Độc giả Dân Luận - Tháng 1/2013 này Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Hội nghị Trung Ương 7) sẽ diễn ra. Đây là hội nghị đặc biệt quan trọng để xác định tiến trình đổi mới chính trị của Việt Nam sẽ tiếp tục như thế nào. Bộ Chính Trị (BCT) đang đấu nhau rất căng về chương trình nghị sự cho hội nghị này. Trung Quốc thì vẫn đang thọc sâu vào vấn đề này để buộc Việt Nam đi theo hướng mà họ mong muốn. Đây sẽ là một thảm hoạ cho Việt Nam nếu chúng ta không sớm tạo được một quỹ đạo độc lập cho mình.
Cần phải nhắc lại là, vào tháng 5/2011, việc Trung Quốc gây hấn trên biển Đông, cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh 02, đã làm nóng xu thế chống đối Trung Quốc ở Việt Nam. Cùng thời gian này, ông Dũng đang sa lầy trong các vấn đề kinh tế cũng như bê bối tham nhũng, tiếng nói không còn trọng lượng. Ông Sang đã tranh thủ thời cơ thúc đẩy ông Trọng đưa vào chương trình nghị sự Hội nghị Trung Ương 2 (tháng 7/2011) việc nghiên cứu để chuyển đổi theo hướng dân chủ xã hội. Đây là mô hình phổ biến ở Bắc Âu, được coi là anh em song sinh của chủ nghĩa xã hội. Hội nghị này cũng đã đồng ý tiến hành việc nghiên cứu mô hình chuyển đổi của Myanmar, đồng thời cũng không xác định “các thế lực thù địch" như là một nguy cơ của chế độ. Vào tháng 10/2011, tại Kỳ họp thứ nhất Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2015, ông Trọng đã có một bài phát biểu về việc nghiên cứu những mô hình đổi mới. Đây là một bài diễn văn rất tiến bộ hiếm có của ông Trọng, trong đó đề cập đến mô hình dân chủ xã hội.
Tuy nhiên, sau Hội nghị Trung Ương 2 thì Trung Quốc đã ra tay phá hoại quyết liệt xu hướng này thông qua bàn tay của phe ông Dũng. Chỉ bằng một câu Hồ Cẩm Đào nói với ông Trọng trong chuyến viếng thăm Trung Quốc tháng 10/2011 là “không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước”, thì sau khi về nước một chiến dịch của ông Dũng khai thác câu này đã dấy lên xu hướng đàn áp “thế lực thù địch" để bảo vệ chế độ một cách khủng khiếp tới bây giờ. Công bằng mà nói thì ông Trọng đầu tiên không muốn đưa câu này của Hồ Cẩm Đào vào bản tuyên bố chung của chuyến thăm. Vì thế mà việc ra tuyên bố dã bị đình trệ mất vài ngày. Trong lúc đó ở nhà, ông Dũng vận động các nhân vật bảo thủ khác ép ông Trọng phải chấp nhận. Cùng thời gian đó ông Sang đang ghé thăm Ấn Độ. Kết quả cuối cùng là ông Trọng buộc phải chấp nhận, rồi phóng lao thì phải theo lao. Hơn nữa, khi đang ở Trung Quốc, ông Trọng còn bị một sức ép từ Trung Quốc là họ đe doạ sẽ công bố một số bí mật khác về Hồ Chí Minh, trong đó có liên quan đến Công Hàm 1958, nếu không chấp nhận yêu sách của Trung Quốc. Kể từ đó việc nghiên cứu xu hướng dân chủ xã hội và mô hình Myanmar đã hoàn toàn bị phá hoại. Ông Dũng còn mạnh dạn tấn công ngược lại ông Sang là hữu khuynh theo đường lối xét lại của các thế lực thù địch mà ông Dũng ám chỉ rõ là nhóm Trần Đông Chấn kết hợp với Đảng Dân Chủ Việt Nam.
Từ đó đến nay, các chương trình nghị sự về cải cách chính trị đều bị gạt qua một bên để dành cho việc chỉnh đốn Đảng và chống "thế lực thù địch". Trung Quốc đã thành công trong việc trì hoãn tiến trình đổi mới của Việt Nam, đẩy Việt Nam lấn sâu hơn vào khủng hoảng và đấu đá nội bộ, để nội lực Việt Nam suy yếu nhất. Đây là lúc để họ đẩy thêm bước nữa để Việt Nam phải lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. BCT đã hoàn toàn hết ảo tưởng rằng suy thoái sẽ sớm qua đi, họ đã biết rằng phải có tiền từ bên ngoài, ít nhất là 70 tỷ USD, thì mới có thể tránh được sự sụp đổ rối loạn. Nợ xấu ngân hàng chính thức báo lên BCT là hơn 30% và sẽ còn tiếp tục tăng cao trong mấy tháng tới vì hầu hết các dự án bất động sản đều không có khả năng thanh toán ngân hàng. Dự báo trong 6 tháng tới, con số này sẽ vượt mức 50%. Hiện nay trong BCT đang tranh cãi gay gắt là sẽ xin khoản tiền này từ đâu? Nếu Việt Nam nhận tiền cứu trợ từ Trung Quốc thì sẽ tái diễn một cái gì đó tương tự như Hiệp định Biên Giới 1999 cho biển Đông, và rất nhiều hậu quả khôn lường khác.
Tin liên quan:
Ông Sang hiện nay vẫn đang cố gắng thúc đẩy xu hướng mà ông mong muốn trước đây, đó là dân chủ xã hội và dân chủ hoá kiểu Myanmar. Dù đã tranh thủ được nhiều sự ủng hộ hơn trước nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn là sẽ thành công. Vừa rồi ông ấy đã có phát biểu rất mạnh về việc Myanmar có khả năng sẽ vượt mặt Việt Nam trong một cuộc tiếp dân ở thành phố Hồ Chí Minh. Chi tiết này chỉ được mỗi tờ Tuổi trẻ đưa, tất cả các tờ báo khác đều bị chặn.
Tháng trước, ông Nguyễn Xuân Ngãi (đảng Dân Chủ Việt Nam và cũng là một trong những người khởi xướng phong trào Con Đường Việt Nam) đã suýt được về Việt Nam thông qua một chương trình hợp tác y tế. Phe cấp tiến muốn thực hiện điều này để tạo nên một hình ảnh về sự hoà hợp, làm tiền đề cho những cải cách chính trị tiến bộ. Tuy nhiên phe ông Dũng với đầy đủ vây cánh đã phá hoại việc này bằng nhiều thủ thuật, và cuối cùng ông Ngãi đã không được cấp visa vào Việt Nam. Cuộc chiến nội bộ để xác lập xu thế đổi mới chính trị đang diễn ra gay gắt khắp mọi nơi, từ cao xuống thấp, từ trong ra ngoài nước. Ông Ngãi được nhìn nhận như một nhân vật đảng phái ngoài Đảng CSVN có thể chấp nhận theo quan điểm của phe cấp tiến, ôn hoà và thật lòng, có khả năng đóng góp cho sự xây dựng đất nước. Còn ông Nguyễn Sỹ Bình thì bị phản đối quyết liệt. Việt Tân thì càng khỏi phải nói, một mất một còn với Đảng CS. Trước khi bị bắt, ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định đã gặp ông Nguyễn Sỹ Bình vì một mục tiêu quan trọng là đề nghị đảng Dân Chủ Việt Nam nên hướng đến mô hình dân chủ xã hội để thúc đẩy xu hướng này và đón đầu cho sự thay đổi. Ông Thức tuy từ chối tham gia đảng Dân Chủ Việt Nam nhưng đã hứa giúp ông Bình tạo ra một blog giới thiệu và cổ suý cho mô hình dân chủ xã hội. Việc làm này đã bị an ninh sau này bóp méo thành việc thành lập một đảng xã hội giúp đảng Dân Chủ Việt Nam tập hợp lực lượng. Ông Dũng đã tìm cách gán vụ án này có liên hệ với ông Sang, cho rằng ông Sang dùng “những kẻ phản động" để thúc đẩy mô hình dân chủ xã hội, thực chất là chống Đảng CSVN, lật đổ chính quyền, để hạ bệ ông Sang. Tuy không hạ bệ thành công ông Sang, nhưng ông Dũng cũng đã ép được ông Sang đã phải kiểm điểm “vì mất cảnh giác". Đây là một mối thù cá nhân ông Sang chắc chắn sẽ đòi lại từ ông Dũng. Có thể nói, sắp tới đây, cuộc chiến Ba-Tư sẽ “không chỉ là đấu đá cá nhân” mà đại diện cho xu thế thay đổi chính trị quan trọng của đất nước.
Ý tưởng cơ bản của ông Sang là Đảng CSVN chủ động thay đổi như Myanmar, tức là chấp nhận nới lỏng cho một lực lượng chính trị ngoài Đảng CSVN tham gia vào chính trường, với điều kiện lực lượng này chấp nhận một sự thay đổi theo mô hình dân chủ xã hội, tức là không bài bác chủ nghĩa Mác nhưng sẽ cải cách triệt để về bản chất của ĐCS, để cộng tác với ĐCSVN xoay chuyển tình hình đất nước. Ông Sang tin rằng làm được như vậy sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước tiến bộ, nhất là Mỹ, tranh thủ được sự trợ giúp tài chính và kinh nghiệm để Việt Nam vượt qua khủng hoảng mà không bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Một sự nới lỏng như vậy chắc chắn cũng được nhân dân ủng hộ.
Tuy nhiên, hiện giờ vì thiếu thông tin nên dư luận xã hội có vẻ không thuận theo xu thế ông Sang muốn. Báo mạng “lề trái” thì hướng đến xóa bỏ hoàn toàn Đảng CSVN và xã hội chủ nghĩa, làm cho con bài “thế lực thù địch" của Nguyễn Tấn Dũng càng đắt giá. Còn đa số người dân trong nước thì tù mù và thờ ơ. Nếu dư luận xã hội hiểu và có thể tạo sức ép đủ lớn, thì xu thế này lại có cơ hội được đưa ra trong Hội nghị Trung ương 7 sắp tới. Việc mở cánh cửa cho người dân phúc quyết bản Hiến pháp sửa đổi sắp tới cũng là một khả năng để ngỏ và sẽ tùy thuộc vào xu thế Hội nghị Trung Ương 7, có thể sẽ kéo đến Hội nghị 8 và 9 (tháng 4 và tháng 7/2013).
No comments:
Post a Comment