất hạn chế hàm lượng thông tin, nghe thế nào thì biết thế ấy, trong khi mọi người muốn biết nhiều hơn, bản chất hơn. Chỉ nghe láng máng thì không bao giờ tin và không đủ cơ sở để tin, nên nhân dân cứ cho là mình bị lừa.
Những con số thất thoát không rõ ấy phải chăng không phải là tiền đóng thuế của dân ? Vinasin bây giờ ra sao? Ông Nguyễn Sinh Hùng lớn tiếng cách đây một năm là sẽ khôi phục và phát triển, nhưng bây giờ sau một năm rồi, sau xử án Tổng giám đốc rồi, còn hình thù nó ra sao, còn thất thoát nữa không, dân mù tịt không biết.
Dân không được biết Chính phủ mình, tỉnh mình, huyện xã mình làm gì sử dụng tiền ngân sách để làm gì thì làm sao dân tin được.  Nhiều vấn đề hiện nay thông tin chính thống cũng mập mờ “đánh lận con đen” cứ coi dân là một lú “cừu non” hoặc là dốt nát không biết gì. Như vậy, khi cần phải huy động sức dân để đối phó với thiên tai, lụt lội, chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi thì lại to mồm “nhân dân là sức mạnh quyết định”.
Vì thế, để củng cố lòng tin với nhân dân, và để nhân dân tin vào Đảng và Nhà nước, nhất là sắp họp Quốc hội kỳ thứ 5 và họp BCH trung ương Đảng lần thứ VII (Khóa 11), chắc là có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến tồn vong đất nước, chế độ và sự nghiệp của Đảng. Nhân dân muốn được biết độ một phần nghìn sự thật quanh ba vấn đề lớn chúng tôi nêu trên đây, chứ cũng không dám biết tất cả mọi vấn đề đâu. Tất nhiên, dân cũng biết không thể công khai nhiều vấn đề thuộc về an ninh quốc phòng và bí mật quốc gia. Liệu các nhà lãnh đạo tầm vĩ mô có dám làm chuyện này không?
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
…………………………………………………………..
Đoàn Vương Thanh, tức Nguyễn Thanh Hà, 79 tuổi, cựu phóng viên TTXVN,
ĐT 0166 83 83 020 và 0321 6295 440. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com

No comments:

Post a Comment