Saturday, September 29, 2012

Xã hội dân sự và dân chủ



Hoàng Việt - Trước hết cần phân biệt vai trò của Xã Hội Dân Sự (XHDS) trong một nền dân chủ và vai trò của XHDS trong một cuộc chuyển đổi dân chủ.

Vai trò của XHDS trong một nền dân chủ
Cho đến khoảng những năm 80, phần lớn các nghiên cứu chỉ tập trung vào phân tích vai trò của XHDS trong một nền dân chủ. Gabriel và Verba cho rằng mảng XHDS gắn với các hoạt động chính trị có vai trò thiết yếu đối với nền dân chủ. Chúng làm tăng hiểu biết của người dân, giúp họ bỏ phiếu hiệu quả hơn và tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị, qua đó góp phần giám sát hoạt động của nhà nước. Putnam đi xa hơn khi cho rằng ngay cả các tổ chức XHDS không liên quan tới chính trị cũng có vai trò thiết yếu đối với nền dân chủ. Lý do, theo ông, là vì XHDS tạo ra vốn xã hội (social capital), lòng tin và các giá trị chung. Những nhân tố này lại được chuyển vào không gian chính trị, tăng cường sự đoàn kết xã hội và nâng cao sự hiểu biết của công chúng về mối liên thông của xã hội và các nhóm lợi ích trong nó.
Vai trò của XHDS trong một nền dân chủ đang được củng cố
Larry Diamond , khi phân tích vai trò của XHDS trong một nền dân chủ đang được củng cố, đã tổng hợp và đưa ra các vai trò cốt lõi của XHDS như sau:
● Giới hạn, giám sát và kiềm chế quyền lực của nhà nước dân chủ, trông chừng sự lạm dụng và vi phạm pháp luật tiềm ẩn của bộ máy nhà nước, và đặt nó dưới sự giám sát của công chúng. Một thí dụ thường được nhắc tới là vấn đề tham nhũng tràn lan thường xảy ra trong các xã hội dân chủ non trẻ. Một XHDS năng động thường có tác dụng kiềm chế sự lạm dụng chức quyền của quan chức và giúp hạn chế vấn nạn này.
● Hòn đá tảng của xã hội dân chủ là ý thức tham gia quản lý xã hội của công chúng. Một XHDS năng động có tác dụng khuyến khích công chúng tham gia chính trị, tăng tính hướng đích và kỹ năng chính trị của họ trong chế độ dân chủ, và thúc đẩy nhận thức về nghĩa vụ cũng như các quyền của công dân dân chủ. XHDS năng động còn tạo ra một vũ đài cho sự phát triển các thành tố dân chủ khác, như khoan dung, ôn hoà, sẵn sàng nhượng bộ, và tôn trọng các quan điểm khác biệt.
● XHDS tạo ra các kênh phi đảng phái để biểu đạt, tập hợp và đại diện các lợi ích. Chức năng này đặc biệt quan trọng trong việc đem lại khả năng tiếp cận quyền lực cho các nhóm trước đây bị gạt ra lề như phụ nữ và người thiểu số. Các nền dân chủ tự nó không bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa tất cả các nhóm lợi ích. Chỉ bằng các sức ép có tổ chức và lâu dài từ dưới lên, từ xã hội dân sự, thì quyền bình đẳng xã hội và chính trị mới được đẩy mạnh; chất lượng, năng lực phản hồi và tính chính thống của nền dân chủ mới được nâng lên.
● XHDS đa nguyên sinh động, đặc biệt là trong các nền kinh tế phát triển cao, sẽ có xu hướng tạo ra một dải rộng các lợi ích đan chéo, và do đó làm dịu bớt những sự phân cực cơ bản của xung đột chính trị. Khi các tổ chức dựa trên các giai cấp mới hình thành và các phong trào hướng-vấn đề (issue-oriented) khởi lên, chúng cũng lôi kéo các thành phần mới, cắt ngang qua các đường ranh giới về đảng phái, sắc tộc, tôn giáo và lãnh thổ từng tồn tại từ trước. Khi các nền độc tài bị lật đổ, những cấu trúc mới này có thể tạo ra một loại hình công dân hiện đại xuyên thấu các chia rẽ về lịch sử và ngăn chặn sự trỗi dậy của các xung lực dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi.
● XHDS còn có chức năng tuyển lựa và đào tạo các lãnh tụ chính trị mới. Các nhà vận động, thông qua một quá trình lãnh đạo và vận hành thành công các tổ chức XHDS, có thể học được các kỹ năng và sự tự tin, những thứ trang bị sẵn sàng cho họ, để phục vụ trong chính quyền và nền chính trị đảng phái. Họ học cách tổ chức và khơi cảm hứng cho người khác, tranh luận, gây và quản lý quỹ, lập ngân sách, quảng bá nghị trình, quản lý nhân sự, vận động sự ủng hộ, và xây dựng các liên minh. Cùng lúc đó, công việc của họ nhân danh những người ủng hộ, hay nhân danh những thứ mà họ thấy là thuộc về lợi ích công cộng, và sự minh biện của họ về các phương án khác nhau, rõ ràng và thuyết phục, cho một chính sách, có thể đem lại cho họ sự ủng hộ chính trị rộng lớn hơn.
● XHDS còn tham gia vào quá trình giám sát bầu cử đã và đang giữ vai trò quyết định trong việc ngăn chặn gian lận [trong bầu cử] và nâng cao niềm tin của cử tri, khẳng định tính hợp hiến của kết quả, và trong nhiều trường hợp (như ở Philippines năm 1986 và Panama năm 1989) chứng minh chiến thắng của phe đối lập bất chấp sự gian lận của chính quyền đương nhiệm. Chức năng này đặc biệt quan trọng trong các cuộc bầu cử bản lề như các cuộc bầu cử đã khai sinh các nền dân chủ ở Chile, Nicaragua, Bulgaria, Zambia, và Nam Phi.
Vai trò của XHDS trong chuyển đổi dân chủ (democratic transformation)
Cùng với những biến động chính trị ở Đông Âu, Liên Xô, Nam Mỹ từ thập niên 80 và trào lưu dân chủ hóa trên khắp thế giới, vai trò của XHDS trong một cuộc chuyển đổi dân chủ nhanh chóng được nhìn nhận và phân tích. Tuy nhiên, nếu như các nền dân chủ trên khắp thế giới có những đặc trưng căn bản giống nhau thì các cuộc chuyển đổi dân chủ lại thường khác nhau về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa và chính trị. Vì thế, phần lớn các nghiên cứu về vai trò của XHDS trong chuyển đổi dân chủ thường tập trung phân tích từng trường hợp cụ thể chứ không khái quát hóa thành một lý thuyết tổng quát. O’ Donnell và Schmitter và Václav Havel, là hai trường hợp hiếm hoi.
Mô hình Václav Havel đưa ra áp dụng chủ yếu cho các xã hội toàn trị cộng sản thời kỳ trước đổi mới. Theo ông, xã hội cộng sản tồn tại trong một không gian giả tạo được vẽ ra bởi ý thức hệ cộng sản và được bồi đắp bởi quá trình nhồi sọ lâu dài. Dần dần, những hoang tưởng này trở thành một giả-hiện thực trong khi chân lý bị vùi lấp. Václav Havel cho rằng mỗi khi có những cá nhân nhận ra bản chất thật của xã hội và dũng cảm nói lên sự thật thì cái không gian giả tạo này sẽ bị chọc thủng. Khi chân lý đến được với nhiều người cũng là lúc toàn bộ cái không gian giả-hiện thực cộng sản bị vỡ vụn. Những nghiên cứu sau này gọi đây là quá trình giải thực. Quá trình giải thực bóc trần bản chất thật của xã hội cộng sản và tạo thành bước tiến đầu tiên trong quá trình dân chủ hóa .
Quá trình giải thực có thể khởi động nhờ sự lên tiếng của các nhân vật kiệt suất, các nhà tư tưởng, các tu sĩ (trường hợp cộng hòa Czech và Ba Lan). Nó cũng có thể được khởi động nhờ quá trình cải cách kinh tế, đổi mới và mở cửa (trường hợp Việt Nam, Trung Quốc).
Theo O’ Donnel và Schmitter, khi công chúng không còn bị huyễn tưởng về sự cao siêu của lý tưởng cộng sản và sự ưu việt của nhà nước xã hội chủ nghĩa, thì quá trình tự do hóa không gian xã hội được khởi động. Những người vận động cho một không gian xã hội tự do hơn thường là các văn nghệ sĩ, nhà báo, giới luật sư, doanh gia, sinh viên. Những đòi hỏi được đưa ra thường là nới rộng các quyền được biểu đạt ý kiến, tư tưởng, quyền tự do sáng tạo, các đòi hỏi về xây dựng một xã hội thượng tôn luật pháp, một nhà nước tam quyền phân lập, một nền hành chính gọn nhẹ, hiệu quả và ít chịu sự tri phối của Đảng.
Các nhà vận động cho nhân quyền cũng là những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Sự trong sáng, vô vị lợi và các mục tiêu tranh đấu vì con người của họ thường đem lại cho các nhà tranh đấu này sức mạnh đạo đức, sự ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội, đồng thời biến họ thành những đối thủ đáng sợ của chính quyền.
Tuy vậy, O’ Donnel và Schmitter cho rằng thách thức lớn nhất đối với nhà cầm quyền trong giai đoạn tự do hóa này đến từ tầng lớp công nhân và lao động nghèo. Trong các quá trình cải tổ kinh tế và xã hội, đây là nhóm thường bị gạt ra lề và vì thế thường là nhóm có những đòi hỏi mạnh mẽ và dứt khoát nhất về các quyền lợi lao động, quyền hội họp, tổ chức công đoàn, quyền mặc cả tập thể và các vấn đề liên quan khác. Không ngạc nhiên là các chính quyền trong giai đoạn này thường để ý “chăm sóc” kỹ lưỡng các nhóm này và tìm cách đè bẹp các nỗ lực tự tổ chức của họ.
Quá trình tự do hóa không gian xã hội có diễn ra thuận lợi hay không tùy thuộc vào đặc điểm lịch sử- văn hóa của từng xã hội cũng như đối sách của chính quyền. Trong một số trường hợp Đông Âu trước đây như Cộng hòa Czech, Đông Đức và Hungary, mặc dù quá trình giải thực được khởi động, tự do hóa xã hội đã không diễn ra suông sẻ và vì thế các cuộc chuyển đổi dân chủ ở đây thành công là vì các lý do khác chứ không phải do sức ép từ bên dưới như ở Ba Lan hay các nước Mỹ Latinh.
Khi quá trình tự do hóa không gian xã hội diễn ra thuận lợi, nó thường là một quá trình không có điểm dừng cho tới khi thể chế chính trị của quốc gia được chuyển hẳn sang mô hình nhà nước dân chủ. Những đòi hỏi từ các nhóm xã hội ban đầu có thể chỉ dừng lại ở việc nới rộng các quyền trong khuôn khổ luật pháp có sẵn hoặc các vấn đề không động chạm trực tiếp tới các vấn đề chính trị nhạy cảm sẽ dần dần mở rộng sang các vấn đề chính trị cốt lõi và ngày càng thách thức quyền lực của nhà nước. Các phong trào khởi lên từ tầng lớp công nhân, lao động nghèo và các nhóm bị gạt ra lề khác sẽ ngày càng thu được động năng và có thể dẫn tới giai đoạn bùng nổ xã hội.
Theo O’ Donnel và Schmitter, trong giai đoạn bùng nổ xã hội, các phong trào grassroots, phong trào công nhân, các cuộc vận động tôn giáo, nhân quyền, cùng với các nhóm văn nghệ sĩ, trí thức, công chức tiến bộ có thể hợp lại và nhân danh “nhân dân” để cùng theo đuổi một mục đích là dân chủ hóa. Trong trường hợp chính quyền không đủ mạnh, hoặc không có sự thống nhất nội bộ, các cuộc bùng nổ xã hội thường dẫn tới sự thay đổi về thể chế chính trị. Tuy nhiên, không phải bao giờ bùng nổ xã hội cũng đưa đến sự sụp đổ của chính quyền (Nam Hàn, Indonesia, Thái Lan, Chile, Brazil). Giới cầm quyền có thể đáp trả bằng những phản ứng cứng rắn và nhấn chìm các cuộc đấu tranh của quần chúng trong biển máu (Miến Điện, Trung Quốc).
Cũng theo O’ Donnel và Schmitter, ở các xã hội mà quá trình tự do hóa được diễn ra lâu dài và thuận lợi thì khả năng bùng nổ xã hội sẽ ít hơn. Trong nhiều trường hợp giai đoạn tự do hóa diễn ra quá ngắn, sự bùng nổ xã hội có thể tạo ra những kỳ vọng thiếu thực tế, lãng mạn và sau đó thường dẫn tới các đổ vỡ, thất vọng khi phải đối mặt với hiện thực hậu chuyển đổi. Theo Thomas Goll, cả cộng hòa Czech và Ba Lan đều đã gặp phải vấn đề này.
XHDS ở Đông Âu và Liên Xô cũ
Trong giai đoạn chuyển đổi những năm 80, đặc điểm chung cơ bản nhất của các xã hội này là sự cai trị của Đảng cộng sản theo mô hình toàn trị. Mọi hình thức tự tổ chức của công chúng đều bị coi là sự thách thức đối với quyền lực của nhà nước tối cao và đều bị ngăn chặn/đàn áp. Trong một bối cảnh lịch sử lúc đó, các nhóm xã hội độc lập được hình thành trong giai đoạn này thường có khuynh hướng nhắm tới việc tác động lên chính quyền nhằm đòi hỏi các thay đổi về chính sách. Theo Weigle và Butterfield , các nhóm thường sử dụng các phương pháp bày tỏ lợi ích không thuộc hệ thống nhà nước như các cuộc biểu tình, tuần hành, và xuất bản ngầm. Ảnh hưởng của các chiến thuật như vậy đối với chính sách là rất thất thường. Nó phụ thuộc một phần vào nhận thức của giới lãnh đạo về khả năng bị tổn thương [của hệ thống]. Trong khi các lãnh đạo có thể quyết định thi thoảng nhượng bộ đôi chút, họ không bao giờ chịu đưa ra các nhượng bộ quan trọng hoặc chấp nhận hợp pháp hóa các nhóm xã hội độc lập cho đến khi họ gặp phải các cuộc khủng hoảng sâu sắc.
Weigle và Butterfield nhận thấy trong giai đoạn đầu, khi quyền lực nhà nước còn mạnh, các nhóm xã hội độc lập thường tránh không va chạm trực tiếp với nhà nước bằng cách đặt ra các mục tiêu tự giới hạn. Thí dụ, họ không theo đuổi các mục tiêu đe dọa sự lãnh đạo của Đảng. Cũng trong giai đoạn này, những mầm mống của XHDS có sống sót và lớn mạnh được hay không phụ thuộc nhiều vào các đặc điểm lịch sử – xã hội của từng nước cũng như chính sách của giới lãnh đạo cộng sản. Thí dụ XHDS đã phát triển tốt ở Ba Lan nhưng lại không mấy thành công ở Đông Đức hay Liên Xô. Trong trường hợp XHDS có điều kiện lớn mạnh như ở Ba Lan, các nhóm XHDS dần dần mở rộng các mục tiêu đấu tranh của mình, thách thức tính chính đáng của nhà nước cộng sản, đòi hỏi sự tồn tại của họ được thừa nhận về mặt pháp lý, và cuối cùng là đòi hỏi được tham gia vào quá trình ra quyết định xã hội. Phản ứng của các nhà nước toàn trị trong giai đoạn này thường là sự xen kẽ giữa đàn áp và nhượng bộ. Trong một vài trường hợp, XHDS đã lớn mạnh tới mức các phong trào xã hội khởi phát từ nó đã buộc chính quyền phải lùi bước (Ba Lan). Trong một số trường hợp khác, XHDS không phải là lý do trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước toàn trị (Đông Đức, Liên Xô).
XHDS ở Trung và Nam Mỹ
Cũng trong cùng thời kỳ 70s-80s, các chính thể độc tài quân sự tồn tại phổ biến ở Nam Mỹ. Tới khoảng cuối những năm 80s và đầu 90s, làn sóng dân chủ hóa đã lan tỏa khắp khu vực đưa hầu hết các quốc gia trong vùng trở thành các xã hội dân chủ. Về mặt bối cảnh phát triển XHDS, khác biệt có lẽ cơ bản nhất giữa Đông Âu và Nam Mỹ là: (1) các XHDS ở Đông Âu bị loại khỏi vòng pháp luật và bị đàn áp mạnh mẽ, trong khi các XHDS ở Nam Mỹ hoạt động trong môi trường mặc dù vẫn bị giới hạn nhưng đã tự do hơn nhiều, (2) các phong trào khởi lên ở Đông Âu đều là các phong trào đấu tranh hòa bình, trong khi ở Nam Mỹ có tồn tại cả các trào lưu đấu tranh hòa bình lẫn các phong trào đấu tranh du kích và các phong trào thân cộng sản .
Nếu tách riêng các phong trào dân sự hòa bình, phi cộng sản để nghiên cứu thì như Joe Foweraker viết, các phong trào này có thể chia thành 2 mảng: (1) hướng tới các đòi hỏi vật chất như phân phối kinh tế, dịch vụ công cộng hay an sinh xã hội, và (2) hướng tới các đòi hỏi về quyền chính trị và pháp lý (bình đẳng trước pháp luật, quyền đất đai, quyền lao động, quyền bỏ phiếu). Trong khi các phong trào thuộc mảng thứ nhất thường bị chính quyền dễ dàng hóa giải, chia rẽ và cô lập bằng cách ban phát các gói lợi ích hay ân sủng cho một số ít người, thì các phong trào thuộc mảng thứ 2 bền vững hơn nhiều vì các đòi hỏi của nó mang tính phổ quát và đồng nhất hơn. Chính mảng thứ 2 đã tạo nên một thách thức ngầm cho các chế độ độc tài trong giai đoạn này.
Các nghiên cứu về Brazil và Chile cho thấy những phong trào có nội dung chính trị (mảng 2) tăng dần cường độ và ảnh hưởng trong suốt giai đoạn độc tài. Ở Brazil, các đòi hỏi về chính trị đã lan tỏa nhanh chóng trong chiến dịch diretas já năm 1984 và đạt đến đỉnh điểm trong thời kỳ chuyển đổi từ quân sự sang dân sự hồi năm 1985. Ở Chile, các phong trào đấu tranh chính trị đã lấn át tất cả các mảng khác của XHDS tính từ những năm đầu 80 trở đi, đạt đến cực điểm trong những ngày đấu tranh toàn quốc năm 1984. Mặc dù có cùng một mẫu hình phát triển, ảnh hưởng thực sự của các phong trào này lên việc thay đổi chính sách ở Brazil và Chile lại rất khác nhau. Thí dụ ở Brazil, chính quyền đã phản ứng bằng cách nới lỏng từng bước các quyền công dân, trong khi đó ở Chile, các quyền này vẫn bị hạn chế cho đến khi có cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc năm 1988.
© Hoàng Việt
(1.2012)

No comments:

Post a Comment