Tuesday, October 9, 2012

Mỹ cần một chiến lược về Đài Loan



L.C. Russell Hsiao và H.H. Michael Hsiao
Trần Ngọc Cư dịch
Sự phát triển nhanh chóng các quan hệ giữa Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) và Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) trong thập kỷ vừa qua đang thay đổi hướng đi của nền hòa bình xuyên Eo biển Đài Loan.
Mặc dù những điều kiện thuận lợi cho hòa bình đang gia tăng trong ngắn hạn, nhưng những thách thức trong trung hạn và dài hạn lại tiếp tục tăng lên và sẽ đòi hỏi một sự điều chỉnh trong đường lối Washington xử lý các quan hệ xuyên Eo biển Đài Loan. Chắc chắn là, cả ba nước đều đồng ý phải duy trì “nguyên trạng” hiện nay (the current status quo) tại Eo biển Đài Loan – nhưng phải coi chừng: mỗi bên có lối giải thích riêng về ý nghĩa của cái gọi là “nguyên trạng”.
Thật vậy, Washington, Đài Bắc và Bắc Kinh định nghĩa “nguyên trạng” một cách khác nhau. Nhưng hình như Washington là Chính phủ duy nhất không có một định nghĩa rõ ràng hay một chiến lược rõ ràng về phương cách duy trình “nguyên trạng” này. Tuy nhiên, sự thiếu sót một định nghĩa như vậy tại Washington lại mâu thuẫn với chủ trương “hàm hồ chiến lược” (strategic ambiguity) của các nhà hoạch định chính sách Mỹ (một chính sách vốn nằm trong bài bản của Mỹ trong 3 thập kỷ nay) trong việc quản lý các quan hệ xuyên Eo biển Đài Loan. Đường lối quản lý xung đột của Washington đã có ích lợi ở mức độ là nó đã chống lại khả năng xung đột xuyên Eo biển Đài Loan, bằng cách ngăn chặn không cho Trung Quốc xâm lăng Đài Loan và ngăn chặn Đài Bắc tuyên bố độc lập trên pháp lý (de jure independence) trong một thời kỳ quá độ đầy bấp bênh – nhưng một chiến lược như thế sẽ có hiệu quả rất giới hạn trong việc duy trì hòa bình dài hạn trong khu vực.

Lời tuyên bố sau đây của một cựu quan chức cao cấp Mỹ vào năm 2004 đã phản ánh lập trường hàm hồ của Washington về “nguyên trạng”. “Trước Ủy ban Quan hệ Quốc tế Hạ viện ngày 21 tháng Tư 2004, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, James A. Kelly, được Dân biểu Grace Napolitano (Dân chủ-bang California) chất vấn, liệu việc Mỹ cam kết bảo vệ nền dân chủ Đài Loan có mâu thuẫn với cái gọi là Chính sách một-nước-Trung Hoa (One-China Policy) hay không? Kelly thú nhận sự khó khăn trong việc định nghĩa lập trường của Mỹ: ‘Thật ra, tôi không định nghĩa lập trường này, và tôi không chắc mình có thể định nghĩa nó một cách rất dễ dàng’. Ông còn nói thêm: ‘Tôi chỉ có thể nói với quí vị cái điều mà lập trường này không phải là. Nó không phải là [Kelly nhấn giọng] nguyên tắc một-nước-Trung Hoa mà Bắc Kinh đề nghị”.
Mặc dù những tuyên bố chính thức như thế phản ánh những lối giải thích khác nhau giữa Washington và Bắc Kinh về “nguyên trạng”, nhưng sự hàm hồ này không nhất thiết phục vụ lợi ích của Mỹ về lâu về dài vì nó dựa trên một tiền đề khập khiểng, một tiền đề đang dẫn đường cho quan điểm của Washington về các quan hệ xuyên Eo biển Đài Loan. Những cách đánh giá tình hình này đang cản trở các nhà hoạch định chính sách tại Washington trong việc hình thành một đường lối hành động tại Eo biển Đài Loan có thể thiết thực hơn cho việc củng cố các giá trị và lợi ích của Mỹ trong khu vực. Rõ ràng là, có một xu thế trong hệ thống quan liêu Washington là nhìn những biến cố tại Eo biển Đài Loan theo lăng kính nhị nguyên: độc lập hay thống nhất, do đó sẽ có chiến tranh hay hòa bình. Theo lý luận này: Nếu Đài Loan quyết đòi một nền độc lập trên pháp lý, thì Bắc Kinh - dựa vào luật chống ly khai 2005 - sẽ xâm chiếm Đài Loan. Trái lại, nếu cả hai bên Eo biển đều đồng ý tiến tới thống nhất, thì sẽ có hòa bình. Đây là một lựa chọn [quan điểm] rất sai lầm - một quan điểm vô tình tạo lợi thế cho Bắc Kinh.
Hơn nữa, quan điểm này không đứng vững vì Đài Loan hiện nay không muốn tiến tới cái gọi là độc lập mà cũng không muốn tiến tới cái gọi là thống nhất. Sự tin tưởng chỉ có trong giới thư lại Washington đã giới hạn khả năng của Mỹ trong việc khai thác những cơ hội nội tại trong tình hình hiện nay. Nói cách khác, chính sách của Mỹ đã bị ràng buộc vào một ảo ảnh về tính tất yếu (the mirage of inevitability). Ngoài ra, chiến lược này tự thân là phản động [đi ngược với trào lưu] và ngăn cản Washington nắm thế chủ động trong việc bảo vệ lợi ích của mình, bằng cách khoán trắng việc làm quyết sách về Đài Loan cho Trung Quốc. Và dựa vào sự chênh lệch sức mạnh ngày một gia tăng tại Eo biển Đài Loan, Bắc Kinh tự ý định nghĩa thế nào là độc lập và thế nào là thống nhất. Nói cách khác, Bắc Kinh định nghĩa những điều kiện để có hòa bình và chiến tranh tại Eo biển Đài Loan. Loại “nguyên trạng” này là không bền vững.
Chắc chắn là, trong một thập niên nay, hình như đã có một sự thay đổi cơ bản trong thái độ của cử tri Đài Loan mà tất cả các chính đảng đang tranh giành quyền lực tại đó sẽ phải nhìn nhận. Đặc biệt là, cử tri Đài Loan đã tránh xa việc hậu thuẫn cho cả “thống nhất” lẫn “độc lập” như là những mục tiêu chính trị trung hạn. Thật vậy, theo một cuộc thăm dò công luận vào tháng Chín 2011 được tiến hành bởi Hội đồng nghiên cứu các vấn đề lục địa của Đài Loan, trong đó các người tham dự phỏng vấn được hỏi về lập trường của họ về những quan hệ xuyên Eo biển Đài Loan, 87,2% nói rằng họ ủng hộ việc duy trì “nguyên trạng”, trong khi chỉ có tổng cộng 7% cho biết họ muốn thống nhất hay độc lập “càng sớm càng tốt”. Theo một cuộc thăm dò gần đây hơn, vào tháng Tám 2012, mang tên Phong vũ biểu Tâm trạng tại Đài Loan do cơ quan Nghiên cứu Thăm dò các Chỉ dấu tại Đài Loan - một cơ quan thăm dò mới - chỉ có 18,6% dân số Đài Loan cho rằng hai bên Eo biển Đài Loan “cuối cùng” phải thống nhất, trong khi 66,6% không chấp nhận con đường tiến tới thống nhất. Đài Loan là một quốc gia muốn giữ nguyên trạng, còn Trung Quốc thì không.
Dưới ánh sáng của những cuộc thăm dò này, có lẽ người ta có thể giải thích được sự kiện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - một chế độ độc tài độc đảng với thái độ trước sau như một về mục tiêu nhiên hậu là thống nhất Đài Loan với “Tổ quốc” – đã có quan điểm trắng-đen rõ ràng với Đài Loan. Dẫu sao, Đài Loan, trong khuôn khổ hiến pháp Trung Hoa Dân quốc (THDQ) hiện nay, đang tồn tại như một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đây là một thực tế khách quan. Theo định nghĩa của Công ước Monvideo năm 1933 về Quyền lợi và Bổn phận của các Quốc gia, “một quốc gia có tư cách pháp nhân quốc tế phải có những điều kiện sau đây: a) một dân số thường trực; b) một lãnh thổ được qui định rõ ràng; c) một chính phủ; và d) khả năng tham gia các quan hệ với nhiều quốc gia khác”. Đài Loan có tất cả 4 thuộc tính này. Việc Mỹ thiếu quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan không thay đổi được thực tế này. Thật vậy, Công ước nói trên còn qui định rằng “sự hiện hữu của một quốc gia về mặt chính trị không tùy thuộc vào sự công nhận bởi các quốc gia khác”. Hơn nữa, “sự công nhận một quốc gia có thể công khai hay ngấm ngầm. Sự công nhận ngấm ngầm phát sinh từ bất cứ hành vi nào ám chỉ ý định công nhận quốc gia mới này”.
Nói cách khác, chính sự hiện hữu của Trung Hoa Dân Quốc đã đặt một mối đe dọa sinh tồn cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) vì nó cung ứng một mô hình thay thế hợp pháp cho tương lai Trung Quốc bên cạnh mô hình do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra. Như bài hát thời Cách mạng Văn hóa “Đông phương Hồng” thường xuyên nhắc nhở dân chúng: “Nếu không có Đảng Cộng sản, thì sẽ không có nước Trung Hoa mới”. Do sự kiện CHNDTH là một Nhà nước Đảng trị (a Party-State), người ta có thể suy diễn, sự hiện diện của THDQ và thể chế dân chủ tại Đài Loan sẽ tước đoạt tính chính đáng của ĐCSTQ, vì Đài Loan có thể cung ứng một mô hình thay thế cho hệ thống chính trị Trung Quốc hiện nay.
Tuy vậy, do sự cách biệt về quyền chủ quyền ngày một gia tăng tại Eo biển Đài Loan [giữa Trung Quốc và Đài Loan], những biến chuyển [chính trị-xã hội] nói trên đòi hỏi Washington phải duyệt xét lại kỹ càng quan điểm truyền thống của mình về những kỳ vọng, khả năng và hậu quả do những biến cố tại Eo biển Đài Loan đưa đến. Nằm ở cốt lõi của vấn đề này là cách giải thích của Washington về “nguyên trạng”. Chiến lược của Bắc Kinh đối với Đài Loan là rất rõ ràng, và gần như có một sự đồng thuận xã hội tại Đài Loan về “nguyên trạng” [không độc lập, không thống nhất, ND]. Vì thế, Washington cần phải có một quan điểm tương ứng, chính xác hơn quan điểm hiện nay, về “nguyên trạng” ấy. Việc Mỹ không chịu đối phó với sự chênh lệch chủ quyền tại Eo biển Đài Loan sẽ trở thành một nguyên nhân thực sự đưa đến bất ổn về lâu về dài. Việc Mỹ từng bước âm thầm từ bỏ hậu thuẫn của mình đối với chủ quyền của Đài Loan, một chủ quyền được định nghĩa theo điều kiện của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), có tiềm năng gây bất bình ngày một gia tăng từ cả hai phía của lăng kính chính trị tại Đài Loan – và do đó tạo ra một tình trạng bấp bênh ngày càng nghiêm trọng hơn tại Eo biển Đài Loan. Sự kiện này có thể dẫn đến việc Đài Loan phải có những biện pháp quyết liệt để đảm bảo sự tồn tại của mình.
Việc Mỹ xoay trục chiến lược hướng về châu Á đòi hỏi một sự tái quân bình lực lượng tại Eo biển Đài Loan. Mặc dù mọi bên đều có thể đồng thuận về nhu cầu phải xích lại gần nhau, nhưng những kỳ vọng gắn liền với những tương tác này lại khác nhau. Kể từ khi Tổng thống Đài Loan Mạc Anh Cửu đắc cử nhiệm kỳ hai vào tháng Giêng 2012, Bắc Kinh đã bắt đầu thúc đẩy việc tiến tới một hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, do có sự “cải thiện” bề ngoài về tình hình ổn định tại Eo biển Đài Loan trong 4 năm qua, Washington có xu thế sẽ không thay đổi chính sách Đài Loan của mình, theo quan niệm của một số người. Nhưng, việc Washington thiếu một chiến lược, nhằm thể hiện một kết quả mong muốn, đang dẫn đến tình trạng “chênh lệch chủ quyền” ngày một gia tăng tại Eo biển Đài Loan. Trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục dành cho mình quyền sử dụng vũ lực để buộc THDQ (Đài Loan) phải chịu khuất phục dưới sự thống trị của CHNDTH, việc này có thể tạo ra một “sự đã rồi” (fait accompli) dẫn đến việc sáp nhập Đài Loan vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nếu Mỹ không chịu làm gì cả, thì sự tan vỡ của một thỏa ước tạm thời (modus vivendi) giữa Đài Loan và Trung Quốc sẽ tức khắc dẫn đến xung đột giữa Bắc Kinh và Đài Bắc về vấn đề chủ quyền của hai nước cộng hòa.
Do đó, với những điều đã trình bày ở trên, giải pháp cho một nền hoà bình và ổn định lâu dài tại Eo biển Đài Loan là phải tích cực tăng cường sự tin cậy, tinh thần bình đẳng, và địa vị của các quốc gia theo một cung cách phù hợp với chính sách và các giá trị Mỹ. Những điều chỉnh dần dần trong chính sách của Mỹ nhằm phản ánh một quan điểm chính xác hơn về cái gọi là “nguyên trạng”, biết nhìn nhận thực tế khách quan tại Eo biển Đài Loan, sẽ đối phó hữu hiệu tình trạng “cách biệt chủ quyền” ngày một gia tăng, đồng thời tái quân bình sự chênh lệch lực lượng và đảm bảo hoà bình lâu dài tại Eo biển Đài Loan.
L.C.R.H. – D.C.M.H.
L.C. Russell Hsiao là Chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Dự án 2049 (Project 2049 Institute) tại Washington; D.C. Michael Hsiao là Nhà nghiên cứu ưu hạng và là Giám đốc Viện Xã hội học, Viện hàn lâm Trung Hoa (Academia Sinica) tại Đài Loan.

No comments:

Post a Comment