Tuesday, October 2, 2012

Lại cưỡng chế đất tại xứ đạo Cồn Dầu, Đà Nẵng



Gia Minh, biên tập viên RFA  - Vụ cưỡng chế thu hồi đất mới nhất tại xứ đạo Cồn Dầu vừa diễn ra hôm 2 tháng 10 vừa qua.

Chưa đền bù thỏa đáng
Ngôi nhà vị cưỡng chế mới nhất là của gia đình anh Huỳnh Ngọc Chạy. Anh này có vợ và hai con, đứa lớn nhất năm nay học lớp 8 và đứa nhỏ học lớp 2.
Cảnh sát cơ động ngăn cản tang lễ và cướp quan tài cụ bà Hồ Nhu ở Cồn Dầu, Đà Nẵng hôm 4-5-2010.
Theo chủ nhân của ngôi nhà cho biết thì mức bồi thường mà cơ quan chức năng đưa ra với gia đình là 600 triệu. Thế nhưng theo gia đình cho biết thì số tiền đó không thể đủ để xây dựng lại ngôi nhà để ở trong thời buổi đắt đỏ hiện nay. Anh Huỳnh Ngọc Chạy cho biết về điều đó:
"Nguyện vọng của gia đình là xin cho được thỏa đáng để khi lên khu mới khỏi phải nợ nần. Nhà tôi được 180 mét vuông, mức đền bù là 600 triệu đồng. Bây giờ lên đó mua lại đất hết 100 triệu, và làm nhà thì nợ nần nhiều quá…Họ đưa giấy báo giá cho mình. Họ đến kiểm tra nhà xong nói sẽ cấp cho một lô, và mức đền bù 600 triệu. Tôi thấy nếu mình nhận sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng, nợ nần nên làm đơn xin thêm mà ‘lãnh đạo’ không giải quyết, họ quyết định thu hồi đất."
Gia đình anh Chạy hiện vẫn yêu cầu các cơ quan liên hệ cứu xét cho nguyện vọng được tăng mức đền bù nhằm có thể ổn định cuộc sống. Cơ quan chức năng từ chối yêu cầu đó và đã một số lần gửi lệnh cưỡng chế xuống, và đến ngày 2 tháng 10 thì thực hiện việc phá ủi căn nhà.
Tám giờ sáng nay và đến tầm hơn 11 giờ thì họ phá xong. Lực lượng cưỡng chế gồm công an, các ban ngành từ phường đến quận Cẩm Lệ. Họ đọc lệnh cưỡng chế xong họ cho tháo toàn bộ cửa ngõ và dùng máy đào, máy ủi xuống.
Trước đó hai căn nhà giáp với nhà của anh Huỳnh Ngọc Chạy cũng đã bị cưỡng chế.
Tôi thấy nếu mình nhận sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng, nợ nần nên làm đơn xin thêm mà ‘lãnh đạo’ không giải quyết, họ quyết định thu hồi đất.
Anh Huỳnh Ngọc Chạy
Cơ quan chức năng địa phương không tiến hành họp bàn với người dân như một số lần trước đây, mà gần đây những đơn vị liên hệ đến làm việc với từng gia đình riêng lẻ yêu cầu họ phải chấp nhận giao nhà, giao đất nếu không thì bị cưỡng chế như trường hợp của gia đình anh Huỳnh Ngọc Chạy hôm 2 tháng 10 vừa qua.
Trong khi chưa có nhà mới mà nhà cũ bị cưỡng chế nên tình cảnh của gia đình anh Huỳnh Ngọc Chạy hiện nay trở thành vô gia cư như trình bày của anh:
"Nhà Nước đập nhà rồi, bây giờ không có chỗ nương tựa."
Xứ đạo Cồn Dầu hiện nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng hình thành đã 135 năm. Có thể nói đó là một vùng đất toàn tong người giáo dân Công giáo. Họ canh tác ruộng vườn, sinh sống quanh ngôi nhà thờ xứ đạo của họ như một cộng đồng thuần thành trong một khung cảnh yên bình.

Tan tác làng quê, xứ đạo

Dân biểu Frank Wolf và ảnh của nạn nhân anh Nguyễn Thành Năm, tại buổi điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos ở Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 18 tháng 8. RFA PHOTO
Dân biểu Frank Wolf và ảnh của nạn nhân anh Nguyễn Thành Năm, tại buổi điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos ở Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 18 tháng 8. RFA PHOTO
Xáo động đến khi vùng đất có xứ đạo Cồn Dầu nằm trong khu vực mà  chính quyền thành phố Đà Nẵng quyết định giải tỏa trắng 440 héc ta để làm khu du lịch sinh thái, và nay là dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Chủ đầu tư là Tập đoàn tư nhân Mặt Trời. Dù công trình xây dựng chưa hình thành thế nhưng số tiền rao bán của tập đoàn này đưa ra trên mạng được người dân địa phương cao biết gấp 30 lần so với khoản tiền bồi thường cho người dân.
Ngoài lý do cuộc sống khó khăn hơn nhiều khi phải di dời đi nơi khác, người dân thuộc Xứ đạo Cồn Dầu có nguyện vọng trên hết là được tiếp sống quanh ngôi giáo đường lâu nay của họ. Tuy nhiên, nguyện vọng đó đến nay vẫn không được giải quyết.
Cao điểm của vụ xứ đạo Cồn Dầu xảy ra hồi ngày 4 tháng 5 năm 2010 khi họ cùng gia đình đưa xác cụ bà Hồ Nhu, nhũ danh Maria Đặng thị Tân, đi chôn tại khu nghĩa trang của xứ đạo. Thế nhưng, cảnh sát cơ động và lực lượng an ninh địa phương đã quyết chặn dẫn đến xô xát giữa đôi bên.
Sau vụ việc đó, một số giáo dân Xứ đạo Cồn Dầu bị bắt giam và đánh đập, trong đó có cả những trẻ vị thành niên. Cơ quan chức năng địa phương tại Đà Nẵng cuối cùng đã đưa 6 giáo dân ra tòa về tội gây rối trật tự và chống người thi hành công vụ. Văn phòng luật của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có được vài gia đình mời để bào chữa cho thân nhân của họ, nhưng tòa án địa phương từ chối.
Sau vụ đưa tang cụ bà Hồ Nhu hai tháng một thành viên trong đội trợ tang của giáo xứ Cồn Dầu là anh Nguyễn Thành Năm bị đánh đến chết. Cơ quan chức năng nói rằng anh này chết vì bệnh tim, tuy nhiên thân nhân bác bỏ nguyên nhân đó vì anh này không hề có tiền sử về bệnh đó. Thực tế, cái chết của anh Nguyễn Thành Năm xảy ra sau khi bị đánh.
Cũng sau đám tang của cụ bà Hồ Nhu, tính đến nay, có hơn 70 chục giáo dân Xứ Đạo Cồn Dầu phải tìm đường chạy sang Thái Lan tỵ nạn. Cho đến nay có 14 người được Hoa Kỳ cho đến định cư.
Một người khi đến được đất Thái đã hồi tưởng lại trong nước mắt những giờ phút bị công an địa phương đánh đập như sau:
Sự đàn áp người Cồn Dầu chúng tôi rất dã man. Những chi tiết tôi không thể nói ra đây được, vì nói thì cảm xúc dâng lên. Tất cả người dân chúng tôi rất khiếp sợ.
Một người dân Cồn Dầu tị nạn tại Thái
“Sự đàn áp người Cồn Dầu chúng tôi rất dã man. Những chi tiết tôi không thể nói ra đây được, vì nói thì cảm xúc dâng lên. Tất cả người dân chúng tôi rất khiếp sợ. Những người ở tù cùng tôi ra không dám nói sự thật vì họ rất hoảng sợ. Chính tôi cũng vậy, tôi ra khỏi tù ở lại cả tháng rồi mới ra đi.”
Hôm tháng năm vừa qua, mạng VnExpress loan tin ông bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lại gặp người dân xứ đạo Cồn Dầu. Tờ báo trích dẫn câu nói của chính ông Nguyễn Bá Thanh rằng ‘gia đình nào vì giải tỏa mà nghèo khó, hãy gặp tôi.’
Bài báo trích dẫn thống kê của ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ cho thấy tại Xứ Đạo Cồn Dầu có 266 hồ sơ chưa bàn giao, trong đó 68 hộ dân chưa nhận tiền.
Qua trình bày của người trong cuộc thì có mấy ai có thể gặp được ông bí thư Nguyễn Bá Thanh và nguyện vọng được giải quyết thỏa đáng?
Từ một xứ đạo yên bình, sau khi có qui hoạch để tiến hành dự án khu du lịch sinh thái, một số người phải ly hương, một số còn lại đang trong tình trạng thấp thỏm và mất nơi ở ổn định như gia đình anh Huỳnh Ngọc Chạy vừa bị cưỡng chế hồi ngày 2 tháng 10 vừa qua.

No comments:

Post a Comment