Huỳnh Thục Vy - Tôi luôn nghĩ: phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay đang thiếu một nhà lãnh đạo. Nhưng có ý kiến lại cho rằng: ‘Một người lãnh đạo sẽ không sớm thì muộn lại đưa Việt Nam vào chế độ độc tài’. Một số khác thì quả quyết: phong trào dân chủ cần sự ủng hộ của quần chúng, chứ không cần một người lãnh đạo.
Sau những diễn biến dân chủ hóa ở Miến Điện, chính một trong số những người đã từng bác bỏ quan điểm của tôi, lại ca ngợi bà Aung San Suu Kyi như một ‘lãnh tụ có tâm, có tầm’.
Mâu thuẫn
Làm sao chúng ta có thể, một mặt, phủ nhận tầm quan trọng của một người lãnh đạo phong trào dân sự đòi dân chủ ở Việt Nam, mặt khác, hồ hởi tung hô vai trò của một ‘người hùng’ ở nước khác? Sự phủ nhận đầy mâu thuẫn ấy, chỉ là cách để chúng ta biện minh cho những khó khăn, yếu kém khó vượt qua của mình, cũng là cách thể hiện sự thiếu hiểu biết trong so sánh tình hình nước ta với nước khác.
Sự lo sợ về một chế độ độc tài hậu cộng sản không phải là lý do chính đáng (chưa nói đến sự khác biệt rất lớn giữa lãnh đạo và lãnh tụ). Khi chúng ta ca ngợi không tiếc lời bà Suu Kyi, chúng ta có nghĩ bà sẽ trở nên độc tài? Thiết nghĩ, độc tài hay không, không phải do sự hiện diện của người lãnh đạo mà thành. Nó là kết quả của nhiều nguyên nhân: sự yếu kém về ý thức tự do và khát vọng dân chủ của người dân, sự yếu kém của xã hội dân sự, tính chất của trào lưu chính trị trong khu vực và việc có hay không sự can thiệp của một quốc gia độc tài lớn hơn…
Khi chúng ta đề cao vai trò của lãnh đạo đối lập Miến Điện như là một người sáng suốt, ‘giữ được cân bằng để vừa đấu tranh kiên trì, vừa đối thoại để tạo lối thoát cho chính quyền độc tài’, chúng ta đã cố tình bỏ qua vai trò trọng tài của người Mỹ. Có thể người Mỹ không giúp được gì trong việc xây dựng dân chủ (công việc cần nhiều nội lực), nhưng không thể bác bỏ vai trò trọng tài của họ trong cuộc chuyển hóa này. Vai trò ấy đặc biệt quan trọng để đảm bảo hai bên độc tài-dân chủ có đủ cơ sở để tin nhau, để đi đến đối thoại.
Nếu không có người Mỹ, không ai dám đảm bảo bà Suu Kyi sẽ không bị thua thiệt khi tiến hành đối thoại. Hãy đặt trường hợp Việt Nam, bạn muốn đối thoại với người cộng sản, sớm muộn bạn sẽ nhận ra bạn bị họ dắt mũi. Hay bạn có thể tưởng tượng, kết quả ở Miến Điện sẽ thế nào nếu trọng tài không phải là Hoa Kỳ mà là Trung Quốc?
Phong trào đấu tranh có lãnh đạo không những giúp gắn kết các cá nhân, các nhóm hoạt động tạo thành một tập hợp đủ mạnh, đối trọng với chính quyền độc tài; cổ vũ thành phần tiến bộ trong chế độ độc tài sớm phản tỉnh để gia nhập trào lưu tiến bộ; mà còn giữ cho chính trường hậu độc tài không bị thao túng bởi các thế lực chính trị cơ hội. Việt Nam chưa có được may mắn đó nên khó có thể chuyển hóa không đổ vỡ. Nhưng vì sao chúng ta chưa có được điều tốt đẹp mà người Miến Điện đã có?
Đi tìm nguyên nhân
Độc tài cộng Sản là một dạng độc tài tinh vi và có hệ thống hơn hẳn dạng gia đình trị và quân phiệt. Họ có một mô hình cai trị sắt máu nhưng mị dân đã được kiểm chứng ‘tính hiệu quả’ trên một diện rộng quốc tế và trong một thời gian dài. Với hệ thống mật vụ đặc trưng của mọi chế độ cộng sản, chính quyền Việt Nam có thể kiểm soát tất cả hoạt động và quan hệ trong xã hội. Sự len lỏi và khống chế toàn bộ xã hội của hệ thống an ninh làm biến dạng mọi mối quan hệ thông thường. Sợ hãi và thiếu niềm tin lẫn nhau làm cho các cá nhân tồn tại rời rạc, thiếu hẳn những gắn kết cộng đồng, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến chính trị.
Người ta không thể làm việc với nhau, chia sẻ những giá trị và ý nguyện trong các vấn đề chung một cách hiểu quả nếu không phân biệt được người đang làm việc với mình là một người bạn tâm đắc hay là một ‘ăng ten’. Và sẽ là thiếu sót nếu không nói đến mô hình cai trị ‘đỉnh cao trí tuệ’ của chính quyền cộng sản trong cách họ đưa tất cả các hội đoàn dân sự vào hệ thống chính trị để chúng trở nên công cụ đắc lực theo dõi và kiểm soát xã hội. Không một tổ chức nào có thể phát khởi lên trong một môi trường bị đầu độc hoàn toàn như thế. Mà dù có xuất hiện thì cũng khó tồn tại trong một thời gian đủ dài vì các âm mưu gián điệp sẽ phá vỡ mọi kế hoạch và chương trình hoạt động của tổ chức đó.
Không có sự kết hợp vững chắc và sự phát triển lâu dài của một tổ chức hay nhiều tổ chức hợp lại với nhau thì nhu cầu hiện diện một nhà lãnh đạo chung cho cả phong trào sẽ không được đặt ra.
Tôi tự hỏi Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi làm sao để quy tụ được hàng ngàn người trước khi các nhà hoạt động ấy bị bắt? Bà đã đọc diễn văn trước hàng ngàn người ủng hộ trước khi cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. Điều này làm tôi liên tưởng đến cảnh một nhà đấu tranh uy tín ở Việt Nam không thể bước ra khỏi nhà để tham gia một cuộc xuống đường yêu nước. Chế độ độc tài Miến Điện vẫn còn thua xa cộng sản Việt Nam về sự đàn áp tinh vi. Cộng sản Việt Nam không bao giờ để cho một cuộc tập hợp đông đảo xung quanh một nhân vật có uy tín như vậy xảy ra, vì thế họ không có nhu cầu phải giải tán đám đông bằng súng đạn. Cách làm này vừa hiệu quả, vừa ít gây phẫn nộ trong nước cũng như quốc tế.
Có thể có thêm một vài nguyên nhân khác.
Thứ nhất, lịch sử chia cắt và những tổn thương sâu sắc sau ‘cuộc chiến ý thức hệ’ đã chia rẽ toàn khối người Việt thành hai nhóm lớn: một bên coi cộng sản là tội ác chống nhân loại (điều này có bằng chứng); một bên cho rằng, dù có sai lầm hiện tại, nhưng cộng sản Việt Nam vẫn có chính nghĩa khi nắm quyền cai trị sau những cuộc ‘đấu tranh giành độc lập’. Đơn giản, họ có những “tâm tình” khác nhau đối với sự thật về người cộng sản. Hai thái độ khác biệt đó khiến chúng ta khó tìm được sự đồng thuận để đứng cùng nhau trong một tập hợp có phạm vi cả nước, để rồi có nhu cầu đưa lên một người lãnh đạo.
Thứ hai, ý chí và nguyện vọng tự do của người dân Việt nam còn rất yếu. Người lãnh đạo nào có thể quy tụ được những con người thờ ơ với vận mệnh của chính mình? Người lãnh đạo nào, dù can đảm và xuất sắc đến đâu, có thể có được sự quan tâm và ngưỡng phục chấn động thế giới nếu ông (bà) ta là một cá nhân hoàn toàn đơn độc?
Quần chúng sợ hãi
Chúng ta than thở rằng Việt Nam không có một lãnh đạo đủ uy tín, tài đức và dũng cảm như Daw Suu. Nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi: bà đã xuất hiện như một vận may của Miến Điện để quyết định cơ hội dân chủ hóa, hay chính những người dân Miến Điện dũng cảm, khao khát tự do dân chủ đã quy tụ xung quanh bà, tạo nên điều kiện thuận lợi và uy tín cho bà?
Về sự dũng cảm, Việt Nam không thiếu những con người dũng cảm đã dấn thân và hy sinh 10, 20, thậm chí 30 năm trong tù. Tôi không muốn dùng những lời ca ngợi sáo rỗng cho bất cứ cá nhân nào, nhưng sẽ thiếu sót nếu chúng ta quên những người đã đấu tranh từ những ngày đầu sau năm 1975. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế là một trong những người như thế, ông vẫn bám trụ ở Việt Nam, vẫn đồng hành với những người đấu tranh trong nước mấy mươi năm nay.
Bà Suu Kyi có bằng cấp khoa bảng, có dũng khí, yêu nước và ôn hòa; bác sĩ Quế không thiếu những tố chất này. Vậy sao bà có sự ủng hộ của quần chúng và uy tín lớn trên thế giới – điều mà bác sĩ Quế chưa có được?
Xin hỏi: làm sao một người lãnh đạo có thể tranh thủ được sự ủng hộ của một khối người sợ hãi và cam chịu? Làm sao một nhà đấu tranh có thể quy tụ được quần chúng khi không thể nào tiếp cận được với họ? Làm sao nhà đấu tranh ấy trở nên một lãnh đạo dân sự gây được tiếng vang nếu không có một tổ chức lớn mạnh, đấu tranh kiên trì đứng sau lưng ông (bà) ta?
Đặt ra câu hỏi như thế, chúng ta mới thấy rằng chính bản thân bà Suu Kyi không thể tự tạo ra một mãnh lực kỳ diệu để thu hút quần chúng nếu người dân không chủ động bước ra khỏi sợ hãi để đến với bà; và chính bà cũng sẽ không gây được sự chú ý quốc tế nếu đảng NLD không hề tồn tại hoặc tồn tại trên danh nghĩa (vì bị chính quyền Miến Điện dập tắt từ trứng nước).
Còn nếu chúng ta nói về xuất thân, bà Suu Kyi tất nhiên có lợi thế có một không hai. Nhưng lợi thế ấy e rằng sẽ chẳng phát huy tác dụng ở một đất nước đầy sợ hãi như Việt Nam. Chưa nói đến chuyện: với sự chia rẽ ý thức hệ từ quá khứ đến nay, một người anh hùng dân tộc thực sự rất nhiều khả năng bị một số lớn người phủ nhận, do cách đánh giá khác nhau về lịch sử. Bằng chứng là những người cộng sản từng coi Phan Chu Trinh là ‘nhà cải cách cải lương’. Một người như cha bà Suu Kyi mà ở Việt Nam biết đâu sẽ bị gọi là Việt gian?
Vả lại, khi coi trọng xuất thân, chúng ta đang gián tiếp thừa nhận mình cần một nhà lãnh đạo xuất thân trâm anh? Chúng ta muốn con cái một người lãnh đạo, một anh hùng dân tộc lại tiếp tục lãnh đạo? Tâm lý đó không thích hợp với những người thực sự khao khát tự do, thực sự muốn quyền làm chủ quốc gia thuộc về người dân.
Một cuộc thay đổi ôn hòa với sự hiện diện của nhà lãnh đạo đối lập, sớm muộn sẽ đưa những nhà độc tài có tội ra trước vành móng ngựa. Nhưng lãnh đạo đối lập có khả năng và uy tín lớn để hướng sức mạnh quần chúng vào dựng xây nền dân chủ, kiềm giữ sự phẫn nộ của họ để không phí sức lực vào những trả thù cá nhân.
Bằng không, những cựu lãnh đạo độc tài sẽ trở thành mục tiêu của sự báo thù, vì những bất công và tội ác đã đưa oán hận lên đến cực điểm. Tất nhiên, họ xứng đáng phải trả giá, nhưng vì sự bền vững của nền dân chủ, vì sự tập trung sức lực để xây dựng nền dân chủ non yếu, vì sự đảm bảo không xảy ra tình trạng vô chính phủ và sự tác oai tác quái của các thế lực chính trị cơ hội, chúng ta cần mọi thứ được giải quyết công khai, công bằng và bằng pháp luật.
Nhưng điều đó là mong ước khá mơ hồ ở Việt Nam. Sự thiếu vắng một người lãnh đạo hiện nay không chỉ gây khó khăn cho sự phát triển phong trào mà còn là một lực cản lớn cho nỗ lực chuyển hóa dân chủ không đổ vỡ.
Những người cộng sản đã tính rất kỹ để dập tắt phong trào đối lập bằng mọi cách mọi giá, không cho nổi lên bất cứ một lãnh đạo nào có khả năng đe dọa vai trò lãnh đạo của họ. Nhưng khi ‘hữu sự’, già quá hóa non. Họ sẽ phải trá giá vì những toan tính của họ!
Nguồn: BBC
No comments:
Post a Comment