Lê Duy Nhân - “…Hành động in bản đồ với cái “lưỡi bò” liếm sạch Biển Đông trên hộ chiếu Trung Quốc nhằm dùng con dấu visa của các nước khác để hợp thức hóa cái “lưỡi bò cướp biển” chỉ là bước đầu trong sách lược xâm lăng trên biển của nó…”
Cứ mỗi thập niên Trung Quốc lại thay đổi lãnh đạo. Đại hội đảng 18 đã “tống cựu” Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo để “nghinh tân” Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Đây chỉ là sự chuyển giao nhân sự lãnh đạo còn chủ trương, đường lối thì vẫn đường xưa lối cũ vì các tân lãnh tụ đều do người tiền nhiệm tuyển chọn để tiếp tục con đường của họ.
Quyền uy thực sự của Trung Quốc từ vài thập niên nay đã nằm trong tay giới thái tử đỏ gồm 4 trong 7 ủy viên thường trực Bộ Chính Trị và hàng nghìn đại gia có quan hệ máu mủ hoặc quan hệ làm ăn với giới tướng lãnh và bọn tài phiệt lãnh đạo xí nghiệp quốc doanh hoàn tòan thống trị kinh tế Trung Quốc.
Trong diễn văn đọc tại đại hội đảng 18, Hồ Cẩm Đào cảnh báo nếu không dẹp được tệ nạn tham nhũng thì đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ tiêu vong. Nhưng ai cũng hiểu rằng lời cảnh báo của Hồ Cẩm Đào chỉ là tiếng kêu ngoài sa mạc vì chừng nào còn độc tài đảng trị và coi xí nghiệp quốc doanh là chủ đạo kinh tế thì chừng đó nạn tham nhũng còn đất sống. Muốn diệt tham nhũng, Trung Quốc chỉ có hai lựa chọn: một là trở về chủ nghĩa Mao-ít, hai là dân chủ hóa.
Bạc Hy Lai đã chọn con đường trở lại chủ nghĩa Mao-ít nhưng họ Bạc chỉ dùng bàn tay sắt của Mao để hạ đối thủ thay vì diệt tham nhũng vì bản thân y và bà vợ Cốc Khai Lai cũng là những con sâu tham nhũng bự. Bắc Kinh triệt hạ Bạc Hy Lai không phải vì ông ta bê bối trong chuyện gái gú hay tham nhũng mà vì sợ dân chúng bất mãn trước hố ngăn cách giàu nghèo quá “vĩ đại” và nạn tham nhũng trắng trợn mà đòi trở lại chủ nghĩa Mao-ít để cào bằng giàu nghèo, chẳng thà cả nước cùng nghèo khổ còn hơn cảnh người ăn chẳng hết kẻ bòn không ra.
Giới lãnh đạo sau Đặng Tiểu Bình hiểu rất rõ rằng Trung Quốc không thể trở lại chính sách kinh tế tập trung đã làm hàng chục triệu dân TQ chết đói và mọi ngành sản xuất đều trên bờ vực phá sản. Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế và quân sự thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, hoàn toàn nhờ chạy theo kinh tế tư bản. Nhưng chạy theo kinh tế tư bản thì lại mắc vào nguy cơ sụp đổ về độc quyền lãnh đạo nên Đặng Tiểu Bình phải thi hành chính sách đàn áp tiếng nói dân chủ một cách tàn bạo, không thương tiếc xương màu nhân dân để trấn áp dân chủ. Liệu giới tân lãnh đạo có khả năng giữ nguyên trạng hay không tùy thuộc vào thái độ chính trị của giới trẻ và tình hình sản xuất trong các năm tới.
Tập Cận Bình kế thừa một di sản nặng nề về chính trị và kinh tế, không phải từ riêng Hồ Cẩm Đào mà từ nhiều thế hệ lãnh đạo trước. Tệ nạn chiếm hữu ruộng đất, nạn tham nhũng khủng khiếp, suất khẩu ngưng trệ do suy thoái kinh tế toàn cầu, quần chúng sôi sục căm phẫn, bất ổn xã hội gia tăng.
Ngoài những vấn nạn về đối nội, Tập Cận Bình còn phải đương đầu với những thử thách mới về đối ngọai. Hoa Kỳ chuyển hướng về Đông Nam Á để cạnh tranh với Trung Quốc về ảnh hưởng chính trị và mậu dịch sẽ buộc Bắc Kinh phải tiết chế hành động bá quyền ở các nước lân bang.
Tập Cận Bình sẽ giải quyết cuộc tranh giành chủ quyển trên hòn đảo Sensaku (Điếu Ngư) với Nhật theo hướng nào? Trung Quốc hòa hoãn hay mạnh bạo hơn với Nhật cũng còn tùy thuộc vào thài độ của Hoa Kỳ là quốc gia có thỏa ước quân sự với Nhật nên không thể khoanh tay nhìn Trung Quốc gây chiến với Nhật.
Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ không có gì thay đổi vì lãnh đạo Việt Nam đã hoàn toàn thần phục Bắc Kinh. Trong chuyến công du tại ba nước, Thái Lan, Cam Bốt và Miến Điện, TT Obama đã tránh né cuộc tranh chấp Biển Đông là thái độ “ngọai giao” với tập đoàn lãnh đạo mới của Trung Quốc.
Biển Đông là dự trữ năng lượng khổng lồ mà Trung Quốc đặt sự sống còn vào đó. Trung Quốc chưa dám sử dụng vũ lực để chiếm đọat nhưng chắc chắn sẽ không buông tha nên sẽ áp dụng những trò “ma giáo” , từng bước một đặt tham vọng cưỡng chiếm Biển Đông thành thực tế lịch sử. Hành động in bản đồ với cái “lưỡi bò” liếm sạch Biển Đông trên hộ chiếu Trung Quốc nhằm dùng con dấu visa của các nước khác để hợp thức hóa cái “lưỡi bò cướp biển” chỉ là bước đầu trong sách lược xâm lăng trên biển của nó. Chính phủ Việt Nam nếu chỉ phản đối bằng miệng “hộ chiếu lưỡi bò Trung Quốc” thì chưa đủ mà phải vận động thế giới tẩy chay hành động ăn cướp trắng trợn này của Bắc Kinh.
Hoa Kỳ muốn “làm ăn” ở Đông Nam Á cũng buộc phải có thái độ ứng xử tương xứng với vai trò “đồng minh” của các nước đang bị Trung Quốc bắt nạt ở vùng này. Hải quân Trung Quốc chưa đủ mạnh để đương đầu vói hải quân Hoa Kỳ về cả số lượng tàu chiến và kỹ thuật. Muốn hùng bá Biển Đông, Trung Quốc cần ít nhất hai thập niên nữa và một ngân sách quốc phòng khổng lồ.
Lê Duy Nhân
http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2054:trung-qu-c-sau-d-i-h-i-d-ng-th-18-le-duy-nhan&catid=44&Itemid=301
No comments:
Post a Comment