Cách đây 81 năm, một vụ án chấn động dư luận Hồng Kông bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử thuộc địa, toà án tối cao phải xét xử một bản án chính trị với ba cuộc thẩm vấn của Thư ký Trung Hoa vụ Hồng Kông và 9 phiên toà xét xử tại Hồng Kông (ngày 31/7/1931 là phiên thứ nhất, diễn ra trong không khí căng thẳng, quyết liệt và phiên cuối cùng kết thúc vào ngày 19/9/1931.
Nghi can của vụ án là một nhân vật vô cùng đặc biệt của tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương- tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, Tống Văn Sơ (được Đảng cộng Sản Việt Nam thừa nhận là Nguyễn Ái Quốc hay chính là Hồ Chí Minh). Vụ án lịch sử này đã được dựng thành phim với nhan đề “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, ngay khi khởi chiếu, nội dung cũng như dàn diễn viên tham gia đã làm bản thân Hai Lúa vô cùng yêu mến.
Theo những gì mà cá nhân tôi tìm hiểu dựa vào những tài liệu lịch sử (những trang báo mạng không bị chặn tường lửa tại 64 tỉnh thành ở Việt Nam) thì đầu năm 1930, sau khi triệu tập và chủ trì thành công Hội nghị thống nhất các tổ chức Đảng tại Cửu Long, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đi Xiêm, Malaysia, Singapore rồi quay lại Thượng Hải hoạt động cách mạng. Ông ở tại ngôi nhà 186 phố Tam Lung, Cửu Long – Hương Cảng, và nơi đó trở thành trụ sở liên lạc bí mật giữa Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí của ông.
Ngày 30/4/1931, mật thám Pháp tại Sài Gòn bắt được một số người “tình nghi cộng sản” trong đó có Nguyễn Thái, sau này được biết là “Thư ký Công hội Nam kỳ”, Sứ ủy viên. Khám trong người ông Thái, mật thám bắt được thư của Nguyễn Ái Quốc viết ngày 24/4/1931. Tiếp đó, mật thám Anh tại Singapore đã bắt được Serge Lefranc, phái viên Quốc tế Cộng sản đi công tác Đông Nam Á. Trong giấy tờ của Serge Lefranc có địa chỉ “186 Tam Lung – Hongkong”. Mật thám Pháp ở Đông Dương và mật thám Anh ở Hồng Kông đã mặc cả những điều kiện có lợi cho cả hai bên để bố ráp, bắt lén Nguyễn Ái Quốc – Tống Văn Sơ ở địa chỉ trên ngày 6/6/1931. Lúc đó, họ chưa nắm chắc đó là ai và chỉ suy đoán theo logic đó phải là người rất quan trọng chống lại nước Pháp. Nếu bắt được Nguyễn Ái Quốc thì Pháp sẽ cử tàu Angiê sang áp giải Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương, để thực thi một án tử hình mà Nguyễn Ái Quốc vắng mặt tại toà Đại hình Vinh theo phán quyết số 115 (10-10-1929).
Theo thông lệ ở Hong Kong nếu có việc bắt bớ thì báo chí sẽ “săn” tin và đưa ngay lên báo. Nhưng lần này chính quyền HongKong đã cấm phương tiện thông tin báo chí đưa tin. Cảnh sát Anh sau khi đưa ảnh đối chiếu, đã điện cho Toàn quyền Đông Dương biết “Một người mang tên Tống Văn Sơ – chắc là Nguyễn Ái Quốc đã bị bắt sáng ngày 6/6“. Luật nước Anh quy định rõ, sau khi bắt người trong 14 ngày phải đem xử án, nếu không thì phải trả tự do cho họ. Nhưng chính quyền HongKong đã giam ông Tống Văn Sơ quá hạn rồi nhiều lần ký lệnh giam thêm. Tuy nhiên, báo chí Anh ở Hồng Kông lại không bị kiểm duyệt nên nhiều tờ như tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng”, “Buổi sáng HongKong”, “Bưu điện HongKong”… đã đăng bài tường thuật các phiên tòa xét xử rất chi tiết, đòi bảo vệ công lý, đòi thi hành đúng pháp luật. Tại Pháp Báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, ra ngày 19/6/1931 đăng tin về việc nhà cầm quyền Anh bắt nhà cách mạng An Nam Nguyễn Ái Quốc (dù lúc đó Nguyễn Ái Quốc chính là Tống Văn Sơ). Dưới sức ép của dư luận mà đặc biệt là những tờ báo không phải của chính quyền Hồng Kông, của luật sư Loseby đã đưa vụ án Tống Văn Sơ ra xử công khai trước Pháp viện tối cao.
Còn tại Việt Nam, điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự nước ta có quy định rõ, “không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” nghĩa là họ vẫn phải chịu một số biện pháp cưỡng chế nhất định nếu bị tình nghi, nhưng không ai được xem là có tội và không chịu bất kỳ một hình phạt nào khi chưa có bản án chính thức của Toà án.
Diễn biến của các phiên tòa xét xử vụ án, sự thông minh sắc sảo của luật sư Loseby đã được ghi chép khá chi tiết và ca tụng, điều đó chúng ta không phủ nhận. Nhân vật Nguyễn Ái Quốc là một nhân vật được xếp vào đối tượng “đặc biệt nghiệm trọng cho an ninh nước Pháp”. Sau khi cử người tới tận nhà giam để nhận diện, mật thám Pháp đã gần như chắc chắn, Nguyễn Ái Quốc đã bị bắt dưới một cái tên là Tống Văn Sơ. Vì thế, họ muốn kết tội Nguyễn Ái Quốc với một bản án hợp pháp bởi chính quyền Hồng Kông và dẫn độ tội phạm về nước. Và vì thế họ cũng ngụy tạo chứng cứ, bắt cóc Nguyễn Ái Quốc ngày 06/06/1931 nhưng lệnh bắt lại được ký vào 12/06/1931.
Trong phiên tòa thứ nhất mở ngày 31/7/1931, buổi thứ nhất, Tống Văn Sơ không có mặt, thế nhưng do yêu cầu của luật sư, buổi thứ hai nghi can Tống Văn Sơ đã được xuất hiện trước sự chứng kiến của báo giới cùng đông đảo người dân quan tâm. Một chi tiết của ghi chép lịch sử khác với tình tiết trong phim là:tham gia tranh tụng tại phiên tòa có luật sư J.C Jenkin và luật sư Loseby nhưng chỉ có một mình luật sư J.C Jenkin tham gia tranh tụng (do luật sư Loseby ủy quyền). Trong phiên toà này luật sư Jenkin đã cầm tờ giấy thẩm cung (được yêu cầu cung cấp từ pháp viện tối cao Hồng Kông) và đọc lại lời hỏi- đáp giữa một người Anh lão luyện, đầy kinh nghiệm tố tụng là William Thomson, Phó Bí thư Hoa vụ và Tống Văn Sơ ngày 14/7/1931. Ở dưới bản cung có ký tên tuyên thệ của W.Thomson.
“ – Hỏi: (bằng tiếng Anh) Tên là gì?
- Đáp: Tống Văn Sơ (tên khác là Lý Thụy, tên khác nữa là Nguyễn Ái Quốc).
- Hỏi: Bao nhiêu tuổi?
- Đáp: Ba mươi sáu tuổi.
- Hỏi: Sinh quán ở đâu?
- Đáp: ở thị trấn Đông Hưng – Liêm Châu – Quảng Đông – Trung Quốc.
- Hỏi: Người ta bảo rằng anh là một người cộng sản đang tuyên truyền cộng sản, có thành tích bất hảo. Sự có mặt của anh ở Hồng Kông là một nguy hiểm cho an ninh trật tự. Anh có muốn nói gì để khỏi bị trục xuất không?
- Đáp: Tôi phủ nhận lời buộc tội đó. Tôi không phải là một người cộng sản, nhưng tôi theo chủ nghĩa dân tộc, để xóa bỏ chế độ áp bức của Pháp. Chúng tôi có ba phái: Phái thân Nhật, phái thân Đức, phái muốn trông cậy vào nước Anh…. Tôi không hiểu vì sao tôi bị bắt. Tôi không nhận cái biệt danh Nguyễn Ái Quốc (Đông Dương). Tôi có thuê nhà 186 Tam Lung của một người tên là Vương, ông này đã rời Hồng Kông vào tháng 4. Tôi đến ở và trả tiền thuê nhà. Ông Vương là nhà buôn, không phải là nhà cách mạng… Tôi có ở Thượng Hải, cách đây nhiều năm rồi.
- Hỏi: Anh ở Hồng Kông từ bao lâu ?
- Đáp: Độ bảy tháng
- Hỏi: Có quen ai ở đây không?
- Đáp: Không.
- Hỏi: Anh có gì làm chứng?
- Đáp: Không.
Rõ ràng, theo bản cung trên thì Tống Văn Sơ đã tự nhận mình là Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc – mục đích cuối cùng của thực dân Pháp – Anh.
Ngay lập tức, luật sư Jenkin lên tiếng đọc tờ khiếu nại của Tống Văn Sơ rồi vạch trần chi tiết những sai phạm trong việc hỏi cung và nghiêm trọng hơn, chính quyền đã làm giả bản hỏi cung. Chính những lập luận và dẫn chứng cho sự vô chứng cứ kết tội Tống Văn Sơ mà Trong phiên tòa thứ 8, ngày 12/9/1931, Chánh án đã buộc phải thừa nhận 4 điểm:
1. Việc bắt Tống Văn Sơ là trái phép
2. Việc giam Tống Văn Sơ là trái phép.
3. Việc hỏi cung Tống Văn Sơ không đúng thủ tục.
4. Chính quyền Hồng Kông đã làm giả mạo tờ cung.
Những thông tin được Hai Lúa tô chữ đỏ là những thông tin mà ông Tống Văn Sơ – Nguyễn Ái Quốc đã dối trá trước tòa án. Việc Tống Văn Sơ nhập cư vào Hồng Kông là bất hợp pháp và chính quyền Hồng Kông chỉ còn một biện pháp cuối cùng là “Trục xuất Tống Văn Sơ khỏi Hồng Kông”. Rõ ràng điều này chẳng những bản thân ông Tống biết rõ mà cho đến nay chính Đảng cộng Sản Việt Nam cũng phải thừa nhận dù ông Tống (là Nguyễn Ái Quốc) đã đưa tay tuyên thệ trước tòa. Thế nhưng những tình tiết này là nút thắt của vụ việc, chỉ cần công nhận thì nó đồng nghĩa với một bản án tử hình hay chí ít cũng bị biệt giam như một tội phạm lật đổ chính quyền. Bản thân tôi nghĩ, không phải những vị thẩm phán phiên toà, mật thám Pháp hay vị William Thomson- một người Anh chuyên thẩm cung đầy lão luyện- lại thiếu kinh nghiệm hay sự nhạy bén để không biết tầm quan trọng của nhân vật Tống Văn Sơ mà họ chịu bó tay. Cái mà họ thiếu là chứng cớ để chứng minh Tống Văn Sơ chính là Nguyễn Ái Quốc dù đó là sự thật cũng như họ đuối lý trong việc ngụy tạo chứng cớ để kết tội nghi phạm. Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) lúc đó đã không đưa ra một chứng cứ nào để chứng minh mình vô tội và phán quyết của tòa chỉ dựa vào những gì họ có được.
Thế nhưng một chi tiết mà Đảng Cộng Sản Việt Nam dù không muốn cũng phải thừa nhận, tòa án tối cao của Hồng Kông lúc bấy giờ dưới sự bảo trợ pháp lý của “Thực dân Anh” đã tuân thủ nghiêm túc theo tinh thần “không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Dù có những khuất tất và ngụy tạo chứng cớ phía sau phiên tòa nhưng sự thượng tôn của pháp luật trong một vụ án (mà rõ ràng họ đúng) vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt và được đặt trên hết.
Đã gần một thế kỷ trôi qua, vụ án lịch sử này có lẽ sẽ được lưu giữ và kể lại với một niềm tự hào vô bờ bến của những Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam qua những cú “lách luật”. Họ không nói đến nó trên một tinh thần tôn trọng sự thật mà kể về nó với tất cả niềm tự hào về sự khôn ngoan thông minh khéo léo của Nguyễn Ái Quốc- Tống Văn Sơ, cùng sự sắc sảo của luật sư Loseby và cộng sự của ông. Phiên tòa đó có sự tham gia của pháp luật hai “đế quốc thực dân Pháp và Anh” mà theo đánh giá của Marx là xã hội đầy rẫy những bất công, người bóc lột người, vô nhân đạo; còn theo đánh giá của bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì xã hội của họ kém xa chúng ta hàng vạn lần về dân chủ. Trông người mà nghĩ đến ta, thử hỏi nếu nghi can lúc đó là Nguyễn Ái Quốc lại “may mắn” được xét xử ngay trong tòa án của chế độ tươi đẹp XHCN này, một phiên tòa mà ngay cả mẹ, vợ, con, anh chị em ruột cũng không được tham dự, liệu điều gì sẽ xảy ra, liệu Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ thực sự ra sao và đi về đâu khi người thủ lĩnh khởi xướng Đảng bị kết án tử hình được toà Đại hình Vinh phán quyết? Đảng Cộng Sản Việt Nam hãy biết cám ơn phiên tòa đó, cám ơn họ, cám ơn sự thượng tôn pháp luật, cám ơn cái nền pháp luật TBCN- mà họ chỉ là giai đoạn quá độ của Việt Nam mà thôi.
Trải qua gần một thế kỷ rồi, phiên toà đó vẫn là niềm khao khát, ước mơ của không biết bao nhiêu nhà dân chủ, có những đấu tranh và phản biện hết sức ôn hòa của Việt Nam, đã không dùng những bản án bỏ túi, những ý muốn chủ quan để kết tội con người.
No comments:
Post a Comment