Đào Tuấn - Tin vui là Hà Nội không phát hiện bất cứ trường hợp nào “chạy” công chức. Tin buồn là người dân Thủ đô lại có vẻ tin vào “tin buồn” chạy công chức mất 100 triệu của ông Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy, hơn là việc phủ nhận bằng “tin vui”, sau sự xuất hiện của những 3 đoàn thanh tra. Nếu phải có thêm một chi tiết để nói về niềm tin thì đó là những câu chuyện nói theo kiểu dân gian thời @ “chém gió vỉa hè”, về một câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc: “Có phải ông Dực sắp về hưu?”, “Hôm đó, ông Dực có uống nhầm thứ gì không?”. Hình như đối với người dân, việc một quan chức đương chức công bố một “tin buồn” thì hoặc ông “dũng cảm bất thường”, hoặc ông sắp phải nhận một “tin buồn”.
Nhắc lại, tại phiên thảo luận trong kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP 2013 phố 7.12, , Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực khẳng định: Để “chạy” công chức thủ đô phải mất khoảng 100 triệu đồng. Ông nói thẳng địa chỉ: Chỗ trưởng phòng nội vụ các quận huyện: “Ngoài 2 cán bộ mà tôi phát hiện và yêu cầu kiểm điểm, việc tôi chỉ ra trưởng phòng nội vụ một số quận, huyện là đầu mối nhận hồ sơ, chạy việc thì phải biết chứ không thể lờ mờ được”.
Chuyện chạy công chức, trong logic thông thường, thực ra rất khó lý giải. Ông Thang Văn Phúc có lần than thở: Hồi còn làm thứ trưởng (Bộ Nội vụ), lương ông chưa tới 10 triệu đồng, không đủ sống. Còn quan chức Sở Nội vụ Hà Nội thì nói đến “cái gốc”: “Cái gốc là phải có sự quan tâm cải thiện thu nhập cho cán bộ công chức. Mức lương hiện nay quá thấp so với trách nhiệm và lao động của cán bộ công chức. Khối lượng công việc của bộ máy chính quyền mà công chức phải thực hiện tăng gấp hàng chục lần trong khi thu nhập thì còn quá thấp”. Làm Làm việc quá nhiều, lương quá thấp, thấp đến độ lương thứ trưởng còn không đủ sống, ấy thế mà người ta vẫn mất cả trăm triệu để phải chạy. Âu cũng là một chuyện lạ, kiểu “chỉ có ở Việt Nam”.
Nhưng chưa hết, những công chức “lương không đủ sống” đó đang mắc phải chứng bệnh người giàu. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia có tới 15% công chức ở Hà Nội và TP. HCM ở độ tuổi từ 45-49 thừa cân, béo phì.
Thế là chúng ta có một thứ logic: Người ta phải mất cả trăm triệu để “chạy” vào công chức. Nhận đồng lương chết đói. Để hưởng một “cuộc sống béo phì”.
Chữ “Không”, con số 0 lạnh lùng mà Hà Nội vừa công bố đang là lời tự khẳng định của Hà Nội, rằng: Thủ đô sạch như nước sông Tô Lịch. Với những cán bộ cấp trên thì trong sạch, liêm khiết, cấp dưới thì chất lượng, trung thực. Còn chuyện “chạy” thì “bằng chứng đâu?”, rằng là chuyện ở đâu đó, của ai đó, chứ không phải của Thủ đô.
Không hề ngẫu nhiên, trong buổi họp công bố chữ “Không này”, Hà Nội đưa ra câu chuyện “Cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều trường hợp thí sinh bị lừa tiền chạy công chức, do cả tin và nhờ vả giúp đỡ. Cụ thể, chị PTT (quận Hoàng Mai) bị Nguyễn Thu Hằng (xã Dương Hà, Gia Lâm) mạo danh là cán bộ Sở Nội vụ lừa 280 triệu đồng để “chạy” vào làm giáo viên cấp 3”.
Sẽ không bao giờ như mong muốn, chi tiết này không bao giờ có ý nghĩa “cái cọc” cho niềm tin dư luận. Bởi “cái cọc”, nếu muốn có, phải là câu chuyện làm thật. Chứ không phải là cái lắc đầu, hay việc “đề nghị lắp camera” để “minh bạch quá trình thi tuyển và khi cần thì có thể bật lại để kiểm tra”.
“Đến thời điểm này, tôi không phải chịu sức ép nào cả!” – ông Dực vừa khẳng định với báo chí. Ông đúng. Vì sức ép đó đang được đổ lên niềm tin của dân chúng thủ đô, của nhân dân cả nước khi có lúc họ đã chót tin rằng với lời khẳng định của một quan chức đầu ngành kiểm tra, sẽ có những con sâu được lôi ra trong một bộ phận không nhỏ nào đó.
No comments:
Post a Comment